Đối diện với sự dữ, đau khổ, không phải một mình Kitô giáo, nhưng dường như là tất cả các tôn giáo khác, chỉ khác ở cách đối diện với vấn đề đó. Đối với Phật giáo thì đau khổ là do cố bám, do muốn chiếm hữu một cái gì đó - của cải, sức khỏe, sự sống, hay chính cái bản ngã. Khi chúng ta loại bỏ được những điều đó thì chúng ta giác ngộ, hoàn toàn siêu thoát. Còn đối với Kitô giáo, huyền nhiệm đau khổ và sự dữ không đơn giản như vậy. Vì trước hết sự dữ là một thực tại đặt ra cho mỗi cá nhân và gây đau khổ bất chấp xu hướng bên trong của cá nhân ấy như thế nào. Thứ hai là con người với sự hiểu biết, tập luyện và công trạng của chính mình thì không thể tự giải thoát mình. Vì vậy đối với người Kitô hữu phải cậy nhờ vào Thiên Chúa thì chúng ta mới được cứu độ, dĩ nhiên Thiên Chúa cũng mời gọi ta cộng tác vào công trình đó. Như thánh Augustino đã nói: “Khi Thiên Chúa dựng nên ban, Ngài không cần hỏi ý kiến bạn. Nhưng để cứu rỗi bạn, Ngài cần sự cộng tác của bạn.”
Vậy nguyên nhân bởi đâu? Từ Thiên Chúa là điều không thể bởi vì Thiên Chúa là Đấng thiện hảo, nên sự dữ không thể xuất phát từ Người. Bằng chứng là chính cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu trên thập giá là một nỗi đớn đau tột cùng mà chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ là tác giả. Và chính nơi đó quyền năng Thiên Chúa lại được tỏ lộ khi Người biến tội ác và đau khổ thành nguồn ơn cứu độ cho chúng ta. Mặt khác cái chết đó cũng đã tố cáo con người về sự dữ do mình gây ra. Bởi vì Thiên Chúa quá yêu thương con người nên Người ban cho con người món quà quí nhất đó là sự tự do. Con người đã lạm dụng tự do của mình để chọn lựa điều dữ thay vì sự thiện. Và trong con người chúng ta luôn luôn có một xung đột giữa lý trí, ý chí, dục vọng: "điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thi tôi lại cứ làm"(x. Rm 7, 15). Kierkegaard gọi tình trạng đó là định mạng của con người, khi ông nói: “định mạng con người là sống sự khắc khoải âu lo trước cái chết và tội lỗi”. Còn Augustino nói đó là do hậu quả của “ tội nguyên tổ” và tội đó được truyền lại cho con cháu qua truyền sinh. Tuy rằng câu trả lời của Augusutino chưa phải là một giải pháp tận căn của vấn đề bởi vì đó vẫn luôn là một huyền nhiệm đối với con người, nhưng một phần nào giúp chúng ta giải thích được rằng tại sao mọi người lại phạm tội, tại sao lý trí trở nên mờ tối và ý chí trở nên yếu nhược, tại sao các dục vọng lung lạc cả lý trí lẫn ý chí, và tại sao thế giới này ở trong một tình trạng thảm thương như vậy.
Trong bài này ta không quá nhấn mạnh tình trạng của con người trong tội cũng như hậu quả của nó. Nhưng trong tình trạng đó, con người được cứu rỗi không và bằng cách nào? Trước tiên chúng ta cậy dựa và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa vì dầu chúng ta có chết do sa ngã, Người cũng cho chúng ta được sống lại với Đức Kitô nhờ ân sủng của Người (x. Ep 2, 4-6), chỉ cần chúng ta đón nhận tình yêu của Người như Karl Rahner đã nói: “Đón nhận Ngài trong sự hiểu biết và tự do với tất cả lòng thành, chúng ta khám phá ra chính bản thân mình. Hạnh phúc và ơn cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào sự quãng đại này.” Còn Bernard J.F. Lonergan thì khẳng định chúng ta có được ơn cứu độ khi chúng ta biết trở về, biết hoán cải: “Ta chỉ có thể đạt tới đời sống đích thực, sung mãn ngang qua hoán cải”.
Tóm lại chúng ta nhìn nhận thân phận con người luôn có xu hướng nghiêng chiều về tội, nhưng chúng ta không mất niềm hy vọng tận sâu thẳm trong trái tim mình đó là có một Người Cha Nhân Hậu luôn luôn và mãi mãi chờ mình trở về để phục hồi địa vị làm con yêu dấu, trao nhẫn, mặc áo đẹp và mở tiệc ăn mừng. Và con người dù có ác độc, mất nhân tính đến đâu vẫn luôn luôn là hình ảnh Thiên Chúa, khao khát TÌNH YÊU đích thực và với ơn Chúa giúp con người có khả năng hoán cải và thay đổi đời sống của mình. Là một tu sĩ tôi càng cảm nhận được điều này: “ không phải nhờ hình phạt và luật lệ mà ta có thể hoán cải nhưng chính khi đối diện với Tình Yêu ta mới có thể được biến đổi.”. Đó là một ân huệ cho chính mình, đồng thời cũng là một lời mời gọi trao ban cho người khác một cơ hội. Đồng thời tôi mỗi ngày tôi càng khám phá ra rằng, đời sống thánh hiến không phải là tôi cố gắng để yêu Chúa, nhưng là để cho Thiên Chúa yêu mình một cách mãnh liệt để cả con người của tôi và trái tim tôi thắm đượm tình yêu rồi hãy để tình yêu thúc bách tôi làm gì thì làm.
KHẤN TẠM FMM