Sống Lại Ơn Đức Tin
Maria Vũ Nguyễn Ánh Hương
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tôi có dịp tiếp xúc với một người được coi là “khô khan nguội lạnh”. Cuộc gặp gỡ hiếm hoi ấy đã để lại trong tôi nhiều trăn trở, nhất là về đời sống đức tin. Thế rồi hôm nay, khi suy gẫm về ngắm thứ nhất mùa Mừng: “Chúa Giêsu sống lại, ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn”, tôi bỗng ngộ ra một điều là: Mình phải thường xuyên xin ơn sống lại thật về phần linh hồn, nhất là ơn đức tin.
Thực vậy, cuộc sống hôm nay đầy dẫy những nguy cơ rất dễ làm cho ta đánh mất ơn đức tin, nhất là ba nguy cơ sau đây:
Nguy cơ thứ nhất là mất cảm thức về tội. Nghĩa là ta phạm tội mà cứ cho rằng mình không phạm tội. Ta coi tội lỗi trong cuộc sống hàng ngày như một việc bình thường. “Ai sao, tôi vậy. Ai làm bậy, tôi theo”. Nguy cơ này đã được Đức Giáo Hoàng Piô XII cảnh báo như sau: “Cái tội nặng nề nhất của con người ngày nay là mất cảm thức về tội”. Thực vậy! Con người thời nay đang bị đe doạ đủ điều, vì lương tâm con người đã xuống dốc. Lương tâm đang bị biến dạng, bị tê liệt từng ngày. Một khi lương tâm đã bị yếu nhược, thì cảm thức về Thiên Chúa cũng bị lu mờ dần.
Xưa kia cha ông ta bảo: “Khi mình phạm tội thì lương tâm sẽ cắn rứt”. Nhưng ngày nay hình như nhiều người đã đánh mất lương tâm. Hay nói cách khác, lương tâm của họ không còn “răng” để “cắn” nữa. Có lẽ vì thế mà người ta đang truyền tai nhau câu nói: “Lương tâm không bằng lương tháng. Lương tháng không bằng lương lậu. Lương lậu không bằng lươn lẹo”.
Mất cảm thức về tội là một thực trạng đáng lo lắng, đau buồn, vì hậu quả của nó là sự phủ nhận Thiên Chúa. Thiên Chúa bị khai trừ không chỉ trong hình thức sống đạo, mà còn bị phá sản ngay trong lương tâm con người.
Nguy cơ thứ hai là dửng dưng với ơn Chúa. Ơn Chúa tựa như cơn mưa rào; dửng dưng với ơn Chúa là tự chuốc lấy sự héo khô trong tâm hồn. Ơn Chúa tựa như ánh sáng; dửng dưng với ơn Chúa là tự khép mình trong bóng tối. Ơn Chúa là Sự Sống; dửng dưng với Sự Sống là đi vào cõi chết phần linh hồn. Ơn Chúa là Sự Thật; dửng dưng với Sự Thật là để cho sự dối trá khuynh đảo đời mình. Ơn Chúa là Con Đường; dửng dưng với Con Đường là để cho mình sa vào cõi lầm đường lạc lối.
Con người chúng ta, ai cũng có trí khôn, ý chí và tự do. Vì thế, ta có thể đón nhận hay không đón nhận ơn Chúa. Ta có thể sinh hoa kết trái tốt, nhưng cũng có thể chẳng có hoa trái nào. Điều đó tùy thuộc vào ta có biết đón nhận ơn Chúa hay không; có nhiệt tình cộng tác với ơn Chúa hay không. Nghĩ tới đây, tôi cảm thấy lo lắng cho bản thân mình, bởi vì rất nhiều lần tôi đã dửng dưng với ơn Chúa, đã từ chối ơn Chúa.
Dửng dưng với ơn Chúa là một thực trạng đáng lo lắng, đau buồn, vì hậu quả của nó là sự phủ nhận Thiên Chúa. Thiên Chúa bị khai trừ không chỉ trong hình thức sống đạo, mà còn bị phá sản ngay trong lương tâm con người.
Nguy cơ thứ ba là chối bỏ đức tin. Khi chối bỏ đức tin, ta tự tách mình ra khỏi “Nguồn Sự Sống” là chính Chúa. Từ đó ta rất dễ dàng phạm tội. Ta đã tự nguyện trở thành nô lệ cho sự dữ. Ta liều mình để cho thế lực của bóng tối, của Satan làm chủ đời mình. Hậu quả là ta không thể tự mình thoát ra khỏi “cái vòng kim cô” ấy.
Tôi đã từng được nghe nói về người này, người nọ… Trước kia họ cũng là con nhà “đạo gốc, đạo dòng”. Đức tin cũng đã một thời thắp sáng trong cõi lòng họ. Nhưng bây giờ, họ đã chối bỏ tất cả. Họ không còn làm Dấu Thánh giá. Không còn lãnh nhận các Bí tích. Không còn đi nhà thờ… Tệ hơn nữa, họ còn dùng sự hiểu biết nhỏ nhoi của họ để chỉ trích Giáo hội, công kích đạo Chúa.
Tại sao vậy? Chắc có nhiều lý do và hoàn cảnh khiến họ chối bỏ đức tin. Một trong những lý do ấy là họ đã không chịu tìm hiểu Giáo lý Công giáo cho thấu đáo. Cái nhìn của những ngày còn bé, thì khác xa với cái nhìn của giai đoạn trưởng thành. Thực vậy, khi còn bé, ta ngước mặt nhìn lên trời, nhưng khi đã trưởng thành, ta lại cúi mặt nhìn xuống đất. Khi còn bé, ta sống thật lý tưởng, nhưng khi đã trưởng thành, ta bắt đầu biết phê bình.
Có thể ta tài giỏi trong lãnh vực nghề nghiệp và chuyên môn, nhưng trong lãnh vực tôn giáo, ta vẫn giẫm chân tại chỗ. Ta vẫn chỉ là một đứa bé ngây ngô với những bước chân chập chững, nếu không muốn nói là đã thụt lùi.
Thực tế cho thấy, có những điều ngày xưa ta thán phục và cảm mến. Nhưng bây giờ lại trở thành một vấn đề, một dấu chấm hỏi, khiến ta phân vân, không biết đàng nào phải, đàng nào trái. Đức tin của ta có lý, hay chối bỏ đức tin mới là có lý?
Chối bỏ đức tin là một thực trạng đáng lo lắng, đau buồn, vì hậu quả của nó là sự phủ nhận Thiên Chúa. Thiên Chúa bị khai trừ không chỉ trong hình thức sống đạo, mà còn bị phá sản ngay trong lương tâm con người.
Trước những nguy cơ trên đây, ta phải làm thế nào để làm cho ơn đức tin được sống lại? Thưa, ta chỉ có thể thoát ra khỏi bóng đen u ám của những nguy cơ trên đây nhờ Đức Giêsu mà thôi. Thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại, để chúng ta được nên công chính” (Rm 4, 25), vì Ngài đến để cứu chuộc kẻ tội lỗi, để hàn gắn các mối liên lạc đã bị cắt đứt giữa Thiên Chúa và con người (Lc 19, 10). Chính Chúa sẽ giúp cho ta phục hồi lại những gì mình đã đánh mất. Chính Chúa sẽ làm cho ta được “ơn sống lại thật về phần linh hồn”, cho ta sống lại ơn đức tin.
Phần ta, hãy siêng năng lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh thể. Chuyên chăm cầu nguyện, gắn bó mật thiết với Chúa là “nguồn ơn đức tin”. Yêu mến và trung thành với Giáo hội là “máng chuyển ơn đức tin”. Yêu thương phục vụ mọi người, vì đó là “những nhịp cầu hỗ trợ ơn đức tin”. Sống như thế là ta đang biến đức tin của mình thành hành động.
Và nếu có lúc nào đó, ta rơi vào khoảng không đen tối của đức tin, thì xin đừng hoảng sợ. “Cứ tín thác đường đời cho Chúa. Chính Ngài sẽ ra tay” (Tv 36). Kinh nghiệm cho thấy: Nếu không có bầu trời đen, chẳng ai nhìn thấy những vì sao.
Theo Vietcatholic