SỨ VỤ GIẢNG DẠY GIÁO LÝ

Thi hành sứ vụ vừa là ơn gọi phổ quát cho giáo dân vừa là đặc sủng cho tu sĩ. Qua cuộc sống của chúng ta mọi người nhận ra Chúa. Như chân phước Marie de la Passion đã giáo huấn cho các tu sĩ là con cái ngài “Chị em hãy bước đi như một cuốn Tin Mừng sống động”.

Đời sống thánh hiến là theo sát hơn dấu chân Đức Kitô. Như vậy cũng có nghĩa là chúng ta thực hiện sứ vụ của mình một cách mãnh liệt hơn. Chúng ta không chỉ rao giảng nhưng làm chứng cho một nước Trời đang hiện diện qua cung cách và lối sống của chúng ta. Thi hành sứ vụ vừa là ơn gọi phổ quát cho giáo dân vừa là đặc sủng cho tu sĩ. Qua cuộc sống của chúng ta mọi người nhận ra Chúa. Như chân phước Marie de la Passion đã giáo huấn cho các tu sĩ là con cái ngài “Chị em hãy bước đi như một cuốn Tin Mừng sống động”. Cả cuộc đời Đức Giêsu là Tin Mừng sống động. Ngài đã nhập thể và bước vào một dân tộc, một tôn giáo, một nền văn hóa cụ thể chứ không nằm trên ý niệm của con người. Thế kỷ hôm nay cũng đang cần những con người như là hiện thân của Đức Kitô. Đặc biệt đối với tu sĩ luôn được mời gọi trở nên Kitô và sinh ra Chúa Kitô cho anh em đồng loại mình. Và “Sứ mạng khẩn cấp hơn trong thế kỷ 21 vì trong một thế giới của toàn cầu hóa sự nghèo khổ, tôn giáo bạo động và sự đánh giá cao văn hóa địa phương và những truyền thống không được phổ biến, cái nhìn và thực hành (praxis) của Đức Giê-su có thể đem đến sự chữa lành và ánh sáng mới”[1].

Trong thế kỉ 21 đòi hỏi một lối dấn thân không còn coi mình là cái rốn của vũ trụ hoặc coi mình là nhà khai sáng để đem ánh sáng Tin Mừng nhưng với những thực trạng trên đòi hỏi tôi phải dấn thân bằng cả con người hiện sinh của mình: bằng lý trí, ý chí và con tim. Đây cũng là điều tôi trăn trở và mong ước mình thực hiện tốt nhất sứ vụ Dạy Giáo Lý cho các em nhỏ. Là một người trẻ, sau khi đã được đào tạo ở môi trường sư phạm tôi thấy mình rất tự tin để bước vào công việc giảng dạy và hơn nữa giảng dạy giáo lý cho các em nhỏ đối với  tôi không thấy có gì khó khăn. Tuy nhiên, sự việc lại ngược lại so với những dự định của tôi. Tôi đã từng chuẩn bị rất kĩ những kiến thức về thiên Chúa, về các nhân đức. Song càng dạy tôi càng thấy mình chẳng hiểu gì về Chúa và các em có lẽ cũng chỉ thấy Chúa theo “công thức” tôi đưa ra mà thôi. Tôi đã áp dụng những ngón nghề sư phạm của mình: giáo án thật chu đáo, đồ dùng trực quan, phương pháp giảng dạy lấy trò làm trung tâm…Tôi hoàn toàn không thấy mình thành công trong cách sư phạm đúng bài vở của mình. Thế rồi tôi đã có giờ nhìn lại mình và tôi nói với Chúa: Chúa ơi, con thực sự bó tay, con không biết cách nào tốt nhất cho các em? Đối lại lời tôi chỉ là một sự thinh lặng vô tận. Tôi vẫn cầu nguyện nhưng đáp lại vẫn chỉ là một sự thinh lặng vô biên. Thế rồi tôi đã thấy một luồng ánh sáng thực sự qua sự thinh lặng ấy. Trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại cụm từ “thinh lặng”. Đúng thế, tôi sẽ áp dụng cách thinh lặng với các em. Quả là tôi đã nói thao thao bất tuyệt về Chúa, tôi cứ nói say sưa như thể chưa bao giờ được nói còn các em cứ trố  mắt ra nhìn, căng tai để nghe đồng thời các em cũng được thực hành các hoạt động trên lớp. Làm như thế có khác gì các lớp văn hóa ở bên ngoài? Tôi đã tự hỏi mình câu hỏi này. Vậy tôi phải làm gì? Thinh lặng hai từ này lại lặp lại trong trí tôi. Đúng rồi, thinh lặng để tạo khoảng trống để tạo không gian cho Chúa làm việc. Tôi đã bắt tay vào việc. Trước hết là giảng thật ngắn gọn những gì cần thiết và tôi để thời gian quan tâm đến các em nhiều hơn, cho các em có cơ hội nói về chính mình, nói về chính việc thực hành đức tin của các em trong ngày sống và cũng chính qua việc này mà tôi có một sự tiếp cận mới trong đời sống của các em. Các em cũng có cơ hội chia sẻ cuộc sống của mình cho các bạn và cho tôi nghe. Tôi đọc Kinh Thánh và thấy rằng Đức Giêsu không bao giờ tách con người ra khỏi hoàn cảnh sống của họ. Việc Đức Giêsu quan tâm không phải là ngài đã làm được những gì nhưng là việc chữa lành tâm hồn con người đang tha thiết mong được cứu chữa.

Tôi cũng đã vận dụng những cách sư phạm để quan tâm đến các em cá biệt trong lớp nhưng hiệu quả cũng không là bao. Đôi lúc tôi còn cảm thấy rất khó chịu và bực mình với thái độ của các em. Tôi chỉ còn có chiêu bài cuối cùng là nói hết với Chúa nhất là trước lúc đi dạy tôi luôn nói với Chúa “Xin cho con một tâm hồn hiền dịu” và tôi cũng luôn lặp lại câu của Thánh Giacôbê tông đồ “mau nghe, đừng vội nói và khoan giận” (Gc 1, 19). Tôi phải coi lại cách dạy của mình. Khi học thần học sứ vụ tôi mới thấy mình còn thiếu sót rất nhiều trong công việc giảng dạy của mình. Tôi đã áp dụng mô hình thần học loại A khá nhiều. Trong thời gian này khi học Thần học sứ vụ và cùng tham gia công việc giảng dạy giáo lý tôi đã thấy vai trò quan trọng của mình khi thực thi sứ vụ. Khi tôi thấy được giá trị của công việc mình làm cũng đòi buộc tôi phải thay đổi cách thế thực hiện sao cho xứng với những gì mình đã  lãnh nhận. Có lẽ một món quà quý giá nhất đối với tôi trong năm nay khi tham gia công tác giảng dạy giáo lý là giúp một em học sinh cá biệt. Những ngày đầu tôi rất khó chịu với em. Em quậy phá chọc bạn bè, không chịu học hành, lúc nào cũng đeo khư khư cái cặp trên lưng. Dầu bất kể nói cách nào em cũng không chịu rời khỏi cái cặp của mình. Đang giờ học em sẵn sàng chạy ra khỏi lớp. Có những lúc tôi bực đến phát khóc vì em. Tôi đã thử đủ mọi cách: nhẹ nhàng, nghiêm khắc và gặp phụ huynh cũng đều vô hiệu nghiệm. Tôi nghĩ có lẽ mình phải buông thôi vì nó lấy nhiều năng lực của mình quá. Nhưng mỗi khi cầu nguyện tôi lại thấy không thể. Hàng ngày tôi chiêm ngắm Đức Kitô tự hủy trong tấm bánh nhỏ trắng tinh. Tôi tôn thờ tôi phủ phục và có khi tôi ngấy ngất trong giờ chầu Thánh Thể. Còn thực tế đời sống của tôi: một Giêsu thực sự sống động trước mặt tôi. Tôi có đủ khiêm nhường mà nhận ra Ngài? Tôi có khiêm tốn để cúi xuống rửa chân cho Ngài? Hay chỉ những em nào thật sự dễ thương mới là hình ảnh của Ngài? Thế rồi tôi quyết định đến với em trong sự khiêm tốn. Tôi quan tâm đến em hơn và thân thiện hơn từ cách nắm tay rồi đến những lời khuyến khích em mỗi khi em làm được bất kì điều gì tốt. Ví dụ khen em khi em đọc kinh lớn tiếng, khuyến khích em khi em trả lời…Và cứ như vậy tình thân của em với tôi ngày càng tăng lên. Tôi cũng thấy sứ vụ của mình có một ý nghĩa mới và rất hấp dẫn tôi. Tôi không còn hoàn toàn thực hiện trong nguyên tắc của mình nhưng là sự linh động của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của tôi. Điều quan trọng hơn khi thực hiện sứ vụ, tôi có được kinh nghiệm về cách các em nhìn một vị Thiên Chúa qua chính người dạy của mình. Tôi thể hiện khuôn mặt Thiên Chúa như thế nào? Một Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc nâng đỡ, tha thứ hay một Thiên Chúa chỉ trên giấy tờ sách vở và sự nghiêm khắc? Tôi đã biết mình phải chọn gì khi thực thi sứ vụ của mình.

Tạ ơn Chúa. Đúng là mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Chúa như lời Thánh Phaolo. Giờ đây tôi thấy rất hạnh phúc trong sứ vụ của mình. Tôi không phủ nhận những khó khăn nhưng chính nó lại góp phần cho tôi trong tăng thêm mối tương quan với Thiên Chúa và cũng qua đó để tôi cảm thông với những người yếu đuối hơn tôi. Tôi sống và thực thi sứ vụ không phải chỉ vì trách nhiệm nhưng sâu xa hơn là thể hiện căn tính của tôi bắt nguồn từ hình ảnh của Thiên Chúa. Ngài phản chiếu chân thiện mĩ và Ngài cũng mời gọi tôi bước vào tham dự nó như là một món quà của tình yêu nhưng không để tôi chuyển trao cho các em nhỏ đang cần tình yêu.

KHẤN TẠM FMM.


[1] Constants in Context: A theology of Mission Today