“Lại thêm một ngày kỷ niệm nữa!”
Đây là lời mở đầu bức thư của các Tổng Phục vụ gửi cho anh em Dòng I Phan Sinh, nhân kỷ niệm 800 năm của Luật không sắc chỉ 1221. Bức thư viết tiếp: “Đừng để nó giống như một chuyến thăm bắt buộc đến bảo tàng viện!”.
Vâng hôm nay cũng là một ngày kỷ niệm. Kỷ niệm 50 năm cộng đoàn Niềm Vui Suối Dầu. Và chúng ta đến đây không phải như một cuộc viếng thăm bảo tàng viện. Bởi lẽ chúng ta sẽ không tìm thấy được nơi đây những dấu tích của một thời xa xưa với những món đồ cổ có giá trị. Nhưng chúng ta đến đây để cảm tạ Chúa về di sản thiêng liêng mà chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã để lại, để ghi nhớ với lòng biết ơn, để đổi mới với lòng say mê và để ngợi khen Thiên Chúa là “sự thiện vẹn toàn, sự thiện chân thật và cao ca”.
Di sản thiêng liêng đó là gì, có thể được nhận biết không?
Năm 1882 Mẹ Marie de la Passion, Đấng Sáng lập Dòng đã đáp lại tiếng gọi thần linh của thánh Phanxicô, và đã đổi tên Hội dòng “Thừa Sai Đức Mẹ” thành “Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ” theo linh đạo của thánh Phanxicô.
Và 88 năm sau (1970), đáp lại lời mời gọi của một tu sĩ Phan sinh là cha Corentin, tỉnh dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (FMM) VN đã thiết lập sự hiện diện và phục vụ tại Diên Khánh Nha Trang nơi vùng đất tràn trề sữa và mật “Suối Dầu” với tên gọi cộng đoàn là “Niềm Vui”.
Đúng như tên gọi, cộng đoàn Niềm Vui – Suối Dầu hình thành và phát triển đến nay đã được 50 năm với biết bao gian khó cùng những lời cầu nguyện và những hy sinh, nhưng trên hết là tâm tình tạ ơn và niềm vui trào dâng của một mùa bội thu trên cả 3 bình diện: Phan sinh – Thừa sai và Chứng tá, như tên gọi và linh đạo của Hội Dòng: Phan Sinh - Thừa Sai - Đức Mẹ.
1/ Phan Sinh
Nói đến Phan sinh không thể không nói đến tình huynh đệ và nghĩa hèn mọn.
+ Hèn mọn : Ngay từ những ngày đầu tiên khi đặt chân tới miền cát trắng thùy dương Nha Trang, các chị em đã cộng tác với cha Corentin trong việc phục vụ anh em dân tộc ở Hà Dừa, rồi đến Cây Cày xã Suối Hiệp và Suối Dầu xã Suối Cát. Những tháng hè thì có Ama Ngọc từ Đàlạt xuống cộng tác với cha Corentin và chị em. Mặc dầu thời gian đầu thiếu thốn về mọi mặt, như chưa có nhà ở nên phải tạm trú trong nhà dân, chưa có phòng khám nên 2 chị người Pháp đã phải dùng chiếc xe hơi làm phòng khám lưu động. Và sau này vì nhu cầu nơi ở và làm việc, nhà cửa của chị em cũng rất đơn giản, đó là những căn nhà sàn vách gỗ. Ngay cả ngôi nhà thờ mà chúng ta đang hiện diện nơi đây cũng không khác với ngôi nhà nguyện nguyên thủy bao nhiêu, có chăng bây giờ là một ngôi nhà xây thay cho ngôi nhà sàn bằng gỗ, và nhìn qua thì khó có thể hình dung được đây là một ngôi nhà thờ, nhà nguyện. Nhưng mặc dù khó khăn về mọi mặt, các chị em vẫn luôn sống vui tươi đơn sơ trong tinh thần yêu thương và phục vụ…
Mặc dầu chị em đã hiện diện tại vùng Diên Khánh từ năm 1970, nhưng phải tới năm 1972 cộng đoàn Suối Dầu mới được xây dựng. Suối Dầu là miền đất hữu tình với đủ loại hoa thơm quả ngọt nằm bên dòng suối trong lành “Suối Dầu”. Nơi đây chị em sống nếp sống đơn giản nghèo khó như các gia đình trong khu xóm, và tiếp tục công việc phục vụ người nghèo như mở nhà nội trú cho các em dân tộc, mở các lớp học tình thương cho con em các gia đình nghèo trong xã, mở phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí tại địa phương. Tinh thần hèn mọn đó có thể tóm kết trong một câu của Lksc ch.9 mà thánh Phanxicô đã viết: “Anh em phải vui mừng khi sống với những người hèn hạ và bị khinh dể, nghèo khó và đau ốm, tàn tật và phong cùi, cũng như những kẻ ăn xin dọc đường”.
+ Huynh đệ : Thứ đến là tình huynh đệ
Cộng đoàn Suối Dầu có tên là Niềm Vui, do đó cộng đoàn lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Già trẻ lớn bé, Tây ta… sống hài hòa vui tươi, như lời TV 132:
“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay
Chị em được sống vui vầy bên nhau
Nơi đây ân huệ Chúa ban
Chính là sự sống chứa chan muôn đời”
Và khi nói đến tình huynh đệ, thì ở đây không chỉ muốn nói đến tình yêu thương của chị em đối với nhau, cộng tác làm việc với nhau, nâng đỡ nhau v.v mà còn muốn nói đến tình huynh đệ giữa chị em FMM với anh em OFM. Năm 1975, các nhà truyền giáo tây phương phải rời bỏ VN, nên chị em đã xin anh em Dòng I đến trợ giúp. Từ đó cộng đoàn OFM được hình thành tại Suối Dầu.
Nơi đây anh em OFM và chị em FMM sống chan hòa trong tình huynh đệ Phan sinh. Hai bên từng cộng tác với nhau trong nhiều công việc : như hợp tác xã nông nghiệp Suối Cát, phòng khám ở Suối Tiên, khám phát thuốc cho người nghèo ở Suối Dầu, phát quà cho anh em dân tộc các dịp lễ v.v. Đúng thật là
“Tình huynh đệ như men nồng rượu mới,
Chan chứa niềm vui, no thỏa ân tình”.
Đến đây, tôi nhớ đến một giai thoại như sau: Sau giải phóng, khi anh em OFM mới tới Suối Dầu, còn khó khăn, nên cộng đoàn anh em phải dùng chung điện thoại của các chị. Khi có ai muốn gặp thì nhờ mấy chị đi kêu. Một ngày nọ :
- Reng, reng reng…
- Alô, cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Suối Dầu xin nghe.
- Xin làm ơn cho gặp Anh Phụ Trách.
- Anh Phụ trách đi vắng rồi… có gì thì nói đi, tôi là Chị Phụ Trách đây!
- ????
2/ Thừa Sai
Từ khi cộng đoàn được thành lập đến nay, không biết bao nhiêu chị em đã sống và thi hành sứ mạng thừa sai tại mảnh đất Suối Dầu thân thương này. Những người đầu tiên hiện nay vẫn còn đây – như chị Cécile Điều, chị Marie Giá – là những chứng nhân sống động cho công cuộc truyền giáo tại vùng đất Diên Khánh Nha Trang này.
Không thể kể hết những công việc mà chị em đã thực hiện để đem Tin mừng và giới thiệu Chúa cho người khác, đặc biệt là cho anh em dân tộc – như mở các nhà nội trú, phòng khám chữa bệnh phát thuốc tại Hà Dừa, hay giúp đỡ các gia đình tản cư và phòng phát thuốc tại Cây Cày Suối Hiệp, và nhất là ở SD với nhà nội trú, nhà may, nhà tình thương, trạm xá, giúp phương tiện làm ăn cho anh em dân tộc Suối Lau v.v.
Công việc truyền giáo đang phát triển tốt đẹp, thì năm 1975, các chị ngoại quốc phải rời khỏi VN, nhà nội trú phải giải tán, chị em cũng tạm thời rời khỏi Suối Dầu. Nhưng như Xuân Diệu đã nói : “Khi ta ở đất chỉ là nơi ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Thật vậy, tâm hồn chị em FMM đã quá gắn bó với mảnh đất thân thương này nên cũng không nỡ rời xa nó, “Đi mô thì cũng nhớ về Hà Tĩnh”. Và vì thế chị em đã mau chóng trở lại nơi mảnh đất giàu tình xưa nghĩa cũ này.
Sau biến cố tháng 4 năm 1975, cha Corentin không còn ở lại để giúp đỡ các chị được nữa, thì Chúa đã sai các anh em VN đến. Nhóm anh em đầu tiên hiện diện tại đây gồm có Cha Lý, Thầy Lorent Trượng và một số chủng sinh từ Ký túc xá Nha Trang trong đó có cha Quế, cha Tuấn. Năm 1976 có thêm cha Văn Quý. Và phải nói là giờ đây việc truyền giáo lại càng phát triển và gặt hái nhiều hoa quả tốt đẹp nhờ sự cộng tác của chị em FMM và anh em OFM : chỉ nói ở thôn Suối Lau, thời gian 1975 chỉ có vài gia đình anh em dân tộc theo đạo, mà bây giờ con số đã lên tới khoảng 800 người. Một con số đáng mơ ước !
+ Cộng đoàn Suối Dầu không chỉ là địa điểm truyền giáo mà còn là nơi huấn luyện các nhà truyền giáo tương lai: Trải qua 50 năm, Suối Dầu đã góp một phần không nhỏ trong việc huấn luyện nhân sự cho Tỉnh Dòng FMMVN: Tập viện (1976-1983, 1993-1995, 2018- đến nay, Tiền tập viện 2011-2017).
Chính trong môi trường truyền giáo như Suối Dầu, mà các Tập sinh, các Tiền tập sinh được làm quen và tập sự sống ơn gọi và sứ mạng thừa sai của mình.
3/ Chứng Tá
Cộng đoàn Suối Dầu có tên là “Niềm Vui” (lễ mừng vào ngày 31/5 : Lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave). Và có thể nói Đức Mẹ là vị Thừa sai đầu tiên của Kitô giáo. Khi chọn Đức Mẹ đi thăm viếng, các chị em muốn đặt cộng đoàn dưới sự bảo trợ và dìu dắt của Mẹ; đồng thời noi gương Mẹ, Đấng ngày xưa đã đem Tin mừng cho bà chị họ Elisabet, thì giờ đây chị em cũng muốn khi thi hành sứ mạng thừa sai, chị em cũng phải là những chứng nhân của Tin mừng bằng nếp sống vui tươi, tràn đầy Niềm vui, như lời bài hát: “Niềm vui dâng lên cao, Niềm vui dâng dạt dào, Tựa sóng vỗ vào bờ, Trào dâng lên Thiên Chúa”.
4/ Kết: Mừng 50 năm hiện diện và phục vụ của cộng đoàn Niềm vui Suối Dầu, chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa là nguồn mọi ơn phúc, và tri ân các bậc tiền bối về di sản tinh thần cao quý mà các chị đã để lại bằng mồ hôi và nước mắt.
Tâm tình tri ân đích thực không chỉ mời gọi chúng ta đón nhận mà còn phải sống, triển khai và chuyển tải di sản của các chị em đi trước, cách riêng là sứ mệnh làm muối cho đời, làm ánh sáng cho trần gian. Amen.
Suối Dầu ngày 06/11/2020
Gioan Baotixita Nguyễn Kỳ, OFM