Khi tham gia tình nguyện tại Bệnh Viện Dã Chiến, công việc thường ngày của tôi là khử khuẩn, thu gom rác, lau nhà và dọn vệ sinh nơi các phòng bệnh nhân F0 đang điều trị covid. Mỗi ngày 2 ca, sáng - chiều, chúng tôi rảo khắp 24 lầu. Công việc này đã cho tôi có nhiều cơ hội được gặp gỡ với các bệnh nhân và lắng nghe những câu chuyện của họ.
Một ngày kia khi đang lấy rác tại phòng cấp cứu, tôi nghe tiếng thều thào: “Cô ơi, cô ơi”. Tiến lại gần, tôi hỏi chị: Em có thể giúp gì cho chị? Hơi thở gấp gáp khó khăn, chị cố gắng kể cho tôi: Cả gia đình chị gồm 5 người thì có 4 người bị dương tính, ngoại trừ con bé chưa đầy 2 tuổi. Hai vợ chồng chị bị trước nên được đem vào đây cách ly, mấy ngày sau 3 đứa con của chị cũng được đem đi cách ly. Ba đứa con là ba hoàn cảnh khác nhau, anh lớn nhất 19 tuổi bị câm điếc, đứa thứ hai 12 tuổi khôn ngoan hơn nên phải lo chăm sóc cho cả anh và đứa em gái còn đang bú sữa mẹ. Vào bệnh viện được 2 ngày thì vợ chồng chị diễn biến nặng phải xuống phòng cấp cứu và thở oxy. Tình trạng hai vợ chồng mỗi ngày một xấu hơn.
Chị kể: Khi được đem đi cách ly, ba đứa khóc rất nhiều. Em nhỏ nhất nhớ sữa mẹ nên không chịu ăn uống gì cả khóc suốt đêm cho đến lúc mệt thì thiếp ngủ đi. Mỗi ngày qua màn hình chị thấy bé xanh sao và ốm hơn nhiều. Nghĩ đến các con lòng chị đau như cắt. Chúng trở thành động lực để chị cố gắng ăn, uống thuốc đầy đủ, tuân thủ đúng yêu cầu của bác sĩ, chỉ mong sớm được gặp lại các con. Chị nhờ tôi lên thăm 3 đứa con của chị xem chúng ăn ngủ như thế nào?
Từ đó, mỗi ngày tôi đều ghé thăm ba anh em, mang cho chúng ít bánh, kẹo, sữa và thông báo cho chúng biết về tình hình của ba mẹ. Có ngày thấy em bé xanh sao và gần như đã lâu rồi không tắm giặt thay đồ, chúng tôi dụ mãi em mới chịu để cho chúng tôi gội đầu và tắm cho. Vì ngày nào chúng tôi cũng ghé qua để hỏi thăm trò chuyện và chơi với chúng, dần dần chúng tôi trở nên thân quen. Mỗi lần thấy chúng tôi là bé nhỏ chạy tới reo hò rất thân thiện. Chúng cảm thấy an toàn và vui vẻ hơn trước. Rồi khi đến phòng cấp cứu, chúng tôi lại kể cho chị nghe về ba đứa con của chị. Chị như được an ủi và tiếp thêm sức mạnh nên tình hình sức khỏe của chị dần khá hơn và tiến triển tốt, không phải thở oxy và được chuyển lên phòng chăm sóc đặc biệt.
Mỗi ngày ghé qua thăm mấy đứa nhỏ và chơi với chúng, nhìn thấy đứa bé mỗi ngày ốm dần đi, lòng tôi rất xót xa. Tôi kể cho chị em cùng phòng nghe về thao thức muốn cho em bé 2 tuổi được ở với mẹ của mình. Vậy là chị em mỗi người một ý tưởng soi sáng cho nhau và đưa ra kế hoạch giúp hai mẹ con được đoàn tụ. Chúng tôi nhờ bác sĩ trưởng khoa can thiệp. Sau khi lắng nghe hoàn cảnh của chị, bác sĩ quyết định chuyển chị lên lầu để gần gũi và chăm sóc các con. Chúng tôi mừng rỡ vô cùng khi nghe quyết định của bác sĩ. Tình yêu luôn cho ta những sáng kiến tạo nên mối dây liên kết mọi người với nhau.
Chiều hôm chứng kiến khoảnh khắc 4 mẹ con được gặp lại nhau là giây phút vô cùng xúc động. Niềm vui và hạnh phúc, tiếng cười xen lẫn giọt nước mắt chan hòa trên khuôn mặt. Thật khó diễn tả được cảm xúc trong thời khắc này. Chỉ có con tim mới thấu hiểu được niềm hạnh phúc vô bờ bến của họ. Đứa bé nhỏ nhảy nhót, chúi đầu vào lòng mẹ cười rồi lại khóc. Mẹ thì ôm ghì từng đứa con vào lòng, như thể mất mà nay lại tìm thấy vậy. Nghẹn ngào nước mắt chan hòa, khóc cho thỏa bao ngày quằn quại vì lo lắng và thương nhớ con. Đứa bé 12 tuổi quay ra chắp tay lạy lục cám ơn chúng tôi rối rít; gặp lại mẹ chúng con vui lắm, nhất là em gái con, con cám ơn, đội ơn các cô nhiều lắm. Mắt chúng tôi cũng cay cay và nghẹn ngào trong niềm hạnh phúc của họ.
Dù chỉ có một tháng nơi môi trường khắc nghiệt này nhưng đã cho tôi biết bao trải nghiệm. Chưa bao giờ tôi thấy tình người dành cho nhau lại đẹp như vậy. Trong hoàn cảnh đặc biệt này, chẳng biết ngày mai ta còn gặp lại nhau hay không, nên mỗi người sống như chỉ còn một ngày để sống vậy.
Maria Hồng, fmm