NGẪM NGHĨ VỀ ĐAU KHỔ

...Tôi xin khép lại bằng tâm tình biết ơn những đau khổ thay vì thù hận và day dứt nó. Tôi biết ơn vị khách này đã làm tôi đau một chút, nhưng qua sự thăm viếng của “chị ấy” đã giúp tôi ngộ ra nhiều giá trị, để rồi từng bước một tôi dám đón nhận và vui sống với “chị’, người bạn tôi đã không yêu thích cách dễ dàng hơn. Tôi không cầu nguyện xin Chúa ban đau khổ cho tôi, nhưng nếu Chúa muốn dùng “Chị Đau Khổ” để tôi luyện tôi, làm cho tôi tỉnh thức và can trường mạnh mẽ thì tôi cám ơn Ngài.

NGẪM NGHĨ VỀ ĐAU KHỔ

Cuộc sống cứ dần trôi, hôm nay chưa kết thúc thì ngày mai đã bắt đầu ló rạng. Cuộc sống chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao nếu ngày nào vị khách bình an cũng ghé thăm và vị khách đau khổ đừng xuất hiện. Nhưng trớ trêu thay vị khách đau khổ không ai mời những vẫn thường xuyên ghé thăm chúng ta, để rồi có nhiều thái độ và nhiều cách đón nhận khác nhau. Riêng bản thân tôi, tôi nghĩ gì về đau khổ? Đau khổ là vật cản? Là một bàn đạp? Hay là một nguời bạn giúp tôi tiến về phía trước? Chính vì những lý do đó dừng lại một chút ngẫm nghĩ về đau khổ hẳn là một điều có ích cho tôi.

Dừng lại một chút suy nghĩ, tôi thấy đau khổ cũng có lúc làm cho tôi nhụt chí, chán nản. Nhưng dành thời gian thinh lặng lâu hơn tôi cảm nhận: đau khổ và thử thách đã tôi luyện giúp bản thân mình nên vững mạnh. Và trong phút chốc câu Kinh Thánh: “Thiên Chúa làm cho mọi sự  đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài (Rm 8,28) trở về với tôi. Khi đứng trước đau khổ, mất mát ai cũng cảm thấy đau lòng, bị choáng váng, đặc biệt với những thử thách xảy đến cách đột ngột thì rất khó đón nhận, thậm chí có người còn đánh mất đức tin, chán nản và buông xuôi tất cả. Nhưng với những người tin tưởng vào Thiên Chúa thì khác. Họ xác tín cách mãnh liệt là Thiên Chúa có khả năng làm được mọi sự. Ngài có thể biến sự dữ thành sự lành, và làm cho mọi điều thiện hảo phát xuất từ đau khổ, như tâm tình mà thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hữu Rôma mà tôi vừa trích dẫn ở phần trên.

Image result for kitô hữu

Trở lại với lịch sử của Hội thánh chúng ta sẽ rất dễ nhận ra ý nghĩa của đau khổ. Những biến cố bắt đạo đã đến với Hội thánh, một thời kỳ đau thương, những đêm đen kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác, tưởng chừng như cơn bão tố khủng khiếp sẽ vùi lấp tất cả… nhưng chính nhờ trải qua những thử thách đó mà đức tin của các kitô hữu được tôi luyện, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện qua thái độ đón nhận, tha thứ của các vị tử đạo. Và trên hết minh chứng rằng Thiên Chúa là cùng đích và là tuyệt đối trong chọn lựa của các kitô hữu, đúng như lời Thánh Vịnh diễn tả: Trải qua muôn thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn” (Tv 90,1). Phía sau những đau thương mất mát là hạt giống Tin Mừng được trổ sinh và không ngừng phát triển, Giáo hội Chúa không ngừng lớn mạnh. Những giọt màu đào đổ ra minh chứng cho tình yêu, làm sống dậy một đức can trường không bão táp nào vùi lấp nổi. Đúng là hạt lúa mì đã chết đi để trổ sinh nhiều bông hạt khác (Ga 12, 24). Có những đau khổ làm cho ta chết đi ngay lúc đó, nhưng sau những đau đớn, những nỗi sợ là niềm hy vọng về tương lai tươi sáng.

Với kinh nghiệm của nhiều người qua đau khổ, họ nhìn ra được hữu hạn tính của con người. Và họ xác tín chỉ một mình Thiên Chúa là hoàn hảo và từ đó giúp họ sống hoán cải, thay đổi cuộc sống. Cũng chính vị khách đau khổ giúp nhiều người mở rộng lòng mình ra với tha nhân, sống yêu thương và tha thứ, sống tỉnh thức hơn. Là người môn đệ của Đức Giê su chẳng phải Ngài đã nhắc nhở chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây đừng sợ” (Mc 6,50). Vâng tin tưởng vào Chúa ta sẽ không sợ gì, dù phong ba bão táp ta vẫn lên đừng vì có Chúa luôn đồng hành với ta.

 Nhưng giá trị của đau khổ và thử thách chỉ đến được với những ai bình an đón nhận mọi việc trong đức tin, biết dừng lại để đọc ra qua biến cố đó Chúa muốn nói với ta điều gì? Bởi vì dù muốn dù không thì vị khách này đã hiện diện trong tâm hồn ta, trong gia đình ta, trong đất nước và cả trong Giáo hội ta. Chúng ta không có khả năng loại bỏ chúng, vì từ nguyên thủy tổ tông chúng ta đã tự chọn lấy đau khổ, khi lìa xa Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn đau khổ đến với con người, nhưng Ngài đã tôn trọng tự do của con người và thế là đau khổ vẫn cứ xuất hiện, bởi nhiều người hôm nay đang tìm mọi cách để loại bỏ Thiên Chúa. Điều này đang xảy ra hàng ngày hàng giờ qua chiến tránh, xung đột, khủng bố, phá hoại môi trường… trong thế giới, trong vũ trụ mà Thiên Chúa đã tạo nên bằng tình yêu thương của Ngài. Nếu chúng ta không nhạy bén, chúng ta sẽ bị vị khách này dấn đi lạc lối, bị nhấn chìm, lệ thuộc và thậm chí tuyệt vọng, đánh mất bản thân…. 

Image result for kitô hữu

Cũng có lúc tôi có cảm nhận không ai có thể bù đáp hoặc thay thế cho những nỗi đau, những tổn thương mà tôi phải gánh chịu, đau khổ làm tôi bất an, lo lắng và sợ hãi… Thế giới hôm nay thành công tột độ nhưng không tránh khỏi những đổ vỡ, hận thù, xung đột. Vì thế chúng ta không thể đội mãi chiếc hào quang của sự thành công, của ca tụng, cũng có lúc chúng ta vấp ngã, gặp chuyện chẳng lành… bởi vậy quan trọng nhất vẫn là thái độ đón nhận của chúng ta. Hãy bình an đón nhận và đừng quá thất vọng, đừng quá tự phụ vào bản thân, tôi có khả năng giải quyết mọi sự. Hãy tìm đến Thiên Chúa, Người chính là chỗ dựa, là bờ vai để ta tin tưởng và phó thác. Là Đấng xứng đáng để tôi đặt trọn niềm tin và cuộc đời của mình, bởi chính Ngài đã trải qua đau khổ để tiến vào sự Phục Sinh vinh hiển. Thánh Phaolô đã chiến đấu với đau khổ nhưng Ngài gọi đó là cuộc chiến đấu cao đẹp để giành được vòng hoa cho người công chính, 4 hành trình truyền giáo của Ngài là hành trình lao tù… nhưng cuối cùng Ngài đã chiến thắng bằng sức mạnh của Đức Ki tô (X. Gl2, 20). Là con cái của Mẹ Marie de La Passion, tôi cảm phục về thái độ đón nhận đau khổ của Mẹ Lập Dòng. Mẹ đón nhận trong đức tin và còn biết ơn những người gây ra đau khổ cho mình. Mẹ đã đón nhận và nhờ sự vâng phục và đức tin mạnh mẽ mẹ đã vượt qua đêm đen sợ hãi. Mẹ đã xác tín “Với Thiên Chúa không có gì là không thể” (Lc 1,37).

Tôi xin khép lại bằng tâm tình biết ơn những đau khổ thay vì thù hận và day dứt nó. Tôi biết ơn vị khách này đã làm tôi đau một chút, nhưng qua sự thăm viếng của “chị ấy” đã giúp tôi ngộ ra nhiều giá trị, để rồi từng bước một tôi dám đón nhận và vui sống với “chị’, người bạn tôi đã không yêu thích cách dễ dàng hơn. Tôi không cầu nguyện xin Chúa ban đau khổ cho tôi, nhưng nếu Chúa muốn dùng “Chị Đau Khổ” để tôi luyện tôi, làm cho tôi tỉnh thức và can trường mạnh mẽ thì tôi cám ơn Ngài. Cầu mong cho nhiều người biết dừng lại để đọc được ý nghĩa của đau khổ, đó cũng là góp phần làm chứng ta cho Tin Mừng, xây dựng Giáo hội và thế giới, trên hết chúng ta sẽ được sống trong niềm Hy Vọng của Đức Kitô Phục Sinh.

 Cà pháo, fmm.