Tĩnh Tâm Mùa Chay 2014 - Cộng đoàn Thánh Tâm

Tĩnh Tâm Mùa Chay 2014 chủ đề: CHO MỘT MÙA CHAY XANH HƠN - tại Nguyện đường Cộng đoàn Thánh Tâm 269 Nguyễn văn Đậu BT: từ 5g30 chiều trong ba ngày 03-04-05/3/2014 do cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ giúp. Bài giảng trước lễ, từ 5g chiều có cha ngồi tòa giải tội. ĐỀ TÀI NGÀY THỨ HAI: TRỞ LẠI VỚI TÌNH YÊU.

Tĩnh Tâm Mùa Chay 2014

NGÀY THỨ HAI: TRỞ LẠI VỚI TÌNH YÊU

Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Ngày hôm nay Chúa ban cho chúng ta điều răn mới: anh em hãy yêu thương nhau. Hôm nay điều này vẫn quan trọng: trong đời sống chúng ta cần tình yêu biết bao, trong gia đình, cộng đoàn, nhóm bạn… Yêu thương như thế nào ? Yêu như Thầy yêu. Anh em đừng chặn dòng chảy yêu thương đến với người khác.

Nhờ điều gì mà người ta nhận biết anh em là môn đệ thầy? Có phải nhờ thánh giá ta đeo trước ngực, hay việc ta đến nhà thờ cầu nguyện, hay làm dấu thánh giá trước khi ăn… Dấu chỉ nào để họ nhận ra căn tính kitô hữu của chúng ta? Là nhờ thấy chúng ta sống yêu thương. Nhiều người trở lại đạo nhờ chứng tá đời sống ngay cả của những người rất nghèo.

Điều buồn của Giáo Hội Việt Nam chúng ta là tin mừng đến với quê hương lâu rồi, mà chưa bao giờ con số người Công giáo vượt quá 7%. Nếu chúng ta ra trước tòa Chúa và Người hỏi 93% kia đâu? Chúng ta không thể nói đó chỉ là trách nhiệm của linh mục tu sĩ, của các Sơ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ là Dòng truyền giáo.

Hay chúng ta sẽ trả lời họ không muốn theo đạo thì mặc kệ họ… Có bao giờ những người trong khu xóm chúng ta thắc mắc về chúng ta họ theo đạo gì vậy? Chúng ta dửng dưng nên sau 400 năm đạo Chúa đến Việt Nam mà người theo đạo rất ít.

Dòng Tên đến Việt Nam 399 năm rồi, đầu tiên truyền giáo tại Cửa Hàn, Hội An, Đà Nẵng… Các vị thừa sai ban đầu không rành tiếng việt, người ta chưa có tên cho đạo Kitô giáo vì lúc đó chỉ có Phật giáo, Khổng giáo và Hồi giáo. Họ gọi tên đạo mới là đạo yêu thương nhau. Những Kitô hữu đầu tiên rất yêu thương nhau. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải yêu thương nhau, tiếc là chúng ta không có cơ hội gặp Chúa để hỏi rõ hơn yêu là gì vậy?

Yêu có phải là tặng quà cho nhau, đi chơi với nhau, hôn nhau? Có những người nói em yêu anh thì phải chiều anh! Yêu như thế thì đáng sợ quá. Vậy yêu là gì? Làm sao để diễn tả được tình yêu?

1.   Yêu là trao hiến: không đợi người ta xin mới trao. Có người đi tu dép đứt mà sĩ diện không dám xin, thà đi chân đất: kiêu ngạo quá mức. Tự ái, kiêu ngạo, khó hạ xuống để xin xỏ điều gì. Trao cũng cần chọn đúng nơi đúng lúc, cách trao như thế nào để người ta dễ đón nhận.

Trao kiểu bố thí, dù rất cần người khác vẫn có thể từ chối. Không cần người khác xin mà vẫn cho đòi sự nhạy bén quan tâm, hiểu những đau khổ của người kia cả khi họ không dám nói ra.

2.   Yêu là cho: chấp nhận mình sẽ nghèo đi khi chia sẻ. Có người có cả 3000 đôi giấy, cho đi vài đôi vẫn không nghèo đi. Người có 3 cái áo cho người khác 1 cái, còn 2 cái sẽ hơi phiền, giặt 1 cái mặc 1 cái, lúc mưa thì sao? Chúa Giêsu còn liều hơn, sai môn đệ đi chỉ mang 1 áo. Cho là đưa mình vào thế kẹt khi lỡ thiếu. Cho mà không nghèo đi chỉ là hất đi cái thừa. Cho mà tiếc thì đừng cho. Có khi cho mà thấy mất mát…

Không chỉ cho vật chất, chúng ta cần cho nhau thì giờ, khả năng, sự hiểu biết, chuyên môn của mình. Chúa Giêsu xin thì giờ: trong Vườn Dầu Người xin môn đệ dành cho Người 1 giờ vì Người cảm thấy sợ hãi… Có cậu bé để dành 10 đô hỏi bố là bố đi làm 1 giờ được bao nhiêu? 20 đô. Con có 10 đô vậy bố cho con mượn thêm 10 đô được không? Được. Vậy con có 20 đô, xin bố dành cho con 1 giờ nhé!

Chúng ta dễ mất giờ ngồi vi tính, ti vi nhưng không dành được thời gian cho nhau. Có những bạn có chuyên môn giỏi về vi tính: cha cần sửa máy cứ kêu con. vậy khi con cần cha cứ gọi cha... Sẵn sàng cho người khác thời giờ và chuyên môn của mình, đó là yêu thương.

Cho mà không xem mình là chủ của món quà thì cử chỉ cho mới có giá trị. Không nên cho người ta cá mà nên cho cần câu, giúp họ có công việc để người ta tự lập, tự đứng trên chân của họ, không bị lệ thuộc vào mình.

Khi cho người ta khả năng cũng còn có nghĩa là sẵn sàng giúp người khác và mừng vì có lúc họ không cần đến tôi nữa. Xưa đến xin tôi đủ thứ nhưng nay họ tự lập, và rồi họ có khả năng giúp người khác nữa…

3.   Yêu là tha thứ: tha thứ là cho ở mức độ tuyệt vời. Tha thứ cho 1 người là tặng người đó mòn quà tuyệt vời nhất.

Một SV học Cao học, tết về gọi điện cho bố, hai bố con nói chuyện với nhau và em không bao giờ biết đó là cuộc nói chuyện cuối cùng. Khi em đi ngủ điện thoại reo, tin báo bố bị đụng xe chết, em tắt máy vì nghĩ người khác trêu chọc. Về nhà mới biết đó là sự thật. Người bạn đụng xe làm bố chết. Nhưng em đã tha thứ cho họ. Tha thứ không phải là chuyện dễ dàng.

Khi tha thứ chúng ta bắt chước điều tốt đẹp nhất trong trái tim Thiên Chúa. Phụ nữ khó tha thứ. Hai bà giận nhau, 1 bà dặn con gái khi mẹ chết đừng báo cho "con mẹ" đó biết và không cho nó đến phúng điếu… Có những người có trí nhớ ghê gớm, chuyện cách 10 vẫn nhớ, nhớ cả giọng nói và nghĩ tới vẫn giận... Người biết tha thứ rất sướng, nhẹ lắm và người được tha cũng nhẹ.

Có những người vợ nói có thể tha cho chồng mọi thứ tội, trừ tội ngoại tình! Thế là chưa sẵn sàng tha thực sự.

Không biết tha thứ thì gia đình, cộng đoàn, đất nước sẽ không an bình. Lúc nào chúng ta cũng có chuyện để tha thứ vì trên đời làm sao con người tránh được chuyện làm khổ nhau dù cố ý hay vô tình. Một cái liếc mắt, bĩu môi có thể làm ta khó chịu. Một lời nói khó nghe - dù đúng nhưng sao lại nói lúc này, thiếu tế nhị. Sao có người cứ thích chọc vào chỗ yếu của mình? Chỗ khỏe thì không sao...

Từ chối tha thứ là chúng ta sống khổ sở suốt đời, sa lầy trong oán thù bất an.

4.   Yêu là xin: xin khó hơn cho vì xin là thú nhận mình cần người khác. Xin để nhờ người khác giúp điều ta không làm được, khi tin vào lòng tốt của người khác chúng ta mới xin. Biết họ không quảng đại và sẽ từ chối thì tôi sẽ không xin.

Xin cũng là cho: tôi cho người khác niềm vui giúp người khác. Xin là cho người khác thấy họ đáng kính trọng, họ hiện hữu trên đời, nhất là khi ta xin những người ít khả năng giúp ta điều gì đó... Chị không là đồ bỏ, nhiều người cần chị. Xin là nhận mình nghèo trước mặt Chúa

5.   Yêu là biết từ chối: yêu là dám từ chối chứ không quanh co màu mè, chúng ta cần giảm thiểu cái giả tạo. Khi người khác nhờ đến, chúng ta hay giả vờ muốn giúp, giả vờ nhận lời nhưng lại không làm tử tế. Nếu thấy mình không thể giúp thì nên từ chối. Không dám từ chối là vì tôi kiêu ngạo, không muốn mất hình ảnh đẹp về mình. Nhận lời dễ chịu hơn là từ chối. Chúng ta có những giới hạn không thể giúp mọi người trong cùng 1 thời điểm.

Là linh mục có dạo người cháu nhờ làm đám cưới nhưng lại có người nhờ làm đám tang cùng 1 lúc, bên nào cũng nói cả đời chỉ có 1 lần… Khó chọn! Có 2 cha đều mừng 25 năm làm lễ cùng 1 giờ mời Đức cha, không thể bỏ ngài chọn lễ 1 nơi, ăn tiệc 1 nơi! Cần đắn đo khi chọn lựa...

Ba nét biểu hiện của tình yêu theo ĐTC Phanxicô : vào ngày lễ Valentine vừa qua, trước 30.000 cặp hôn phối chuẩn bị đám cưới, Ngài dặn ngay là khi họ sống chung cần biết hỏi ý nhau, biết nói lời cám ơn và xin lỗi

1.   Hỏi ý: lúc trước tôi không được dạy nên cần tập nhiều. Chúng ta cần luôn hỏi ý nhau, em thích màu nào, anh dạy con điều này được không? Hỏi ý là đối thoại và tôn trọng người khác. Không tôn trọng thì tự ý làm, không cần hỏi. Hỏi là lịch sự, không áp đặt, không coi ta là cấp trên mọi người phải làm theo. ĐGH chọn 8 vị cố vấn để hỏi ý trước những quyết định quan trọng. Chúng ta ở giai đoạn mới mà sự độc tài chấm dứt. Con cái nên hỏi ý cha mẹ, cha mẹ cần hỏi ý con cái, anh chị em hỏi ý nhau, không mất gì mà được rất nhiều...

2.   Cám ơn: Chúng ta ít cám ơn nhau. Chỉ cần 1 tiếng cám ơn là bao mệt nhọc vất vả tan biến. Cha giáo chấm bài ghi cám ơn vì thấy SV có cố gắng viết tốt không làm mình khó chịu. Nhật dễ cám ơn nhau, thấy họ cám ơn liên tục. Chúng ta cần cám ơn cả những người làm công cho mình, người quét nhà thờ sạch sẽ…

3.   Xin lỗi: xin người khác tha thứ vì tôi thiếu sót hay yếu đuối. Đó không phải là chuyện của bề dưới với cấp trên. AI cũng có thể có lỗi, bố có lỗi và xin lỗi là bình thường, không có gì đáng xấu hổ. Không gì làm người ta có giá trị bằng lúc người ta biết xin lỗi. Đừng nghĩ xin lỗi là hèn.

Mỗi ngày chúng ta có bao nhiêu dịp xin lỗi nhau, vì vô tình làm người khác buồn. Đừng bao giờ để đến tối mà chưa làm hòa với nhau, đó là chìa khóa của hạnh phúc gia đình (ĐTC nói đến 3 lần). Để đến mai làm hòa khó hơn hôm nay nhiều. Chỉ cần 1 cử chỉ nhỏ, 1 nụ cười là người khác có thể nhận ra rồi.

Tha thứ và xin lỗi sẽ làm cho đời sống gia đình và cộng đoàn trở nên hạnh phúc. Chúng ta xin Chúa đến với chúng ta, đem tình yêu thương cho chúng ta, để nơi chúng ta sống trở thành thiên đàng.

Kết thúc: hát Đâu có tình yêu thương…

Cầu Nguyện:

Xin Chúa giúp mỗi người chúng con hiểu rõ yêu là như thế nào để chúng con biết sống yêu thương như Chúa mời gọi...

Trong Tin mừng hôm nay, nếu chúng con hỏi "Chúa Giêsu ơi, yêu là gì?" Người sẽ nói với chúng con "Yêu là vâng phục ý Cha". Chúa Giêsu ở phía Bắc, phía Nam là đền thờ nơi có những người muốn giết Chúa. Nhưng sắp tới Lễ Lều, Chúa Giêsu vẫn dám đi lên đó vì Cha muốn... Yêu cũng là chấp nhận chết. Chúng con sẽ nghe những tranh luận dữ dội giữa Chúa Giêsu và các Luật sĩ biệt phái, Người muốn họ hiểu và hoán cải nhưng họ chỉ muốn giết Người… Xin cho chúng con cũng biết tìm và vâng phục ý Chúa trong đời sống của chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ