Thư gửi ĐGH Phanxicô - Cha thì thế - Con thì không!

“Tôi mong muốn biết bao một Giáo Hội nghèo…”. Giáo Hội không chỉ là giáo hội của người nghèo mà người nghèo chính là Giáo Hội. Ôi! Cha làm con sợ quá! Như vậy là con phải sống nghèo. Con phải là người nghèo, chứ không phải chỉ là người đi phục vụ người nghèo, trong khi con vẫn có thể… giàu!

Thư gửi ĐGH Phanxicô

Cha thì thế - Con thì không!

"Hãy luôn luôn tín thác nơi lòng thương xót của Chúa

 và đừng sợ hãi là Kitô hữu và sống như Kitô hữu” 

Thưa cha,

Đáng lý ra con phải viết là “Kính thưa Đức Thánh Cha” hoặc “Trọng kính Đức Thánh Cha” nếu không sẽ bị mắng là “vô phép vô tắc” vì thưa chuyện với vị lãnh đạo tinh thần tối cao của hơn 1 tỷ người Công giáo trên toàn cầu mà dám hỗn hào gọi trống là “thưa cha”. 

Ai mắng thì mắng, nhưng con biết chắc khi đọc lá thư này cha sẽ không mắng con, vì khi còn là Hồng y Jorge Mario Bergoglio, Tổng Giáo mục Giáo phận Buenos Aires, cha vẫn thích được gọi là “anh Jorge” hay “cha Jorge”. Đơn giản thế thôi, vậy mà rất thân thương và gần gũi đấy cha ạ!

Thông thường khi có được một chức vụ nào, người ta hãnh diện và thích gọi bằng chức vụ hơn là gọi bằng tên, hoặc phải đề chức vụ đó trước cái tên của mình trong danh thiếp. Ngoài đời như thế và trong đạo cũng vậy. Nào là “Tổng Giám đốc NVX”, “Chủ tịch Hội đồng Quản trị TDM”. Rồi “Ông Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ TDN...”, “Bà Trưởng Hội Các Bà Mẹ CG NTX...”, “Cha Tổng Thư ký MTL” “Chị Bề trên Giám tỉnh VTC”... Con cũng thích như vậy lắm chứ. Máu háo danh mà! Có lẽ Chúa thấy con ham hố quá cho nên Chúa chỉ cho con suốt đời là lính trơn, muốn đặt một chức vụ nào trước cái tên cúng cơm mà tìm mãi không ra!

Con đến thăm nhà một giáo dân. Đứa bé chạy ra ôm lấy con và nói “chào cha Long”. Mẹ nó mắng ngay: “Con gọi là cha được rồi. Con không được hỗn gọi tên cha! Nếu muốn gọi tên thì con phải gọi tên thánh là cha Giuse!” Ô kìa. Cái tên do cha mẹ đặt cho mình sẽ theo mình suốt đời lại không được gọi, hay không muốn người khác gọi trống không như thế, còn chức vụ được người ta ban cho hay bầu bán, chạy chọt lo lót, là cái nay còn mai mất, “quan nhất thời, dân vạn đại” lại là cái mình cứ khư khư muốn giữ lấy, muốn người ta gọi cái chức danh thay vì gọi tên. Hơn nữa còn tự xưng chức vụ của mình thay vì xưng tên. Lạ thật! Chính vì thấy lạ như thế cho nên khi được bầu làm Giáo hoàng với 3 con số 3: ngày 13 tháng 3 năm 2013, cha vẫn cứ bình dân giản dị, cứ sống như cha đã sống, không quan tâm đến chức tước địa vị, và nhất là không để cho bả danh vọng chức vụ làm biến chất con người thật của cha, làm mất nét hồn nhiên của “anh Jorge” hay “cha Jorge”.

Bà nội trợ 64 tuổi, Maria Elena Bergoglio, ở thành phố Ituzaingó của Argentina, là người em gái duy nhất còn sống của cha, khi được hỏi bà đã nói chuyện với anh trai bà mấy lần từ ngày cha làm giáo hoàng, bà cho biết: “Ngài điện thoại ngay khi có thể sau khi được bầu, và đó là cuộc nói chuyện rất xúc động. Tôi không thể nào giải thích được xúc cảm của mình lúc đó. Sau lần đó, ngài còn gọi một lần nữa, và lần này, chúng tôi nói chuyện với nhau thân tình như anh trai nói với em gái. Một cuộc tán gẫu rất bình thường như vẫn thường xảy ra. Thí dụ, ngài muốn biết tôi đang nấu món gì!”

Khi được hỏi vậy bà vẫn gọi ngài là “Jorge” hay đã gọi là “Phanxicô” hay “Đức Thánh Cha”, bà hồn nhiên đáp: “Tôi vẫn gọi là Jorge, Jorge! Bao lâu tôi còn biết đó là tên anh trai tôi thì tôi còn gọi ngài là Jorge!... Về căn bản, tôi muốn ngài vẫn là anh Jorge, vẫn làm những cử chỉ nhỏ mọn như lúc còn làm hồng y ở đây, như đi cử hành Thánh lễ cho người trẻ vào Thứ Năm Tuần Thánh. Ngài vẫn giảng dạy và ban hành các sứ điệp mục vụ theo cách ngài vốn được dạy phải làm, tức là bằng gương sáng. Không phải nói bài nói, mà là bước đường bước.”

Người em gái của cha tin chắc rằng “những hoành tráng và nghi lễ của Vatican” sẽ không làm sứt mẻ sự khiêm nhường mà cha theo đuổi suốt đời. Cha xin những người Argentina đừng chi tiêu tốn kém cho các chuyến đi đến Rome để dự lễ tấn phong của cha, mà dành tiền đó cho các tổ chức từ thiện, là một dấu hiệu mạnh mẽ chứng tỏ cha sẽ không thay đổi. Bà nói trong một cuộc phỏng vấn tại nhà, ở phía tây thành phố Buenos Aires. "Tin nhắn đó... làm cho tôi cảm thấy như ngài vẫn còn đi trên cùng một con đường, và ít ra là ngài đã không bị ảnh hưởng vào lúc này. Không có chất độc nào tồi tệ hơn là quyền lực!" 

Bà nói thêm rằng tình cảm của cha "là dành cho người nghèo, người yếu đuối nhất, trẻ nhỏ. Cha có sự nghiêng chiều về người nghèo. Cha cũng không bao giờ mong muốn trở thành giáo hoàng. Bà nói. "Chúng tôi đã chọc anh ấy về chuyện đó, và anh ấy nói, 'Ồ, xin vui lòng!' ('Oh, please!')" 

Cha ơi,

Nghe em gái của cha nhận định về anh của mình như thế làm con thấy “nhột” quá! Con lúc nào cũng khao khát được “thăng quan tiến chức”. Con tìm mọi cách để leo lên chức này chức nọ. Tu mãi mà cứ làm lính quèn thì chán chết được! Nếu “mèo mù vớ cá rán”, được “lên chức” thì con sẽ mời cả xứ, cả họ, cả giáo phận, cả nước đến trong ngày con “vinh quy bái tổ”. Con sẽ cố gắng mời càng nhiều càng tốt các đấng bậc vị vọng, các đại gia, tiểu gia, thiếu gia, các ân nhân đặc biệt, các doanh nghiệp để chứng tỏ cho mọi người thấy “đẳng cấp” của con. Thiệp mời được gởi đến từng gia đình. Ai không đi được thế nào họ chẳng gởi phong bì, thế là con... có lời! Còn những người nghèo, những người yếu đuối bệnh tật con sẽ tặng họ tấm hình của con phóng thật lớn, photoshop làm thật đẹp để nhà nhà cùng treo tấm hình ấy mà... nhớ đến con, chứ không phải nhớ đến Thầy Giêsu!

Em gái của cha vẫn muốn cha là “anh Jorge” ngày nào dù bây giờ cha đã là người quyền lực nhất. Phần con khi còn là giáo lý viên, các em gọi con là “anh”, nhưng khi con lên làm thầy xứ rồi mà không chịu gọi con là “thầy” thì con khó chịu lắm. Rồi khi con may mắn được thụ phong linh mục rồi mà ai lỡ miệng gọi con là “thầy” thì con không muốn nhìn mặt nữa. Thậm chí những người ruột thịt trong gia đình cũng không dám gọi con như là một thành viên trong gia đình mà cũng phải gọi con là cha, là thầy, là sơ… 

Con là thế mà cha thì không! 

Có ai khi đã lên đến đỉnh cao danh vọng mà còn nhớ đến những người nghèo hèn, còn chủ động gọi điện cảm ơn người đã giao báo cho mình như cha không. Hôm 18-3, khoảng 1g30 chiều giờ địa phương, Daniel Del Regno là con trai của chủ sạp báo, đã nhận được một cú điện thoại với giọng quen thuộc: “Chào Daniel, đây là Jorge Bergoglio. Cha gọi từ Rôma”. Del Regno kể với toà báo La Nacion của Argentina: "Tôi đã bị sốc. Tôi bỗng oà khóc và không biết phải nói gì. Ngài cảm ơn tôi đã giao báo từ bấy lâu nay và gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình tôi. Trước khi ngưng cuộc điện đàm, Đức Giáo hoàng xin tôi cầu nguyện cho ngài.”

Bố của Daniel, nổi da gà bất cứ khi nào ông nghĩ về sự đơn giản của cha. Ông kể: “Vào những ngày chủ nhật, Đức Hồng y ghé qua sạp báo vào lúc 5:30 sáng và mua tờ nhật báo La Nacion. Ngài trò chuyện với chúng tôi trong chốc lát và sau đó đi xe buýt đến Lugano, nơi ngài sẽ phục vụ trà cho những người trẻ và người bị bệnh. Vào cuối tháng, Đức Hồng y luôn mang những sợi dây thun mà ông buộc quanh các tờ báo để giữ cho chúng khỏi bị gió thổi bay khi giao báo. Ngài mang lại cho chúng tôi. Đủ cả 30 sợi! Tôi biết con người ngài như thế nào. Ngài là một con người có một không hai!”

Cha đã làm như thế. Con thì không!

Có được chức vị là con quên ngay quá khứ của mình, không muốn liên hệ với những người nghèo ngày xưa nữa sợ họ nhờ vả làm phiền. Con bắt đầu lưu số fone của những người “tai to mặt lớn”, quan hệ rộng rãi mật thiết với những thành phần “con ông cháu cha”, chịu khó qua lại với những người có máu mặt. Con quên phéng những người ngày xưa cùng nằm gai nếm mật với con, chẳng nhớ gì đến những người bạn cũ thuở hàn vi.

Con chẳng làm được gì, hoặc có làm cũng chẳng ra hồn, nhưng lại thích chức tước địa vị cho nó oai. Con thật là lố bịch phải không cha? Con chỉ là  “hữu danh vô thực”. Còn cha đúng là “hữu thực vô danh”. 

Cha thì thế. Con thì không!

Khi có chức vị nào đó, người ta thay chức danh đó vào tên của mình, đồng thời cũng thay đổi cách sống, thay đổi y phục, nhà ở, xe cộ, phương tiện… Khi được lên chức, con sẽ ăn mặc cho sang trọng lịch lãm kẻo “người ta coi thường mình”. Con sẽ sắm xe hơi đời mới để đi lại với lý do là để “bảo vệ sức khoẻ”, “có sức khoẻ để phục vụ”. Con sẽ dọn vào ở trong những toà nhà nguy nga lộng lẫy, máy lạnh, kín cổng cao tường để “cho có bề thế, dễ dàng làm việc”. Con sẽ mua sắm những phương tiện văn minh hiện đại và tốn kém nhất để “theo kịp với thời đại”. Tất cả sự thay đổi “lên đời” ấy con đều có lý lẽ để biện minh, con đều lấy “mục đích biện minh cho phương tiện”, nhưng thực ra con đã “biến phương tiện thành mục đích”. Con thay đổi mẫu mã dáng vẻ bên ngoài, nhưng đời sống nội tâm, đời sống dấn thân phục vụ lại tỷ lệ nghịch với nấc thang danh vọng của con. 

Con thì thế. Cha thì không!

Được biết ngay khi là Hồng y Tổng Giám mục, cha đã nổi tiếng với sự khiêm tốn và khó nghèo, mạnh mẽ bảo vệ các học thuyết Giáo Hội và dấn thân cho công bằng xã hội. Cha sống trong một căn nhà nhỏ, chứ không phải tại nơi cư trú nguy nga của Toà Giám mục. Dù là Hồng y, cha thường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng chứ không đi xe hơi riêng có tài xế lái, và tự nấu ăn cho mình chứ không có kẻ hầu người hạ.

Khi làm Giáo hoàng, cha từ chối sử dụng xe hơi dành cho giáo hoàng mang bảng số CV1 (Cité du Vatican 1), mà di chuyển bằng xe buýt nhỏ (minibus) cùng các vị hồng y khác. Cuối Thánh lễ sáng ngày 26-3 với các giám chức và linh mục, qua những lời rất đơn sơ, cha cho biết - ít là trong giai đoạn hiện nay - cha muốn tiếp tục ở lại với họ trong Nhà trọ Thánh Marta. Nhà trọ này có 131 căn hộ và phòng đơn dùng làm nơi cho các hồng y cử tri và những người phụ giúp. Ngoài thời gian đó, các phòng trong nhà trọ được dành cho các giám mục, giám chức hoặc linh mục làm việc tại Toà Thánh, hoặc cho các giáo sĩ vãng lai. Bây giờ cha đã chịu chuyển sang căn hộ số 201 trong Nhà trọ Thánh Marta. Đây là một nơi rộng rãi hơn, dành cho vị hồng y ngay sau khi đắc cử Giáo hoàng hoặc cho các khách vị vọng. Trong thời gian qua, cha đã từ chối dọn vào đây. Nay cha đồng ý dọn vào để có thể tiếp nhiều người một cách dễ dàng hơn mà thôi. Hằng ngày cha vẫn ăn cơm với các hồng y và các nhân viên đang trú ngụ tại Nhà trọ Thánh Mattha. Cha vẫn dâng lễ mỗi sáng cho các nhân viên đang phục vụ cùng tham dự. 

Thưa cha,

Khi Đức Hồng y Louis Tauran đứng ở ban công để công bố “Habemus Papam”, chúng con thấy cha xuất hiện trong bộ áo chùng trắng đơn giản, trên người vẫn đeo cây Thánh giá bằng bạc khi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, không dây stola, không giày đỏ. Với cử chỉ đơn giản, thái độ tự nhiên quay qua quay lại ngay trên ban công đầy nghi lễ của Vatican trước nửa triệu tín hữu chào mừng phía dưới, cha giơ cao một tay như để ban phép lành. Ai cũng cúi xuống chuẩn bị lãnh phép lành, nhưng không phải thế, cha nói: “Ta muốn xin các con một ân huệ, trước khi cha ban phép lành, cha xin các con đọc kinh thay cho lời chúc lành của cộng đoàn dân Chúa cho vị tân Giám mục Roma”, rồi cha cúi đầu để nhận sự chúc lành của các tín hữu. Mọi người nhốn nhao cả lên. Một Giáo hoàng khiêm tốn cúi đầu xin tín hữu chúc lành cho mình trước khi chúc lành cho họ. Cha làm việc này một cách bình thường như cha vẫn xin những người trong khu ổ chuột ở Argentina cầu Chúa ban phép lành cho cha trước khi cha chúc lành cho họ. Ấy vậy lại là một điều chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử Giáo Hội. 

Trước khi tạm biệt đám đông, các chức sắc nghi lễ nhắc cha rời khỏi khán đài, nhưng cha quay sang xin người phụ tá mang micro tới để cha chúc mọi người ngủ ngon và hứa cầu nguyện cho họ vào ngày hôm sau. Con tâm đắc nhất là phần cầu nguyện của cha kéo dài hơn cả phần diễn văn. Thú thật với cha là chúng con rất sợ và rất ngán những bài diễn văn dài lê thê, những nghi lễ rườm rà. Dường như càng làm lớn người ta càng thích nói dài, uốn éo cung giọng cho trang trọng mất hết tự nhiên, cử chỉ cũng tỏ vẻ bệ vệ khác người. Họ quá chú trọng đến hình thức mà đánh mất hết nội dung. 

Con thì thế. Cha thì không!

Lần xuất hiện đầu tiên của cha đã gây một ấn tượng rất mạnh. Cha đã loại bỏ nhiều điều rườm rà không cần thiết để đi vào trọng tâm sứ vụ của cha, đó là: “Bây giờ, giám mục và giáo dân, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình huynh đệ, đầy yêu thương và tin cậy.” Vâng thưa cha, đó phải là hành trình huynh đệ đầy yêu thương và tin cậy. Cha là thế, chứ con mà có chức có quyền trong tay thì lại là cuộc độc diễn của quyền hành, có “quyền” trong tay thì tha hồ “hành” người thuộc quyền.

Với các hồng y, cha đối xử như những người anh em với nhau chứ không như “bề trên với bề dưới”. Cha đứng dậy để nhận sự “thần phục” của các hồng y anh em, chứ không ngồi chễm chệ trên ngai tại Nhà nguyện Sistine cho các hồng y đến cúi mình hôn nhẫn. Cha như muốn ôm choàng lấy từng người anh em, không muốn họ hôn nhẫn của mình mà thậm chí cha còn cúi xuống hôn nhẫn của anh em hồng y nữa. 

Không phải lên làm lớn rồi lúc nào mặt cũng phải lạnh như tiền hoặc mang bộ mặt hình sự nghiêm trang đạo mạo để người dưới phải khiếp sợ mà tránh xa. Cha có máu hài hước dí dỏm. Cha “bông đùa” trên ban công Vatican về việc các hồng y anh em “đã đi đến tận cùng trái đất để chọn người... và chúng ta đã có được người ấy”. Chuyện còn vui hơn nữa là lúc trở lại Nhà trọ Thánh Marta, cha đi bằng xe minibus quen dùng lúc dự cơ mật viện chứ không phải bằng xe đặc chủng “limousine” của giáo hoàng. Cha hài hước với các hồng y như anh em trong nhà: “Xin Chúa tha tội cho anh em vì đã dại dột chọn tôi làm giáo hoàng!” Cha thật là dễ thương, gần gũi.

Năm 20 tuổi, cha phải giải phẫu vì bị nhiễm trùng đường hô hấp. Từ đó cha chỉ còn một lá phổi. Mặc dù vậy, cha có thói quen dậy lúc 4 giờ 30 sáng, suốt ngày cặm cụi làm việc. 9 giờ 50 sáng ngày 14-3-2013, lần đầu tiên rời Vatican trong tư cách giáo hoàng, cha vẫn không dùng xe “limousine” dành riêng cho giáo hoàng, mà dùng một trong các xe của cảnh sát Vatican để kính viếng Đền thờ Đức Bà Cả. Thầy Giuseppe, một trong 15 chủng sinh, tu sĩ và giám chức tháp tùng cho biết cha vẫn mặc áo trắng, đi giày đen (thay vì giày đỏ giáo hoàng), đeo nhẫn hồng y và đeo Thánh giá bằng bạc, không kèn không trống, không hàng rào danh dự. Khi đến nơi, cửa chính chưa mở, cha đi vào cửa phòng áo, rất thoải mái, không bực mình khó chịu vì người ta chưa kịp mở cửa chào đón. Tự tay cha cầm một bó hoa hết sức bình thường, tới đặt trước tượng Đức Mẹ, bằng một nhịp bước không cần chờ ai. Trước khi ra về, cha bắt tay từng người và luôn xin mỗi người cầu nguyện cho cha. 

Trên đường trở về, cha dừng lại Domus Internationalis Paulus VI, gần Piazza Navona, nơi cha cư ngụ trước khi tham dự cơ mật viện, để lấy hành lý còn gửi tại đó và nhất là trả tiền trọ! Cha bắt tay hỏi thăm và cảm ơn những người đang làm việc ở đây.

Cha thì thế. Con thì không!

Cha hay thật đấy. Tại sao cha lại phải vất vả như thế? Nếu con ở chức vụ cao như thế, đi đến đâu cũng phải có người đưa kẻ đón, phải có hàng rào danh dự, có cờ quạt trống phách tưng bừng chào đón con. Cửa nhà thờ phải mở sẵn, chuông nhà thờ phải giật inh ỏi lên, phải có người xách cặp, có kẻ hộ tống, có bó hoa rõ to rõ đẹp cung kính dâng lên con. Nếu con đến mà cửa chưa mở, không có người tiếp đón thì con giận bỏ về ngay. Có đâu nhân vật quan trọng số một mà phải đi cửa sau, tự tay cầm bó hoa quèn và một mình đi đến Đài Đức Mẹ. Hơn nữa, việc lấy đồ và trả tiền khách sạn hay những chuyện lặt vặt khác có khi nào một người quyền cao chức trọng như con phải đụng ngón tay vào. Tất cả đã có người “cơm bưng nước rót” làm hết cho con rồi. Con chỉ việc đứng “chỉ tay năm ngón” thôi!

Cha thích đi bộ những khoảng cách ngắn trong Thành phố Vatican và chỉ thích phương tiện đi lại bình thường đến nơi muốn đến. Cha không thích dùng xe riêng nhưng di chuyển cùng với đoàn tuỳ tùng bằng xe chung, vẫn tấm áo dài trắng nhưng ngồi chung với anh em, không có sự cách biệt. Nếu đi xe giáo hoàng mui trần, cha không ngần ngại dừng xe giữa chừng để bước ra ngoài, hôn và ban phép lành cho một người bại liệt giữa đám đông. Giám đốc Tin tức của EWTN cho biết cha muốn đi đâu, đi thế nào thì đi. Cha là người của chính cha, không lệ thuộc vào nghi lễ quan cách, cũng chẳng sợ an ninh cho bản thân. Thấy điều đúng và cần làm thì cha làm vì “chính tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi”.

Cha đến thăm và cử hành Thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh tại nhà tù dành cho các trẻ em vị thành niên ở Roma. Con rất xúc động khi thấy cha chẳng ngại ngùng cúi xuống rửa và hôn chân mười hai phạm nhân, trong đó có hai phạm nhân nữ người Hồi giáo. Cha dám vượt qua hàng rào của những tục lệ, những truyền thống lâu đời để có những sáng tạo, những thay đổi đầy ý nghĩa trong các nghi lễ. Có mấy nhà thờ ngày Thứ Năm Tuần Thánh mà linh mục chủ sự dám rửa chân rồi hôn chân các tù nhân, nữ giới và nhất là người không cùng tôn giáo? 

Cha thì thế. Con thì không!

Bài huấn từ đầu tiên của cha trong Thánh lễ với các hồng y tại Nguyện đường Sistine ngày thứ năm 14-3-2013 càng làm cho con thấy rõ con đường cha đã chọn: “Khi chúng ta đi mà không có Thánh giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa, chúng ta thuộc về thế gian. Chúng ta là giám mục, linh mục, hồng y, giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa.”

Trong bài giảng ngày lễ kính Thánh Giuse 19-3-2013, cha nhắc con nhớ quyền bính đích thực là để phục vụ chứ không phải bắt người khác phục vụ: “Hôm nay, cùng với lễ Thánh Giuse, chúng ta cử hành khởi đầu sứ vụ của tân Giám mục Roma, người kế vị Thánh Phêrô, cũng bao gồm một quyền bính… Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ… Giáo hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin của Thánh Giuse, và như thánh nhân, giáo hoàng cũng phải mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, những người nhỏ bé nhất…”.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí ngày 16-3-2013 tại Hội trường Phaolô VI, cha đã muốn đi xa hơn, quyết liệt hơn, sát với Tin Mừng hơn, khi bày tỏ: “Tôi mong muốn biết bao một Giáo Hội nghèo…”. Giáo Hội không chỉ là giáo hội của người nghèo mà người nghèo chính là Giáo Hội. Ôi! Cha làm con sợ quá! Như vậy là con phải sống nghèo. Con phải là người nghèo, chứ không phải chỉ là người đi phục vụ người nghèo, trong khi con vẫn có thể… giàu!

Thưa cha,

Thư của con cũng khá dài rồi. Tuy nhiên, còn một điểm đặc biệt nữa nơi cha mà con không thể bỏ qua vì đó là điều con đã, đang và sẽ đeo đuổi suốt đời dù gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Đó là lòng thương xót của Chúa. Lòng Thương Xót là chủ đề đặc biệt của cha trong những bài giảng và suy niệm. 

Trong giờ Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật 17-3-2013, khi nói về lòng thương xót, cha nhắc nhở đám đông rằng: 

"Gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của người cha đầy lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn với chúng ta… đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để hiểu, chờ đợi và không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay lại với Ngài với tất cả con tim. Như lời Thánh vịnh có chép rằng: ‘Lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại dường bao!’

“Lòng thương xót có thể làm cho thế giới trở nên ấm áp hơn và công bằng hơn. Do đó, chúng ta cần hiểu lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài là một người cha đầy lòng thương xót đối với mỗi người chúng ta. Hãy nhớ lại lời của Ngôn sứ Isaia: “Tội các ngươi dầu có đỏ như son cũng ra trắng như tuyết, có thắm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18). Lòng thương xót đẹp biết bao!... Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta. Và chúng ta cũng cần học và thương xót người khác.”

“Hãy luôn luôn tín thác nơi lòng thương xót của Chúa và đừng sợ hãi là Kitô hữu và sống như Kitô hữu”, cha đã nói như thế với hơn 100.000 tín hữu và du khách hành hương tụ tập tại Quảng trường Thánh Phêrô để đọc Kinh Nữ Vương Thiên Đàng với cha vào trưa Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót 7-4-2013. Mọi người đã vỗ tay thật to khi cha nhắc tới ngày lễ Lòng Thương Xót Chúa do Đức Chân phước Gioan Phaolô II thiết lập, và người đã nhắm mắt lìa trần cách đây 8 năm vào chiều hôm trước ngày lễ. Cha nhấn mạnh:

“Cả chúng ta nữa cũng hãy can đảm hơn để làm chứng cho đức tin nơi Chúa Kitô Phục Sinh! Chúng ta không được sợ hãi là tín hữu Kitô và sống như Kitô hữu! Chúng ta phải có lòng can đảm ra đi loan báo Chúa Kitô Phục Sinh, bởi vì Ngài là sự bình an của chúng ta. Ngài đã trao ban cho chúng ta sự bình an với tình yêu thương cùng với sự tha thứ của Ngài, với máu và với lòng thương xót của Ngài.”

“Chúng ta hãy cùng cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ giúp chúng ta, Giám Mục và Dân Chúa, tiến bước trong đức tin và trong tình mến, luôn luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Đấng luôn chờ đợi chúng ta, yêu thương chúng ta, tha thứ cho chúng ta với máu của Ngài và tha thứ cho chúng ta mỗi khi chúng ta đến gặp gỡ Ngài và xin ơn tha thứ. Chúng ta hãy tin tưởng nơi Lòng Thương Xót của Ngài.”

Trong bài giảng thánh lễ nhận nhà thờ chính tòa, cha đã kêu gọi chúng con đừng bao giờ đánh mất đi sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng con. Cha nhắc nhở chúng con hãy để cho mình đươc bao bọc bởi lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy để cho Chúa yêu thương và gặp gỡ Chúa trong các Bí tích để cảm nhận được sự dịu hiền và vòng tay yêu thương của Chúa hầu chúng con có thể xót thương, kiên nhẫn, tha thứ và yêu thương như Ngài.

Cha kính mến,

Chỉ mới đúng một tháng cha nhận lãnh nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên Chúa mà cha đã cho chúng con thấy cha quả là “mục tử như lòng Chúa mong ước” và “như lòng dân mong đợi” qua những gì cha đã làm, đã sống, đã giảng dạy. Soi chiếu vào cuộc sống khó nghèo, hồn nhiên, đơn sơ, khiêm tốn của cha càng làm con thấy hổ thẹn so với cuộc sống trưởng giả, quan liêu, quyền hành, cao ngạo của con. 

Đúng là cha thì thế. Con thì không!

Xin cha thương cầu nguyện cho đứa con khốn khổ đang cần được xót thương này để con cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa qua tấm lòng xót thương của cha, của những người có chức có quyền trên những con người hèn kém thấp cổ bé miệng.

Con sẽ luôn ghi nhớ lời cha dạy là “hãy luôn luôn tín thác nơi lòng thương xót của Chúa và đừng sợ hãi là Kitô hữu và sống như Kitô hữu”. Con mà làm được như thế thì chắc cha sẽ vui lắm, vì đúng là “cha nào - con nấy”!


 

Người con đang cần được xót thương
Lm. Giuse Trần Đình Long, SSS