FMM GÒ MÂY MÙA CHAY 2013
Tĩnh Tâm Với Đức Thánh Cha Phanxicô
Chiêm niệm trong họat động. Chiêm ngắm Chúa nơi những biến cố đời ta, nơi những biến cố mới đây trong Giáo Hội, qua việc Giáo Hội có Đức Tân Giáo Hòang Phanxicô. Với danh hiệu Phanxicô, chắc chắn Đức Thánh Cha rất gần gủi với chị em trong linh đạo phan sinh. Chúa đang mời gọi chị em điều gì? Chúng ta hãy dành thì giờ lắng đọng để nghe Chúa nói với mình trong những ngày cao điểm của Mùa Chay Năm Thánh Đức Tin này.
1. Dường như Chúa đang mời gọi tôi trở nên môn đệ của Người? Tôi đã là nữ tu, đã khấn trọn đời, chẳng lẽ tôi chưa là môn đệ của Người sao? Hãy lắng nghe ĐTC nói với chúng ta.
KHÔNG TUYÊN XƯNG ĐỨC KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH
THÌ KHÔNG PHẢI MÔN ĐỆ CỦA NGƯỜI
Đức Tân GH Phanxicô đã giảng như thế trong thánh lễ đầu tiên với các hồng y tại Nguyện Đường Sistine hôm thứ năm 14 tháng 3, 2013.
"Khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa!"
* * *
Tôi thấy có một điều gì đó là chung nhất trong ba bài đọc này: đó là sự chuyển động. Trong Bài Đọc Thứ Nhất chuyển động chính là cuộc hành trình, trong Bài Đọc Thứ Hai chuyển động là việc hình thành nên Giáo Hội, trong Bài Thứ Ba, là bài Tin Mừng, chuyển động thể hiện trong hành động tuyên xưng. Tiến bước, xây dựng và tuyên xưng.
Tiến bước. “Hỡi nhà Giacóp, nào ta cùng đi trong ánh sáng của Chúa” (Is 2:5). Đây là điều đầu tiên Chúa nói với ông Abraham: Hãy tiến bước trước thiên nhan Ta và không chút tì ố! Tiến bước: cuộc đời của chúng ta là một cuộc lữ hành và khi chúng ta bất động thì ắt là phải có điều gì sai. Luôn tiến bước trước thiên nhan Chúa, trong ánh sáng Chúa, tìm cách để sống không vương chút bụi trần nào như Thiên Chúa đã yêu cầu nơi ông Abraham, trong lời hứa của Ngài.
Xây dựng Hội Thánh. Nói về những viên đá là đề cập đến sự vững chãi, nhưng những viên đá được đề cập ở đây là những viên đá được Chúa Thánh Thần xức dầu. Hãy xây dựng Hội Thánh, hỡi Hiền Thê của Đức Kitô, với tảng đá góc tường cũng chính là Chúa. Trong mọi chuyển động của đời ta, chúng ta hãy đắp xây!
Thứ ba là tuyên xưng. Chúng ta có thể tiến bước theo ý muốn của mình, chúng ta có thể xây dựng rất nhiều điều, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì có ích gì? Chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ (NGO) đáng thương, chứ không phải là Giáo Hội, không phải là Hiền Thê của Chúa. Khi ta không tiến, ta dừng lại. Khi ta không xây dựng trên đá tảng vững chắc, điều gì sẽ xảy ra? Đó chính là điều đã xảy đến với những trẻ em xây những lâu đài trên cát ngoài bãi biển, tất cả đều xụp đổ, nó không có gì vững chắc. Khi ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì tôi nhớ lại lời của Léon Bloy: “Ai không cầu nguyện cùng Thiên Chúa, là cầu nguyện với quỷ dữ”. Khi ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, ta tuyên xưng sự trần tục của ma quỷ.
Tiến bước, đắp xây và tuyên xưng. Nhưng đời không dễ thế đâu, vì trong tiến bước, đắp xây và tuyên xưng, đôi khi có những chao đảo, có những chuyển động trệch ra khỏi quỹ đạo và có cả những chuyển động kéo chúng ta lùi lại.
Tin Mừng được tiếp tục với một hoàn cảnh đặc biệt. Cũng chính Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, đã thưa cùng Người rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Chẳng liên quan gì với nó đâu. Con sẽ theo Thầy trên những nẻo đường khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta tiến bước mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa.
Tôi ao ước rằng tất cả chúng ta, sau những ngày ân sủng này, có được can đảm, can đảm để tiến bước trước thiên nhan Chúa, với Thánh Giá của Chúa, để xây dựng Hội Thánh trên Máu Thánh Chúa được đổ ra trên Thánh Giá, và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất là Đức Kitô chịu đóng đinh. Bằng cách này, Giáo Hội sẽ tiến lên.
Niềm ước vọng của tôi cho tất cả chúng ta là Chúa Thánh Thần, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, sẽ ban cho chúng ta ân sủng để: tiến bước, xây dựng và tuyên xưng Đức Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Xin được như vậy. Amen
2. Trở nên môn đệ của Chúa trong linh đạo phan sinh.
Qua việc Đức Tân Giáo Hòang chọn đường hướng phụng sự Chúa, Hội Thánh và con người hôm nay theo cung cách và tinh thần thánh Phanxicô Assisi, các anh chị em phan sinh không những cảm thấy vui mừng, hãnh diện mà còn được xác tín hơn trong ơn gọi của mình. Bản thân chị em có lẽ cũng được mời gọi để trở nên môn đệ của Chúa hơn qua nền linh đạo này.
Vì thế, đây là dịp để ta duyệt xét lại cách sống ơn gọi của mình.
Chị em sống Phúc Âm theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi bằng nếp sống “bước theo Đức Kitô khiêm nhường, nghèo khó, trong đơn sơ, bình an và vui tươi…” , và có cái nhìn chiêm niệm trên các tạo vật; đồng thời hướng về việc bảo vệ công lý, hòa bình và môi sinh, chăm chú lắng nghe và đọc ra sự hiện diện của Chúa qua các dấu chỉ thời đại. Như thế, ơn gọi nữ Phan Sinh là bước theo Đức Kitô khó nghèo để loan báo Tin mừng cho người nghèo như Hiến Pháp FMM nêu rõ: “Tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô đem Tin Mừng cho người nghèo khó… chúng ta cũng được sai đi và hiến thân cho công cuộc truyền giáo phổ quát…bằng một cách thức riêng biệt trong Giáo Hội, là phó trót đời sống mình với thái độ sẵn sàng hoàn toàn như Mẹ Maria và múc lấy năng động tông đồ trong bí tích Thánh Thể” (HP điều 35).
Tôi đã thực sự “bước theo Đức Kitô khiêm nhường, nghèo khó, trong đơn sơ, bình an và vui tươi…” chưa? Điều gì còn lấn cấn? Phải chăng tôi chưa thực sự là môn đệ của Chúa vì thiếu thái độ sẵn sàng của Mẹ Maria? Con phải làm gì để thực sự là môn đệ của Chúa trong linh đạo nữ phan sinh, lạy Chúa?
3. Trở nên môn đệ thân tín của Chúa
Không những Chúa muốn ta trở nên môn đệ của Chúa, mà hơn nữa Chúa muốn ta trở nên môn đệ thân tín của người như Phêrô, Giacôbê và Gioan xưa kia (Marcô (Mc 14, 32-42).
Tại vườn Ghết-sê-ma-ni (Mt 26: 36 -46; Lc 22: 39 -46 )
32 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: "Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện."33 Rồi Người đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến.34 Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức."35 Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được.36 Người nói: "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn."37 Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: "Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?38 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối."39 Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước.40 Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người.41 Lần thứ ba, Người trở lại và bảo các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi.42 Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới! " (Mc 14, 32-42).
* * *
Qua đọan Tin Mừng trên đây, Chúa muốn nói với tôi điều gì?
Hãy để cho những lời của Chúa Giêsu đi vào lòng của chúng ta:
- “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức." (c.34)
- « Si-mon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?38 Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối." (c.37-38)
- "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? » (c. 41)
Giấc ngủ của ba môn đệ ở Ghết-sê-ma-ni, đó là thái độ sợ đi vào tiến trình cứu độ nhân lọai, đó là nhắm mắt trước điều thực sự tốt lành cho mình. Vì nếu có một điều thực sự tốt lành, thì đó chính là cầu nguyện với Chúa Giêsu. Lạy Cha xin cho ý Cha được thể hiện. Chỉ lúc đó mà thôi sự cứu rỗi xảy đến vì con người tìm lại được thân phận làm con cái.
Trong gương mặt ba tông đồ này nỗi mỏng dòn của chúng ta được rõ nét. Và Chúa Giêsu lại cảnh giác họ : « Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ. » Ngài ban cho chúng ta một phương tiện chắc chắn : Tỉnh thức và cầu nguyện : Ngài không đòi hỏi chúng ta lăn xả vào duy họat động vì lúc đó họat động là một việc trốn tránh để quên đi. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, đừng sợ nhìn thẳng vào sự thật. Chính ở điều này mà thân phận làm con, thân phận làm môn đệ được tái lập…
Suy niệm đọan Tin Mừng nói trên, làm ta nhớ đến ơn gọi theo Mác cô. Thánh Máccô cho ta biết Chúa lập Nhóm Mười Hai là “để ở với Chúa và để ngài sai đi” (Mc 3, 14). Có lẽ Chúa chọn ta cũng thế, “để ta ở với Chúa và để được Chúa sai đi.” Vâng, cần trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa để có thể được sai đi. Trong nếp sống của chị em, hằng ngày chị em muốn lập lại nơi bản thân mình, và muốn nhắc nhở nhau nét đặc trưng của ơn gọi làm môn đệ của Chúa « ở lại với Chúa để được sai đi » qua giờ thờ phượng Thánh Thể. Tôi đã sống « việc ở lại với Chúa trước Thánh Thể » như thế nào ? Đâu là những ơn tôi đã nhận được ? Đâu là những khó khăn tôi đang gặp phải ? ….Hãy tâm sự với Chúa Giêsu !.
Trở nên môn đệ thân thiết của Chúa điều cao quý, nhưng kinh nghiệm cho thấy không dễ, cứ xem Phêrô, Giacôbê và Gioan xưa kia trong vườn dầu thì rõ.
Dù khó, nhưng không phải không thể được. Nhờ ơn Chúa giúp, trong lịch sử đã có những môn đệ thân tín của Chúa. ở đây ta nhắc đến một vài người:
Có thể nói đức mẹ là người môn đệ thân tín của Chúa, vì mẹ đồng hành với Chúa trong cuộc khổ nạn, vì « Mẹ đứng kề thập giá Chúa » (Ga 19, 25).
Mẹ Marie de la Passion đấng sáng lập Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ…Tôi không biết nhiều về ngài, nhưng phỏng đóan Mẹ là người môn đệ thân tín của Chúa, vì danh xưng của Mẹ là Mẹ Của Sự Thương Khó Chúa.
Thánh Phanxicô Assisi say mê Chúa Giêsu, trở nên môn đệ thân tín của Chúa … đồng hình đồng dạng với người….Thánh nhân đã được phúc mang năm dấu thánh của Chúa Giêsu trên thân mình ngài.
Hãy tâm sự với Mẹ Maria, với chị Marie de la Passion, đấng là “tổ mẫu” của các chị…hãy tâm sự với thánh Phanxicô và nài xin ơn được trở nên môn đệ thân tín của Chúa.
* * *
HỒI TÂM KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
Chúng ta sẽ dựa vào một vài tâm tình trong Bài giảng của Đức Tân GH Phanxicô trong Thánh Lễ khai mạc Thừa tác vụ Phêrô của ngài hôm 19-03-2013 để nhìn lại cuộc sống của mình, dọn lòng bước vào Tuần Thánh và Mùa Phục Sinh trong năm thánh đức tin này.
1. Sứ vụ bảo vệ Maria, Giêsu và Hội Thánh.
ĐTC nói: “Trong bài Phúc Âm, chúng ta đã nghe rằng “Giu-se làm theo lời Thiên thần của Chúa truyền lệnh và đã đón vợ mình về nhà” (Mt 1, 24). Những lời này đã hàm chứa sứ vụ Thiên Chúa trao phó cho Giu-se, sứ vụ làm một “custos”, một người bảo vệ. Người bảo vệ cho ai ? Cho Maria và Giêsu; nhưng là một sự bảo vệ cũng mở rộng ra cho Hội Thánh nữa, như Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã làm nổi rõ (trong Tông huấn Redemptoris Custos, 1): “Thánh Giuse đã chăm lo cho Đức Maria với tâm tình yêu mến và vui lòng đem hết sức mình giáo dục Đức Giêsu Kitô thế nào, thì cũng như vậy, ngài bảo vệ và che chở Nhiệm Thể của Đức Kitô, là Hội Thánh, mang hình ảnh Đức Thánh Nữ Đồng Trinh, khuôn mẫu của mình.” (Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).
Tự hỏi lòng mình: Tôi có đón nhận Giêsu, Maria vào trong tâm hồn, cuộc đời của mình không? Tôi bảo vệ, săn sóc yêu thương các ngài, hay để các ngài bơ vơ, lạnh lẽo. Tôi có bảo vệ và yêu mến Hội Thánh của Chúa Giêsu không? Bằng cach nào?
2. Bảo vệ, yêu mến Maria, Giêsu và Giáo hội như thế nào?
ĐTC nói: “Giuse sống ơn gọi làm người bảo vệ Đức Maria, Đức Giêsu, và Hội Thánh như thế nào? Ngài liên lỉ chăm chú hướng lòng về Thiên Chúa, mở lòng mở trí đón nhận những dấu chỉ của Người, sẵn lòng thực hiện dự tính của Người, chứ không phải dự tính của mình; và đó là điều Thiên Chúa đòi hỏi Đa-vít, như chúng ta đã nghe trong Bài đọc thứ nhất: Thiên Chúa không mong muốn một ngôi nhà do người phàm xây nên, nhưng mong muốn lòng trung tín người ta dành cho Lời của Người, cho kế hoạch của Người; và chính Thiên Chúa là Đấng xây dựng ngôi nhà, nhưng với những viên đá sống động được Thần Khí của Người ghi dấu.Và Giuse là “người bảo vệ”, bởi vì ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, biết để cho thánh ý Người hướng dẫn mình, và chính vì lẽ đó, ngài lại càng bén nhạy hơn với tất cả mọi con người được phó thác cho ngài, ngài biết đọc ý nghĩa của các biến cố với óc thực tế, ngài chăm chú vào những gì xảy ra chung quanh mình và biết đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất. Nơi ngài, thưa các bạn thân mến, chúng ta thấy được phải đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa như thế nào, với tinh thần sẵn sàng, mau mắn, nhưng chúng ta cũng thấy được đâu là trung tâm của ơn gọi Kitô hữu: đó là Đức Ki-tô! Chúng ta hãy bảo vệ Đức Ki-tô trong đời sống chúng ta, để bảo vệ những người khác, để bảo vệ công trình tạo dựng!
Tự hỏi lòng mình: Thánh Giuse liên lỉ chăm chú hướng lòng về Thiên Chúa; còn tôi, tôi có thực sự quan tâm đến Thiên Chúa chưa? Chúa có thực sự là Chúa của tôi, là nguyên lý và nền tảng của tôi không?Tôi có yêu Chúa trên hết mọi sự chưa? Hay điều gì khác đang làm chủ lòng tôi? Chúa Kitô có còn thực sự là tâm điểm đời sống của tôi không? Hay điều gì khác đang thu hút trí lòng tôi?
3. Hãy trở nên người bảo vệ các hồng ân, quà tặng của Chúa.
“Nhiệm vụ bảo vệ toàn thể công trình tạo dựng, vẻ đẹp của công trình tạo dựng, như Sách Sáng Thế nói cho chúng ta và như Thánh Phanxicô Assisi đã chỉ cho chúng ta: đó là tôn trọng từng thụ tạo của Thiên Chúa và tôn trọng môi trường sống của chúng ta. Đó là bảo vệ con người, chăm lo cho mọi người, cho từng người, với lòng yêu thương, cách riêng chăm lo cho các trẻ nhỏ, các người cao niên, những người yếu ớt hơn và thường chiếm vị trí ngoại biên trong trái tim chúng ta. Đó là chăm lo cho nhau trong gia đình: vợ chồng bảo vệ nhau, rồi trong tư cách là cha mẹ, họ chăm lo cho con cái, và với thời gian, con cái cũng trở thành những người bảo vệ cha mẹ. Đó là chân thành sống tình bạn, mà tình bạn là một cách bảo vệ lẫn nhau trong sự tín nhiệm, lòng kính trọng và mưu cầu thiện ích cho nhau. Xét cho cùng, mọi sự đều được ký thác cho con người để con người bảo vệ, và đó là một trách nhiệm có liên quan tới tất cả chúng ta. Các bạn hãy trở nên những người bảo vệ các quà tặng của Thiên Chúa!
Tự hỏi lòng mình: tôi đã biết bảo vệ, gìn giữ quà tặng hay hồng ân Thiên Chúa ban chưa? Hồng ân Chúa tặng ban cho tôi là gì? Đó là các tạo vật quanh tôi, nhất là chị em tôi, là cộng đòan tôi đang sống? Tôi đã thực sự trân trọng, bảo vệ chăm lo chị em tôi như Chúa muốn chưa? Tôi đã gìn giữ, chăm lo cho nếp sống cộng đòan như thế nào?
4. Để bảo vệ tạo vật của Chúa, đừng quên bảo vệ con tim của mình.
ĐTC nói: “Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta! Nhưng để “gìn giữ” thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Gìn giữ có nghĩa là canh chừng những tâm tình chúng ta, con tim chúng ta, vì chính từ đó chúng ta hãy trở thành “những người bảo vệ” công trình tạo dựng, và kế hoạch của Thiên Chúa được khắc ghi trong thiên nhiên, bảo vệ tha nhân và môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu của sự tàn phá và sự chết cùng đi theo hành trình của thế giới này! Nhưng để “bảo vệ”, chúng ta cũng phải chăm lo cho chính mình! Chúng ta hãy nhớ rằng hận thù, ghen tương, kiêu ngạo làm hoen ố cuộc sống. Trong trường hợp đó, bảo vệ có nghĩa là cảnh giác với những tâm tình của chúng ta, với trái tim chúng ta, bởi lẽ từ đó nảy sinh những ý hướng tốt và xấu: những ý hướng xây dựng và những ý hướng phá hoại! Chúng ta không phải sợ lòng tốt, và cũng không phải sợ tình yêu thắm thiết-dịu dàng!
Tự vấn lòng mình: tôi đã biết canh chừng, gìn giữ lòng mình khỏi oán ghét, ghen tương, kiêu ngạo chưa? Tôi cần phải làm gì để gìn giữ con tim của mình luôn tốt lành, dịu dàng?
5. Hãy bảo vệ điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Với lòng yêu mến, chúng ta hãy bảo vệ điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta! Bảo vệ Đức Giêsu với Đức Maria, bảo vệ toàn thể công trình tạo dựng, bảo vệ từng con người, đặc biệt người nghèo nhất, bảo vệ chính chúng ta: đó là một công tác phục vụ mà Giám mục Rôma được mời gọi chu toàn, nhưng tất cả chúng ta cũng được mời gọi chu toàn công tác phục vụ ấy để làm cho ngôi sao hy vong tỏa rạng: Với lòng yêu mến, chúng ta hãy bảo vệ điều Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
Tự hỏi lòng mình: Đâu là những điều Thiên Chúa ban cho tôi? Tôi đã biết bảo vệ, giữ gìn với lòng yêu mến điều Thiên Chúa ban chưa? Cain xưa kia đã không muốn nhận trách nhiệm giữ gìn anh em mình (x. St 4, 9). ĐTC Phanxicô nói: “Và khi con người thiếu sót trong trách nhiệm bảo vệ này, khi chúng ta không chăm lo cho công trình tạo dựng và cho anh em mình, thì đó là lúc xảy ra sự tàn phá và trái tim trở nên khô cằn. Thật bất hạnh là trong mỗi thời đại của lịch sử vẫn có những “Hêrôđê”cưu mang những mưu đồ giết chóc, hủy hoại và làm méo mó gương mặt con người thuộc cả phái nam và phái nữ.” Duyệt xét thật kỹ xem có chút vô cảm nào của Cain trong tôi? Có chút máu quyền lực nào của Herodê trong tôi không?
Tôi đã biết chu tòan phận bảo vệ, gìn giữ anh chị em tôi như Giuse bảo vệ và chăm lo cho Mẹ Maria và Chúa Giêsu chưa?
Chúng ta trở nên giống Chúa hơn khi biết bắt chước Chúa bảo vệ, chăm lo cho từng tạo vật, từng hồng ân Chúa ban.
“Chúa canh giữ chúng ta như mục tử canh giữ đàn chiên” (Gr 31, 10)
* * *
THIÊN CHÚA KHÔNG BAO GIỜ MỆT MỎI
TRAO BAN SỰ THA THỨ
VATICAN. Hơn 150 ngàn người đã tham dự buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng của ĐTC Phanxicô
trưa Chúa Nhật ngày 17 tháng 03 năm 2013.
Đúng 12 giờ trưa, ĐTC Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trông xuống quảng trường, giữa tiếng reo vui mừng của các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, sau lời chào, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. ĐTC nói:
Trong Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay hôm nay, Lời Chúa trình bày cho chúng ta câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình được Chúa cứu khỏi án tử hình (Ga 8, 1-11). Chiêm ngắm thái độ của Đức Giê-su, chúng ta không nghe thấy những lời trách mắng, những lời kết án, nhưng là lời của tình yêu, lời thương xót mời gọi chúng ta hoán cải.
Anh chị em thân mến, gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của người cha đầy lòng thương xót, Ngài luôn kiên nhẫn với chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho chúng ta, không phải Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với mỗi người chúng ta sao? Vâng, đây chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn để hiểu, chờ đợi và không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta biết quay lại với Ngài với tất cả con tim. Như lời Thánh vịnh có chép rằng: “Lòng thương xót của Thiên Chúa vĩ đại dường bao”.……………………………………………………………….
Chúng ta đừng bao giờ quên lời này: Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng ta, không bào giờ! Và vấn đề của chúng ta là gì? Thưa, vấn đề là chúng ta chán nản, chúng ta không muốn, chúng ta không mong muốn sự tha thứ. Ngài không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ! Thiên Chúa là người cha yêu thương luôn tha thứ. Ngài có một trái tim đầy lòng thương xót dành cho tất cả chúng ta. Và chúng ta cũng cần học và thương xót người khác. Chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Chúng ta, vì chính ngang qua mẹ, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực thi giữa con người.”
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em, và đừng bao giờ quên rằng, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trao ban sự tha thứ.”
Chị em FMM CĐ Helene.