Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, được chọn cho dịp lễ mừng kính Mẹ Mary of the Pasion – Đấng sáng lập Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, là đoạn thuật lại việc Đức Mẹ đi viếng người chị họ của Mẹ là bà Elisabeth. Tôi thiển nghĩ đây là một lựa chọn có chủ ý bởi vì điểm chính trong câu chuyện là Maria, lúc này đã là Thân mẫu Chúa (c.43), đem “Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35) đến cho gia đình ông Giacaria, nhất là cho Gioan Tẩy giả. Mẹ Maria là nhà thừa sai đầu tiên đem Chúa đến cho người khác. Chính điểm này làm tôi chọn lựa chia sẻ với các chị về một nét căn bản của ơn gọi của Mẹ Mary of the Passion và con cái của ngài: thừa sai.
Nghĩa của chữ thừa sai: thừa-sai được ghép bưởi hai chữ: thừa và sai. Thừa có nghĩa là phụng lệnh, thừa hành. Ví dụ: cấp thừa hành Lời Chúa; sai có nghĩa là phái đi, sai phái. Ví dụ: đặc phái viên. Chữ tiếng PHáp và Anh là mission, misionary, do động từ gốc là mittere, misus trong tiếng Lating, có nghĩa là sai đi, được sai đi. Thừa sai là người được sai đi thực hiện một sứ mệnh nào đó. Và chính Chúa Ki-tô Phục sinh đã long trọng “ban bài sai” cho các môn đệ của Người: “Người nói với các ông: anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.” (Mc 16, 15) Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất. (Cv 1, 8)
Bài sai mà Chúa Phục sinh ban cho các môn đệ của NGười đó cũng là bài sai mà các chị Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ nhận được từ Người. Người sai các chị em đi làm chứng nhân Nước Trời, là người đem đến cho người khác chính Đức Ki-tô Giê-su. Nói cách khác, đối tượng của lời chúng là chính Chúa ở trong mình!
Ngày trước, sau khi tin vào lời truyền của sứ thần Gabriel, Mẹ Maria, dưới tác động của Chúa THánh Thần (qc. Đấng đầy ân sủng) đã vội vã “mang” Đức Giê-su đến cho gia đình ông Giacaria, đặc biệt là cho Gioan, Đấng sẽ là tiền hô cho NGười. Noi theo gương Mẹ, các chị em cũng đem Chúa Giê-su đến cho mọi người. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý ngay là: Mẹ Maria luôn ý thức Mẹ đang có Chúa ở trong Mẹ. Các chị em chúng ta có hay không cùng ý thức đó như Mẹ. Nghĩa là tin có Chúa ở cùng trong chúng ta. Và chúng ta chia sẻ Người, chia sẻ Tin Mừng Nước Trời của Người cho những ai chưa biết? Câu ngạn ngữ sau đây của người La mã cổ đại giúp chúng ta tra vấn mình: “Nemo dat quod non habet” = không một ai có thể cho cái mà mình không có. Trước tiên cần có Chúa ở trong chúng ta, cần cụ thể tin vào Người thì chúng ta mới có cái gì để rao giảng, để cho đi. Thánh Phaolo đã mạnh mẽ khẳng định: “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép” Tôi đã tin nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Bởi chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Ki-tô Giê-su là Chúa” ( 2 Cỏ 4, 13.4). Đây là một điểm quang trọng giúp chúng ta xét mình khi đi rao giảng.
Tuy nhiên, muốn được như thế, trước tin cần xác tin trong trải nghiệm và Thiên Chúa. Đọc lại tiểu sử của Mẹ sáng lập, chúng ta nhận thấy, ngay lúc còn trẻ, Mẹ có một tâm hồn rất nhạy cảm: cái chết của hai người chị em của Mẹ và của một người anh họ của Mẹ đã ảnh hưởng sâu đậm trong tâm trí Mẹ và thúc đẩy Mẹ đi tìm ý nghĩa của cuộc đời. Từ tính nhạy cảm bẩm sinh đó, cộng thêm đức tin mạnh mẽ của thân mẫu người – cả hai được ví như thửa ruộng sẵn chờ vãi giao hạt giống tốt. Mẹ Mary of the Passion đã có một tương quan tinh tế với Thiên Chúa. Sử sách ghi lại rằng, trong một lần tĩnh tâm vào tháng 4 năm 1856, Mẹ đã có được một trải nghiệm sâu đậm về tình yêu Chúa Chúa. Và một tiếng gọi phục vụ Người. Điều này là kim chỉ nam hướng dẫn Mẹ trong cuộc đời còn lại của Mẹ. Và trong ngày 2 thang Giêng năm 1860, khi còn là thỉnh sinh, Mẹ có một trải nghiệm sâu sắc về việc Chúa mời gọi Mẹ hiến dâng mình như một lễ vật cho Giáo hội và cho Đức Giáo Hoàng. Như thế, Mẹ Mary of the Passion đã để lại cho chúng ta một gương mẫu ý thức về tình yêu của Chúa và phục vụ Người. Đó là mở lòng ra với tiếng mời gọi và cảm nghiệm tình yêu của Người. Điều này cũng đã được Mẹ Mary of the Passion nhắc lại cho các chị em của Mẹ ý thức và thực hiện khi nhấn mạnh đến Chầu Thánh Thể hằng ngày để nuôi dưỡng trải nghiệm “chiếm hữu Chúa”:
“Đôi khi tôi tự hỏi tôi phải là gì để giúp cho con cái tôi hiểu rõ rằng, ơn gọi hy lễ thờ phượng Thánh Thể này đối với tôi trong Hội Dòng là vượt trên mọi ơn gọi khác. Và đời sống truyền giáo của chúng ta chỉ là một hậu quả. Chính khi thờ phượng cũng như tại Thánh lễ mà chị em ở trong tất cả sự huy hoàng của việc truyền giáo của mình” (x. 15 ngày cầu nguyện với Marie de la Pasion. Trg 76)
Trải nghiệm “chiếm hữu”, “ở trong” này sâu đậm đến mức độ như chiếm hữu một người yêu trong hôn nhân, mà bài đọc I ở trong sách tiên tri Hô-sê nói đến: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong ân tình và xót thương, trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa” (Hs 2, 21 - 22). Tiên tri Hô-sê đã dùng hình ảnh hôn nhân, một hình ảnh căn bản diễn tả mối liên hệ thân tình, sâu xa nhất trong tương quan xã hội, để đề cao dây liên hệ giữa Thiên Chúa, Đấng sai đi, và con người – kẻ được sai đi. Mẹ Mary of the Pasion còn nói: “Ước gì con không còn là con nữa, nhưng là Ngài, ôi Giê-su, tình yêu và ước gì Giê-su ở trong con như của lễ toàn thiêu tự hủy trong tất cả và sự toàn hảo của hiệp thông” (tr 80) Nhà Thừa sai như thế sẽ là chứng nhân của sự hiện diện của Thiên Chúa nơi bản thân mình. Và điều này là điều tối quan trọng để người ta dựa vào đó mà ngợi khen Thiên Chúa, quan trọng hơn cả các thành quả của công việc của vị đó. Hãy nghiệm lại mẫu gương của Đức Mẹ Maria: trước khi là người truyền giáo cho kẻ khác, “Đức Maria đã là người nữ thờ phượng đầu tiên của Đấng Cứu Thế”.
[Câu chuyện của vị giáo sư với lời nhận định: HIện nay, các nhà truyền giáo xem ra là những người chuyên môn rất giỏi về quản trị, tổ chức hành chánh hơn là những chứng tá đức tin… Điều mà người chưa tin nhận Thiên Chúa luôn khát khao, đó là thấy được Thiên Chúa ở nơi những người tin…]
Qua câu chuyện này, chúng ta cầu chúc cho nhau luôn có Thiên Chúa ở cùng, để sẻ chia điều chúng ta có cho những ai mà chúng ta gặp gỡ và phục vụ họ. Mà điều chúng ta “có thể có” (ở trong tầm với) và “phải có”, đó là Đức Giê-su Ki-tô, như ngày xưa thánh Phê-rô đã từng nói với người què ở Đề thờ Giê-ru-sa-lem: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazarét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6)
LM Alexis Hải, OFM