Tôi thấy ngọn lửa này cháy bừng lên trong những khu cách ly, những bệnh viện dã chiến, nơi góc phố về đêm trên những vỉa hè, gầm cầu. Thời gian này tôi may mắn được tham gia trong nhóm tình nguyện viên phục vụ tại bệnh viện hồi sức covid. Tôi chợt nhận ra tại nơi tối tăm, tuyệt vọng, sự sống và cái chết giao tranh có ngọn lửa của yêu thương, sẻ chia, quan tâm sáng bừng và chiếu soi vào mọi ngóc ngách, chạm đến từng bệnh nhân. Tình Yêu đã an ủi, xoa dịu những đau đớn trên thân xác cũng như những tổn thương trong tâm hồn khi họ không có người thân bên cạnh trong lúc yếu đau.
Tôi còn nhớ cái ngày đầu tiên được tiếp xúc trực tiếp, chạm đôi tay chăm sóc bệnh nhân FO nặng đang hôn mê, lòng tôi có chút e dè, sợ bản thân sẽ bị lây bệnh. Mặc dù khi tình nguyện tham gia tôi đã dành nhiều giờ ở lại với Chúa, tiếp lấy sức mạnh từ Người để can đảm bước đi và sẵn sàng trả giá đến cùng cho chọn lựa của tôi. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai và rồi tôi không biết cái cảm giác sợ đó nó biến đâu mất thay vào đó, lòng tôi tràn ngập nỗi xót xa, thương cảm khi chứng kiến bệnh nhân đang cố thở những nhịp thật yếu ớt. Đồng thời, tôi cảm thấy ngưỡng mộ, biết ơn những bác sĩ đang chiến đấu hết mình với Covy để giữ nhịp thở cho bệnh nhân.
Tôi nhận ra chính ngọn lửa yêu thương, nhiệt thành quên mình nơi các bác sĩ đã lan tỏa đến tôi. Nó đã thiêu đốt tất cả những sợ hãi để tôi sẵn sàng đi đến phục vụ anh em với cả trái tim. Chứng kiến họ mặc bộ đồ bảo hộ suốt 8 tiếng, áo trong ướt sũng mồ hôi, đôi chân bước đi mệt nhoài, nhưng khi chăm sóc, đối thoại với bệnh nhân luôn hết lòng, tỉ mỉ, chu đáo và thật nhẹ nhàng đôi lúc còn năn nỉ xin bệnh nhân cộng tác với mình để duy trì nhịp thở tự nhiên. Tôi cảm nhận được cái nóng, cái khó chịu, cái mệt khi chính tôi khoác vào người bộ đồ bảo hộ. Chỉ hơn 4 tiếng thôi mà họng tôi cảm thấy khô rát, mặt đỏ bừng, cả người ướt như vừa tắm. Trải qua kinh nghiệm đó tôi chỉ biết thốt lên lời tạ ơn Thiên Chúa và biết ơn những người đang hi sinh ầm thầm để mong Covy được đẩy lùi.
Tấm lòng cháy hết mình vì bệnh nhân, không kể tôi là bác sĩ, điều dưỡng hay là hộ lí mà sẵn sàng làm tất cả chỉ mong những gì tốt nhất cho bệnh nhân. Tôi cảm được niềm vui, sự hi vọng nơi nhân viên y tế. Mỗi lần ra ca, ngồi ăn cơm với nhau, chia sẻ cho nhau bệnh nhân A đang có tiến triển tốt, bệnh nhân B đáp ứng thuốc hay bệnh nhân kia sắp được chuyển lên lầu và cai máy thở từ từ. Rồi khi có bệnh nhân tử vong họ chạy vội vã, dùng hết khả năng Chúa ban, máy móc các loại cố giành lại hơi thở, nhịp tim nhưng không thể. Tôi nghe được tiếng thở dài, giọng nói như trầm xuống, cảm xúc đượm buồn nói lời tạm biệt với bệnh nhân.
Từ khi có sự hiện diện của chúng tôi, những nữ tu trong phòng bệnh cứ mỗi lần có bệnh nhân tử vong họ liền chạy lại gọi: “Souer ơi, Souer có cầu nguyện cho bệnh nhân mới tử vong không?”. Những lần như thế tôi thường chạy lại dâng linh hồn mới qua đời này trong vòng tay yêu thương của Chúa. Và thầm cám ơn, cầu nguyện cho các bác sĩ. Họ đã cháy hết mình chiến đấu trong cuộc chiến giữa thời bình này.
Có lần vô tình tôi nghe được cuộc điện thoại của họ gọi về gia đình. Họ nhắn những đứa con: “Ở nhà ngoan vâng lời mẹ khi hết dịch, ba về sẽ mua cho một đàn khủng long”. Tôi chợt thấy khóe mắt mình cay xè. Thương và trân quý biết bao sự hi sinh quên mình cho người khác, chấp nhận xa gia đình, xa những người thân yêu để đến đây cùng chung tay thắp lên ngọn lửa yêu thương. Họ nâng đỡ bệnh nhân, tiếp thêm sức cho bệnh nhân duy trì hơi thở; sưởi ấm những tâm hồn cô đơn trong lúc đau bệnh; làm vơi bớt sự sợ hãi khi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết sao mỏng manh quá.
Tôi cũng thấy ngọn lửa này nơi các Tình nguyện viên khi chấp nhận rời xa sự an toàn, bình yên vốn có. Họ đã đến nơi đây góp một que diêm làm cho ngọn lửa yêu thương cháy bừng lên, lan tỏa và xóa tan đi tất cả những sợ hãi, khoảng cách. Cùng nhau chung tay vẽ lên bức tranh của yêu thương, gắn kết, thấu cảm và đầy hi vọng một mai sẽ lại bình yên. Nhịp sống thường nhật sẽ trở về. Nụ cười không còn bị che khuất bởi lớp khẩu trang. Gia đình được sum họp. Trẻ con được chơi đùa. Đường phố lại vang lên âm thanh của những gánh hàng rong.
Tôi thiết nghĩ ngọn lửa trong tôi chỉ thật sự cháy bừng lên khi tôi dám sống quên mình phục vụ. Khi tôi dám sống cho đi lại chính là lúc tôi nhận lãnh được nhiều nhất. Bài học của lòng biết ơn từng ngày lớn lên trong tôi. Nơi đây cũng dạy tôi bài học của sự khiêm nhường, cúi xuống phục vụ chăm sóc anh em tôi như chính Chúa đang từng ngày chăm sóc tôi. Người đã yêu tôi nhưng không và vô điều kiện. Chính cảm nhận này cho tôi sức mạnh cùng sự can đảm để đi ra và đi đến với người khác.
Chọn dâng hiến trọn vẹn cho Chúa trong ơn gọi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tôi luôn ghi khắc lời của Đấng sáng lập: “Tôi đã được Thánh hiến cho Thiên Chúa cùng đích của đời tôi là Tình Yêu”. Chính Tình yêu của Đức Kito cho tôi sức mạnh sống đời Thừa sai: “Là một Thừa sai sẵn sàng đi khắp mọi nơi và đến với mọi người để loan báo Tin mừng cứu độ. Chúng ta được ưu tiên sai đến với những ai chưa được mặc khải về Đức Kito, với những ai ít được hưởng sự hiện diện của Giáo hội và chúng ta đặc biệt ưu tiên những ai nghèo nhất” (HP4). Tôi ước mong mình sống trọn ơn gọi Thừa sai trong giây phút này. Phục vụ những người đau khổ với thái độ và tâm tình của Chúa.
Tôi còn thấy ngọn lửa yêu thương đang cháy sáng nơi các giáo xứ, dòng tu khi không quản ngày đêm, mưa nắng, hiểm nguy có thể sẽ trở thành F0 để chuẩn bị từng bó rau, túi gạo, trái chuối, gói mì để trao tặng những khu cách li hay những người vô gia cư nơi các vỉa hè. Sẻ chia chút lửa yêu thương để xoa dịu những khó khăn, âu lo trong những ngày giãn cách không thể kiến việc làm, cũng chẳng thể về quê. Ngồi nơi đây nhìn về, tôi thấy các chị tôi đang bận rộn gói từng phần quà với sự trân trọng và rồi bon bon trên chiếc honda đến tận những con hẻm nhỏ nơi những công nhân xa quê để gởi trao chút yêu thương. Tôi nhận ra sự nguy hiểm của Covy không thể ngăn cản bước chân chị tôi vì trong lòng chị tôi đang bừng lên ngọn lửa Giêsu yêu thương, phục vụ nhưng không, quên mình, không đòi đền đáp.
Tôi cũng thầm cảm ơn tất cả tình yêu của mọi người khắp nơi sẵn sàng sẻ chia, khi nhìn thấy những chuyến xe nối đuôi nhau tiến vào Sài Gòn cổ họng tôi đã nghẹn ngào. Tôi nhớ lại lời Đức Kitô đã nói trong Tin mừng Thánh Luca: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy bừng lên”. Tình thương giống như ngọn lửa nó đã cháy lên trong mỗi người ở khắp mọi nơi, thiêu đốt cái tôi ích kỉ ngăn cách con người với nhau. Ngọn lửa yêu thương đang cháy sáng và tỏa lan chính là sức mạnh để giúp ta xích lại gần nhau, giúp nhau cùng vượt qua thời khắc khó khăn này. Tôi gửi một thông điệp đến mọi người, đừng ngại góp que diêm nhỏ bé để yêu thương được lan tỏa và đừng bao giờ mất hi vọng hãy tin tưởng ngày mai trời lại sáng vì có Chúa luôn hiện diện giữa chúng ta.
Lạy Chúa, giữa bao đau khổ và khốn cùng, cô đơn và sợ hãi mà cơn dịch bệnh mạng lại, Chúa đã thắp lên trong chúng con nhiều tia lửa ấm của tin yêu và hi vọng, đủ để chúng con tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến đấu cam go này. Thật cảm động khi thấy các y bác sĩ cật lực làm việc suốt ngày đêm để chăm lo cho các bệnh nhân. Có lúc họ phải tranh thủ nghỉ ngơi ngay tại các hành lang, trên ghế, dưới sàn trong những bộ đồ bảo hộ bít bùng. Yêu mến làm sao tình tương thân tương ái giữa con người với nhau, không kể giàu nghèo mỗi người theo khả năng của mình giúp đỡ những người ở tâm dịch. Khi đối diện với cơn dịch này con người dường như tìm lại được giá trị đời mình, ít sống ảo hơn, yêu thương nhiều hơn và biết quý trọng cuộc sống hơn. Con tin Chúa đang hiện diện và đồng hành với chúng con qua vô số điều cụ thể thật đẹp. Chúa vẫn tiếp tục thắp lên trong con ngọn lửa yêu thương. Xin cho chúng con luôn bước đi bên Người để có thể mỉm cười tạ ơn Chúa vì những nẻo đường quanh co, khúc khủy đã có Chúa uốn thẳng trên hành trình.
Maria Ngoan, fmm.