Lặng Để Cảm Nếm...

Lặng để Nếm hương vị của Tình yêu.

Như vậy đã hơn hai tháng nay tình hình dịch Covid chuyển biến ngày càng phức tạp và những chỉ thị của nhà nước đưa ra cũng ngày càng nghiêm nhặt hơn, nhất là tại Sài Gòn.

Tôi cảm nhận rằng, có cái gì đó nó tang tóc, tan tác, khổ đau, không sao nói nên lời… chỉ biết lặng và lặng.

Nhất là khi tôi quan tâm đến những người di dân tập trung về Sài Gòn vì cuộc sống “cơm áo gạo tiền”, giờ đây họ đang bế tắt chất chồng bế tắt và họ đang tán loạn như tìm cách tháo chạy để về lại mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trong số đó, có người về được đến nơi an toàn, có người đã phải bỏ mạng giữa đường vì nhiều thứ tai nạn khác nhau. Còn những ai ở lại thì sống trong cảnh hoang man, đói khát, bệnh tật và sợ hãi.

Mọi sự trở nên điêu tàn, xơ xác. Phải chăng Đấng Tạo Thành vẫn đang thinh lặng trước nỗi khổ đau của nhân loại? Hay Người đang bỏ quên con cái của Ngài?

Giữa lúc tối tăm, hoang mang như thế này, nhiều người sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái ngờ vực, mất niềm tin, và nghi ngờ cả sự hiện diện của một vị Thiên Chúa quyền năng và xót thương. Và tự hỏi,Chúa ơi, Chúa ở đâu?

Trong lúc này, chắc chắn rằng Chúa vẫn ở đó, Chúa không bỏ rơi con người, Ngài vẫn ở đó với con của mình và Ngài cùng đi, cùng đau với nỗi thống khổ của con cái Ngài, buồn với nỗi buồn của con Mình.

Không những thế, Ngài vẫn đang là điểm tựa vững chắc cho nhân loại trong lúc này.

Trong lúc đầy khó khăn đau khổ, hoang mang và hỗn loạn nhất của con người, chúng ta khắp mọi miền trái đất sử dụng nhiều nơi qua phương tiện truyền thông đang nối kết với nhau bằng lời kinh thật thà, đơn sơ là chuỗi kinh Mân Côi đã bao phen cứu lấy và bảo vệ Giáo hội cho đến giờ phút này. Tiếp tục với truyền thống đức tin đó, hôm nay trên toàn thế giới đang cùng nhau nguyện cầu nài xin lòng xót thương của Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Mẹ đến nhân loại đang khổ đau vì con vius độc hại này.

Chắc chắn rằng Thiên Chúa vẫn ở đó, có điều vì con người đang quá khổ đau, mà chúng ta chưa nhận ra sự hiện diện âm thầm nhưng đầy sống động và yêu thương  của Ngài.

Vâng, Thiên Chúa vẫn ở đó với con cái mình, nâng đỡ, băng bó vết thương cho con mình bằng nhiều kiểu cách phù hợp với từng nỗi thống khổ của từng người con. Vì tự sức con người, chúng ta không đủ sức và không thể chống chọi với sự dữ đang diễn ra trước mắt. Nhưng cùng với sức Thiên ban, chúng ta có thể tồn tại và ngày một hy vọng hơn về tương lai phía trước. Giờ đây, Văc xin đã ra đời, lòng người được mở ra cho nhau, việc làm “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn” ngày một được nhân rộng và lan khắp phương trời.  Cụ thể và sống động nhất là tại Sài Gòn, thành phố thân yêu của bao nhiêu người con đất Việt.

Khi hay tin “chị Hai Sài Gòn” đang thấm mệt vì bệnh nặng, hưởng ứng lời mời gọi của Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, người người, làng làng ở khắp mọi miền đất nước, lẫn ở ngoài nước tìm đủ cách để hỗ trợ lương thực, nhân lực, tinh thần – vật chất cho vùng bị nạn. Tất cả đang đau đáu hướng về chị Hai Sài Gòn đang lâm trọng bệnh vì Covid. Sau đó không lâu, các nam nữ tu sĩ, các dòng tu hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Gp. Sài Gòn, sẵn sàng ra đi và họ đã lên đường đi đến vùng dịch, trở thành những người hùng ở tuyến đầu chung tay, góp sức với các nhân viên y tá bác sĩ để dành lấy sự sống cho bệnh nhân.  Họ biết rằng, đến đó nguy cơ lây nhiễm cao và cũng có thể sự sống bị đe dọa, nhưng vì sự thôi thúc từ tiếng gọi bên trong, các tu sĩ không lùi bước mà háo hức lên đường cho tình yêu, vì  tình yêu. Trên hết mọi sự họ tín thác vào Chúa và tin rằng lúc này Chúa cần đến họ và Chúa đang ở với họ.

Những điều đó, như thay lời muốn nói, Chúa đâu bỏ rơi con Người, Ngài vẫn ở với nhân loại chúng ta, Ngài đang hiện diện nơi sâu thẳm của tâm hồn mỗi người. Ngài đang bước đi cùng với con của Ngài và cùng đau với nỗi đau mà con Mình đang đi qua.

Đứng trước sự lây lan dịch bệnh, cho tôi một chút suy tư: Kiếp người thật mong manh, tất cả chỉ là phù du, đời này chỉ là tạm bợ. Từ đó mời gọi tôi hướng lòng về trời cao và tìm cho mình lương thực vĩnh cửu, chứ không phải lương thực tồn tại ở kiếp “ở trọ” này. Điều này làm tôi nhớ đến lời sách giảng viên nói: “Phù Vân, tất cả là phù vân”. Dù có đang sống trong danh vọng con người cũng không thể trường tồn, rồi cũng đến lúc ra đi để trở về với nguồn cội đời mình. Và dẫu cho kiếp sống này đầy truân chuyên, đau khổ đến mấy nhưng Phù vân vẫn nên tình vô biên.

Lạy Chúa xin thương xót và chữa lành chúng con, trong bối cảnh dịch bệnh khổ đau này, chúng con chẳng còn biết nương tựa vào đâu nữa, mà chỉ biết chạy đến nương dưới bóng Ngài cho hết tai họa khổ đau. Và chỉ nơi Ngài và trong Ngài chúng con mới được nghỉ ngơi yên hàn. Xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm cho mình lương thực mang lại sự sống đời đời, luôn biết cậy dựa vào sức thiên Chúa ban để chúng con cùng nhau đủ sức vượt qua cơn đại nạn này. Amen

Suy tư

Cỏ dại, fmm