Chiếm Ngắm Đức Giê-su Với Thánh Phaolo

Có người cho rằng không thánh nhân nào mà không có quá khứ, không tội nhân nào lại không có tương lai. Điều quan trọng là chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời của ta.

Tân Ước không cho chúng ta một bức chân dung duy nhất về Đức Giêsu, vì con người của Đức Giêsu quá phong phú. Chúng ta có thể nhận ra điều này sau câu hỏi của Đức Giêsu: “Người ta nói Thầy là ai? Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8, 27- 28). Điều này cho thấy, Đức Giêsu thì chỉ là một, hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi như vậy, nhưng mỗi người lại có cảm nhận về Ngài khác nhau khởi đi từ bản chất, cuộc sống, và thời đại của mình.

Trong đời sống hằng ngày, có lẽ chúng ta nên để cho câu hỏi của Đức Giêsu “Còn con, con bảo Thầy là ai?” vang lên chất vấn chúng ta, để chúng ta có cơ hội nhắc nhớ lại câu trả lời của mình,và từ đó điều chỉnh cách suy nghĩ, lời nói và cách hành xử của chúng ta.

Thánh Phao lô đã khẳng định rằng: “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2, 2). Tư tưởng này đã gợi lên cho mỗi người kitô hữu ý thức lại việc mình bước theo Đức Giêsu, một con người hoàn toàn tự hủy, sống vâng phục Thiên Chúa như trong thư gửi giáo đoàn Phi-líp-phê đã viết:

“Đức Giêsu Kitô
Vốn dĩ là Thiên Chúa
Mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
Địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
Mặc lấy thân nô lệ,
Trở nên giống phàm nhân
Sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
Vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
Chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6- 8).

Thật khó có thể nhận ra được việc kỳ diệu Thiên Chúa làm, vì phần lớn con người hay đi tìm những gì cao sang, giá trị vật chất: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1, 22- 25).

Trong đời sống dâng hiến, nhiều khi chúng ta dễ rơi vào tình trạng của Phaolô trước khi trở lại, luôn bám chặt vào lề luật, cách sống này dễ đưa chúng ta tới chỗ dựa trên luật để đánh giá mình, hoặc dựa vào luật để xét đoán anh chị em. Và như thế chúng ta sẽ đi chệch hướng như Phaolô trước kia. Kẻ mà Phaolô nghĩ là bị Thiên Chúa nguyền rủa, vì đã bị quyền bính tôn giáo và lề luật kết án, lại xuất hiện trước mắt ngài như Đấng được Thiên Chúa tôn vinh. Đồng thời khi chúng ta quá chú trọng đến luật lệ, chúng ta sẽ dễ trở thành những con người cứng cỏi, khó mở ra với Thiên Chúa và tha nhân. Thấy hành động của người này người kia không giống mình là dễ rơi vào khuynh hướng loại trừ họ.

 Chúng ta cần phải noi gương thánh Phaolô, hãy để Chúa biến đổi con người chúng ta mỗi ngày, đặc biệt xin Ngài mở mắt cho chúng ta nhận ra đường lối mà Chúa muốn chúng ta theo, và nhất là phải biết hoán cải không ngừng, quyết tâm từ bỏ những gì đi ngược lại với ý Chúa.

  Điều chắc chắn là Phaolô đã không biết Đức Giêsu trong cuộc sống trần thế của Người. Ngay từ buổi đầu Phaolô đã gặp Người như Đấng phục sinh vinh hiển, như Đức Chúa. Chúng ta cũng cần sống niềm tin vào Thiên Chúa, tin rằng Ngài luôn ở bên cạnh chúng ta, luôn hướng dẫn chúng ta trong ánh sáng của Ngài, nhất là những lúc chúng ta lầm đường lạc lối. Thiên Chúa chẳng bao giờ chịu thua con người, Ngài luôn tìm cách tiếp cận với con người, Ngài tỏ mình ra cho con người, và không ngừng yêu thương kêu gọi con người bước theo Ngài trên con đường khổ giá, để từ đó nhận được ơn cứu độ Ngài ban “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).

 Có người cho rằng không thánh nhân nào mà không có quá khứ, không tội nhân nào lại không có tương lai. Điều quan trọng là chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời của ta. Chúng ta nên sống dưới cái nhìn đầy yêu thương của Chúa, để từ đó chúng ta nhìn anh chị em mình với ánh mắt cảm thông, để có thể nhìn thấy Chúa trong cuộc đời.

 Đức Kitô vẫn là một mầu nhiệm không ngừng mở ra và lớn mãi trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta phải luôn xác tín rằng: “Đức Kitô là Thiên Chúa của chúng ta” Ngài không hề thay đổi, nhưng qua từng biến cố trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta lại khám phá ra những nét mới nơi con người Ngài.

Khấn Tạm FMM.