CHIA SẺ TIN MỪNG LỄ MARIA DE LA PASSION

Để có thể thốt lên được bài ca Magnificat mà chúng ta vừa nghe với nhau thì Đức Maria đã phải đáp lời xin vâng một cách tròn đầy với Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”.

CHIA SẺ TIN MỪNG LỄ MARIA DE LA PASSION

(Lc 1, 39 - 56)

Thưa chị em, 

Để có thể thốt lên được bài ca Magnificat mà chúng ta vừa nghe với nhau thì Đức Maria đã phải đáp lời xin vâng một cách tròn đầy với Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. 
 
Đọc lại lời xin vâng của Đức Maria trong ngày hôm nay, bản thân tôi không dám tự cho mình là có thái độ xin vâng như Đức Maria!...

Kính thưa chị em,

Hình ảnh và thái độ của Đức Maria trong trình thuật Tin Mừng hôm nay là những gương mẫu sáng ngời cho đời sống người kitô hữu nói chung và cách riêng nơi đời sống dâng hiến của chân phước Maria de la Passion mà hôm nay chúng ta kính nhớ. Và có lẽ cũng chính từ những hình ảnh, những thái độ này mà bài Tin Mừng chúng ta vừa suy ngắm với nhau đây đã được chọn cho ngày lễ chân phước Maria de la Passion.

Vâng đúng thế, Maria de la Passion đã từng bước lần mò để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong đời sống dâng hiến của mình. Từ việc gia nhập vào Đan viện dòng Thánh Clara cho đến khi làm Bề trên Giám tỉnh Dòng Phạt Tạ và cùng với những hiểu lầm trong đời sống tu trì; Maria de la Passion vẫn luôn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng sự tuân phục “Này con đây”.

Bởi lẽ, ngài luôn tự hỏi: “Đâu là ý muốn của Thiên Chúa đối với các dự phóng tương lai của tôi? Đâu là ý nghĩa của tên gọi Maria Hy Lễ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh mà tôi đón nhận nơi cung thánh nguyện đường đan viện Clara?”. Và hơn thế nữa, lời đáp trả ấy còn được thể hiện rất mạnh mẽ qua việc tìm ra ý Chúa trong những thăng trầm của giai đoạn thành lập Hội Dòng mới; mà có lúc tưởng chừng như đã tiêu tan thành mây khói.

Lịch sử ghi lại rằng: “Để tìm ra định hướng vĩnh viễn cho Hội Dòng, mẹ Maria de la Passion đã thực hiện một cuộc tĩnh tâm; mẹ tìm ra được ý Thiên Chúa muốn mẹ phải là Phan Sinh”. Điều này đã trở nên hiện thực vào ngày 11/ 08/ 1883, với sắc chỉ Tòa Thánh phê chuẩn chính thức công nhận Hội Dòng, kèm theo sắc chỉ đặt Hội Dòng Thừa Sai Đức Mẹ dưới sự hướng dẫn của Bề Trên Tổng Quyền Dòng Anh Em Hèn Mọn. Như thế từ nay, các Thừa Sai Đức Mẹ được trở thành Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Do đó, bài học của ngày hôm nay được rút ra là khi tôi đứng trước những biến cố khó khăn, những bất trắc xảy đến trong cuộc sống thì tôi có sẵn sàng để Chúa hoạt động trong tôi với một thái độ lắng nghe tiếng Chúa muốn nói gì với tôi qua những biến cố ấy không? Hay tôi chỉ biết than vãn, kêu trách Chúa mà quên rằng, Chúa vẫn đi ngang qua đời tôi nhưng tôi đã không gặp được Ngài. Chúa đứng ngoài và ngõ cửa nhà tôi nhưng tôi đã không nghe được tiếng Ngài do lòng tôi vẫn khép kín. Đặc biệt chị em là những con cháu của mẹ Maria de la Passion, vị sáng lập của Hội Dòng thì chị em cần phải ý thức một cách mạnh mẽ hơn nữa về bài học này. Để nhờ đó, trong từng biến cố vui buồn của đời sống tu trì, trong những bước chân truyền giáo phổ quát của mình, chị em luôn luôn tìm được ý muốn của Thiên Chúa và đáp trả một cách mau mắn trong đời sống dâng hiến của chị em như chân phước Maria de la Passion đã trải qua. Tức là mẹ Maria de la Passion đã chấp nhận mọi sự bầm dập và nhiều đau thương để sáng lập Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ lớn mạnh như ngày hôm nay trong lòng giáo hội và xã hội.

Sau cùng, ước mong thay mọi chị em Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đều có một tâm tình sống như thế và xin mừng lễ mẹ thánh cho Dì Giám tỉnh và  toàn thể chị em.

Hình ảnh nội tuyến 4

Hình ảnh nội tuyến 1

Hình ảnh nội tuyến 1

Hình ảnh nội tuyến 4

Hình ảnh nội tuyến 2

Hình ảnh nội tuyến 5

Hình ảnh nội tuyến 3

Hình ảnh nội tuyến 5

Bài viết: Lm. Giuse Đinh Thế Hoài, Ofm.

Ảnh: MH, fmm.