Nhìn sâu hơn

Đôi khi bạn có thể thấy rất nhiều điều chỉ bằng một cái nhìn. Đây tất nhiên là một diễn đạt rất khéo, nhưng đáng buồn là, có lẽ gần như mọi chuyện lại trái ngược. Hầu như chúng ta nhìn rất nhiều mà chẳng thực sự thấy được bao nhiêu. Thấy có nhiều ý nghĩa hơn là có một thị lực tốt. Đôi mắt chúng ta có thể mở rộng nhưng chúng ta cũng có thể chỉ thấy được rất ít...

Nhìn sâu hơn

Đôi khi bạn có thể thấy rất nhiều điều chỉ bằng một cái nhìn. Đây là một trong những câu nói lừng danh của danh thủ bóng chày Yogi Berra. Đây tất nhiên là một diễn đạt rất khéo, nhưng đáng buồn là, có lẽ gần như mọi chuyện lại trái ngược. Hầu như chúng ta nhìn rất nhiều mà chẳng thực sự thấy được bao nhiêu. Thấy có nhiều ý nghĩa hơn là có một thị lực tốt. Đôi mắt chúng ta có thể mở rộng nhưng chúng ta cũng có thể chỉ thấy được rất ít.

Tôi luôn luôn suy ngẫm về hình ảnh thánh Phaolô trong Kinh Thánh nay sau khi ngài hoán cải. Chúng ta luôn cho rằng thánh Phaolô bị mù vì thị kiến mình thấy, nhưng, theo tôi, bản văn Kinh Thánh còn ngụ ý xa hơn nữa. Kinh Thánh viết rằng Phaolô bò dậy với đôi mắt mở to, nhưng không thấy gì. Điều này không nhất thiết phải là chứng mù thể lý. Có thể ngài thấy được về mặt thể lý, nhưng không thể thấy được ý nghĩa những gì trước mắt mình. Phải có người đến và mở mắt Phaolô, không phải chỉ để ngài lại có thể nhìn thấy về mặt thể lý, nhưng đặc biệt là ngài có thể thấy sâu hơn vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Nhìn thấy, thực sự thấy, mang nhiều nghĩa hơn là có đôi mắt lành lặn về thể lý và mở to. Chúng ta tất cả đều thấy vẻ ngoài của sự vật sự việc, nhưng cái bên trong ẩn dưới đó, thì không tự động mà thấy được.

Ví dụ như, chúng ta thấy điều này trong các phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần làm phép lạ chữa lành. Ngài chữa lành người què, người điếc, người câm, người cùi, và hai phụ nữ vì các lý do khác nhau mà không thể mang thai. Điều quan trọng phải thấy nơi những phép lạ khác nhau này, là hầu như luôn có có một sự gì đó cao hơn sự chữa lành thể xác. Chúa Giêsu đang chữa lành cho người ta theo một cách thâm sâu hơn, ngài đang chữa lành người què để họ có thể bước đi trong tự do và phụng sự Thiên Chúa. Ngài chữa lành người điếc để họ có thể nghe thấy Tin Mừng. Ngài chữa lành người câm để họ có thể mở miệng chúc tụng tôn vinh. Và Ngài chữa lành những người son sẻ để họ có thể đem sự sống mới sinh sôi.

Chúng ta thấy điều này gần như rất rõ ràng những khi Chúa Giêsu chữa lành những người mù. Ngài cho họ không chỉ là cái nhìn thể lý, ngài mở mắt họ để họ có thể nhìn sâu hơn. Nhưng đây chỉ là một hình tượng. Làm sao giải nghĩa cho thấu đáo đây? Làm sao ân sủng và giáo huấn của Chúa Giêsu giúp chúng ta nhìn một cách sâu sắc hơn đây? Tôi xin đưa ra một số gợi ý:

·  Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua những gì quen thuộc đến nhìn qua sự kinh ngạc kỳ vỹ.

G.K Chesterton từng khẳng định rằng sự quen thuộc là ảo ảnh lớn nhất và bí mật cuộc đời là học biết nhìn vào những gì quen thuộc cho đến khi chúng trở lại thành không quen thuộc. Chúng ta mở đôi mắt mình hướng đến chiều sâu khi mở lòng mình ra với kinh ngạc kỳ vỹ.

· Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua hoang tưởng và tự vệ đến nhìn qua sám hối và vun đắp.

Không ngẫu nhiên khi lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong các Phúc Âm tóm lược là từ ‘sám hối’ một từ đối lập với ‘hoang tưởng’. Chúng ta mở mắt mình ra hướng đến chiều sâu, khi chúng ta chuyển vần từ tư thế tự vệ đến một tư thế vun đắp.

· Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua sự ghen tỵ đến nhìn qua sự ngưỡng mộ.

Nhận thức của chúng ta trở nên méo mó bất kỳ lúc nào chúng ta đi từ trạng thái hạnh phúc của ngưỡng mộ đến trạng thái bất hạnh của ghen tỵ. Tầm nhìn của chúng ta được thoáng đãng rõ ràng khi chúng ta vui mừng trong ngưỡng mộ.

· Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua chua cay đến nhìn qua đôi mắt được thanh luyện và mềm dịu bởi thương tâm.

Cội rễ của chua cay là thương tích và cách để thoát khỏi chua cay là thương tâm. Nước mắt gột sạch tầm nhìn của chúng ta bởi nước mắt làm mềm đi trái tim bị chai cứng bởi tổn thương.

· Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua ảo tưởng và ái kỷ đến nhìn qua cảm kích và cầu nguyện.

Một trong những chuyển vần then chốt trong đời sống tâm linh của chúng ta là sự chuyển vần từ ảo tưởng sang cầu nguyện, một chuyển biến tận cùng giải thoát chúng ta khỏi mong muốn nén vào bản thân mình tất cả những gì đẹp đẽ, nhưng biết cảm kích vẻ đẹp vì chính nó mà thôi. Chúng ta chỉ có thể thấy và cảm kích vẻ đẹp khi ngừng ham muốn nó.

· Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua tính toán đến nhìn qua sự chiêm ngắm.

Khát khao muốn được có vị thế khiến chúng ta nhìn ra thế giới với đôi mắt khắc khoải, bất mãn. Chúng ta chỉ biết để tâm và thấy được sự phong phú của thời khắc hiện tại khi sự bất an trong chúng ta được xoa dịu làm thinh bởi cô tịch.

· Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua giận dữ đến nhìn qua sự tha thứ.

Không một điều gì làm hoen ố tầm nhìn của chúng ta cho bằng cơn giận. Nó là thứ bệnh gây suy nhược nhất với mọi nhãn cầu. Và không điều gì tẩy sạch tầm nhìn của chúng ta cho bằng tha thứ. Không một ai mang ác cảm trong lòng mà lại nhìn cho công thẳng được.

· Bằng cách chuyển vần đôi mắt mình từ nhìn qua dục vọng và thèm khát đến nhìn qua lòng biết ơn.

Dục vọng và thèm khát bóp méo cái nhìn của chúng ta. Lòng biết ơn phục hồi cái nhìn đó. Lòng biết ơn cho cái nhìn thấu suốt. Người có lòng biết ơn nhất mà bạn biết, có cái nhìn tốt nhất về tất cả những người mà bạn biết.

“Tình yêu là đôi mắt!” Vậy nên, lời khôn ngoan này của các nhà thần nghiệm trung cổ, có lẽ nên được thêm vào tự điển y khoa về khoa đo thị lực hiện thời. Nhìn sao cho thẳng, cho đúng, cho thật, có nhiều chiều kích hơn chúng ta thường tưởng.

RonRolheiser, OMI

(ronrolheiser.com)