TÌNH NGƯỜI CÒN Ở LẠI

Người ta nói rằng ở Mê-xi-cô có một truyền thống đón Giáng sinh kì lạ. Vào mỗi dịp Giáng sinh, các gia đình ở Mê-xi-cô thắp lên những cây nến và chuẩn bị thức ăn trong nhà, khi một người nào đó đi ngang qua và nhìn thấy cây nến đầu tiên sẽ được mời vào và tiếp đón một cách nồng hậu, đồng thời cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến với họ.

Tất nhiên đó là Gáng sinh ở Mê-xi-cô, một đất nước đa phần người dân theo đạo Thiên Chúa. Còn ở Việt Nam, Thiên Chúa giáo mặc dù không phải là quốc giáo nhưng Giáng sinh cũng đã trở thành một nét văn hóa, một nét đẹp trong tín ngưỡng của mỗi người.

Sài Gòn, mỗi mùa giáng sinh về, không có tuyết rơi, không có cái rét đến cắt da cắt thịt, nhưng giáng sinh vẫn tưng bừng, lộng lẫy. Những ngày này, khắp các con phố ngập tràn bởi các màu sắc, cây thông, ông già Nô-en, tiếng nhạc réo rắt vang lên mọi ngã đường. Đêm về, người ta cùng nhau xuống phố, vào nhà thờ cầu nguyện, đi dạo phố phường để cảm nhận không khí Giáng sinh

Giáng sinh là của tất cả mọi người, cũng như Thiên Chúa là của tất cả mọi người. Thiên Chúa ở cùng con người và ban phúc lành cho mọi loài thọ sinh. Có thể tôi và bạn đã được đón giáng sinh một cách đủ đầy nhất cùng gia đình, bên mâm cơm quay quần, trao cho nhau những tấm thiệp với mong ước tốt đẹp nhất. Nhưng ngoài kia, không chỉ một, hai hay ba người…mà là rất nhiều, rất nhiều những mảnh đời bất hạnh đang đón một mùa giáng sinh trong khốn khó và đơn côi.Có lẽ phải chăng vì thế mà Chúa giáng sinh vào mùa đông lạnh lẽo để nhắc chúng ta nhớ rằng hãy lấy tình thương để sưởi ấm tất cả, để biết nghĩ đến nhau nhiều hơn, biết sẻ chia cho nhau nhiều hơn, biết quan tâm đến nhau nhiều hơn.

Mong ước ấy của Chúa không phải chỉ là mong ước mà đã được những người con của Chúa biến thành hành động cụ thể. Điều đó được thể hiện ngay trong Lễ hội giáng sinhđược tổ chức vào ngày thứ bảy 20/12/2014 vừa qua tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh do tổ chức Caritas tổ chức.

Lễ hội với thông điệp “đến để yêu thương” đã thực sự thành công khi mang lại nụ cười, niềm vui cho tất cả các em nhỏ, những mảnh đời bất hạnh. Các em đã đến trong vòng tay yêu thương của tất cả mọi người. Có thể chẳng bù đắp được hết cho các em đâu, nhưng đủ để nhắn nhủ với các em rằng, bố mẹ các em có thể bỏ các em, các em có thể không may mắn về thể chất, nhưng các em không cô đơn gữa cuộc đời này, bên cạnh các em luôn có những tấm lòng nhân ái của các Cha, các Sơ, các nhà hảo tâm, các tấm lòng thiện nguyện.

Lễ hội diễn ra từ 13h chiều cho tới 21h tối cùng ngày, với những chương trình đặc sắc như tiếp đón- gian hàng ẩm thực, hoạt náo, văn nghệ giao lưu, hoạt cảnh giáng sinh, khai mạc- đức tổng và Cha Giám Đốc, văn nghệ mừng chúa giáng sinh, xổ số, phát quà nô nen.

Mở màn bằng những ca khúc giáng sinh kinh điển cùng lời khai mạc của Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc. Những tiếng cười giòn tan của các em đã khiến cho niềm hạnh phúc lan tỏa đến tất cả mọi người. Còn chúng tôi, những sinh viên lưu xá Emmanuel tham gia Lễ hội cùng với các bạn trong lưu xá khác cũng như các thành viên của các câu lạc bộ thiện nguyện tham gia Lễ hội với thông điệp để cho niềm vui của các em được trọn vẹn. Mọi người được chia thành các tốp khác nhau với những công việc khác nhau. Công việc chúng tôi không biết đã nặng nề nhất chưa, nhưng chắc chắn là thu nhập nhiều nhất rồi, đó là lượm rác và phân loại rác.

Biết nói thế nào nhỉ, lúc đầu cũng ái ngại và có chút dè chừng. Thật tình mà nói cảm giác lúc đầu khá là kinh khủng mặc dù đã được thông báo trước đó 2 tuần. Nhưng không phải tất cả chúng tôi đều có cảm giác như vậy. Khi trông thấy các Sơ và các chị trưởng phòng làm một cách nhiệt tình và vui vẻ thì chúng tôi cũng đã “nhào vô làm” một cách tự nhiên sau mấy chục phút làm quen. Quả thực, đó là những trải nghiệm rất có ích đối với chúng tôi.

    Khi đi lượm rác, chúng tôi nhận được những nụ cười từ các em, nhận được những hành động rất đẹp từ các em như bỏ rác vào thùng, một số em đi theo chúng tôi để lượm rác. Còn lúc phân loại rác, có lẽ không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều có những cảm giác không bao giờ quên. Có làm như vậy mới cảm nhận hết những nhọc nhằn của người lao công, mới thấy hết lượng rác thải khổng lồ mà một ngày chúng ta thải ra, thấy hết rác cũng là một nguồn tài nguyên tái chế quý giá, và hơn hết là thấy được giá trị của lao động. Khi chương trình văn nghệ bắt đầu cũng là lúc chúng tôi được “lăng xăng” đi xem chỗ này chỗ kia và ăn tối.

Thực sự mà nói có rất đông, rất đông các em nhỏ đến đây cũng đồng nghĩa với việc có chừng đó những mảnh đời cần được sẻ chia. Có em bị mồ côi ba mẹ, có em bị bỏ rơi…Tất cả đều được bảo bọc bởi các Sơ. Có em đã lớn, nhưng cũng có em chỉ mới là đứa trẻ lên năm. Các em nắm tay nhau thành một hàng dài xếp vào ghế ngồi xem chăm chú. Rồi có những em vừa câm vừa điếc, các em lắng nghe một cách chăm chú và háo hức, tôi chợt hiểu vì sao người ta vẫn nói tình thương là thứ người mù có thể thấy và người điếc có thể nghe. Có những em bị dị tật bẩm sinh ngồi xe lăn nhưng trên môi luôn nở nụ cười. Nhìn các em, có lẽ trong mỗi người ai cũng thấy có cái gì đó xót xa, xót xa cho các em và xót xa cho chính mỗi người. Các em khuyết tật cơ thể nhưng có một trái tim ấm nóng tình người. Các em không có tay nhưng đã chạm tới trái tim mỗi người, còn có những con người lành lạnh lại thường hay khuyết tật về tinh thần và rất “ki bo” những nụ cười của mình. Bài học mà các em mang đến đôi khi còn lớn hơn cả lí thuyết sách vở.

Lễ hội kết thúc với sự trao tặng của 3500 con gấu bông cho các em, gấu bông bé thôi nhưng sẽ lám ấm lòng các em mỗi lúc đông về, gấu bông bé thôi nhưng sẽ là lời nhắn để các em biết rằng bên cạnh các em luôn có sự se chia của mọi người. Nhìn ông già No-en đi phát quà, tự nhiên tôi tin rằng ông già Noen là có thật, mà nếu không thì tôi vẫn có lí do để tin rằng vẫn luôn có những phép mầu nhiệm hiện hữu giữa cuộc đời này.

Lễ tan, chúng tôi ở lại quét dọn. Nhìn các em ra về cùng những cái vẫy tay, bỗng nhiên thấy lòng chợt ấm áp. Hạnh phúc không phải là cái gì quá khó kiếm, hạnh phúc không thấp, không cao, nó ở ngay tầm với của mỗi người.

Ngày thứ bảy khép lại, Sài Gòn vẫn vậy, vẫn những người, những xe, những vội vàng, hối hả, những gồng gánh ngược xuôi. Và chúng tôi ra về.

Cuộc sống vẫn chảy trôi như sự tuần hoàn vốn có, vật chất xa hoa là những thứ cần thiết nhưng chắc gì đã là tất cả. Cái gì rồi cũng tan vào hư vô, cát bụi, chỉ có tình người còn ở lại. Vậy tại sao mỗi chúng ta không làm cho tình người thêm tỏa sáng và lung linh giữa cuộc đời này, như lời Chúa dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”?!.

Ngoài kia, không khí giáng sinh đang tràn ngập khắp nơi, nguyện cầu cho tất cả chúng ta được nhận hồng ân của Chúa.

 SV Emmanuel – FMM/VN