“Con Nói Cám Ơn Sơ Đi Con !”

Nhỏ nghĩ mình cũng sẽ bắt đầu với câu “nói cám ơn sơ đi con”.

Vào một buổi sáng Chúa Nhật, Nhỏ đang lân la để bắt chuyện với các em thiếu nhi. Bỗng Nhỏ nghe: - Con nói “con cám ơn Sơ đi !” và tiếng một em nhỏ lặp lại “Con cám ơn Sơ!” -  Nhỏ quay đầu lại để nhìn xem đó là ai. Thì ra đó là các em bé đang xếp hàng để nhận đồ ăn sáng gồm một cái bánh bao và một ly sữa đậu nành. Những câu nói đó được lặp lại khi các em nhỏ nhận đồ ăn. Những em bé này lần thứ nhất, lần thứ hai được sơ “mớm” cho nhưng lần thứ ba chắc chắn các em sẽ tự mình nói “ con cám ơn sơ”. Và rồi những em đến sau cũng bắt chước và dần dần hình thành trong các em một thói quen khi nhận một cái gì đó liền nói lời cám ơn. Cách giáo dục của các sơ đơn giản mà hay quá. Nhỏ thốt lên!

Nhỏ được tiếp xúc và làm việc với một số người trẻ nhưng hai tiếng "cám ơn” hình như lại rất xa xỉ. Nhỏ đã đặt ra rất nhiều giả thiết: “phải chăng họ cảm thấy không cần thiết? phải chăng họ không biết? họ không được dạy? phải chăng họ cảm thấy ngại khi phải nói cám ơn hay đó không phải là thói quen?…”. Có lẽ là do thói quen. Ngay từ nhỏ trong gia đình, làng xóm, chúng ta ít nói lời cám ơn hay xin lỗi với nhau. Chúng ta xem đó là một chuyện bình thường nên để thay đổi nó thì cần có thời gian và sự kiên nhẫn.

Nhỏ nghĩ mình cũng sẽ bắt đầu với câu “nói cám ơn sơ đi con”. Nhỏ nghĩ là làm. Khi bắt đầu làm Nhỏ cảm thấy không tự nhiên và hơi gượng ép. Vì khi nói với một em nhỏ mẫu giáo hay tiểu học thì khác hơn khi nói với một em cấp hai, cấp ba có khi là chính ba mẹ các em. Nhưng Nhỏ vẫn quyết tâm không bỏ cuộc. Khi làm công việc này Nhỏ cảm thấy vui vì khi Nhỏ “mớm” các em vẫn vui vẻ lặp lại. Bên cạnh đó, nó cũng giúp Nhỏ nhận ra bản thân mình cũng không ít lần quên nói lời cám ơn với những người thân, người chị em, bạn bè vẫn luôn giúp đỡ mình hằng ngày. Mỗi lần Nhỏ nhắc các em cũng là mỗi lần Nhỏ nhắc nhở bản thân mình phải sống lòng biết ơn. Nhỏ cám ơn các sơ và cám ơn Chúa - Đấng đã gợi hứng cho Nhỏ làm việc này.

Matta Thanh Nga, fmm