Mảnh gương

Thầy mải mê dùng nó để phản chiếu ánh sáng vào những nơi mặt trời chưa hề soi tới, những lỗ sâu, khe đứt, những góc tối. Cứ thế, đưa ánh sáng đến những nơi khó đến nhất đã trở thành một trò chơi đầy thú vị của thầy. Suốt thời niên thiếu, vào những lúc nhàn rỗi, thầy thường lấy mảnh gương ra và tiếp tục trò chơi đầy thách thức...

 

Mảnh gương
  

"Thưa thầy Papaderos, em muốn biết ý nghĩa của cuộc sống là gì ạ?"


http://d.f1.photo.zdn.vn/upload/original/2010/05/26/17/1274868904620530189_574_0.jpg
Câu hỏi của tôi gây nên một tràng cười chế nhạo trong lớp. Dường như đó không phải là một đề tài thích hợp cho một cậu học trò 13 tuổi như tôi. 

Thầy Papaderos giơ tay ra hiệu cho cả lớp yên lặng. Sau khi quan sát tôi một hồi lâu với vẻ thăm dò, và đọc được từ trong ánh mắt tôi sự nghiêm túc hoàn toàn đối với câu hỏi của mình, thầy Papaderos quyết định: "Tôi sẽ trả lời câu hỏi của em". 

Đoạn thầy rút ra từ túi quần một chiếc bóp da. Từ trong chiếc bóp da ấy, thầy lấy ra một mảnh gương tròn bé xíu. 

Thầy giải thích: "Ngày ấy thầy còn nhỏ, đang thời chiến tranh, gia đình thầy rất nghèo túng, sống kham khổ tại một ngôi làng hẻo lánh. Một ngày nọ, thầy tìm thấy trên đường những mảnh vỡ của một tấm gương chiếu hậu từ chiếc xe máy của quân Đức đã bị phá hủy ngay tại đó. 

Thầy đã cố tìm cho đủ tất cả các mảnh vỡ và dán chúng lại với nhau. Nhưng làm mãi không được, thầy đành chỉ giữ lại mảnh gương to nhất. Rồi thầy mài tròn nó. Đây, chính mảnh gương này. Từ đó, thầy mải mê dùng nó để phản chiếu ánh sáng vào những nơi mặt trời chưa hề soi tới, những lỗ sâu, khe đứt, những góc tối. Cứ thế, đưa ánh sáng đến những nơi khó đến nhất đã trở thành một trò chơi đầy thú vị của thầy. Suốt thời niên thiếu, vào những lúc nhàn rỗi, thầy thường lấy mảnh gương ra và tiếp tục trò chơi đầy thách thức. Nhưng khi thực sự trưởng thành, thầy nhận ra đó chẳng đơn thuần là một trò chơi trẻ con, mà là cả một ẩn dụ về những gì thầy có thể làm với cuộc đời mình. Thầy dần hiểu ra, bản thân thầy không phải là nguồn sáng, nhưng chỉ cần thầy sẵn lòng làm một mảnh gương phản chiếu, thì ánh sáng của chân lý, tri thức và sự hiểu biết sẽ soi rọi đến nhiều chốn tối tăm. 


Thầy là một mảnh nhỏ của một chiếc gương mà hình dạng trọn vẹn của nó ra sao bản thân thầy không hề rõ. Tuy nhiên, với những gì thầy có, thầy có thể phản chiếu ánh sáng vào những nơi tăm tối của thế gian, vào những nơi sâu thẳm của tâm hồn con người và làm thay đổi chút gì trong họ. Có lẽ người khác cũng hiểu và cũng đang làm điều tương tự. Đối với thầy, đó chính là ý nghĩa của cuộc sống và là những gì thầy đang làm." 
 
http://display.ubercomments.com/6/9600.gif
Hi!Hai sưu tầm & minh họa
Có một chú tiểu khá thông minh, chú luôn đặt những câu hỏi xung quanh cuộc sống. Một ngày nọ, chú hỏi sư thầy của mình:

Giá trị cuộc sống của con người

- Thưa thầy, giá trị cuộc sống của một con người là gì ạ? Con hỏi vậy vì thường ngày thấy mọi người lên chùa đều cầu mong cuộc sống có giá trị.

 

Người thầy đi vào phòng rồi mang ra cho chú tiểu một hòn đá xấu xí và bảo:

- Con hãy mang hòn đá này ra chợ bán và hãy nhớ là dù có ai mua thì cũng không được bán và mang về cho ta.

- Tại sao lại phải vậy thưa sư phụ?

- Nếu con muốn biết giá trị cuộc sống là gì thì hãy làm như ta bảo.

Vì sự tò mò nên chú tiểu đã làm theo. Chú mang hòn đá ra chợ ngồi bán và suy nghĩ không hiểu tại sao nó lại liên quan đến giá trị của cuộc sống.

Chú ngồi bán hòn đá ở chợ cả ngày mà không hề có ai hỏi, mọi người còn lấy làm kỳ lạ không hiểu tại sao chú lại ngồi bán một hòn đá xấu xí mà không có giá trị gì. Ngồi cả một ngày, một người bán rong thấy vậy thương tình đã đến hỏi và trả giá hòn đá 1 đô la. Chú tiểu nhớ lời sư phụ dặn dù bất kỳ ai hỏi mua cũng không được bán. Mang hòn đá về, chú hỏi sư phụ:

- Hòn đá này có gì đặc biệt mà thầy lại bảo con mang bán. Cũng may đã có người hỏi mua với giá 1 đô la. Vậy giá trị cuộc sống là gì thưa thầy?

Sư thầy cười và nói:

- Tốt lắm, ngày mai con hãy mang hòn đá vào cửa hàng bán vàng và bán cho chủ cửa hàng vàng, nhớ là dù chủ cửa hàng vàng có mua thì cũng không được bán, rồi con sẽ hiểu thế nào là giá trị cuộc sống.

Vì tò mò, chú tiểu lại làm theo lời sư thầy. Hôm sau, chú mang hòn đá đi vào một cửa hàng vàng, vừa đi vừa nghĩ, tại sao sư phụ lại bảo mình mang hòn đá này vào bán trong cửa hàng vàng trong khi cả ngày qua chú ngồi ngoài chợ bán mà không ai mua, dù mua cũng không đáng giá. Dù rất ái ngại nhưng vì tò mò nên chú quyết định làm theo lời sư phụ.

Và thật bất ngờ, khi chú mang vào bán trong một cửa hàng vàng, chủ tiệm đã trả giá hòn đá là 500 đô la. Rất bất ngờ vì một hòn đá qua một ngày từ chỗ bán không ai mua giờ lại có giá như vậy, nhớ lời sư phụ dặn chú tiểu đã không bán và mang về.

Chú vội vàng hỏi tại sao lại như vậy và giá trị cuộc sống là gì mà tại sao một hòn đá từ không giá trị qua một ngày lại có giá trị rất lớn như vậy.

Sư phụ cười và nói:

- Nếu con muốn hiểu giá trị cuộc sống là gì thì ngày mai con hãy mang hòn đá này tới một tiệm đồ cổ và bán, nhớ là dù với bất kỳ giá nào thì con cũng không được bán và mang về cho ta. Con sẽ hiểu giá trị cuộc sống là gì.

Chú tiểu càng tò mò hơn. Hôm sau, chú mang hòn đá tới một tiệm đồ cổ. Sau một hồi xem xét thì chú tiểu vô cùng ngạc nhiên khi chủ hiệu trả giá hòn đá là cả gia sản hiện có. Chú nhất quyết không bán và vội về kể lại với sư phụ:

- Vậy hòn đá này là gì, mà từ một thứ không giá trị không ai mua giờ nó có giá cả một gia tài.

- Đó chính là giá trị cuộc sống - Sư thầy nói.

Giá trị cuộc sống của mỗi con người đều do chính chúng ta quyết định, cũng giống như chú tiểu do dự khi mang một hòn đá không có giá đi bán. Giá trị cuộc sống là do chính chúng ta tạo dựng và đặt ra. Vậy hãy tự đặt mình vào nơi mà mọi người hiểu ta và đó là nơi giá trị sống được tôn trọng.

Cuộc sống ở trong tất cả mọi sự việc, từ những điều to lớn cho đến điều đơn giản, thậm chí là ở trong những điều mà chúng ta không hề quan tâm đến. Cuộc sống luôn "nói chuyện" với chúng ta thông qua những điều giản dị nhất và không ngờ đến nhất. Đừng bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào trong cuộc sống của bạn!

Lắng nghe âm thanh cuộc sống

Ở vương quốc nọ có một vị vua rất anh minh. Khi đến tuổi về già, ông quyết định truyền lại ngai vàng cho hoàng tử. Một hôm nhà vua dẫn người kế vị vào một khu rừng, bảo chàng ở đó một mình. Sau một năm chàng trai được quay về và phải miêu tả được hết mọi âm thanh trong rừng.

Đông qua xuân đến, thấm thoát đã một năm trôi đi, hoàng tử về đến hoàng cung và kể cho cha những âm thanh mình nghe được: "Thưa vua cha, con nghe thấy tiếng chim đỗ quyên, tiếng lá cây, tiếng dế kêu, tiếng ếch kêu mỗi tối...".

Đức vua mỉm cười và yêu cầu hoàng tử quay về rừng để lắng nghe thêm một lần nữa. Chàng trai trẻ khá ngạc nhiên về yêu cầu đó, nhưng vẫn tuân theo lời khuyên của vua cha.

Thời gian trôi qua, hoàng tử luôn cố gắng lắng nghe mọi thứ bằng đôi tai của mình. Nhưng điều làm chàng thất vọng là ngoại trừ những cái mà chàng đã kể ra thì chẳng còn âm thanh nào khác trong rừng. Chàng tự hỏi: "Lẽ nào còn những âm thanh khác mà mình chưa nghe được?".

Vào một sáng nọ khi đang ngồi tĩnh lặng trong rừng, hoàng tử bắt đầu cảm thấy dường như mình nghe được những âm thanh rất mơ hồ mà trước đó chàng chưa bao giờ được biết đến. Chàng trai cố gắng lắng nghe và cuối cùng cũng bắt được âm thanh đó.

Hết thời gian một năm, hoàng tử về nhà và cung kính nói với nhà vua về những gì mình thu hoạch được: "Khi con tĩnh tâm, tập trung hết sức để lắng nghe. Con nghe được âm thanh của các loài hoa đang nhẹ nhàng hé nở, mặt đất như đang vươn vai thức tỉnh dưới ánh mặt trời, những cọng cỏ đang từ từ lớn lên..."

Đến lúc này, đức vua mới gật đầu mãn nguyện: "Lắng nghe để cảm nhận những âm thanh không thể nghe thấy, đó là tố chất cơ bản để hiểu lòng dân chúng và trở thành một vị vua kiệt xuất".

Cho dù hôm nay bạn làm những việc giống như ngày hôm qua, nhưng hôm nay vẫn sẽ hoàn toàn khác. Sự phong phú của cuộc sống đôi khi chỉ nằm ở những điều nhỏ nhất. Một cái "cựa mình" của bông hoa vào sớm mai, hay một "tiếng thở" nhẹ nhàng của gió... tất cả đều tạo cho chúng ta thấy những âm thanh của cuộc sống diệu kỳ. Hãy học cách lắng nghe bằng tất cả trái tim, bạn sẽ cảm nhận được "hơi thở" và "âm thanh" của cuộc sống tươi đẹp.

 Hạnh phúc nằm ở đâu?

 

Một thanh niên muốn có được bí quyết "hạnh phúc" của ông già thông thái. Thế là anh không ngại vượt qua trăm sông nghìn núi, vượt qua sa mạc mênh mông, cuối cùng cũng đến được nơi ở của ông.

Sau khi vào thành, anh thấy cảnh làm ăn buôn bán tấp nập, mọi người nói chuyện rộn rã trên đường phố. Ở giữa quảng trường đội nhạc giao hưởng đang tấu lên những giai điệu du dương, lại còn có cả một bàn bày thức ăn ngon vật lạ.

Nhận ra ông già thông thái, người thanh niên liền chạy đến. Ông đưa một chiếc thìa canh bảo anh múc hai giọt dầu, sau đó thì đi ra ngoài thành. Ông dặn người thanh niên khi quay trở lại, nhất thiết không được để rơi một giọt nào.

Khi người thanh niên trở lại, ông cụ thấy quả nhiên hai giọt dầu còn nguyên. Nhưng khi ông ta hỏi, người thanh niên thấy gì trên đường đi thì anh chỉ lắc đầu, chẳng thấy ấn tượng gì.

Nhà thông thái lại bảo chàng trai đi thêm một vòng nữa, và hãy chú ý tới từng cành cây ngọn cỏ trong thành. Lần này, khi quay lại anh kể rất tỉ mỉ những gì mình đã thấy ở trên đường, nhưng không còn một giọt dầu nào trong chiếc thìa.

Lúc này ông già thông thái mới nói: "Hạnh phúc thật sự là khi anh có thể thấy khắp thế giới, nhưng không bao giờ được quên hai giọt dầu đang cầm trên tay".

TT (st)