THÁNH LỄ MỪNG KÍNH MẸ SÁNG LẬP DÒNG 15/11/2012

Nhắc lại lịch sử cuộc đời của mẹ Maria de la Passion là để chúng ta cùng với mẹ tạ ơn Thiên Chúa, vì Chúa đã đoái thương ban cho mẹ biết bao điều cao cả cùng với sự phát triển của Dòng cho đến hôm nay. Đồng thời qua cuộc đời của mẹ, chúng ta thấy được quyền năng của Thiên Chúa thực hiện cách diệu kỳ nơi sự nhỏ bé yếu đuối của con người...

THÁNH LỄ MỪNG KÍNH MẸ SÁNG LẬP DÒNG 15/11/2012

Ngày 15/11/2012, Lễ Mừng Chân Phước Marie de la Passion tại nhà Tỉnh Dòng được tổ chức đơn sơ nhưng trang trọng. Thánh lễ buổi chiều có đông đảo giáo dân cùng tham dự với chị em FMM. Cha Đề dòng Phanxicô đến dâng thánh lễ và sau đó ở lại chia sẻ niềm vui với chị em. Món ăn tối hôm nay do các Khấn tạm đạo diễn rất tuyệt, cùng với những cái "đuôi" khá dài... Buổi tối chị em có thời gian cùng nhau ôn lại những câu chuyện cuộc đời của Chân Phước Marie de la Passion qua phần trình bày "Theo Dấu Tich của Mẹ" chiếu trên màn ảnh rộng... Tạ ơn Chúa vì một ngày đầy ơn phúc!!!

Sau đây xin gởi đến chị em bài giảng rất hay và... "rất FMM" của Cha Đề OFM... Chị em chúng con xin hết lòng cám ơn Cha!

00 a.jpg

Kính thưa anh chị em,

Henena Maria Philipine là tên được đặt khi rửa tội của mẹ Maria de la Passion. Có lẽ cha mẹ đặt tên Helena là ước mong cô con gái út sau này giống như thánh nữ Helena hoàng hâu, thánh thiện và đạo đức. Nhưng khi vào Dòng, Helena lại được đổi tên là Maria de la Passion. Nghĩa là “Maria của cuộc khổ nạn”, hay “Maria của lễ Hy tế”. Chúng ta biết truyền thống Kinh Thánh thường gắn liền tên gọi của một người với sứ mệnh của người ấy. Cho nên mang tên Maria de la Passion cũng hàm ý rằng mẹ sẽ phải mang lấy cuộc khổ nạn như Chúa Giêsu và Đức Mẹ.

Sinh ra trong một gia đình thuộc dòng họ quý tộc thế giá, là con gái út trong gia đình 5 anh chị em, Cô Helena được mọi người trong gia đình rất cưng chiều, nhưng không vì thế mà Cô tỏ ra kiêu kỳ, tự phụ; trái lại, Cô sống rất khiêm tốn, đạo đức và thánh thiện. Từ nhỏ, Helena đã có một trí thông minh sắc sảo nhanh nhẹn và được Chúa ban ơn rất đặc biệt. Chúa đã cho Cô sớm biết khát vọng những gì đã làm cho các thánh băn khoan, khắc khoải. Bởi đó, mỗi khi nghe nói đến điều tốt, điều đẹp, điều vĩ đại của các thánh là Henena muốn bắt chước, như Cô đã viết: “Nhìn những cây thánh giá cắm trên địa điểm hai thánh Donatien và Rogatien tử đạo. Tôi đã muốn được như hai thánh, chết tử đạo như hai thánh”. Mầu nhiệm thập giá ngay từ tuổi thơ đã như thấp thoáng in dấu vào tâm hồn của Helena. Đó là dấu hiệu tiên báo một sự mệnh cao cả nhưng không thiếu đau khổ bằng máu và nước mắt.

Biến cố những người thân yêu trong gia đình lần lượt ra đi, là những cây thánh giá bắt đầu cắm vào cuộc đời của Cô, dấu hiệu khởi dầu của cuộc khổ nạn dai dẳng. Từ đó, Helena cảm thấy thế gian không còn lưu luyến, không còn quyến rũ cô như trước kia nữa. Giờ đây, Cô thích cuộc sống âm thầm, ẩn dật và cầu nguyện nhiều hơn. Cô thường xuyên thăm viếng người nghèo, người bệnh tật. Có lẽ vì thế Cô muốn trở thành con cái Thánh Phanxicô. Điều đó đã thành hiện thực, Helena đã dâng mình vào Dòng kín Clara. Nhưng “tư tưởng của Thiên Chúa không phải tư tưởng của loài người”. Helena bị lâm bệnh nặng, nên đã phải giã từ Đan Viện Clara yêu quý, mặc dầu Cô rất nuối tiếc: “Chưa bao giờ tôi có thể nói: Dòng này không thích hợp với tôi… Đức nghèo chiếm hữu lòng tôi. Tôi trở thành con cái thánh Phanxicô và không bao giờ thôi làm con của ngài… không bao giờ tôi cầm lòng được một phút mà không xúc động nếu tai tôi nghe nói đến Dòng Chí Ái”. Chúa quan phòng sắp đặt cho Helena cách khác, nhưng mục đích thì không thay đổi, đúng như câu ngạn ngữ nổi tiếng của Ả-rập nói rằng: “Thượng Đế thường vẽ đường thẳng bằng những nét cong”. Vâng đó cũng là cách mà Thiên Chúa dùng để can thiệp vào ơn gọi và sứ vụ của Helena nói riêng và cuộc đời của mỗi người chúng ta nói chúng.

Sau một thời gian về nhà chữa bệnh, Helena được giới thiệu vào Dòng Đức Mẹ Đền Tạ, tuy lòng chị vẫn lưu luyến thánh Phanxicô. Nhưng chính từ đây, Chúa quan phòng đã bắt đầu mặc khải cho Helena về sứ mệnh ơn gọi của mình là: Sứ mệnh thừa sai. Cái tên cô Helena giờ đây được đổi thành mẹ Maria de la Passion do Bà bề trên của Dòng đặt cho. Cái tên ấy phù hợp với ước muốn của mẹ, sau này mẹ đã kể lại cách sâu sắc rằng: “Maria của cuộc khổ nạn, tôi muốn được đau khổ như Đức Maria, tôi muốn khóc thương cùng Đức Maria, tôi đã đau khổ và khóc… tôi còn đau khổ và khóc… tôi đã được nhận lời. Lạ thật ! hèn nhát như tôi mà luôn khao khát thánh giá”.

Chẳng phải chờ đợi lâu, Mẹ được sai đi truyền giáo tại Madurai (Ấn Độ), mặc dù đó không phải là nơi mà Mẹ muốn đến đầu tiên. Ấn Độ là cánh đồng truyền giáo bao la bát ngát, thích hợp cho lý tưởng truyền giáo, nhưng cũng không thiếu những khó khăn khách quan và chủ quan. Cũng có những lý do rất là tiêu cực và gương xấu do con cái Giáo Hội gây ra cho nhau. Những mối tranh chấp giữa các thừa sai, sự đố kỵ do khác biệt về chủng tộc, đẳng cấp, và văn hóa gây ra. Tuy nhiên, Chúa đã cho mẹ nhiều đặc ân riêng, thu phục được cảm tình của mọi người, kể cả những người bản xứ, từ những người dân đơn sơ chất phác cho đến các bậc quyền cao chức trọng trong Giáo Hội. Chính vì thế, công việc của Dòng đã phát triển lớn mạnh, và ảnh hưởng tiếng tăm của Mẹ cũng tỷ lệ thuận theo sự lớn mạnh đó.

Nhưng chẳng bao lâu sau, sóng gió lại đến với Mẹ. Như một trận siêu bão, nó đã cuốn đi tất cả những gì mà người ta đã vất vả xây dựng nên bấy lâu nay, để rồi bắt họ phải trở về điểm xuất phát. Có lẽ điều này cũng không ngoài thánh ý Chúa, như thánh tông đồ nói: “Thiên Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt… nhưng chẳng dễ gì nhận ra ý Chúa ngay lúc ấy, vì “ngay lúc bị sửa dạy, thì chẳng ai lấy làm vui thú mà chỉ thấy buồn”. Mẹ Maria de la Passion cũng đã trải quan tâm trạng ấy, buồn tủi, đau đớn, xót xa biết bao khi rời bỏ miền truyền giáo với nhiều công việc còn dang dở nhưng sẽ hứa hẹn một mùa bội thu các linh hồn.

Một công trình của Thiên Chúa bị phá hoại thì không thể không có bàn tay của ma quỷ trong đó. Satan biết dùng chính những thuộc tính yếu đuối nơi con người để chống Thiên Chúa. Sự ghen tỵ, sự thành kiến và cả sự hoài nghi là những hạt giống satan dùng để gieo vào những tâm hồn ích kỷ và mê muội. Chính sự hiểu lầm, nghi kỵ đã đưa đến biến cố đẩy mẹ Maria de la Passion đoạn tuyệt với Dòng. Nhưng không có điều gì nằm ngoài sự quan phòng của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành cho con người. Bởi đó, chính sự hiểu lầm, tranh chấp xảy ra ấy đã vô tình đẩy đưa Mẹ Maria de la Passion trở thành Đấng sáng lập Dòng “Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ” hôm nay.

 Kính thưa anh chị em,

Trải qua bao gian khổ, cuối cùng Chúa cũng đã đưa mẹ Maria de la Passion trở lại với mối tình đầu của mình là gắn bó với thánh Phanxicô, như mẹ đã từng nói: “Đức nghèo chiếm hữu lòng tôi. Tôi trở thành con cái thánh Phanxicô và không bao giờ thôi làm con của ngài…”. Như vậy, “Thượng Đế đã vẽ một đường thẳng bằng những nét cong” trong ơn gọi của mẹ. Hội Dòng Mới giờ đây được đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Phanxicô và Đức Mẹ. Cái tên Dòng “Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ”, cũng mang trọn vẹn đặc tính Hèn Mọn của thánh Phanxicô và sứ vụ thừa sai của Đức Mẹ.

Kính thưa anh chị em,

Trở lại với bản thân mẹ Maria de la Passion. Tuy Hội Dòng do mẹ sáng lập đã được hình thành và lớn mạnh khắp thế giới, nhưng dường như tâm hồn của mẹ vẫn không lúc nào được nghỉ ngơi, thậm chí thập giá còn nặng nề hơn trước vì nỗi đau nội tâm không sao nguôi ngoai được, mẹ nói: “Dòng nặng, nhưng chẳng là bao, chỉ có tâm hồn tôi nặng, chẳng khác nào phiến đá nghìn cân nghiền nát tôi”. Theo kinh nghiệm cuộc sống thì một người ở địa vị càng cao, trách nhiệm sẽ càng lớn. Nhưng dù trách nhiệm có lớn thì vẫn còn người khác có thể chia sẻ công việc, nhưng đàng này, nỗi đau xâu xé tâm hồn thì không ai có thể san sẻ với mẹ được, chỉ có các thánh mới cảm được nỗi đau nội tâm của mẹ lúc này. Đó là kinh nghiệm về sự tăm tối của đức tin, sự cô đơn, sự sâu xé trong tâm hồn của những tôi tớ trung thành với Chúa. Như cha thánh Phanxicô, càng về cuối đời, ngài càng cảm thấy cô đơn, đau khổ, và chỉ còn biết tìm sự an ủi nơi Thiên Chúa. Ngay cả Chúa Giêsu và Đức Mẹ cũng trải qua kinh nghiệm tăm tối này của đức tin: Chúa Giêsu thì bị các môn đệ bỏ rơi, bị Chúa Cha im lặng trên thập giá. Còn Đức Mẹ thì Đứng dưới chân thập giá nhìn Con chết dần mà đau đớn lòng, như gương sắc đâm thâu trái tim Mẹ vậy.

Kính thưa anh chị em,

Nhắc lại vài nét lịch sử cuộc đời của mẹ Maria de la Passion như thế là để chúng ta cùng với mẹ tạ ơn Thiên Chúa, vì Chúa đã đoái thương và ban cho mẹ biết bao điều cao cả cùng với sự phát triển của Dòng cho đến hôm nay. Đồng thời qua cuộc đời của mẹ, chúng ta thấy được quyền năng của Thiên Chúa thực hiện cách diệu kỳ nơi sự nhỏ bé yếu đuối của con người. Đúng như lời thánh Phaolô nói trong bài đọc hai hôm này: “Ân sủng của Thiên Chúa thường được chứa đựng trong những bình sành dễ vỡ, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người”. Điều này đã chứng thực nơi Mẹ Maria de la Passion thì cũng sẽ ứng nghiệm nơi mỗi người chúng ta, nếu chúng ta thực sự xác tín và trông cậy vào Thiên Chúa như mẹ Maria de la Passion./.