TRẢI NGHIỆM
Ngày 19 vừa qua, tôi đã được trải nghiệm những giờ phút thật ý nghĩa và đầy xúc động khi tham gia chuyến hành trình cùng các Sr. Phan Sinh đi thăm các bệnh nhân Nhi ở bệnh viện Ung Bướu II Q2, TP.HCM là chi nhánh 2 của Bệnh Viện Ung Bướu Bình Thạnh. Tôi cảm thấy thích thú khi ngồi trên xe và mường tượng ra nơi mà mình sắp đến. Tôi tự hỏi liệu nơi đây có giống như những nơi mà trước đây tôi đã từng đến hay không? Nhưng mọi sự thật bất ngờ và mới lạ đối với tôi.
Khi vừa bước chân vào cổng bệnh viện, tôi không khỏi ngạc nhiên vì nó khác với những gì mà tôi đã vẽ ra trong đầu vài giờ trước đây khi đang ngồi trên xe. Bệnh viện này không giống các bệnh viện lớn ở TP.HCM, nó nằm trong con hẻm nhỏ của Quận 2, ở đây không ồn ào, không đông đúc, môi trường thoáng đãng, không khí im ắng, rất ít người qua lại. Sau khi Sr. Anna Tạo liên hệ với nhân viên phòng Quản Trị Hành Chánh, một chú bảo vệ dẫn nhóm chúng tôi lên lầu 1 thăm các bệnh nhân Nhi. Vì đây là cơ sở mới nên bệnh nhân ở đây rất ít, 1 phòng bệnh chỉ khoảng 3 đến 4 bệnh nhân, các em rất thoải mái khi mỗi em nằm một giường không phải chen chúc nhau. Tuy cơ sở vật chất đầy đủ nhưng rất ít cha mẹ muốn đưa con mình về đây vì là vùng sâu vùng xa, ít người đến thăm. Họ chấp nhận ở chật chội, chấp nhận ngủ ngồi, ngủ ngoài hành lang của Bệnh viện Ung Bướu Bình Thạnh, vì lúc này đây và hơn bao giờ hết họ đang rất cần đến sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.
Là bệnh nhân Nhi nên các em luôn có một người lớn bên cạnh chăm sóc. Hằn trên những khuôn mặt ấy là sự mệt mỏi, bơ phờ, lo lắng đến mất ăn mất ngủ… vì bệnh tật của con có còn hy vọng không? Để có tiền đóng viện phí cho con, bao nhiêu tiền trong nhà đã vét hết từ những món đồ có giá trị, đến đất đai, vườn tược cũng lần lượt ra đi. Khi không còn gì nữa thì con mình sẽ ra sao đây? Tương lai của họ thật quá mờ mịt phải không? Mặc dù vậy tôi vẫn thấy nơi họ một nghị lực phi thường, không bỏ cuộc, không thôi hy vọng. Nó xuất phát từ tình phụ-mẫu-tử.
Đây là lần đầu tiên đến nơi này nên trong tôi vẫn có sự e ngại, cảm giác rụt rè không dám tiếp xúc với các em. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các Sr, tôi đã dẹp bỏ được những bận tâm và can đảm bước đến gần để chia sẻ với từng bệnh nhân và người nhà của các em ở đây. Bước vào các phòng bệnh, tôi bắt gặp các bệnh nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhỏ nhất chỉ vài tháng tuổi mà thôi. Điều làm tôi bị sốc nhất đó là khi nhìn thấy những em bé trong hình hài bị biến dạng từ gương mặt đến hình thể, mà nguyên nhân không gì khác hơn chính là căn bệnh ung thư quái ác, nó đã cướp đi một phần tuổi thơ đẹp đẽ của các em. Có nhiều em phải múc bỏ mắt, cưa đi 1 chân của mình … vì sợ bị di căn qua các bộ phận khác trên cơ thể.
Không chút suy nghĩ, tôi mạnh dạn bước đến bên giường bệnh của một bé được coi là nhỏ tuổi nhất, em chỉ mới 12 tháng tuổi nhưng đã mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Trò chuyện với mẹ bé tôi được biết bé là con thứ 2 trong gia đình, cuộc sống trở nên chật vật hơn khi phát hiện ra bệnh của con. Nhìn hình hài gầy gò, xanh xao của em làm tôi không khỏi xót xa. Em chào đón tôi với nụ cười thiên thần, nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ. Trong khi đó, người mẹ trẻ nhìn con, lâu lâu lại đưa tay lên lau hai hàng nước mắt. Em mắc phải căn bệnh ung thư máu, hằng ngày phải vào hóa trị, với mức chi phí khá đắt đỏ. Đôi bàn tay nhỏ bé xinh xinh, bây giờ chỉ còn là nắm da bọc xương. Tôi hiểu được phần nào nỗi lòng của người mẹ trẻ khi nhìn đứa con nhỏ đau đớn vì căn bệnh hành hạ nhưng bất lực, cảm giác đau đớn thật khó tả. Tôi thương họ, nhưng biết bản thân không làm được gì ngoài lời cầu nguyện.
Trong khi những đứa trẻ đồng trang lứa đang chơi đùa vui vẻ ngoài kia, còn các em ở đây đang bị những cơn đau hành hạ, dày vò của từ ngày này qua ngày khác. Nhìn các em mà tim tôi cũng nhói đau. Với các em bệnh viện là nhà, lớn lên cùng thuốc men, thậm chí có em tuổi đời xấp xỉ bằng thời gian ở bệnh viện. Khi nhận được món quà tuy nhỏ chỉ là một bịch Snack, vài hộp sữa nhỏ và một chút tiền… thì các em vui sướng lắm, cười hoài không thôi và miệng cứ ríu rít tiếng cảm ơn. Có thể đối với chúng ta những thứ đó không là gì, nhưng đối với các em và ba mẹ các em đó lại là niềm vui hết sức to lớn và quý giá. Các em còn quá nhỏ để ý thức về căn bệnh của mình, không biết là mình đang đứng giữ ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết nên vẫn vô tư, hồn nhiên, ngây thơ cười đùa … Trong khi đó cha mẹ chúng thì ngày ngày nhìn con vật vã đau đớn vì căn bệnh quái ác mà đau thắt hết ruột gan. Họ ước gì mình có thể chịu đựng thay cho con.
Dù khổ sở, đau đớn là vậy nhưng họ vẫn luôn tươi cười, dành những lời yêu thương nhất cho đứa con của mình, để chúng có thêm tinh thần vượt qua từng ngày, có thêm nghị lực đấu tranh với bệnh tật. Đặc biệt họ cũng được an ủi phần nào khi ngày ngày vẫn có những tấm lòng hảo tâm, biết đồng cảm với nỗi đau, sự thiếu thốn mà họ đang cưu mang. Những phần cơm, những bịch trái cây, lon nước ngọt, hộp sữa ... đã làm cho họ ấm lòng, cảm được cái tình giữa con người với nhau cho dù chưa từng một lần gặp mặt.
Người làm cho tôi ấn tượng nhất là chị Quyên. Một người phụ nữ trung niên đã lập gia đình và có hai con. Hàng ngày chị cũng phải bươn chải với cuộc sống, kiếm kế sinh nhai để nuôi sống gia đình cùng hai con đang đi học. Mặc dù vất vả là vậy nhưng chị vẫn trích một phần để chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Sau khi từ chợ về, chị và một số người bà con thân thích cùng nhau nấu cơm để các em bệnh nhi và gia đình có bữa cơm chiều. Không chỉ dừng ở đó chị còn có mối tương quan rất thân tình với các em và gia đình các em, chị biết rõ từng em bị bệnh gì, hoàn cảnh gia đình ra sao, thậm chí chị còn biết các em thích ăn gì, chơi gì. Chỉ cần một ngày chị không lên thăm các em thôi là các em đã nhắc chị rồi.
Một lần chị nói với tôi: “Lâu lâu mà không lên với các em tự nhiên cũng thấy nhớ nhớ”. Chị coi các em như con mình vậy. Cám ơn Chúa vì đã cho tôi gặp một con người quảng đại như chị. Tôi tin chắc rằng chị đã truyền ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa nhiệt tình, không chỉ cho riêng tôi mà nhiều người khác nữa, những người đã có cơ hội gặp chị, biết những công việc chị đang dấn thân. Ngọn lửa tình yêu đó còn được thể hiện qua những người đồng cảnh ngộ, là giữa gia đình các bệnh nhi với nhau. Mặc dù ở rất nhiều nơi trên đất nước quy tụ về, nhưng hình như họ không xa lạ, không sống độc lập. Tôi cảm nhận đây là một gia đình chứ không phải bệnh viện như người ta thường nói. Nhìn cách họ quan tâm, giúp đỡ, an ủi nhau, tôi học được nơi họ bài học của sự yêu thương, sẵn sàng đón nhận những đau thương, mất mát mà vẫn lạc quan và khao khát đấu tranh dành lại sự sống cho những đứa con thân yêu của họ .
Chuyến thăm bệnh nhân Ung Bướu ở quận 2 đã cho tôi nhiều bài học quý giá. Dù chỉ là vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi cũng đủ để làm nóng lên con tim vô cảm, xua tan sự băng giá, ích kỷ trong tôi để biết đi ra đến với người khác, biết sống sẻ chia với người khác, những người mà tôi đã từng xa lánh, thờ ơ với họ. Bên cạnh đó tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn hơn biết bao trẻ em khác nơi đây để từ đó nỗ lực sống tốt hơn mỗi ngày. Một lần nữa tôi vô cùng biết ơn các Sr đã tạo điều kiện để tôi có chuyến đi đầy ý nghĩa này.
(Minh Ngọc - lớp Giáo Lý Vào Đời, Nhà thờ Thánh Tâm)