VÀI CHIA SẺ - CẢM NHẬN VỀ KHOÁ SABBATICAL TẠI MỸ - NĂM 2013

Là nữ tu Phan Sinh, chúng ta được gọi để sống đời hiến dâng trong suốt cuộc đời. Lời khấn Dòng mang tính dứt khoát và toàn diện: Tôi hiến dâng đời sống tôi cho Giáo Hội và cho sứ mạng cứu độ thế giới. Sứ mạng hiến dâng này phải là và trở thành một trạng thái liên lỷ như tấm bánh bẻ ra cho thế giới trong sự hiệp nhất với sứ mạng nhập thể và vượt qua của Chúa Kitô (Phi, 2, 5-11).

VÀI CHIA SẺ - CẢM NHẬN VỀ KHOÁ SABBATICAL TẠI MỸ - NĂM 2013

Trong tiến trình nhằm đào sâu và nội tâm hoá Đoàn sủng của Hội Dòng để những ân huệ Hội Dòng đã lãnh nhận qua Mẹ Marie de la Passion ngày càng biểu lộ rõ nét hơn; hằng năm Hội Dòng tạo điều kiện và tổ chức những khoá về nguồn cho chị em FMM. Tạ ơn Chúa đã ban phép và cám ơn chị Anne Marie Lý đã tạo điều kiện cho em được tham dự Khoá Về Nguồn 2013 tổ chức tại Mỹ. Sau đây em xin chia sẻ với chị em vài tâm tình của khoá Về Nguồn này.

FMMs khóa Về NGuồn 2013 tại TD Mỹ

Trước hết, nhóm các chị đồng hành gồm 5 chị: Alma Dufault (Cựu BTTQ), Elizabeth Ann Coneyers, Barbara Dopierala, Mary Motte và Kuniko Kajikawa (TD Nhật). Cộng thêm hai chị phụ trách nhà Bethany (nhà dành cho chị em về nguồn và các khoá hội họp trong Tỉnh Dòng): Elimia và Yvette.

Khoá Sabbatical năm nay có 9 FMMs thuộc 8 quốc tịch: Colombia, Malta, Philippine, Pakistan, Poland, Ireland, India và Việt Nam. Đa số các chị đến từ các miền truyền giáo và đã sống sứ vụ nơi miền truyền giáo lâu năm nên có rất nhiều kinh nghiệm sống ơn gọi và đoàn sủng của Hội Dòng.

Chương trình bắt đầu từ đầu tháng 7 và kết thúc vào giữa tháng 8, được chia làm hai giai đoạn:

Giai đoạn một là thời gian chị em gặp gỡ, trao đổi, giúp nhau nhìn lại lối sống đoàn sủng trong môi trường sống và sứ vụ truyền giáo của mình. Giai đoạn hai dành để chị em nội tâm hoá đoàn sủng Hội Dòng.

Một Trái Tim, Một Tâm Hồn

Đề tài đầu tiên đưa chị em bước vào giao lộ sa mạc và đất hứa là công việc của người thợ gốm, trong tay với chiếc bình đất cũ kỹ, bị xói mòn bởi thời gian, hôm nay cần bàn tay khéo léo của ông để chiếc bình sành ngày càng thêm hữu dụng.

Phần chiếc bình, tuy nó rất hãnh diện về vị trí được ở trong nhà người thợ gốm, ngày ngày hiện diện bên ông; song nó cũng ý thức sự rách nát, sứt mẻ của bản thân, không còn nét duyên dáng và tinh tuyền như thuở xưa vì sự bào mòn của thời gian. Thế nên, nó ước ao và sẵn sàng chấp nhận nằm trong tay người thợ gốm, dám để ông làm theo ý ông muốn; tuy nhiên, khi người thợ gốm đưa cái búa lên cao và giáng xuống những cú đập mạnh mẽ để chiếc bình chỉ còn là nắm đất bụi thì chiếc bình không thể chịu đựng được đã thét lên những tiếng kêu la đau đớn. Người thợ gốm nghe những tiếng kêu gào ấy nhưng ông vẫn không ngần ngại đập vỡ chiếc bình ra, đến khi nó chẳng còn hình thù của chiếc bình nữa mà chỉ còn là nắm đất sét trong tay ông, bấy giờ ông nhào nắn, xây đi đắp lại, sửa đi sửa lại… Dù đôi khi rất đau đớn nhưng nắm đất sét tin tưởng vào khả năng đầy sáng tạo của ông với một sự phó thác hoàn toàn. Nó hy vọng, một ngày không xa, nó sẽ được tái tạo trở thành một chiếc bình đẹp nhất, mang lại nhiều ích lợi cho bản thân và cho đời.

Sau thời gian miệt mài trong kiên nhẫn của niềm mê say, ông đã nắn ra một chiếc bình mới đẹp hơn, gọn gàng hơn, đường nét sắc sảo hơn.

Như nắm đất trong tay Thợ Gốm

 

Hành trình tiếp tục mời gọi chị em bước vào trong những thách đố qua những “dấu chỉ của thời đại”. Như Đức Kitô, Đấng mà mỗi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ cam kết bước theo vết chân Ngài, mỗi chúng ta tự nguyện đi vào con đường nhập thể và nhập thế với Ngài (Phi. 2). Con đường này mời gọi chị em nhìn thẳng vào thực trạng của giáo hội, của hội dòng và của thế giới hôm nay cũng như của bản thân mình; chúng ta không thể trốn chạy hay tránh né những thực tại đang xảy ra quanh ta và mời gọi ta cùng bước vào và đồng hành cùng anh em nhân loại. Đây là con đường đầy thách đố cho mỗi chúng ta. Chúng ta cần phải tìm ra con đường mới như là lời đáp trả tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa luôn kêu mời chúng ta đi vào trong tương lai của đời mình qua những dấu chỉ của thời đại khoa học, kỹ thuật và những biến đổi xoay chiều trong xã hội của thế giới hôm nay. Trong tình yêu, Thiên Chúa bao giờ cũng là sự mới mẻ cho con người khám phá ra Ngài; chúng ta biết rằng mọi tạo thành vẫn còn đang trong tiến trình bộc lộ và trải rộng ý định yêu thương của Thiên Chúa.

Từ những gợi ý lột bỏ, đập nát bản thân cách tự nguyện trong tự do; một lần nữa chị em được mời gọi giũ bỏ tất cả những cái nhìn theo truyền thống, những lối mòn trong tư tưởng để chị em dần đi vào những cốt lõi của đoàn sủng hội dòng. Làm thế nào để đoàn sủng được đâm sâu và trào vọt ra cách sống động qua lối sống; đồng thời tái khai phá con đường tháp nhập mới phù hợp hơn với thời đại hôm nay.

Với ơn gọi thờ phượng Thánh Thể và sống Bí tích Thánh Thể phải là một trạng thái về sự hiện diện liên lỷ của Chúa Kitô trong đời sống và trải dài trong suốt cuộc đời chúng ta. Thánh Thể - một cuộc cử hành – một sự hiện diện – một lối sống… Điều cốt lõi trong bí tích này nhấn mạnh: Giao ước, sự dâng hiến và lời cam kết của chúng ta với Thiên Chúa luôn được tái tạo, luôn được “làm mới lại” mỗi khi chúng ta tham dự vào cuộc cử hành Thánh Thể, Thiên Chúa tình yêu luôn đong đầy trong ta cuộc sống thần linh với Ngài[1].

Phụng vụ Thánh Thể mạc khải trọn vẹn về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hoàn toàn tự hiến, tự huỷ ra không. Điều này nhắc chị em nhớ lại Tổng Tu Nghị 2008 đã kêu mời chúng ta sống MẦU NHIỆM TỰ HUỶ CỦA CHÚA KITÔ.

Trong chiều kích Thánh Mẫu của Đoàn sủng, chị em được mời gọi sống thái độ của Đức Maria trong Tin Mừng. Mẹ Maria là một trong 4 khuôn mặt tông đồ nổi bật của Hội Thánh được ghi chép lại trong Thánh Kinh; Mẹ là nhân chứng tuyệt hảo và trọn vẹn trong Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa. Thêm vào đó chúng ta cũng nhận diện chiều kích nhân loại học và thần học của Đức Maria trong đời sống của một FMM. Chính trong những cái nhìn này giúp chị em nhận diện được sứ mạng ơn gọi là thừa sai của Đức Maria, như Mẹ chúng ta hãy để cho Lời Thiên Chúa tiếp tục nhập thể trong và qua cuộc sống hằng ngày như những môn đệ trung tín của Đức Kitô.

Một chiều kích khác không kém phần quan trọng trong đời sống nữ tu FMM, đó là linh đạo Phan Sinh Nghèo Khó mà Marie de la Passion đã lãnh nhận khi Mẹ vừa được 21 tuổi đời tại Đan viện Thánh Clara, Nantes. Từ đó, mặc cho giòng đời đẩy đưa, con thuyền của Hội Dòng đã được Thiên Chúa cột chặt vào cây đại thụ Phan Sinh năm 1882. Trải qua bao miệt mài trong thao thức và kiếm tìm để tinh thần sống Phúc âm trong đơn sơ, hèn mọn, vui tươi của Cha Thánh Phanxicô luôn thấm đẫm trong từng chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hôm nay và ngày mai.             

Thêm vào đó là ơn gọi sống đời sống cộng đoàn mang sắc thái đa sắc tộc, đa văn hoá, đa ngôn ngữ. Chứng tá ngôn sứ trong sứ mạng cộng đoàn quốc tế đã được Marie de la Passion phác hoạ từ lúc Dòng khai sinh là dấu chỉ của một Nước Trời mai sau mà Chúa Giêsu đã loan báo … “Ai nghe và giữ Lời Thiên Chúa là anh chị em và là mẹ Ta” (Mc 3, 35).

Là nữ tu Phan Sinh, chúng ta được gọi để sống đời hiến dâng trong suốt cuộc đời. Lời khấn Dòng mang tính dứt khoát và toàn diện: Tôi hiến dâng đời sống tôi cho Giáo Hội và cho sứ mạng cứu độ thế giới. Sứ mạng hiến dâng này phải là và trở thành một trạng thái liên lỷ như tấm bánh bẻ ra cho thế giới trong sự hiệp nhất với sứ mạng nhập thể và vượt qua của Chúa Kitô (Phi, 2, 5-11).

Sau cùng với sứ mạng truyền giáo phổ quát, chúng ta được mời gọi sống thái độ sẵn sàng trong tiếng Ecce và Fiat của Ngôi Lời Thiên Chúa và những lời này đã được lặp lại nơi Đức Maria khi Mẹ sẵn sàng đón nhận Ngôi Hai Nhập Thể trong cung lòng Mẹ. Mẹ Sáng Lập đã viết: Là Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, chúng ta được kêu gọi gieo vãi sự bình an, tình yêu thương và chân lý cho thế giới hôm nay.

Tất cả đã phải bị đập vỡ ra và có lúc cùng nhau, có lúc riêng tư, cùng với người thợ gốm tài ba, chị em đi vào trong tận đáy lòng mình để xem – xét, sau cùng để ông tự do nhào nắn thành chiếc bình mới cho ơn gọi và sứ mạng phục vụ hôm nay.

Khoá về nguồn 2013 tại Mỹ đã khép lại sau hơn hai tuần chị em được hướng dẫn đi vào thế giới nội tâm thâm sâu riêng tư để lòng kề lòng, Chúa nói nhỏ vào tận đáy tâm hồn những gì Chúa muốn… Tất cả là hồng ân đã được lãnh nhận từ nguồn sung mãn không bao giờ vơi cạn của Thiên Chúa. Từ đây, mỗi người sẽ tiếp tục bước đi trong hành trình sống ơn gọi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ với tâm tình mới, với thái độ mới; những trải nghiệm trong tháng ngày qua chắc chắn mỗi chị em sẽ ý thức và yêu mến hơn Đoàn sủng của Hội dòng; cũng như sẽ nỗ lực hơn để ơn gọi và Đoàn sủng của Hội dòng ngày càng đâm rễ sâu và phát triển nơi môi trường sống của mỗi một FMM như Marie de la Passion hằng mong ước: “Tôi ước ao có những tiểu đoàn nữ chiến sĩ mạnh mẽ, đầy khí phách, tôi muốn truyền lại cho chị em điều tôi cảm thấy trong thâm sâu cõi lòng…” (Giáo huấn của MSL, 17/9/1899).

Maria Đặng Hoàng, fmm

 

[1] Vì những lý do này Công Đồng Vatican đã diễn tả thánh lễ như là “nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống người Kitô hữu”