Bà cụ bán xôi mê học tiếng Anh

Đam mê tiếng Anh, không muốn thua kém cháu chắt và để tự tin hơn lúc đi du lịch nước ngoài, bà Lan học ngoại ngữ 7 năm qua. Hồi ấy thấy bà tới trung tâm xin học, nhân viên bảo vệ ngạc nhiên ngỡ bà đến đăng ký cho cháu. "Cậu bảo vệ thắc mắc 'bà già thế cần gì học tiếng Anh'. Tôi nói, biết thêm một ngoại ngữ nữa chả thích sao?"...

Bà cụ bán xôi mê học tiếng Anh

76 tuổi, bà Tô Diệu Lan (Hàng Giấy, Hà Nội) vẫn miệt mài học tiếng Anh, đi bơi hàng ngày và tranh thủ luyện chữ đẹp. Bà cụ ước nếu còn trẻ sẽ đi làm giúp việc cho người nước ngoài hoặc ra hồ Gươm luyện tập ngoại ngữ.
ban-xoi-1-2581-1385009220.jpg

Hàng ngày ra bán xôi, bà cụ luôn mang theo máy ghi âm và vở ghi từ mới, làm bài tập. Bà bảo vừa bán hàng vừa tranh thủ nghe tiếng Anh để nhớ từ mới. Ảnh: Bình Minh.

Nhanh nhẹn và vui tính, bà cụ vừa thoăn thoắt đơm xôi cho khách vừa trả lời họ bằng tiếng Anh. Thấy bà Lan đã lớn tuổi lại biết ngoại ngữ, vị khách thích thú hỏi lại giá tiền bằng tiếng Anh để kiểm tra. "Twenty five thousand Vietnam dong (25.000 đồng)", nghe bà Lan đáp tự tin, chàng trai thoáng bất ngờ bái phục. Lúc khách về, bà cụ không quên thực hành câu chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Vãn khách, bà Lan nhét tai nghe cắm vào máy ghi âm để học bài. Vừa nghe, bà vừa phát âm theo giọng đọc mẫu của người cháu đang dạy ở trung tâm tiếng Anh. Vở bài tập đầy từ mới ghi bằng nét chữ nắn nót đặt trên đùi để bà thỉnh thoảng liếc qua ôn các cấu trúc cơ bản. Từ nào khó đọc, bà ghi phiên âm tiếng Việt sang bên cạnh cho dễ nhớ. Hành trang mang theo ra quán xôi của bà Lan không thể thiếu máy ghi âm, vở hay iPad.

Đam mê tiếng Anh, không muốn thua kém cháu chắt và để tự tin hơn lúc đi du lịch nước ngoài, bà Lan học ngoại ngữ 7 năm qua. Hồi ấy thấy bà tới trung tâm xin học, nhân viên bảo vệ ngạc nhiên ngỡ bà đến đăng ký cho cháu.

"Cậu bảo vệ thắc mắc 'bà già thế cần gì học tiếng Anh'. Tôi nói, biết thêm một ngoại ngữ nữa chả thích sao. Nhà vệ sinh ở sân bay, nhìn biển man, woman không biết mà vào nhầm thì nhục. Gặp người nước ngoài hỏi đường, mình chỉ cho họ, có phải lịch sự và hãnh diện không?", bà Lan giải thích.

ban-xoi-2-6783-1385009220.jpg

Bà Lan đọc lưu loát những mẫu cấu trúc trong vở cho khách nghe. Ngồi bán xôi nhưng trông thấy vật gì, bà lại liên tưởng ngay ra từ tiếng Anh. Ảnh: Bình Minh.

Ngày đó, lớp có tới 20 học viên, chủ yếu là thanh niên, bà lớn tuổi nhất. Được vài buổi, số người học vơi dần, cuối cùng chỉ còn 4-5 học viên trong đó có bà Lan. Có hôm, lớp chỉ mình bà lọm khọm ngồi viết, thầy giáo đành ghép học sinh lớn tuổi này sang lớp khác. Theo được 3 tháng, người em chở bà đi học bận, bà cụ lại bị ốm nên đành ở nhà. Mãi tới tháng 5 năm ngoái, sức khỏe đã khá hơn, bà đi học lại cho đến nay.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà chủ hàng xôi cho hay mỗi ngày học 5 từ, thu âm cách đọc vào máy ghi âm để thỉnh thoảng ôn luyện. "Mới đầu học cũng khó vì thầy nói nhanh nhưng mình cố gắng nhập tâm là được. Ra đường thấy cái nhà thì nhớ ngay từ house, màu trắng là white, màu vàng yellow, ôtô - car hay dog là con chó. Vào bệnh viện cũng vậy, trông thấy bác sĩ hay y tá thì hình dung ngay xem là từ gì", bà Lan nói.

ban-xoi-3-9005-1385009221.jpg

76 tuổi, bà Lan vẫn quyết tâm học tiếng Anh đến khi nào có thể giao tiếp thành thạo với người nước ngoài. Ảnh: Bình Minh.

Chưa học các kỹ năng, bà mới chỉ thuộc chữ cái sau đó ghép từ. Hiện tại, bà Lan bắt đầu làm bài tập, viết đoạn văn tả ngôi nhà, gia đình có bao nhiêu người hoặc trong nhà có những đồ vật gì. Thầy giáo cho học từ, câu rồi bắt viết đi viết lại vài trang, nghe, nhắc lại, viết ra giấy. Có hôm, thầy giao bài tập về nhà, bà mê đến mức ngồi cặm cụi viết từ đêm tới sáng mà không hay biết.

Lý giải cho đam mê của mình, bà Lan cho biết, ngày còn nhỏ đã thích tiếng Anh nhưng gia đình đông con, không có điều kiện học. Sau này lấy chồng rồi làm ở cửa hàng lương thực, bà được đi học bổ túc. Bà Lan khoe, lúc còn sống bố của bà biết 4 thứ tiếng và từng làm quan ở Nam Định. Khi mất, ông vẫn còn cầm quyển sách trên tay. Tính ham học của bố đã ngấm vào bà từ đó.

"Đứa chắt mới 3 tuổi đi học mẫu giáo đã được cô dạy tiếng Anh, mình chẳng nhẽ không học được như nó. Chắt về hỏi mà mình không biết để hướng dẫn cũng ngượng. Sau này chắt lớn lên nói chuyện với cụ chả vui à", bà Lan vui vẻ nói.

Khi chưa tiếng biết Anh, bà Lan đưa máy tính để báo giá cho người nước ngoài mỗi khi họ vào quán ăn xôi, giờ thì bà có thể giao tiếp với khách. Để chứng minh cho khả năng ngoại ngữ của mình, bà Lan miêu tả tình huống mấy vị khách ngoại quốc vào quán rồi ngó nghiêng. Trong trường hợp này, bà sẽ chào "hello" rồi mời ngồi "please sit down" và hỏi xem họ cần gì "can I help you". Chỉ vào những đĩa thức ăn bày trên bàn, bà Lan minh họa, "egg" là trứng, "meat" là thịt còn "chicken" gà.

Nhận mình có trí nhớ tốt nên không chỉ tiếng Anh, bà còn có thể nói được chút tiếng Pháp và tiếng Trung. Bà cụ khoe, cháu nội từng đi du học, con dâu và các chắt cũng giỏi tiếng Anh nên chỗ nào không biết, bà lại hỏi. Thỉnh thoảng cuối tuần ra chợ đêm chơi, đi đường gặp khách nước ngoài, bà cụ cũng chủ động nói chuyện để thực hành tiếng.

Đi bơi và luyện chữ đẹp cũng là niềm vui của bà. Bị bệnh xương khớp, 28 năm qua bà Lan đều đặn bơi 1.000 m mỗi ngày. Nhờ vậy, bà cảm thấy sức khỏe cải thiện và chân bớt đau. Trước đây, không được học nhiều nên chữ xấu, giờ bà quyết đi rèn chữ. Sau khóa 10 ngày, bà sung sướng khi chữ của mình đã "ra hồn".

Nhắc tới mẹ, con dâu bà Lan tâm sự, cả gia đình đều ủng hộ khi biết bà thích học tiếng Anh và luyện chữ đẹp. Việc bà đam mê học tập là tấm gương cho các cháu, chắt trong nhà noi theo. Chiều ý mẹ, các con còn trang bị đầy đủ thiết bị giúp bà học tốt hơn. Lúc bà mới học, con mua kim từ điển, easy talk rồi iPad và laptop. Sau thấy mẹ ham quá, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe, họ phải giấu bớt laptop đi.

Bình Minh

Học trò 13 tuổi chèo thuyền nan đưa các bạn đi học

'Những hôm mưa gió, chúng em mặc áo mưa, đứa chèo, đứa tát nước cho thuyền khỏi chìm', cậu bé Lê Viết Văn chia sẻ. Mới học lớp 7, Văn đã có kinh nghiệm 5 năm đưa các bạn qua đoạn đường dài 3 km.

Vừa tan trường, hàng chục học sinh xã vùng cao Xuân Thái (Như Thanh, Thanh Hóa) ùa ra bến đò ven hồ Sông Mực. Ở đó, 4 chiếc thuyền nan neo đậu sẵn sàng đưa những học trò vượt hồ rộng mênh mông về nhà. Gọi là bến đò, nhưng không có người đưa sang mà các em phải tự chèo. Những chiếc thuyền mỏng, đan từ nan tre mà người dân dùng đánh cá, giờ trở thành phương tiện để nhiều học sinh nơi đây đi tìm con chữ.

13.jpg

Cậu học trò Lê Viết Văn học lớp 7 tự tin chèo thuyền cùng các bạn tới lớp. Ảnh: Hoàng Phương.

Xắn quần cao quá đầu gối cho khỏi ướt, cậu học trò Lê Viết Văn lội xuống nước rồi neo chiếc thuyền nan lại gần bờ để các bạn lần lượt bước lên. Con thuyền chòng chành, lắc lư một lúc, đến khi các em ngồi yên mới hết chao đảo. Văn ngồi đầu mũi thuyền với chiếc mái chèo dài quá đầu người trên tay. Chiếc thuyền nhỏ lướt trên mặt hồ có chỗ sâu cả chục mét. Ngồi trên thuyền, các em kể cho nhau nghe chuyện trường lớp và cười đùa râm ran. Thi thoảng còn có em nghịch, khỏa nước mạn thuyền chơi.

Cậu học trò lớp 7, người mảnh khảnh, được bạn bè goi là "rái cá hồ Sông Mực" bởi Văn bơi lội cừ khôi và biết chèo thuyền đi học từ năm lớp 3. Nhà em ở thôn Lùm Lau (làng Lúng), như một ốc đảo nổi lên giữa sông nước. Không có đường đi, hơn chục học sinh cấp một, cấp hai trong thôn đều phải đi thuyền nan mới đến được trường.

"Những hôm đẹp trời, không ngược gió thì đi về nhà nhanh lắm, vượt hơn 3 km mặt hồ chỉ mất khoảng một tiếng. Nhưng hôm nào mưa to gió lớn thì phải đi từ hơn 5h sáng. Chúng em mặc áo mưa, đứa chèo, đứa tát nước cho thuyền khỏi chìm. Mưa to quá thì chờ cho ngớt mới dám đi", Văn kể chuyện.

Học sinh nơi đây, tuổi lên 9, lên 10 đã là những tay chèo thuyền cừ khôi. Em Bùi Thị Trang, nhà ở thôn Ao Ràng cách trường hơn 4 km. Trang bảo, thuyền nhỏ nhưng em không sợ vì từ bé em đã được làm quen với sông nước. Hồi Trang 8 tuổi, mỗi lần bố mẹ đi đánh cá đều cho cô bé đi theo. Khi Trang đi học, bố mẹ em chỉ phải đưa đón thời gian đầu, sau này Trang tự đi. Cô học trò lớp 9 còn đưa hai em học lớp hai và lớp sáu đi cùng. "Đi đường nhựa xa quá, chúng em lại không có xe đạp nên chọn cách đi qua hồ cho nhanh", Trang cho biết.

Tháng 11, khi thủy điện tích nước cho sản xuất, vùng này  ngập nặng. Nước dâng cao lên đến nửa cột điện, ngập lên tận thềm nhà người dân. Khi đó, quãng đường chèo thuyền của các em lại càng dài và nguy hiểm hơn nữa.

thuyen2-4357-1384777486.jpg

Gần chục học sinh tiểu học ngồi chênh vênh trên những chiếc thuyền nan thường được người dân dùng đánh cá trên sông. Các em hoàn toàn không có áo phao hay đồ bảo hộ. Ảnh: Hoàng Phương.

Con đường đến trường qua nhiều đập tràn, hoặc đường xấu, vòng vèo xa hơn 5-7 km nên các em chọn cách bơi thuyền cho nhanh. Có những học sinh ở cách trường 14 km như thôn Thanh Xuân, không phải đi thuyền đò nhưng lại phải qua bốn đập tràn xả lũ. Những hôm trời mưa to, nước chảy xiết, việc đi học qua đây rất khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Hà, Hiệu phó trường Xuân Thái, tâm sự, người lớn lần đầu tiên ngồi trên những chiếc thuyền nan còn run, không dám thở mạnh vì sợ lỡ rơi xuống nước. Các thầy cô muốn đến thăm học trò cũng phải nhờ người bản địa chèo thuyền.

4.jpg

Giữa mênh mông sóng nước, những học sinh ngày ngày giao phó tính mạng cho thủy thần. Ảnh: Hoàng Phương.

Trường THCS Xuân Thái có 191 học sinh, có 70 em đi học xa trên 7 km được vào ở khu nhà bán trú. Số còn lại vẫn phải chèo thuyền đi học hoặc về đường xa. Nhà trường muốn đưa số học sinh này vào ở bán trú để các em đỡ phải đi lại vất vả nhưng chưa được.

Khu nhà bán trú được tỉnh đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng, bàn giao năm 2010 gồm 10 phòng bán trú nhưng chỉ có 3 phòng được sử dụng. Các phòng còn lại không có giường, nhiều hôm học sinh phải rải chiếu xuống đất để nằm. Nhà trường đành bàn với phụ huynh gửi học sinh ra trọ ở dân. Những học sinh nhà ven hồ cách trường dưới 7 km muốn vào bán trú cũng không có chỗ ở.

"Nhà trường và chính quyền xã nhiều lần vận động các em đi học bằng đường bộ nhưng không có kết quả. Được vài hôm lại thấy các em đi thuyền nan bởi đã quen với sông nước và việc đi qua hồ Sông Mực là con đường ngắn nhất để đến trường. Năm 2008, trường được tặng 100 áo phao, phát gần hết cho các em nhưng học sinh hầu như không mặc mà để ở nhà", thầy Ngô Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Hoàng Phương

Theo VNExpress