Phần II: KẾT QUẢ ĐỨC KHÔN NGOAN MANG LẠI
III. Kết quả và “quà” Đức khôn ngoan ban tặng
Việc khám phá nguồn gốc của đức khôn ngoan mà chúng ta vừa trình bày ở trên, cho thấy: Đức Khôn Ngoan chính là ân huệ lớn lao mà Thiên Chúa ban cho con người. Ngay trong công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình Ảnh của Ngài, cho con người có lý trí để họ biết phân biệt, biết suy nghĩ, chọn lựa…Con người vượt trổi các thụ tạo khác và được Thiên Chúa trao quyền làm chủ để chăm sóc và phát triển thế giới xinh đẹp mà Ngài đã tạo nên. Thật vậy, lý trí mà Thiên chúa ban tặng cho con người chính là hành vi Thiên Chúa chia sẻ Đức Khôn Ngoan của Ngài cho con người. Với ơn Chúa ban cùng sự tích luỹ từ những kinh nghiệm trong cuộc sống mà đức khôn ngoan đã giúp cho người ta đạt được nhiều thành quả trong các lãnh vực của cuộc sống. Qua các bản văn Thánh Kinh, chúng ta có thể thấy hoa quả của đức khôn ngoan bao trùm lên cả đời sống của con người. Sau đây chúng ta tìm hiểu kết quả mà đức khôn ngoan ban tặng qua một số lãnh vực sống của chúng ta như: ích lợi về đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh.
1. Đức khôn ngoan cho ta những kết quả về mặt vật chất
Sách khôn ngoan đã nói: khôn ngoan quý hơn cả trân châu ngọc quý, vì có được đức khôn ngoan là có tât cả. .“ Đức Khôn Ngoan, tôi đã quý trọng còn hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất” (Kn 7, 8-9); “Nếu trên đời này, giàu sang là báu vật ai ai cũng khao khát, thì còn có gì giàu sang hơn Đức Khôn Ngoan, vì Đức Khôn Ngoan làm nên tất cả ” (Kn 8,5). “Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể. Tôi vui hưởng mọi sự tốt lành ấy, vì chính Đức Khôn Ngoan đem chúng đến với tôi; thế mà tôi lại không biết rằng Đức Khôn Ngoan là mẹ sinh ra chúng” (Kn 7,11-12). Khi chúng ta biết quý trọng đức khôn ngoan hơn của cải vật chất thì chính đức khôn ngoan lại đem đến cho ta sự giàu sang gấp bội. Câu chuyên của Vua Salomon trong trình thuật sách các vua cũng đã mô tả Salomon là một vị vua khôn ngoan nhất, kể cả trước cũng như sau ông không ai khôn ngoan bằng ông. Và nhờ sự khôn ngoan đó mà ông trở thành một người giàu sang phú quý, vinh hoa tột bậc. Ông đã xây dựng một đất nước hưng thịnh và trong lịch sử Israel, có lẽ thời gian vua Salomon làm vua chính là thời kỳ đất nước thịnh vượng nhất. Trong các sách văn chương khôn ngoan còn cho ta thấy, nhờ khôn ngoan mà người ta trở nên giàu có và trường thọ. “ Khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan. Bên hữu khôn ngoan là trường thọ, bên tả là danh giá giàu sang (Cn 3, 16.18). tác giả sách châm ngôn cũng viết lại lời đức khôn ngoan tự nói về mình: “ Bên cạnh ta là giàu sang, danh giá, là phú quý bền lâu và thịnh vượng. Trái trăng ta cho hưởng quý hơn cả vàng ròng, hoa lợi ta tặng ban tốt hơn bạc nguyên chất” (Cn 8,18-19).
2. Trong đời sống, đức khôn ngoan cũng đem đến cho con người nhiều hoa trái cho tinh thần, trong các mối tương quan cũng như những cách ứng nhân xử thế.
Các bản văn văn chương khôn ngoan nói về kết quả của đức khôn ngoan như: giúp cho người cầm quyền cũng như những kẻ hèn mọn và tất cả mọi người trong cách đối xử với nhau và đạt được nhiều thành công trong cuộc sống. “Ta nắm mưu lược và thành công, ta có hiểu biết và sức mạnh” ( Cn 8,14). Sách Châm ngôn cũng nhấn mạnh vai trò của đức khôn ngoan bên cạnh các nhân vật lớn trên thế giới. Việc vua chúa và những người cầm quyền thành công trong cai quản là nhờ khôn ngoan: “Chính nhờ ta, mà vua chúa biết cầm quyền trị nước, các thủ lãnh có những phán quyết công bình. Cũng nhờ ta, hàng lãnh đạo biết cách điều khiển, giới cầm quyền biết xét xử công minh. ” ( Cn 8, 15-16). Khi lên ngôi vua, Salomon đã xin Đức Chúa một ơn mà Người rất hài lòng đó là, xin cho vua có được một tâm hồn biết lắng nghe và phân định các vấn đề, để vua có thể lãnh đạo dân và đem lại hoà bình cho dân. 9 Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế? "10 Chúa hài lòng vì vua Sa-lô-môn đã xin điều đó.11 Thiên Chúa phán với vua: "Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đã không xin cho được sống lâu, hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử,12 thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp.13 Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi không có ai trong các vua được như ngươi (2Sbn 1, 9-12). Có nhiều đoạn văn khác trong sách châm ngôn cho ta thấy: Đức khôn ngoan còn muốn chứng minh rằng mình có tài thực hiện trật tự trong vũ trụ, làm cho nó vững bền, vì bây giờ đưc khôn ngoan ở kề bên chúa. Nói khác đi, trật tự trong thế giới không độc lập với đức khôn ngoan. Đức khôn ngoan là gạch nối giữa Thiên Chúa và loài người. Nếu trật tự và sự bền vững của vụ trụ, cách riêng của trái đất, xưa và nay đã không có được nếu không có đức khôn ngoan, không có đức khôn ngoan bên cạnh Thiên Chúa, và nếu đức khôn ngoan “vui với con cái loài người”, thì ấy là để giữa phàm nhân có được trật tự và ổn định trong “chân lý” và “sự công minh”.[1]
Với mọi người nói chung thì đức khôn ngoan dạy họ biết phân biệt xấu tốt để tránh những cạm bẫy và được sự an toàn trong cuộc đời. “Rồi bước đường con đi sẽ an toàn, và chân con sẽ chẳng bao giờ vấp. Khi ngả lưng, con không khiếp sợ. Nằm xuống rồi là an giấc thảnh thơi. Đừng sợ chi khi kinh hãi bất thần ập xuống, hay kẻ ác xông vào tấn công. Vì ĐỨC CHÚA sẽ ở bên con, giữ chân con khỏi sa vào cạm bẫy” (Cn 3,23-26). và tránh được những lời mời mọc rủ rê của phường tội lỗi. “Vì khôn ngoan sẽ vào tận lòng con, và tri thức khiến hồn con vui thú, óc thận trọng sẽ giữ gìn con, trí hiểu biết sẽ như người bảo vệ, để giải thoát con khỏi lối sống xấu xa, cứu con khỏi người nói những lời xằng bậy, khỏi những kẻ bỏ đường ngay chính, đi vào nẻo tối tăm ”(Cn 2,110-13).Họ có thể hiên ngang bước trên chính lộ. “Như thế con sẽ bước đi trên đường người lương thiện,và dõi theo lối của chính nhân”(Cn 2,20). Nhờ hiểu biết và chọn lựa đúng đắn nên họ có được một cuộc sống an nhàn thư thai, bình an, hạnh phúc. Đường khôn ngoan là đường thú vị, nẻo khôn ngoan là nẻo bình an. Khôn ngoan chính là cây sự sống, đối với người nào nắm được khôn ngoan. Giữ được khôn ngoan quả là hạnh phúc. ”(Cn 3,17-18); gặp được sự sống và phúc lành “ gặp được ta(đức khôn ngoan) là gặp sự sống, và hưởng ân lộc ĐỨC CHÚA ban cho. Còn ai phạm đến ta là làm hại chính mình, mọi kẻ ghét ta là yêu cái chết."” ( Cn 8,35-36); người khôn ngoan là biết kính sợ Đức Chúa, nhờ thê mà tránh được cãm bẫy tử thần “ Kính sợ ĐỨC CHÚA sẽ được an toàn kiên vững, Người là nơi ẩn náu cho con cái Người. Kính sợ ĐỨC CHÚA là nguồn sự sống, giúp ta tránh được cạm bẫy tử thần.”(Hc 14,26-27). Khôn ngoan cũng đem lai ân sủng và vinh quang cho người biết găn bó cùng nó“Hãy kính trọng khôn ngoan, con sẽ được khôn ngoan tán dương ca tụng ; nếu con cùng khôn ngoan gắn bó, khôn ngoan sẽ đem vinh dự lại cho con.”(Cn 4,8). Và mọi nhân đức cũng chính là hoa quả đức khôn ngoan ban tặng “Con người mến chuộng đức công bình ư? Thì chính Đức Khôn Ngoan sản sinh các nhân đức: Quả vậy, Đức Khôn Ngoan dạy cho biết sống tiết độ, cẩn trọng, công bình và dũng mãnh. Trên đời này, còn chi hữu ích cho con người hơn các nhân đức ấy ?”(Kn 8,7).
3. Đức khôn ngoan đem lại hoa trái trong đời sống tâm linh.
Để có được đức khôn ngoan, người ta phải lắng nghe và học hỏi Lời của Thiên Chúa. Khi đó, họ sẽ hiểu được thánh ý cũng như đường lối của Thiên Chúa và có được mối tương quan thân thiết với Người. Nhờ đó sự khôn ngoan sẽ tạo nên những người bạn của Thiên Chúa “Dầu chỉ một mình, Đức Khôn Ngoan vẫn có thể làm được mọi sự ; luôn luôn bất biến, Đức Khôn Ngoan đổi mới được muôn loài. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, Đức Khôn Ngoan ngự vào những tâm hồn thánh thiện, biến họ nên bạn hữu của Thiên Chúa, nên ngôn sứ của Người.”(Kn 7,27); thật vậy “Chiếm được Đức Khôn Ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban. Kêu xin Thiên Chúa soi sáng”(Kn 7,14). Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, vì thế ai kính sợ Chúa thì sẽ được sống hạnh phúc ở đời này và đời sau.“Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khang trường thọ. Ai kính sợ Đức Chúa sẽ thấy cuộc đời kết thúc tốt đẹp, ngày lâm chung họ sẽ được hưởng phúc lành”(Hc 1, 12-13). Người khôn ngoan cũng là người biết tuân giữ lề luật Chúa và nhờ thế ma họ được sống mãi bên Thiên Chúa. “yêu mến đức khôn ngoan là tuân giữ lề luật. Chú tâm tới lề luật của Đức Khôn Ngoan là bảo đảm được trường sinh bất tử. Trường sinh bất tử cho ta được ở bên Thiên Chúa. Như vậy, chính lòng kháo khát Đức Khôn Ngoan đưa chúng ta lên hàng vương giả” (Kn 6,18-20). Nhờ đưc khôn ngoan hướng dẫn mà “ đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ."(Kn 9,18).
Như vậy việc sống mật thiết với khôn ngoan không khác náo sống mật thiết với chính Thiên Chúa và khi sống mật thiết với Thiên Chúa thì con người sẽ tìm được hạnh phúc đích thực của đời mình, tìm thấy giá trị cuối cùng của đời mình là ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho những kẻ yêu mến người. Ở trong lối nhìn của Tân Ước đức khôn ngoan được đồng hoá với Đức Kitô. Khi đồng hóa sự khôn ngoan với Đức Kitô là Con và là Lời của Thiên Chúa, Tân Ước sẽ tìm thấy trong giáo thuyết này sự chuẩn bị chính xác cho mặc khải hoàn toàn: liên kết với Đức Kitô, con người thông phần vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa và thấy mình được sống thân mật với Ngài và được cứu độ.
V. Tạm kết
Khi tìm hiểu về đức khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, ban cho mỗi người chúng ta, cũng là cơ hội để ta nhìn lại hồng ân lớn lao này để mà tạ ơn Thiên chúa. Sự khôn ngoan mà chúng ta trình bày ở trên không chỉ là một mớ lý thuyết suông nhưng nó chất chứa biết bao tâm tình của con người bày tỏ lên với Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn của sự khôn ngoan. Từ kinh nghiệm của các tiền nhân trong cựu ước cũng như Tân Ước đã gửi tới chúng ta một sứ điệp đó là: Đức khôn ngoan của con người luôn gắn liền với lòng kính sợ và yêu mến Đức Chúa. Vì thế trong kinh nghiệm đời sống của mình, tôi nghiệm thấy: Khi kết hiệp sâu xa với Chúa trong cầu nguyện là lúc Chúa xin ta, chứ không phải ta xin Chúa. Điều Chúa xin ta vẫn luôn là tình yêu cứu độ của Ngài, mà chỉ có thể cứu độ qua con đường Thập giá là hiến thân hy sinh chính bản thân mình. Hoa trái của sự khôn ngoan siêu việt này chỉ một mình Chúa biết và thông tri cho những tâm hồn khiêm nhu bé mọn, là những người được ôm ấp trong trái tim yêu dấu của Chúa, để họ có sức mạnh uống cạn chén đắng linh thiêng mà cũng chỉ một mình họ hiểu ý nghĩa và giá trị siêu việt của nó. Đó cũng là sự khôn ngoan của trái tim chan chứa tình yêu, vượt trên sự khôn ngoan của trí óc.
[1] Lm Inhaxio Nguyễn Ngọc Rao, Tìm Hiểu Các Sách giáo Huấn, 1999
Maria Dàng, fmm.