Có lẽ tuổi thơ của những đứa trẻ ở vùng quê, luôn gắn liền với những kỷ niệm êm đềm của một cuộc sống thanh bình, thơ mộng. Với thời tiết bốn mùa nối tiếp nhau, mang theo những nét đặc trưng của từng mùa, mùa Xuân ngắm nhìn trăm hoa kheo sắc, mùa Hạ bơi lội dưới dòng sông, mùa Thu ngồi chờ trăng lên, thi nhau đếm sao trên bầu trời, và mùa Đông thì quây quần bên bếp lửa hồng, cùng với rất nhiều điều thú vị khác nữa.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trời Bắc Việt, một làng quê nhỏ bé nghèo nàn, được bao bọc bởi con sông Đáy, sau lưng là núi, trước mặt là cánh đồng trải dài vô tận, nên việc ngắm nhìn trời mây sông núi là một thú vui có vẻ rất đơn sơ, nhưng cũng rất lãng mạn đối với tôi hồi nhỏ. Nhất là những đêm hè trăng sao đầy trời, tôi leo lên sân thượng nằm đó ngắm trăng và đếm sao, cho dù chẳng bao giờ đếm hết. Càng về khuya, tôi càng có cảm giác dễ chịu, thoải mái, tôi rất thích bầu khí lặng lẽ thanh bình ban đêm, chẳng một tiếng ồn, chẳng phải lo toan vất vả với công kia việc nọ. Tôi như được chìm sâu vào ánh sáng dịu hiền, êm ái của Vầng Trăng. Nhưng tất cả những điều đó cũng chỉ là những kỷ niệm đẹp của một thời để nhớ, một thời để quên, cho đến khi có một biến cố làm thay đổi cuộc đời tôi, và biến cố đó liên quan đến Vầng Trăng.
Tôi là hoa trái đầu mùa của Bố Mẹ, nên được Bố Mẹ chăm sóc chu đáo, và dành tất cả tình thương cho tôi. Nhưng tôi lại là đứa con gầy gò, ốm yếu, có lần bệnh nặng dở sống dở chết, khi nghe bố kể lại chuyện này, tôi không có cảm nhận gì về cái khổ khi chiến đấu với căn bệnh, nhưng có một điều đã khắc ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí tôi, đó chính là hình ảnh của bố lặng lẽ ngồi cầu nguyện bên bờ ao, mỗi khi có ánh sáng của Vầng Trăng in bóng trên mặt nước, không biết Trăng non Trăng già đồng hành với Bố bao nhiêu lần? tôi chỉ biết một điều Bố đã rất kiên nhẫn trong lời cầu nguyện.Thật khó mà quên được cảnh tượng này, giữa đêm khuya thanh vắng, tất cả đều đi vào sự thinh lặng của giấc ngủ, thế mà Bố vẫn thức cùng ánh Trăng để giãi bày tâm sự, và Vầng Trăng kia có hiểu nổi tâm trạng của Bố lúc này không? Nó đâu có nói gì, Nó quá im lặng, nhưng sự im lặng của Bố sau mỗi lần cầu nguyện có lẽ còn kinh khủng hơn, bởi vì Bố đang mong chờ một điều gì đó có thể xảy ra cho tôi. Bố nói rằng cứ nửa đêm, Bố ra bờ ao ngồi cầu nguyện, lúc nào cũng chỉ xin hai điều: “ Một là cho con khỏi bệnh, hai là nếu Chúa không chữa lành con thì Ngài hãy gọi con về với Ngài để con bớt khổ, vì Bố không đủ can đảm nhìn thấy con phải dành giật với tử thần kinh khủng như vậy. Bố nói rằng thà đau một lần vì con ra đi còn hơn thấy con cứ ở trong tình trạng đau khổ mãi như vậy, và Bố có hứa với Chúa rằng nếu Chúa chữa con khỏi bệnh, Bố sẽ dâng con cho Chúa”. Và rồi Chúa đã dành một thời gian dài để thử thách lòng kiên nhẫn của Bố, cuối cùng Bố đã được điều Bố xin, Chúa đã cho tôi gặp thầy gặp thuốc, và tôi đã được khỏi bệnh, lúc đó tôi khoảng mười tuổi. Nhưng lời Bố hứa với Chúa hình như đã đi vào quên lãng, cho tới khi tôi khoảng mười lăm tuổi, lúc đó tôi đã xin Bố cho tôi đi học lại để đi tu, vì tôi mới học hết lớp năm đã nghỉ. Bố Mẹ phản đối kịch liệt vì hai lý do chính: “con là đứa lớn nhất, nên phải ở nhà giúp Bố Mẹ chăm lo cho mấy đứa em để Bố Mẹ đi làm, thứ nữa là vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên không thể chu cấp cho con ăn học được”. Bản thân tôi lúc đó rất đau buồn, thất vọng, nhưng không buông xuôi, tôi nhớ hồi đó tôi đã rất trẻ con, tôi dùng đủ mọi cách để thuyết phục Bố Mẹ, nào là khóc lóc, than van, nào là bỏ ăn bỏ chơi, trốn việc.....và cuối cùng Bố đã suy nghĩ lại và đưa ra quyết định cũng dựa trên hai điều: “vì Bố nhớ lại hồi con bị đau bệnh, Bố có xin Chúa chữa với điều kiện sẽ dâng nó lại cho Chúa, có lẽ lúc đó Bố không nghĩ đến cách thức dâng con như thế nào. Và điều thứ hai là vì đây là ước muốn của con, nên Bố Mẹ tôn trọng, hơn nữa nó lại là chuyện liên quan đến cả cuộc đời”. Tuy nhiên Bố Mẹ cũng đã khuyên tôi nên dành thời gian để suy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định. Thế là đời tu của tôi được hình thành từ đó, cho tới bây giờ hình ảnh của Bố ngồi cầu nguyện nơi bờ ao vẫn sống động trong tôi, đến nỗi cứ mỗi lần có dịp nhớ về quá khứ, nước mắt tôi lại trào ra, không phải vì cuộc sống quá nghèo khổ mà tôi đã trải qua, hay vì những thiệt thòi của kẻ hai lúa, nhưng vì tình yêu thương của Bố, một tình thương vô bờ bến, tôi xúc động vô cùng khi nghĩ rằng mình đau mà không có cảm giác đau đớn, trong khi đó thấy tôi đau Bố lại như đứt ra từng khúc ruột, Bố đã nhiều lần xin chịu đau thay tôi nhưng không được.Chính tình yêu thương của Bố đã chắp cánh cho tôi bay vào tương lai, đã giúp tôi vượt lên gian khổ, và nhất là cho tôi thêm nghị lực trên hành trình theo Chúa. Mỗi khi có dịp nhìn lại hành trình ơn gọi của mình, tôi lại nhớ đến lời hứa của Bố, và tôi cảm nhận ơn gọi của mình có cái gì đó rất huyền nhiệm, linh thiêng, đôi khi tôi không hiểu nổi. Nhưng tôi luôn tin rằng tất cả mọi sự đều do Chúa yêu thương quan phòng. Giờ đây tuy xa nhà đã lâu, và cơ hội ngắm trăng cũng không nhiều, nhưng không vì thế mà tôi không còn nhớ đến ánh trăng huyền diệu đêm nào đã in hình Bố, để rồi lời cầu nguyện hòa quyện cùng ánh trăng bay lên tòa cao Thiên Chúa. Ánh trăng đó bây giờ vẫn là một ánh sáng chưa khi nào lịm tắt trong tâm hồn tôi, có thể có lúc trăng tròn, có khi trăng khuyết và cho dù có nhiều lúc mây đen kéo đến che khuất tất cả, nhưng chỉ trong giây lát thôi, Ánh Trăng đó đã ló rạng, cho tôi một tia sáng để tôi tiến bước. Vầng Trăng đó bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, nó không còn là vầng trăng tự nhiên nữa, nhưng nó phản ánh sự hiện diện của một tình yêu xuyên thời gian và không gian mỗi khi tôi thấy cô đơn, chán nản, tôi lại được ánh sáng của Vầng Trăng năm nào chiếu rọi. Và giờ đây, mỗi lần tôi có dịp ngắm nhìn ánh trăng trên bầu trời, tôi có cảm giác như Vầng Trăng đó đang nhắc nhở tôi về một kỷ niệm đẹp, một lời giao ước linh thiêng mà qua Bố, tôi đã ký kết với Thiên Chúa. Và cũng bắt đầu từ đây, tôi không còn thấy một Vầng Trăng khi tròn, khi khuyết nữa, nhưng tôi chỉ thấy một Vầng Trăng luôn tròn đầy, Vầng Trăng đó lúc nào cũng soi sáng bước đường tôi đi, bất cứ nơi nào tôi đến, Trăng đều dõi bước theo tôi, Vầng Trăng đó cho tôi hy vọng, cho tôi khát khao vươn tới sự thanh cao, trong sáng.
Bắt đầu từ đó, kỷ niệm về đêm trăng ùa về trong tôi ít nhất mỗi năm một lần vào đêm Thứ Năm Tuần Thánh, cái đêm mà Chúa Giê-su thức trắng để cầu nguyện với Cha Ngài, Ngài cũng xin Cha cất Chén Đắng, nhưng xin theo ý Cha,Trong mồ hôi hòa lẫn với máu,(Bố tôi dâng lên nỗi đau hòa trong nước mắt). Ngài chờ đợi giờ sau hết đến với Ngài (Bố tôi chờ đợi kết quả của lời cầu nguyện). Đêm hôm đó Vầng Trăng đã chứng kiến cảnh tượng hãi hùng, và sự tĩnh lặng kinh khủng đang bao trùm cả khu rừng, nơi Con Thiên Chúa đang trải qua cơn hấp hối, để rồi chính Vầng Trăng trở thành nhân chứng cho lời xin vâng thốt ra từ miệng Đức Giê-su. điều này cũng cho tôi sống lại cảm xúc ngày Bố nói lên giao ước với Chúa. Thiên Chúa thật là lãng mạn và đầy sáng kiến khi Ngài chọn một đêm trăng để đính hôn với tôi.Và bây giờ Trăng trở thành nhân chứng của một cuộc tình nhiều cam go, đầy mạo hiểm ở phía trước.
Vầng Trăng kia luôn là lời nhắc nhở về một giao ước đã được ký kết, mỗi lần ngắm nhìn Ánh Trăng, tôi lại ý thức về lối sống của mình. Vầng Trăng đó đã có lần chứng kiến tình yêu Giê-su hiến dâng mạng sống cho người mình yêu, cũng Vầng Trăng đó đã chứng kiến nhiều đêm Bố tôi đã quên mình để xin Chúa cứu tôi, còn bây giờ, tôi có để cho Vầng Trăng ấy nhìn thấy một cử chỉ đẹp tôi thực hiện cho người khác không? Tôi có sẵn sàng hy sinh một chút để trở nên tính bí tích cho người khác không?
Khấn Tạm FMM.