QUAN NIỆM VỀ ĐỨC KHÔN NGOAN VÀ KẾT QUẢ ĐỨC KHÔN NGOAN MANG LẠI

Sự khôn ngoan của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan tuyệt hảo. Vì thế các tác giả Sách Thánh chiêm ngắm sự Khôn Ngoan Thiên Chúa như nguồn gốc sự khôn ngoan của họ. Đó là một thực tại thần linh đã có từ muôn thuở và sẽ còn mãi mãi...

Phần I: QUAN NIỆM VỀ ĐỨC KHÔN NGOAN

 

         I.       Dẫn nhập

            Những nền văn hóa Đông phương đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan này nhằm mục đích thực tế là giúp con người cư xử thận trọng và khôn khéo để thành công trên đời. Điều đó bao hàm một suy tư về thế giới và cũng đưa đến một khởi thảo một nền luân lý, để rồi không thể thiếu liên lạc với tôn giáo. Vào thế kỷ VI ở Hy lạp, niềm suy tư nặng phần lý thuyết nên khôn ngoan biến thành triết lý. Như vậy bên cạnh một khoa học vừa phôi thai và những kỹ thuật đang phát triển, khôn ngoan là một yếu tố quan trọng của nền văn minh. Trong mạc khải Thánh Kinh, Lời Chúa cũng mang hình thức khôn ngoan. Đó là sự kiện quan trọng nhưng cần phải giải thích đúng đắn. Sự kiện đó không có nghĩa là đến một giai đoạn phát triển nào đó, mạc khải sẽ biến dạng thành nhân bản thuyết. Sự khôn ngoan được linh ứng, cho dù nó bao hàm phần tinh hoa của khôn ngoan nhân loại, nhưng có một bản chất khác hẳn. Sự kiện này đã manh nha từ Cựu Ước, và được nổi bật trong Tân Ước[1]. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu xem khôn ngoan đích thực là thế nào, đâu là nguồn gốc của đức khôn ngoan cũng như những kết quả mà đức khôn ngoan mang lại cho con người.

    II.   Quan niệm Đức khôn ngoan

1.      Khôn ngoan nhân loại và khôn ngoan theoThiên Chúa

*   Khôn ngoan du nhập vào Israel

Ngoài những trường hợp đặc biệt của Giuse Pha-ra-ô nói với ông Giu-se và Môsê: “…không ai thông minh và khôn ngoan như ông. (St 41,39) “Ông Môsê được dạy cho biết tất cả sự khôn ngoan của người Aicập, và là người đầy uy thế trong lời nói cũng như việc làm.” (Cv 7, 21). Dân tộc Israel chỉ tiếp xúc với khôn ngoan Trung Đông sau khi đã lập nghiệp ở Canaan và phải đợi đến thời kỳ vương quốc mới thấy họ đón nhận rộng rãi nền nhân bản của thời đại. Lúc đó Salomon là người khởi xướng: Sự khôn ngoan của Salomon lớn hơn sự khôn ngoan của tất cả người Trung Đông và hơn cả sự khôn ngoan Ai cập.(1V 5,9-14). Ý tưởng này nhằm đến tri thức cá nhân và cả nghệ thuật cai trị khéo léo của nhà vua. Nhưng với những người có lòng tin, sự khôn ngoan của nhà vua không đặt thành vấn đề: đó là hồng ân Thiên Chúa mà Salomon cầu xin được (1V 3,6-14). Sự phê phán lạc quan này có nhiều tiếng vang: trong khi các luật sĩ của triều đình trau dồi mọi thứ khôn ngoan (Cn 10,22 và 25) thì các thánh sử ca tụng Giuse, người điều hành giỏi giang đã nhận được sự khôn ngoan từ Thiên Chúa (St 41; 47).[2]

*   Đặt vấn đề khôn ngoan

Nói đến khôn ngoan chúng ta thường nói đến khôn ngoan theo kiểu thế gian và khôn ngoan của con cái Thiên Chúa hay còn gọi là khôn ngoan đích. Sự khôn ngoan đích thực thì bởi Thiên Chúa, chính Ngài ban cho con người một quả tim biết phân biệt lành dữ “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế” (1V 3,9). Nhưng cũng như nguyên tổ, mọi người đều bị lôi cuốn tiếm đoạt đặc quyền này của Thiên Chúa, và nhờ sức riêng của mình đạt được sự hiểu biết điều lành và điều dữ “Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.”(St 3,5). Đó là khôn ngoan lừa lọc mà mưu mô của con rắn lôi cuốn họ theo “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Ðức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?”(St 3,1). Đó là khôn ngoan của các luật sĩ xét xử tất cả theo nhãn giới nhân loại và biến luật Giavê thành lời dối trá “Sao các ngươi nói được: "Ta khôn ngoan: ta có Lề Luật của Ðức Chúa!"Thực ra, ý nghĩa Lề Luật đó, ngọn bút gian giảo của đám ký lục đã xuyên tạc mất rồi.”(Gr 8,8); khôn ngoan của các cố vấn triều đình điều hành việc chính trị hoàn toàn nhân loại (Is 29,15). Các ngôn sứ đã đứng lên chống đối lại khôn ngoan đó: Khốn cho những kẻ khôn ngoan theo nhãn giới riêng, khôn khéo theo nhận xét riêng (Is 5,21). Thiên Chúa sẽ làm cho sự khôn ngoan của họ thất bại (Is 29,14). Họ sẽ mắc cạm bẫy vì đã khinh chê Lời Giavê (Gr 8,9). Vì Lời này mới là nguồn duy nhất của sự khôn ngoan đích thực. Những tâm hồn lạc đường sẽ học được lời này sau khi đã bị sửa phạt (Is 29,24). Hoàng tử của Đavit sẽ thống trị vào thời cuối cùng ông được đầy đủ khôn ngoan, nhưng sự khôn ngoan đó ông nhận từ Thần Khí của Giavê “Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Ðức Chúa.”(Is 11,2). Như thế, lời giảng dạy của ngôn sứ xua đuổi cơn cám dỗ của nền nhân bản tự cho mình là đủ: duy mình Thiên Chúa Cứu rỗi con người mà thôi.

*  Khôn ngoan đích thực

Sự kiện Giêrusalem sụp đổ đã xác nhận những lời cảnh cáo của các ngôn sứ, vì thế lòng kính sợ Thiên Chúa sẽ là nguyên tắc và thành tựu của khôn ngoan (x. Cn 9, 10). Sách Thánh vịnh cũng đã vang lên: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.” (Tv 111, 10); và Sách Huấn ca cũng đã dạy: “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào.” (Hc 1, 18).

 Người khôn ngoan trong Kinh Thánh trước tiên là người nhận thấy bàn tay quyền năng của Thiên Chúa trong thiên nhiên vạn vật và trong chính đời sống mình (G 36, 22-27; Hc 42, 15-43). Từ đó, họ là người thành thạo trong nghệ thuật sống đứng đắn; là người biết nhìn thế giới chung quanh với cặp mắt sáng suốt và không ảo tưởng; là người biết những bí ẩn và giới hạn của con người qua những niềm vui hay nỗi khổ (x. Cn 13, 12; Gs 7, 26); là người biết vạch ra qui luật cho mình là phải biết sống thận trọng, điều độ trong ước muốn, làm việc khiêm tốn, chừng mực, từ tốn, chân thành trong lời nói, v.v...

Sách thánh và các ngôn sữ cũng đã gợi cho họ những huấn giới về làm phúc bố thí ( Hc 7, 32; Tb 4, 7-11); đức công chính ( Cn 11, 1); yêu thương kẻ nghèo khó (Cn 14, 31). Vấn đề bất công, đau khổ, sự chết cũng sẽ được giải quyết trong niềm tin vào sự sống lại (Đn 12, 2...) và vào đời sống vĩnh cửu (Kn 5, 15)

2. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa

Sự khôn ngoan con người bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan tuyệt hảo. Vì thế các tác giả Sách Thánh chiêm ngắm sự Khôn Ngoan Thiên Chúa như nguồn gốc sự khôn ngoan của họ. Đó là một thực tại thần linh đã có từ muôn thuở và sẽ còn mãi mãi “Ðức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta ( đức khôn ngoan tự nói về mình) đã được sinh ra, khi Ðức Chúa chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ”( Cn 8, 22-26) và (x.Hc 24, 9). Sự khôn ngoan được nhân cách hóa, đã có mặt ngay trong cuộc sáng tạo (x. Cn 8, 27-31), và tiếp tục quan phòng hướng dẫn lịch sử (x. Kn 10, 1-11), bảo đảm ơn cứu độ cho những ai tiếp đón sự khôn ngoan và cũng chính là Thần Khí của Thiên Chúa (x. Kn 9, 17). Chính sự khôn ngoan tạo nên những người bạn của Thiên Chúa (x. Kn 7, 27). Sống mật thiết với khôn ngoan là sống mật thiết với chính Thiên Chúa. Như vậy, sự khôn ngoan là hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, lan truyền vinh quang của Đấng toàn năng, phản chiếu ánh sáng vĩnh cửu, gương soi hoạt động của Thiên Chúa, hình ảnh sự tuyệt hảo của Ngài, sự khôn ngoan ở trên trời, thông phần ngai báu của Thiên Chúa, và sống thân mật với Ngài.

Khi đồng hóa sự Khôn Ngoan với Đức Kitô, Tân Ước đã cho thấy khi liên kết với Đức Kitô, con người được thông phần vào sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa và thấy mình được sống mật thiết với Ngài. Đức Kitô chính là “sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cor 1, 24.30). Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài (Rm 8, 29). Nguồn gốc sự khôn ngoan của chúng ta là như thế, nhưng nó còn tùy thuộc vào đời sống của mỗi người trong việc đón nhận và thấm nhập vào Đức Kitô đến mức độ nào.

            3.      Đức Giêsu và sự khôn ngoan

                   *      Đức Giêsu, thầy dạy sự khôn ngoan

Đức Giêsu đã xuất hiện với người đương thời dưới nhiều hình thức phức tạp: là ngôn sứ rao giảng thống hối, nhưng còn vượt hơn ngôn sứ nữa (Mt 12,41), là Đấng Messia, nhưng lại phải trải qua sự đau khổ của Tôi Tớ Giavê trước khi được vinh quang của Con Người (Mc 8,29tt), là tiến sĩ, nhưng không theo đường lối các luật sĩ (Mc 1,21tt). Cách thức giảng dạy mà Ngài nhắc nhở nhiều hơn cả chính là phương pháp của các bậc thầy dạy sự Khôn ngoan trong Cựu ước: Ngài thích dùng những thể văn của họ (châm ngôn, dụ ngôn), Ngài bắt chước họ, cũng ra những qui luật sông ( Mt 5, 7). Những người chứng kiến không hề lầm lẫn về sự kiện đó, họ ngạc nhiên về sự khôn ngoan vượt bực của Ngài, sự khôn ngoan được xác nhận bằng nhiều việc lạ (Mc 6,2). Luca đã chú ý đến sự khôn ngoan của Đức Giêsu ngay từ thời thơ ấu của Ngài (Lc 2,40.52). Chính Đức Giêsu đã dạy cho biết rằng sự khôn ngoan đó đặt thành một vấn đề: Nữ hoàng Phương Nam đã đứng lên nghe lời Khôn ngoan của Salomon, mà ở đây còn hơn cả Salomon nữa (Mt 12,42).

                       *     Đức Giêsu, khôn ngoan của Thiên Chúa.

            Thật ra, nhân danh chính Ngài, Đức Giêsu ban ơn Khôn ngoan cho những kẻ thuộc về Ngài (Lc 21,15). Bị thế hệ cứng lòng tin của Ngài từ chối, nhưng lại được những tâm hồn vâng nghe Thiên Chúa tiếp nhận, Ngài đã kết luận một cách bí nhiệm: Sự Khôn ngoan đã được minh chứng qua con cái Ngài (Lc 7,35), hoặc do các việc Ngài làm (Mt 11,19). Sự bí nhiệm ló dạng thêm khi Ngài đề cập đến vấn đề mà Cựu ước cho là bởi Khôn ngoan Thiên Chúa: Hãy đến với Ta (Mt 11,28;. Hc 24,19). Ai đến với Ta sẽ không còn đói, ai tin Ta sẽ không còn khát (Ga 6,35; Cn 9,1-6;). Những lời mời gọi này vượt xa những gì người ta mong đợi nơi một trong những nhà hiền triết khác. Những lời đó cho ta đoán được ngôi vị huyền nhiệm của Con ( Mt 11,25). Các văn liệu đã đúc kết lại thành bài học. Nếu trong đó Đức Giêsu đã được gọi là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24.30) không phải chỉ vì Ngài thông ban sự Khôn ngoan cho nhân loại, nhưng chính Ngài là sự Khôn ngoan. Thật thế, để diễn tả sự tiên hữu của Ngài bên Chúa Cha, các tông đồ dùng chính những từ ngữ mà xưa kia chỉ sự Khôn ngoan của Thiên Chúa: Ngài là trưởng tử trước mọi tạo vật và là tác nhân cuộc sáng tạo (Cl 1,15;  Cn 8,22-31), Ngài tỏa sáng vinh quang Thiên Chúa và là hình ảnh bản thể Thiên Chúa (Dt 1,3; x. Kn 7,25t). Chúa Con là sự Khôn ngoan của Chúa Cha vì cũng là Lời của Ngài (Ga 1,1). Sự Khôn ngoan Ngôi vị này trước kia tàng ẩn nơi Thiên Chúa, cho dù vẫn điều khiển vũ trụ, hướng dẫn lịch sử, nay được biểu lộ gián tiếp trong Luật và trong lời giảng dạy của các hiền triết. Ngày nay, sự Khôn ngoan đó được Mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Như vậy, tất cả các bản văn khôn ngoan trong Cựu ước có tầm mức quan trọng vĩnh viễn ở nơi Ngài.

             4. Khôn ngoan – đặc ân của Thánh Thần

Khôn ngoan là đặc ân quí giá nhất của Chúa Thánh Thần , vì đó là hoa quả riêng của đức ái, là kho tàng tuyệt hảo nhất mà người ta có thể chiếm hữu trong cuộc sống này. Điều đó bao gồm một sự xếp đặt của tâm trí chúng ta để nhìn xem và đánh giá mọi sự trong ánh sáng thần linh.

“Khôn ngoan” theo động từ tiếng La tinh là “sapere”, nghĩa là “nếm”, là thưởng thức hương vị của món ăn. Theo nghĩa bóng, người khôn ngoan là người biết hưởng nếm, biết thưởng thức hương vị sâu xa, mặn mà của cuộc sống mình, biết đi sâu vào thực trạng nội tâm của mình, biết khám phá vẻ đẹp chân tính để vượt lên lối sống tầm thường của thế gian. Từ đó, ta mới cảm được sự thú vị của khôn ngoan, là càng ngày càng thấu hiểu sâu xa hơn những mầu nhiệm tôn giáo. Bởi vậy, sự khôn ngoan được định nghĩa như “một đặc ân mà nó làm hoàn hảo đức ái, bởi có thể làm cho chúng ta thuộc về Thiên Chúa và những vật thần linh trong những nguyên lý tối hậu, và ban cho chúng ta một hương vị thích thú nơi chúng”

Sách Thánh Vịnh đã mời gọi chúng ta: “Hãy nếm thử và hãy nhìn coi, Chúa thiện hảo dường bao.” (Tv 33, 9). Đặc ân khôn ngoan không chỉ cho chúng ta nhìn thấy bằng ánh sáng của tâm trí, mà còn bằng đôi mắt của tâm hồn. Nó cho chúng ta khả năng kinh nghiệm để nếm thử và thưởng thức những sự vật thần linh.

Bởi đặc ân khôn ngoan như thế, Đức Maria đã chọn cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa, vì cách nào đó Mẹ đã nhìn thấy ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong chương trình sáng tạo và cứu chuộc của Ngài. Bởi đó, Mẹ đã quyết định “xin vâng” hoàn toàn để ý định của Chúa được hoàn tất nơi Mẹ, mà bất chấp những gì sẽ xẩy ra sau này. Bởi đó, Mẹ đã sống cuộc đời “xin vâng” một cách tuyệt đối để minh chứng rằng, mọi sự dưới vòm trời này chỉ có ý muốn của Thiên Chúa là khôn ngoan tuyệt hảo. Bởi đó, Mẹ cũng đã tuyên xưng lòng “xin vâng” một cách triệt để và anh hùng ngay dưới chân Thập giá Đức Kitô, để loan báo rằng, đó là mầu nhiệm cứu độ vô cùng khôn ngoan của Thiên Chúa mà thế gian không tài nào hiểu nổi, nhưng chỉ dành cho những ai bé nhỏ khiêm nhường. Thật tuyệt vời khi Đức Trinh Nữ Maria được gọi là “Tòa Khôn Ngoan”.

           5. Khôn ngoan đích thực nơi chính mình

Để cho ơn khôn ngoan của Chúa có thể lan tỏa trên mọi lãnh vực của đời sống, trước tiên cần phải khui ra cho được những cảm nghĩ tiêu cực của mình. Phải phơi bày ra ánh sáng những cảm tưởng và động lực mờ ám đang tàng ẩn trong tiềm thức, luôn thúc đẩy ta suy nghĩ và hành động theo hướng tiêu cực. Tất cả mọi rối ren và bất ổn bên ngoài đều phát xuất từ chính tâm hồn mình. Đừng cố gắng xoay chuyển thực tại, hoàn cảnh hay người khác, vì đó là việc làm vô ích và dại dột. Thực tại không không hề có vấn đề. Vấn đề nằm trong thâm tâm của mình. Chính mình là vấn đề. Nếu lấy hết mọi người ra khỏi hành tinh này thì sự sống vẫn tiếp diễn ở đó, thiên nhiên vẫn tiếp tục đi con đường của nó với tất cả nét yêu kiều và sức mạnh của nó.

Vì thế, đừng bao giờ đồng hóa mình với những cảm nghĩ tiêu cực do mình chiết xuất ra từ những dữ kiện bên ngoài. Cần phân định giữa cái “tôi” chủ thể và cái “tôi” đối tượng. Mọi cảm tưởng phát sinh là do sự kiện bên ngoài cung cấp và lôi kéo, nó chẳng dính dáng gì đến cái “tôi” chủ thể, nên không được xác định bản ngã căn cơ của mình bằng những cảm nghĩ đó. Ảo tưởng và sai lầm phát sinh ở chỗ ta dùng những cảm nghĩ từ những dữ kiện để xác định con người hay thái độ của mình.

Có thể ở đây và lúc này có một nỗi chán chường hay những thương tổn. Cứ mặc kệ nó, nó tự động đến thì nó tự động đi. Sự hiện diện của chúng như thủy triều lên xuống, không ăn nhập gì đến hạnh phúc của cái “tôi” chủ thể, nên đừng để mình bị tác động và đẩy đưa theo sự kiện của cái “tôi” đối tượng. Cần phải biết nhận thức để tạo sự cách ly, không chập lại làm một giữa hai cái “tôi” đó, nếu không, ta sẽ bị động tâm và nao núng, gây nên cảm ứng bung xung vì đã đặt mình lệ thuộc vào sự kiện bên ngoài. Đó là trường hợp khi ta quá bận tâm về sự chấp nhận hay phi bác của người khác, mà đánh mất tự do và bản lãnh của mình.

Cái cám dỗ sai lầm thường xuyên của chúng ta là muốn lấy người khác làm thước đo giá trị bản thân mình, và như vậy là tự đặt mình vào tình trạng nô lệ nghiệt ngã, không còn một chút khôn ngoan nào. Vì thế, kinh Bhagavad Gita của Ấn giáo khuyên ta: “Hãy lăn xả vào giữa khói lửa của chiến trận, và hãy đặt cõi lòng mình nơi tòa sen của Thần Minh”.

Cứ phải tự tách mình ra khỏi sự kiện, đặt mình trong trạng thái tự do, thanh thoát, hồn nhiên và sinh động. Để được tự do, ta không cần phải làm gì cả, chỉ cần bỏ đi một cái gì đó thôi. Cũng vậy, “Người ta không đạt đến Thiên Chúa bằng việc bổ xung thêm cái gì vào linh hồn mình, nhưng là bằng việc bớt đi.” (Meister Eckhart). Trong quan hệ với mọi người cũng thế, “Không phải ta thấy dễ chịu khi thiên hạ tốt đẹp, nhưng thiên hạ tốt đẹp vì ta thấy dễ chịu.” (Anthony de Mello).

 Khôn ngoan như thế đòi ta phải kiên quyết giữ vững lòng trí mình một cách thanh tịnh, để tạo sự bình tâm giữa những xáo trộn của mọi tình huống bên ngoài, đồng thời hướng lòng mình lên cao để đón nhận ánh sáng của chân lý, giúp cho tâm hồn vẫn ung dung triển nở những cảm nghĩ tích cực và những phong thái cao đẹp. Muốn thế, những tình cảm không bao giờ tìm cách đi trước lý trí, và những cảm xúc không bao giờ được lấn át lý lẽ. Nhờ vậy ta tránh được những bồng bột và kích động của bản năng khi đứng trước mọi tình thế, để bình thản nhận ra đâu là dấu chỉ của thánh ý Thiên Chúa, đó là tuyệt đỉnh của sự khôn ngoan


[1] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, tr. 304.

[2] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh.

Maria Dàng, fmm.