ÁO và HUY HIỆU DÒNG NHƯ LÀ BÍ TÍCH

Một vài suy tư về Huy hiệu dòng cũng như chiếc áo dòng đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về ân huệ mà chính Thiên Chúa tặng ban cho tôi qua đời dâng hiến. Ân huệ ấy vẫn đang tiếp tục tuôn đổ dạt dào xuống trên cuộc đời tôi bằng nhiều hình thức và các dấu chỉ khác nhau. Tất cả những điều đó nâng đỡ và cho tôi sức mạnh để vững bước trên con đường tôi đã chọn.

 

Một buổi chiều nọ, tại một trung tâm dạy lái xe, tôi đang ngơ ngác nhìn qua nhìn lại xem lớp học của mình ở đâu thì bỗng đằng sau tôi có tiếng nói với giọng vồn vã: “Chào Sơ, Sơ học lớp nào?” Một câu hỏi làm tôi hết sức ngạc nhiên, tôi không biết vì sao anh ta biết tôi là Sơ, sau này khi thân quen tôi mới hỏi anh ta: Vì sao anh biết tôi là Sơ. Anh ta hồn nhiên đáp: Nhìn Sơ là biết ngay, Sơ luôn luôn là áo sơ mi, quần tây lại thêm cái “bùa” đeo trước ngực nữa, không Sơ thì là gì!  Tôi chợt giật mình, nhìn xuống ngực thấy Huy hiệu dòng mình đang đeo như một lời nhắc nhở về hồng ân thánh hiến mà Thiên Chúa ban cho, cũng bỗng nhiên cho tôi thêm ý thức về tư cách tu sĩ của mình trong lớp học. Từ lúc ấy, tôi cảm thấy yêu mến Huy hiệu dòng hơn và nó như là một phương tiện giá trị giúp tôi sống viên mãn đời sống dâng hiến của mình.

 

Tôi bắt đầu hồi tưởng lại cái ngày mà tôi tuyên khấn lần đầu (ở trong dòng thường hay gọi là ngày cưới), theo thói thường thì ngày mình cưới, mình sẽ sắm nữ trang thật đẹp, thật đắt tiền để làm kỷ niệm. Thế nhưng món nữ trang của tôi trong ngày cưới thật đơn sơ, giản dị, chỉ là một hình bầu dục nhỏ có đường kính khoảng 2 centimet, làm bằng Inox, trên mặt hình bầu dục ấy là một hình Thánh giá lớn nổi lên. Đó là huy hiệu dòng của chúng tôi. Xét về mặt vật chất thì xem ra huy hiệu dòng này chẳng có gì đáng giá, nhưng đối với tôi nó thật là quý giá. Tôi luôn mang nó trên mình và tôi hãnh diện vì có nó. Sự hãnh diện của tôi không phải là mặt hình thức nhưng là một sự hãnh diện vì mình được ân huệ lớn lao là sống đời thánh hiến. Tôi không thể nào quên được cái giây phút đầy hạnh phúc đến rơi lệ trong ngày tuyên khấn lần đầu, sau khi tôi đọc lời tuyên khấn thì chị Giám Tỉnh nhận lời khấn, sau đó chị trao cho tôi huy hiệu dòng và nói: Đây là dấu chỉ, chị đã được thánh hiến cho Thiên Chúa trong dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Tôi cảm thấy sống mũi mình cay cay, vậy là từ nay tôi đã là một tu sĩ và hơn thế nữa là hiền thê của Đức Kitô, thật là hạnh phúc. Cái hạnh phúc ấy còn kéo dài cho đến bây giờ, ngay giây phút này khi tôi đặt mình vào trong bối cảnh đó. Do đó không những Huy hiệu dòng nhắc nhở tôi về ơn gọi dâng hiến nhưng Huy hiệu dòng còn cho tôi thêm năng lực để vượt qua những khó khăn thách đố của đời tu.

Khi bước vào đời dâng hiến, tôi xác tín rằng đó là con đường vác thập giá theo Đức Kitô, những thập giá ấy vẫn dàn trải trong đời sống hằng ngày, thập giá của sự chấp nhận giới hạn của chính mình, thập giá của sự chấp nhận những khác biệt của chị em, thập giá của sự vâng lời ngay khi mình không muốn, thập giá của sự từ bỏ ý riêng, thập giá của sự im lặng nhịn nhục khi mình chỉ muốn phản ứng lại… tất cả những thập giá ấy tôi vẫn đang vác hằng ngày. Có những lúc, tôi đã cảm thấy mình mệt mỏi rã rời kiệt sức, có những lúc tôi cảm thấy mình không còn đủ sinh lực để tiếp tục vác Thánh Giá nữa, tôi muốn sống thái độ buông bỏ và mặc kệ, thế nhưng khi tôi nhìn ngắm Huy hiệu dòng, nhìn ngắm cái dấu chỉ của hồng ân thánh hiến thì tôi như được thêm động lực để tiếp tục con đường mình đã chọn. Tôi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, tôi đã thuộc về Chúa, tôi đang đi con đường mà Đức Giêsu đã đi. Thập giá đã không là vật lạ lùng với Đức Lang Quân của tôi thì chắc hẳn cũng rất gần gũi với tôi. Chính Ngài đã đi trên con đường thập giá và đã chiến thắng khải hoàn thì cũng chính nhờ Ngài và trong Ngài, tôi cũng sẽ vượt qua được tất cả. Hơn thế nữa, trên Huy hiệu dòng có hình Thánh giá nổi bật lên, điều đó nhắc nhở về Tình Yêu đến thí mạng sống mình của Đức Giê su, tôi đang mang trên mình điều đó, vậy lẽ nào tôi lại chạy trốn thập giá, lẽ nào tôi lại chạy chốn những hy sinh. Thế rồi, từ từ tôi vượt qua được những khó khăn và có thêm nội lực để sống đời dâng hiến. Cám ơn Huy hiệu dòng, thật là vô giá.

Thêm vào đó Huy hiệu dòng còn cho tôi những suy tư về giá trị của đời dâng hiến. Các tu sĩ thường hay nói: Đi tu là lội ngược dòng, dòng ở đây là dòng đời. Sở dĩ các tu sĩ nói như vậy vì đúng như anh bạn tôi nói: Áo sơ mi, quần tây cộng thêm “cái bùa” nữa không Sơ thì là gì. Tôi nhớ lại, có lần cô em họ của tôi mua cho tôi một bộ quần áo khá đẹp và đắt tiền trong dịp mừng sinh nhật, tôi thử và tôi đã nói với cô ấy rằng: Bộ đồ rất dễ thương nhưng có lẽ nó hợp với em hơn là với chị. Chị mặc đồ kiểu nhà dòng quen rồi, bây giờ mặc kiểu này cứ thấy sao sao. Cô em tôi có vẻ hơi buồn buồn, cô ấy nói: Em đã đi rất nhiều cửa hàng và chọn bộ này là bộ đơn giản nhất đấy, em thấy được chứ có sao đâu mà chị ngại. Tôi cười và cám ơn em lần nữa rồi gửi lại cho em và dặn: Từ nay đừng mua gì cho chị, vì những đồ ngoài thị trường, chị mặc không được đâu. Chị chỉ thích cái kiểu giản dị mà xưa nay chị vẫn mặc thôi. Cô em tôi thắc mắc: Thế trong dòng các Sơ phải mặc đồng phục chứ không được mặc tự do à, các Sơ cũng là phụ nữ, cũng phải làm đẹp chứ. Tôi giải thích cho em tôi hiểu lý do tôi chọn cách ăn mặc giản dị, không phải là tôi không muốn làm đẹp nhưng vì tôi thấy mặc như thế là đủ lịch sự rồi, tôi không muốn mất quá nhiều thời gian cho chuyện ăn chuyện mặc của cá nhân, trong khi tôi được mời gọi để sống đời hiến dâng và phục vụ. Nhưng lý do đó không đủ để thuyết phục em tôi và cho đến bây giờ cô ấy vẫn không hiểu được vì sao các Sơ lại có thể chấp nhận một kiểu ăn mặc đơn giản như vậy trong khi thời trang và mua sắm đang là ưu tiên số một của quý bà, quý cô. Tôi không lấy làm lạ về những kiểu thắc mắc như thế, vì cô em tôi không phải là người đầu tiên đặt câu hỏi cho vấn đề này nhưng điều tôi muốn đề cập đến ở đây là sự đi ngược lại dòng đời, chọn một lối sống giản dị, dành tình yêu ưu tiên cho Chúa và cho tha nhân đặc biệt là những người nghèo, đó phải là chọn lựa của người tu sĩ sống đời dâng hiến. Dẫu biết rằng, chiếc áo dòng chẳng làm nên thày tu nhưng phải công nhận rằng, chiếc áo dòng gìn giữ thày tu cho vẹn nghĩ thủy chung. Ngày nào mình còn yêu thích chiếc áo dòng, ngày ấy mình còn yêu mến đời dâng hiến, cũng đồng nghĩa với việc yêu mến Chúa và dâng trọn vẹn thân xác cho Ngài.

Một vài suy tư về Huy hiệu dòng cũng như chiếc áo dòng đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc hơn về ân huệ mà chính Thiên Chúa tặng ban cho tôi qua đời dâng hiến. Ân huệ ấy vẫn đang tiếp tục tuôn đổ dạt dào xuống trên cuộc đời tôi bằng nhiều hình thức và các dấu chỉ khác nhau. Tất cả những điều đó nâng đỡ và cho tôi sức mạnh để vững bước trên con đường tôi đã chọn.

Agata Liên, FMM