Bài giảng Thánh Lễ Tuyên Khấn Vĩnh Viễn

Ngày 29/05/2021 vừa qua, 7 chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã dâng lời Tuyên Khấn trọn đời trong 1 thánh lễ rất đơn sơ âm thầm, không có gia đình và bạn bè tham dự, cũng không có Đức Cha hoặc các linh mục đồng tế. Nhưng đó là một lễ khấn rất đặc biệt, sâu lắng và tràn đầy niềm vui. Chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ chân thành cám ơn Cha Giám tỉnh OFM đã đến dâng lễ, chia sẻ trong bài giảng và cầu nguyện cho các chị em Tuyên khấn được trọn đời Xin Vâng…

Từ xa xưa hạt lúa đã gắn bó với cuộc sống con người nói chung, dân Israel nói riêng như Thánh vịnh 80,17 đã mô tả: “Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo”. Không chỉ là lương thực nuôi dân Chúa, hạt lúa còn hoá tâm hồn.

Lần giở lại những trang Sách Thánh, ta thấy hình ảnh hạt lúa đã đi vào tâm thức của thầy trò Giêsu. Có lần, đi rao giảng, nhìn thấy đám đông dân chúng bơ vơ, không người chăn dắt, Chúa chạnh lòng thương và bảo các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Mt 10,1). Ở một chỗ khác, Kinh Thánh thuật lại chuyện các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay rồi ăn, khiến cho mấy ông biệt phái khó chịu, bắt bẻ: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?” (x. Lc 6,1-3). Lần này, để giúp cho môn đệ hiểu về bản chất của ơn gọi, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa để giảng giải: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

 Chúa nói điều này về chính Người, là hạt lúa gieo vào lòng đất, đợi chết đi, và sinh hoa trái. Bằng sự tự hạ, vâng phục thánh ý Chúa Cha, hy sinh chính mạng sống mình, Chúa đã thi hành lời Người đã dạy. Chiêm ngắm sự tự huỷ của Đức Giêsu Kitô, thánh Phaolô đã viết như sau:

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa

mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì

địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang

mặc lấy thân nô lệ

trở nên giống phàm nhân

giống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,

Chết trên cây thâp tự” (Pl 2, 6-8).

Kế đến, khi Chúa rời làng Nazaret, lên đường rao giảng Tin Mừng, Chúa đã bỏ lại sau lưng tất cả, chấp nhận “chết đi” cho cuộc sống quen thuộc và yên bình. Từ một anh thợ mộc lành nghề có thể an phận nơi làng quê yêu dấu, Chúa đã ra đi làm người loan báo Nước Trời, sống kiếp lữ hành, nay đây mai đó, không chỗ tựa đầu. Rồi cuối cùng, như con rắn đồng bị treo lên nơi hoang địa, Chúa cũng bị treo lên như vậy.

Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu đóng đinh, thánh Phanxicô nghiệm ra rằng chết là hành vi tối hậu của việc từ bỏ bản thân, phó thác cả hồn lẫn xác cho Đấng Hằng Hữu. Đến lượt mình, Phanxicô cũng suy niệm như vậy về cái chết của ngài. Ngài không có thái độ tiêu cực buồn bã, song nghênh đón tử thần. Ngài ý thức rằng chấp nhận cái chết là tiến sâu vào mầu nhiệm của Đức Kitô: “Anh em chớ giữ lại sự gì của mình, ngõ hầu Đấng tận hiến sẽ tiếp đón tất cả hồn xác anh em” (Thư gửi Tu nghị), và như Chúa đã nói: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Ga 12,25).

Đáp trả lời Chúa mời gọi, hôm nay bảy chị em chúng ta sẽ tuyên khấn vĩnh viễn. Đây là một bước chuyển quan trọng trong cuộc đời của các chị. Từ nay, các chị từ bỏ mọi sự, “chết đi” như hạt lúa gieo vào lòng đất để bước vào một cuộc sống mới, được tách riêng ra để thánh hiến cho Thiên Chúa. Các chị phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong tư cách là những nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ.

Lúc còn là một tập sinh, khi được sai đến Ấn Độ, Mẹ Marie de la Passion đã mau mắn Xin Vâng: “Tôi sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mà tôi được sai đến.” Mẹ chấp nhận “chết đi” cho mọi sở thích, những ước nguyện cá nhân để đón nhận ý Chúa, ra đi lên đường truyền giáo. Mẹ đã can đảm thực hiện lời Chúa căn dặn ngôn sứ Giêrêmia xưa kia: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi, Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói” (Gr 1, 7). Tiếp nối gương sáng của Mẹ thánh, các chị hãy can đảm lên đường, ra đi truyền giáo, làm người môn đệ thừa sai nơi những miền ngoại biên, nghèo khổ.

Một điều quan trọng khác mà tôi muốn chia sẻ với các chị trong ngày tuyên khấn, đó là vâng phục. Sự vâng phục của những con người chấp nhận “chết đi” cho chính mình để một lòng một dạ tuân theo thánh ý Thiên Chúa.

Như các chị biết, Obedience trong tiếng Anh và tiếng Pháp đều có gốc trong tiếng Latinh là Obaudire. Cái lõi của từ gốc này là audire, có nghĩa là lắng nghe. Vâng phục chính là lắng nghe, và lắng nghe là dấu chứng rõ ràng của lòng yêu mến. Thế nên, vâng phục thực sự là lắng nghe và yêu mến. “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ điều răn của Thầy” (Ga 14,14), và “nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,10).

Thánh Luca, trong sách Tin Mừng của ngài, đã cho thấy Chúa Giêsu đã lắng nghe Chúa Cha như thế nào. Chúa luôn cầu nguyện trước khi đưa ra quyết định. Chúa còn lắng nghe cả chúng ta nữa. Chúa nghe thấy những gì đang xảy ra chung quanh và bên trong cõi lòng chúng ta. Chúa nghe thấy tiếng kêu cứu của chúng ta, nhất là của những người nghèo, những người bị áp bức, những người còn đang vất vưởng bên lề xã hội. Nếu chúng ta lắng nghe Chúa, chúng ta sẽ nghe được những điều Người nghe thấu. Chúng ta sẽ nghiệm ra những người nghèo khổ chung quanh chúng ta chính là những người mà chúng ta phải vâng phục, yêu mến và lắng nghe với tất cả tấm lòng khiêm hạ, theo gương Đức Trinh Nữ Maria, thánh Phanxicô, thánh Clara và Mẹ Marie de la Passion.

Khi được sứ thần báo cho biết người Con mà bà đang cưu mang là Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria đã cảm nhận một cách sâu xa điều thiên thần muốn nói. Mẹ đã có một tâm hồn biết lắng nghe để thấu hiểu điều Chúa nói. Rồi khi gặp bà chị họ Elizabét, Mẹ đã cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư…” Mẹ biết thế giới này cần phải thay đổi, vì người nghèo không thể cứ phải chịu khổ mãi. Cùng với Chúa, Mẹ đã lắng nghe tiếng nói của người nghèo.

Chúng ta đang ở giữa cơn đại dịch. Biết bao người còn đang vật vã, lao đao... Chúng ta kêu van Chúa, và tôi tin rằng Chúa cũng đang cùng đau đớn với chúng ta. Chúa đang giang tay trên cây thập giá, ôm lấy nỗi thống khổ của nhân loại. Đó chính là quyền năng lòng yêu mến, xót thương của vị Thiên Chúa chịu đóng đinh, Đấng mà thánh Phanxicô một lòng say mê chiêm ngắm và tôn thờ. Vị Chúa chịu đóng đinh đó đang mời gọi chúng ta tham gia cuộc khổ nạn của Người nơi trần gian để rồi mai sau sẽ cùng với Người hưởng vinh quang muôn đời ở trên Nước Trời.

Các chị chuẩn bị tuyên khấn thân mến,

Tất cả chúng tôi hiệp thông với các chị khi các chị quyết tâm thực hiện một bước chuyển quan trọng trong đời, đó là bỏ lại mọi sự đàng sau, “chết đi” với cái tôi của mình, để kiên quyết nói lời Xin Vâng với Chúa Kitô, Đấng là Hạt Giống Chết Đi để mang lại sự sống dồi dào cho muôn người cùng với mọi loài thụ tạo.

Xin Chúa giúp các chị suốt đời giữ trọn lời Xin Vâng trong tâm tình yêu mến và lắng nghe Thiên Chúa cũng như yêu mến và lắng nghe mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Amen.