Ngay trong ngày con tự do nói lên lời cam kết với Đấng con chọn đi theo, con được nhận bài sai về Thành Phố để học Thần Học, đây là sự khác thường, vì theo truyền thống, sau khi khấn lần đầu, các tân khấn sinh được sai đến các Cộng Đoàn để chia sẻ đời sống thừa sai một năm, sau đó mới về học Thần Học. Nhưng năm nay vì có một số lý do đặc biệt, nên có sự thay đổi. Đây là điều con không muốn, vì thật sự con thấy mình không phải là kẻ sinh ra để học hành, hơn nữa con vẫn còn rất cổ hủ, cứ nghĩ rằng đi tu không cần phải học nhiều, miễn sao tu tốt là được. Chính vì những lý do đó mà việc đi học là cả một thách đố đối với con, nhất là khi con vừa trải qua 2 năm Nhà Tập chỉ “ăn với học” về nhiều lãnh vực khác nhau đã làm con thấy mệt mỏi. Thật ra con muốn có một năm gián đoạn, sau đó học hành tiếp thì sẽ đỡ oải hơn, nhưng biết làm sao được, con vừa mới hứa với Chúa xong, không lẽ con lại thất trung bất tín ngay từ lúc khởi đầu?
Có thể nói, mỗi người đều có một mục đích khác nhau trong khi quyết định chọn cho mình một “trường học”, có thể là học văn hóa, học nghề, học để trở nên ông này bà kia…, và chính mỗi mục đích này nó góp phần quyết định cho thái độ học tập của mỗi người. Riêng đối với bản thân con, khi mới bước vào môi trường học viện, con luôn mang một tâm trạng không mấy hứng thú trong việc học hành, con đã phải đưa ra câu tâm niệm “khi nào mình không có cái gì mình thích, thì mình nên thích cái gì mình có”[1] và từ đó con tập để yêu mến việc học hành, bên cạnh đó con cũng nghĩ tới những em nhỏ muốn được đi học nhưng không có cơ hội, điều này cũng góp phần thúc đẩy con nỗ lực hơn trong học tập, và dần dần con đã bớt đi những cảm giác tiêu cực trong khi trao dồi tri thức. Con tập ý thức rằng bàn học của mình là nơi “sát tế”, con xin Chúa ban ơn giúp sức cho con để con chu toàn sứ vụ này, mỗi khi đạp xe tới trường, con luôn xin Chúa đồng hành với con, và con hình dung trường học là đền thờ, nơi đó con gặp Chúa trong mọi người, nơi đó con dâng lễ tế hy sinh là ý riêng của con. Những ngày đầu con phải chạm trán với nhiều điều “bất ngờ”, có lẽ vì con là người nguyên tắc, nên thấy người khác nói chuyện trong giờ học là khó chịu. Nhất là tình trạng quay cóp trong khi làm bài, con không thể hiểu nổi tại sao điều này lại có thể xảy ra trong môi trường tu sĩ. Rồi cả những bất công (không đi học mà cũng có điểm danh, một số thành viên khi làm việc nhóm không có trách nhiệm…). Con nhận thấy rằng khi làm việc chung, con phải tập rất nhiều về việc lấy ý kiến chung, hoặc trong khi trao đổi vấn đề chung trong lớp, con rất khó chịu khi câu trả lời con vừa đưa ra là giáo sư bắt con dừng lại để cho người khác tiếp tục dựa trên đó triển khai. Khi làm việc nhóm, có lúc mọi người chẳng chịu đóng góp ý kiến, nhóm có trên dưới 10 người mà chỉ có 2 người cho ý kiến. Hoặc sau khi thuyết trình, có những câu hỏi của lớp, con đã có câu trả lời nhưng lại có một người khác giơ tay xin trả lời, tự nhiên lúc đó trong lòng con không muốn nhường cơ hội này cho người khác, nhưng cuối cùng con vẫn phải làm. Có thể nói qua những điều đó, đôi khi con có cảm giác mình đang bơi với việc học hành, con không biết làm sao để áp dụng được lời khuyên: “hãy làm những gì bạn thích và thích những gì bạn đang làm, bạn sẽ không bao giờ có thêm một ngày nặng nhọc trong đời bạn”[2].
Tuy nhiên, sau một thời gian chứng kiến những điều đó, con quyết tâm không để nó ảnh hưởng trên mình, nhưng biết rút ra bài học từ đó, con tự hứa với lòng mình, con sẽ cố gắng không để mình rơi vào những tình trạng đó. Điều này làm cho con nhớ đến câu nói: “Sống để học đi, rồi bạn sẽ học được cách sống”[3]. Quả thật là như vậy, tại môi trường này, hơn bao giờ hết, con thấy mình học được rất nhiều, không chỉ là kiến thức của các giáo sư truyền đạt lại, nhưng còn có rất nhiều bài học từ những thành viên trong lớp, hầu như mỗi người đều cho con những bài học “quý giá”. Con nhận thấy rằng qua việc học hành tiếp xúc với nhiều người, thuộc nhiều linh đạo Dòng Tu khác nhau đã cho con có cái nhìn phong phú hơn về niềm tin và cách thể hiện niềm tin của mỗi người. Con cũng nhận ra được giá trị của những thành công, thất bại trong cuộc sống.
Trước đây việc học của con chỉ mang nặng tính lý thuyết, thu gom rất nhiều kiến thức rồi đem cất kỹ trong kho, không hoặc rất ít khi đưa những gì đã học đem ứng dụng vào thực tế, có thể nói hơn lúc nào hết, chính khi con học thần học, con mới chú trọng đến việc cân bằng giữa học và hành. Khi ngồi trên ghế của học viện, con đã nỗ lực hết mình để lĩnh hội những gì giáo sư truyền đạt, và cố gắng biến nó thành của mình, để sau đó đem vào ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày của mình, từ việc giúp giáo lý cho các em nhỏ, tới những công việc chung của cộng đoàn, và cả trong các hoạt động riêng tư lớn nhỏ của mình nữa. Con nhận ra rằng, học thần học không để thấy Chúa ở trên cao, nhưng để thấy Chúa hiện diện trong mọi sự, cả trong những việc nhỏ bé bình thường nữa.
Mỗi ngày sống con luôn ý thức để ý tận dụng tất cả những gì mình đã lãnh hội được để đưa vào cuộc sống, ngay cả lúc con học, con cũng có thể tập cho mình có được sự từ bỏ, không để mình bị áp lực bởi những thành quả cao, con tạ ơn Chúa vô cùng vì các chị không có đòi hỏi thành quả, nhưng chỉ mời gọi hãy cố gắng với khả năng của mình, điểm cao hay thấp không quan trọng. Tuy nhiên, lúc đầu con cũng bị rơi vào tình trạng “phấn đấu vượt trội”, nhưng khi được học biết về tâm lý, con nhận thấy điều này không tốt nên đã quyết tâm thay đổi quan điểm, con tập để làm việc hết mình, còn kết quả ra sao dâng cho Chúa, tuy nhiên con vẫn còn nguyên những cảm xúc của một con người, đó là khi đạt điểm cao thì vui lắm, nhưng khi điểm không cao mấy thì hơi buồn, nhưng không đến nỗi “đau” như trước kia.
Con hết lòng tạ ơn Chúa đã ban cho con ơn “hiện sủng” trong thời gian học, con nhận thấy việc học của con không đến nỗi khó khăn lắm. Đối với bản thân con, cho dù con không yêu mến việc học lắm, nhưng một khi đã bắt tay vào bất cứ công việc gì, con đều xả thân hết tình, hết mình, chính những hăng say này đã giúp con có nghị lực hơn trong khi thực hành những công việc được cộng đoàn trao phó.
Khấn Tạm FMM.