Khánh Thành và Làm Phép Tu Viện Thánh Gia M'Lon - Thạnh Mỹ

...hôm nay ngôi nhà mới đã được xây dựng hoàn thành khang trang, sạch sẽ, thay thế cho ngôi nhà cũ xuống cấp, mục nát. Căn nhà tâm hồn của cộng đoàn cũng được tu sửa và trang hoàng để xứng đáng là nơi cho Chúa ngự.

Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Khánh Thành và Làm Phép Tu Viện Thánh Gia M'Lon - Thạnh Mỹ

Thánh lễ tạ ơn, khánh thành và làm phép Tu Viện Thánh Gia M’lon-Thạnh Mỹ-Đơn Dương, thuộc Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, đã được cử hành trọng thể lúc 9h ngày 30-6-2015, do Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục Giáo phận Đà Lạt chủ sự. Đồng tế với ngài có quí cha quản hạt Đơn Dương và Đức Trọng, quí cha bề trên cùng 22 linh mục trong và ngoài Giáo phận Đà Lạt.

Đúng 9g00 Đức giám mục Đà Lạt đến cổng tu viện trước sự hân hoan chào đón của mọi người. Ngài đã cắt băng khánh thành cùng với cha quản hạt Đơn Dương và sơ Giám tỉnh trước khi dâng thánh lễ tạ ơn.

Sơ bề trên cộng đoàn Thánh Gia M’lon, Maria Trần Thị Yến, trình bày lược sử hình thành và phát triển Tu Viện M’lon từ khi thành lập đến nay :

Ngày 5-01-1960, năm chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ được gửi đến M’lon, theo lời đề nghị của cha Francois Darricau. Đón chị em là 4 căn nhà sàn, nằm trên một mảnh đất rộng. (Hiện nay là ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương). Ngày 06-01-1960, là lễ khánh thành và làm phép nhà mới do cha Duchesne, Giám đốc Hội Caritas chủ sự với sự hiện diện của Đức Cha Cassaigne, lúc bấy giờ là vị linh mục truyền giáo trong miền. Cộng đoàn Thánh Gia được thành lập, cơ sở mới gồm 4 căn nhà sàn bằng gỗ: 1 để làm Trường tiểu học, 2 căn cho các em nội trú Dân tộc và phòng phát thuốc cho bệnh nhân và một căn là nhà nguyện và chỗ ở cho 5 chị em Nữ tu Phan Sinh.

Công việc phục vụ của chị em hằng ngày là dạy học, chăm sóc các em nội trú Dân tộc phát thuốc cho bệnh nhân. Công việc phòng phát thuốc ngày càng phát triển, người Dân tộc từ các làng xa trong rừng núi đến xin chữa bệnh càng ngày càng đông. Mỗi ngày các chị chăm sóc bệnh nhân từ 8-10 tiếng đồng hồ. Vài năm sau phòng khám chữa bệnh đã trở thành một bệnh viện nhỏ, có 12 giường đón tiếp các bệnh nhân và sản phụ. Chúa nhật và ngày thứ năm hằng tuần, các chị theo xe cha xứ vào các làng lân cận, chuẩn bị thánh lễ, dạy giáo lý và phát thuốc chữa bệnh cho những người đau ốm. Năm 1963, chị em mở lớp dạy nữ công cho các thiếu nữ Dân tộc từ 14 đến 18 tuổi, nhiều em chưa biết chữ được theo các lớp học riêng.

Để có thể nuôi sống chị em và học sinh nội trú, chị em chăn nuôi và trồng trọt qua lao động tay chân. Năm 1965, chị Clara Triệu là người Việt đầu tiên được bổ nhiệm làm phụ trách trung tâm M’lòn. Nhờ các ân nhân hỗ trợ chị em đã xây một trường Tiểu Học Tư Thục khang trang được Bộ giáo dục Quốc gia chấp nhận năm 1969. Bộ trưởng Bộ Sắc Tộc chủ tọa lễ khai giảng.

Năm 1975, do hoàn cảnh đất nước thay đổi, trung tâm không còn hoạt động, chị em phải mua lại của người dân trong vùng mảnh đất này và chính thức chuyển nhà ra đây vào ngày 10 tháng 7 năm 1977. Và hôm nay ngôi nhà mới đã được xây dựng hoàn thành khang trang, sạch sẽ, thay thế cho ngôi nhà cũ xuống cấp, mục nát. Căn nhà tâm hồn của cộng đoàn cũng được tu sửa và trang hoàng để xứng đáng là nơi cho Chúa ngự.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha đã đề cao linh đạo của Hội Dòng là luôn chiêm niệm và hoạt động, đặc biệt là quí sơ chuyên chăm lo cho người nghèo, cách riêng cộng đoàn Thánh Gia M’lon-Thạnh Mỹ, đã hiện trên mảnh đất Đơn Dương hơn 6 thập kỷ qua đã giúp đỡ được cho biết bao người, nhất là người Dân tộc  thoát nghèo về mọi phương diện, nghèo vật chất, nghèo cái chữ…vv.

Cuối thánh lễ, Sơ Bề trên Giám Tỉnh Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Anne Marie Trần Thị Lý, thay mặt Hội Dòng bày tỏ lời cảm ơn lên Đức Cha Antôn, quí cha quản hạt, quí cha bề trên, cùng quí cha, quí Tu sĩ, quí ân nhân xa gần và quí khách, cách này  hay cách khác đã giúp đỡ Hội Dòng hoàn thành công trình này. Nguyện xin Thiên Chúa trả công bội hậu cho Đức cha, quí cha, quí ân nhân cùng mọi người. Thánh lễ kết thúc trước 11g, mọi người ở lại dùng bữa cơm thân mật tại khuôn viên Tu Viện.

                   

Bài viết: Antôn Nguyễn Khánh