Bài giảng của Đức Cha Antôn Lễ Khánh Thành và Làm Phép Tu Viện Thánh Gia M’lon-Thạnh Mỹ

Chính Đức Giêsu “chạnh lòng thương” đối với những người nghèo khổ, về vật chất cũng như tinh thần, là động lực thúc đẩy chúng ta quan tâm đến người nghèo. Như Thánh Phanxicô, chúng ta được mời gọi thể hiện lòng xót thương, niềm vui và hy vọng trong việc truyền giáo...

Bài giảng của Đức Cha Antôn

Lễ Khánh Thành và Làm Phép Tu Viện Thánh Gia M’lon-Thạnh Mỹ

Nhân dịp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn khánh thành nhà mới thuộc Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, của Cộng đoàn Thánh Gia Thạnh Mỹ, một trong 3 cộng đoàn hiện nay tại giáo phận Đà Lạt, dựa vào những tư liệu do Hội Dòng phổ biến, tôi xin giới thiệu đôi nét về Hội Dòng này, một Hội Dòng đã hiện diện tại Việt Nam được 83 năm (từ năm 1932), tại Đà Lạt được 57 năm (từ năm 1958), tại Thạnh Mỹ được 55 năm (từ năm 1960).

Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ là dòng truyền giáo đầu tiên của nữ giới trong lịch sử Giáo hội và Thế giới, do Chân Phước Marie de la Passion thành lập năm 1877, đến nay đã được 138 năm. Hiện nay Hội Dòng có khoảng 8000 nữ tu phục vụ tại gần 80 quốc gia trên thế giới.

1. Sơ lược tiểu sử Đấng Sáng lập

Chân Phước Marie de la Passion là Đấng Sáng Lập Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Chị sinh ngày 21/5/1839 tại Nantes, thuộc miền Bretagne nước Pháp, với tên gọi Hélène de Chappotin de Neuville, thuộc dòng quí tộc. Chị được sinh trưởng một gia đình đạo hạnh gồm 5 anh chị em, tuy là người con út nhưng Hélène có bản lãnh và thông minh lanh lợi. Gia đình chị giữ một truyền thống đức tin sâu sắc và trung thành với Giáo hội.

Lúc chị Hélène vừa tròn 17 tuổi, chị tham dự tuần tĩnh tâm với Hội Con Đức Mẹ, và trong giờ chầu Thánh Thể, chị cảm nhận Tình Yêu Chúa chiếm đoạt con người chị. Kể từ giây phút đó, Hélène ước muốn được sống ơn gọi chiêm niệm và chị đã được Đức Giám mục tại Nantes hướng dẫn vào Dòng Kín thánh Clara năm 1860. Nhưng không bao lâu chị phải rời khỏi đan viện vì lý do sức khỏe. Sau khi bình phục, chị được một linh mục Dòng Tên hướng dẫn vào Dòng Đức Mẹ Phạt Tạ năm 1864 với tên gọi Marie de la Passion.

Khi còn là một tập sinh trong Dòng Phạt Tạ, Marie de la Passion được gởi đến miền truyền giáo xa xôi tại Ấn Độ. Những năm tháng hoạt động tại miền truyền giáo, chị đã gặt hái được rất nhiều thành quả tốt đẹp. Chị đã giữ chức vụ Bề trên nhà, rồi Bề trên Giám tỉnh khi mới 28 tuổi. Nhưng vào năm 1876 đã xảy ra những tình huống buộc chị phải rời Ấn Độ đi Roma triều yết Đức Giáo Hoàng Piô IX và ngài cho phép chị thành lập Tu Hội Thừa Sai Đức Mẹ vào ngày 06 tháng 01 năm 1877, tận hiến cho sứ mệnh truyền giáo trên toàn thế giới. Năm 1882, chị muốn Tu Hội non trẻ kín múc nơi nền Linh đạo Phan sinh, nên xin gia nhập vào Dòng Ba Tại Viện, từ đó Dòng có tên gọi là Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Những bước đầu đầy gian lao thử thách khi Dòng mới thành lập làm nổi bật đặc tính đời sống của Đấng Sáng Lập và các chị em tiên khởi; đó là sự đơn sơ, nghèo khó, vui tươi, tinh thần gia đình và lòng phó thác trọn vẹn vào thánh ý Chúa. Căn tính của Dòng là Chiêm Niệm trong Hoạt Động với Đoàn sủng gồm 3 chiều kích, được gợi hứng từ Lời Vâng của Chúa Kitô và Mẹ Maria: thờ phượng Thánh Thể, hiến dâng đời sống cho Giáo Hội và các linh hồn, truyền giáo phổ quát. Đó chính là linh đạo mà Chân Phước Marie de la Passion đã để lại cho con cái khi ngài qua đời tại San Rémo nước Ý ngày 15 tháng 11 năm 1904, hưởng thọ 65 tuổi với xác tín : “Nếu Hội Dòng là công trình của tôi thì Hội Dòng sẽ chết theo tôi, còn nếu đó là công trình của Thiên Chúa thì nó sẽ tồn tại”. Đấng Sáng Lập đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc Chân Phước vào ngày 20 tháng 10 năm 2002.

2. Linh đạo Hội Dòng

Nói cách tổng quát: Phan Sinh là tinh thần thiết yếu - Thừa Sai là sứ mạng phục vụ - Đức Mẹ Maria là mẫu gương trong cách sống.

Tâm nguyện của các nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ là: Tận hiến cho sứ mạng truyền giáo trên khắp hoàn cầu - Dám đáp lại những nhu cầu đa dạng của thời đại - Múc lấy sức mạnh từ Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể - Hiến mình trong những công tác phục vụ khiêm tốn và đầy thách đố.

Dù ở bất cứ nơi nào, chị em cũng luôn dấn thân với tính cách cộng đoàn, và ý thức rằng “Mục đích thứ nhất của mọi công việc chị em làm là chuyển đạt sứ điệp Tin Mừng của Đức Kitô” (HP 40).

3. Hội Dòng tại Việt Nam

Đáp lại lời mời gọi của Đức Cha Tardieu, Giám quản Tông Tòa Đàng Trong, Bề Trên Tổng Quyền đã sai 5 chị em tiên khởi đến Việt Nam vào năm 1932, để chăm sóc anh chị em bệnh phong tập trung từ 3 miền đất nước tại Trại Phong Qui Hòa thuộc Giáo phận Qui Nhơn. Sống yêu thương và phục vụ bệnh nhân phong là ơn gọi đặc biệt của con cái Thánh Phanxicô. Hàn Mặc Tử, một nhà thơ công giáo trẻ tài hoa được điều trị tại Qui Hoà đã thổ lộ: “Chính ở Qui Hoà, tôi đã nhận được những ân huệ quý trọng nhất đời tôi”. Thi sĩ Trương Phong Linh đến thăm Qui Hòa năm 1981 đã để lại mấy vần thơ như sau:

“Chính nơi đây có tình người cao đẹp,

Những mẹ hiền xoa dịu vết thương đau,

Ngày đêm mưa nắng dãi dầu

Bàn tay áo trắng cứu bao mạng người.

Ôi đẹp quá, Qui Hòa, ôi đẹp quá!

Đẹp tình người, đẹp trọn những ước mơ,

Yêu thương, hò hẹn, đợi chờ,

Vì tình nhân loại, hy sinh cuộc đời...”

Năm 1985, Xí nghiệp Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã phát hành một phim ngắn tựa đề Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Cuốn phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: Thế nào là sự tử tế ?. Trong phim có cảnh quay tại Trại Phong Quy Hòa, Quy Nhơn, và khi người viết lời bình hỏi các bác sĩ tại đây: “Thưa các thầy thuốc, ai là người tận tâm chạy chữa, chia sẻ với người phong ạ ?”. Một bác sĩ trả lời: “Các bà Soeurs. Chuyện đó phải kể đến các bà Soeurs”. Đó là các Soeurs thuộc Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Từ cơ sở đầu tiên tại Quy Hòa, đến năm 1936 chị em thành lập cơ sở tại Vinh, rồi sau đó ở La-Qua, Bà-Nà Quảng Nam. Sau Hiệp Định Genève 1954, chị em các cộng đoàn tại Vinh, Bà-Nà và La-Qua di tản vào Huế phục vụ tại bệnh viện Jeane d’Arc một thời gian ngắn rồi được gởi qua Tỉnh Dòng Singapore, Madagasca, Macao và Pháp.

Năm 1958 thành lập Cộng đoàn Mẹ Vô Nhiễm tại Đà lạt, với sứ vụ đào tạo, y tế và giáo dục, và Cộng đoàn Thánh Tâm Gia Định Sài Gòn (hiện là nhà chính của Tỉnh Dòng tạiđường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh), với sứ vụ giáo dục, y tế và mục vụ. Năm 1960 Thành lập cộng đoàn Thánh Gia Thạnh Mỹ, trung tâm phục vụ trẻ em dân tộc; năm 1975 đã dời ra thị trấn Thạnh Mỹ tiếp tục phục vụ người dân tộc. Năm 1969 thành lập Cộng đoàn Hiển Linh tại Sàigòn với sứ vụ giáo dục, mục vụ. Tiếp đến thành lập Cộng đoàn Tin Mừng tại đường Bà Huyện Thanh Quan, Sàigòn, lo mục vụ sinh viên; rồi Cộng đoàn Ánh Sáng, Phan Rang, Trung tâm Văn hóa Chàm, phục vụ giáo xứ, người Chăm và nhà trẻ. Tiếp đến thành lập Cộng đoàn thánh Elisabeth tại Phước An, Buôn Mê Thuột với sứ vụ y tế, giáo dục và phát triển. Năm 1970 thành lập Cộng đoàn Niềm Vui tại Suối Dầu, Khánh Hòa, lo mục vụ cho người dân tộc và người nghèo.

Sau biến cố 1975, Tỉnh dòng trải qua một giai đoạn khó khăn, nhưng Tỉnh Dòng vẫn mạo hiểm dấn thân, thích nghi vào các vùng quê, gần gũi với người nghèo... Năm 1975 Thành lập Cộng đoàn Sao Mai, Thanh Hải, Nha Trang, nay là tập viện Sao Mai, và Cộng đoàn Suối Bình An - Suối Thông B, mục vụ giáo xứ, người dân tôc và phòng khám miễn phí. Năm 1985 thành lập Cộng đoàn thánh Giuse - Xuân Phong, Bình Giả, Bà Rịa, với sứ vụ mục vụ nhà trẻ, người dân tộc và trạm y tế đông y, và Cộng đoàn Chúa Hài Đồng, Bà Rịa, mục vụ giáo xứ, phòng khám đông y và nhà trẻ.

Từ năm 1996-2003, Tỉnh Dòng bước sang trang sử mới. Đây là giai đoạn đất nước thời mở cửa, Tỉnh Dòng bắt đầu thực hiện việc tiếp đón và sai đi thật phong phú.

Năm 2000 thành lập một cộng đoàn tại thôn An Lộc Thượng, Ý Yên, Nam Định, chuyên lo về mục vụ giáo xứ, phòng khám từ thiện, hướng nghiệp cho người trẻ; cộng đoàn này mang tên “Bảy Chị Tử Đạo” (7 nữ tu Phan Sinh tử đạo tại Trung Hoa năm 1900, đã được ĐTC Gioan-Phaolô II tuyên thánh năm 2000). Năm 2011, cơ sở này nằm trong quy hoạch làm đường cao tốc, nên cộng đoàn di dời vào Vinh. Năm 2008, thành lập cộng đoàn Chân phước Assunta tại Sông Đốc, Cà Mau, với mục vụ giáo xứ, nhà trẻ.

Dù dấn thân bên ngoài hay âm thầm phục vụ trong cộng đoàn, chị em ý thức mình đang sống cách tích cực ơn gọi CHIÊM NIỆM trong HOẠT ĐỘNG. Ngoài ra, trong suốt lịch sử của Hội Dòng và Tỉnh Dòng, chị em cộng tác liên đới với anh em Dòng Nhất Thánh Phanxicô, các chị Dòng Nhì Thánh Clara, anh chị em Dòng Ba Phan Sinh Tại Thế và những người thiện nguyện trong nhiều lãnh vực khác nhau. Hiện nay Tỉnh Dòng cũng đang tích cực tham gia dấn thân phục vụ sứ mạng truyền giáo phổ quát ngoài biên thùy, như tại Châu Phi, Đài Loan v.v. 

Nguyện xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên tội, Cha Thánh Phanxicô và Chân phước Marie de la Passion, ban muôn ơn phúc lành xuống trêncác nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và những người “tử tế” đã hỗ trợ Hội Dòng. Nhà đạo diễn Trần Văn Thủy đã kết thúc cuốn phim “Chuyện tử tế” bằng lời bình: “Không một con người nào trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ tình thương yêu con người, đi từ trân trọng đối với con người, và đi từ nỗi đau của con người”.

Chính Đức Giêsu “chạnh lòng thương” đối với những người nghèo khổ, về vật chất cũng như tinh thần, là động lực thúc đẩy chúng ta quan tâm đến người nghèo. Như Thánh Phanxicô, chúng ta được mời gọi thể hiện lòng xót thương, niềm vui và hy vọng trong việc truyền giáo. Tuy nhiên, chúng ta không quên lời ĐTC Phanxicô lưu ý tại Cagliari (Italia) ngày 22 tháng 9 năm 2013 đối với mọi người làm công tác xã hội: “Một số người muốn làm nổi bật những việc làm tốt của họ. Họ liên tục nói về người nghèo, nhưng sau đó họ lại sử dụng những người túng thiếu này để làm lợi cho cá nhân mình... Đó chắc chắn không phải là ý Chúa Giêsu muốn. Tôi đi xa hơn nữa và nói đó là một tộimột tội trọng!”.

Antôn Nguyễn Khánh ghi lại.