Bài giảng trong thánh lễ tuyên khấn, mừng Ngân Khánh & Kim Khánh

Như Đức Thánh Cha đã nói loan báo Tin Mừng là niềm vui, và trách nhiệm của chúng ta nhất là các tu sĩ của dòng truyền giáo. Hôm nay cũng như hôm xưa, chúng ta không thể tách khỏi trần gian, trần gian càng băng hoại, đời càng xáo trộn thì người loan báo Tin Mừng càng phải dấn thân. Ngài ước mong không muốn một Giáo hội, một dòng tu vì sợ phải lem luốc bụi đời mà biến Hội dòng thành bảo tàng viện. Nhưng nếu bị lem luốc mà nhiều người nhận ra tình thương Chúa thì sự lem luốc đó là đáng giá...

BÀI GIẢNG TRONG THÁNH LỄ TUYÊN KHẤN
MỪNG NGÂN KHÁNH & KIM KHÁNH

Thánh lễ hôm nay là một ngày đặc biệt đối với gia đình Phan Sinh cũng như thân nhân, bạn bè đang hiện diện trong nhà nguyện Thánh Tâm này. Đây là dịp chúng ta ôn lại mối tình của Chúa dành cho mỗi người và tình yêu của chúng ta đối với Ngài. Năm nay cũng là năm đặc biệt của đại gia đình Phan Sinh, kỉ niệm nhiều biến cố diễn ra trên quê hương Việt Nam.

Trong bài đọc I trích sách ngôn sứ Hôsê: Chúa dùng vị ngôn sứ để chuyển giao tình yêu Chúa cho chúng ta bất chấp những bất toàn của chúng ta. Hôn nhân trắc trở của ông nói lên điều đó. Bài đọc 2 mời gọi chúng ta, đặc biệt các khấn sinh theo Chúa, Đấng đã quên đi chức danh Thiên Chúa của Ngài để làm người, để trở nên phận người hèn hạ nhất, ngõ hầu con người được làm con Chúa. Chúa mời gọi mỗi chị em khấn sinh hôm nay, những người đã có một thời gian dài theo Chúa, một lần nữa nói lên lời cam kết vĩnh viễn hiến dâng trọn vẹn thân mình cho Ngài.

Bài Tin Mừng đặc biệt nói về sứ vụ loan báo Tin Mừng, sứ vụ dấn thân trong Giáo Hội hôm nay. Mỗi lần đọc lại, chúng ta đều xúc động, vì bài Tin Mừng nhắc nhớ chúng ta về Chúa Giêsu, trước khi đi vào cuộc khổ nạn, Ngài đã phải đối mặt với nhiều khổ đau, phải chịu xỉ nhục và nhuốc nha, thì đối với các khấn sinh hôm nay, khi đi vào miền truyền giáo, họ cũng sẽ gặp lại những nghịch cảnh như Ngài đã chịu đựng. Nhưng chúng ta luôn tín thác vào Chúa vì Ngài đã từng cầu nguyện cho chúng ta: “Lạy Cha con đã không cầu nguyện cho con, nhưng cầu nguyện cho những người Cha đã ban cho con để họ nên một như chúng ta”. Tâm tình này của Chúa Giêsu trở nên lẽ sống của các thừa sai chúng ta hôm nay.

Trong thời đại tiến bộ này, thời đại khoa học phát triển, người ta đã làm được biết bao điều kỳ diệu, ta có thể bay được, có thể nhìn thấy và nói chuyện với những người ở cách xa ta nửa trái đất, khoảng cách không gian không còn ý nghĩa gì đối với con người. Vì thế, Người ta nghĩ rằng tất cả những gì nhân loại muốn có thể làm được. Thế nên, nhân loại hôm nay không còn cần Chúa. Chúng ta đã mắc vào mưu của sa tan. Hôm nay và ngày xưa, Thiên Chúa và thần dữ vẫn ở giữa chúng ta, chúng ta cũng vẫn còn phải chọn lựa. Chúa sai chúng ta vào thế gian để kế hoạch của thần dữ càng ngày càng được vạch mặt. Chúng ta được mời gọi đi vào sứ vụ làm môn đệ. Những ai đảm nhận sứ vụ Tin Mừng sẽ bị bách hại. Ngày nay có những hình thức tử đạo khác ngày xưa. Ai trung thành với Chúa không thể không đi trên con đường khổ giá đó. Chúa Giêsu đã không xin đưa ta ra khỏi thế gian nhưng xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta thoát khỏi ác thần.

Các khấn sinh được mời gọi tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô. Các con là men để hũ bột thế gian được dậy lên. Nhiều khi men của chúng ta bị biến chất, làm ta thất vọng, chúng ta không còn đủ khả năng biến đổi đống bột bị biến chất. Các con cần quay về với đời sống kết hiệp với Đức Kitô. Xã hội càng biến chất đòi hỏi người tông đồ càng trở nên người tâm linh, người cầu nguyện hơn.

Cha Giám tỉnh có chia sẻ, tới đây sẽ tổ chức 90 năm anh em hiện diện ở Vinh. Đây cũng là năm kỷ niệm thành lập nhà thương Quy Hòa. Bệnh phung thời đó là bệnh nan y đáng sợ, khi bệnh viện bắt đầu hoạt động, các chị FMM đã được mời gọi phục vụ tại nơi này. Các chị đã sẵn sàng nhận lời mời đó vào năm 1932. Nhắc lại quá khứ để nhớ lại đường hướng mục vụ của các chị ngày xưa, để ngày hôm nay làm sao các sứ vụ đó tiếp tục được phát triển.

Các chị đã gây được nhiều gương sáng tại bệnh viện Quy Hòa. Năm 1940 Hàn Mặc Tử, một bệnh nhân phong của các chị đã để lại di chúc: “Hỡi các thiên thần trên trời, thiên thần của Chúa, thoạt nhìn tưởng là hồn các thánh, đáng lẽ tỏa thành hương thành khí nhưng khiêm tốn nhận làm con người. Xin vỗ tay mừng vì đó là các mẹ, các chị Phan sinh đã vào trần để ôm lấy những đau khổ của bệnh nhân phong chúng tôi. Tôi muốn đời đời cảm mến vẻ trong trắng tinh tuyền, hào quang ấy, chất thơ ấy, đó là biểu hiện của tinh hoa ấy”...

Hôm nay bệnh phong không phải là bệnh bất trị, nhưng xã hội hôm nay có nhiều bệnh trầm kha khác: về xã hội, tâm linh, tôn giáo. Tâm linh tôn giáo đầy mê tín dị đoan. Chùa chiền xây lên như có người nói là nơi để người ta rửa tiền.  Con người Việt đối xử tồi tệ với nhau.  Từ giáo dục, y tế, tương quan trong xã hội ở đâu đâu cũng có băng hoại, bạo lực, bạo tàn. Có lẽ những nạn nhân của SIDA, bạo lực, họ đang mong chờ tình người nơi những thiên thần như Hàn Mạc Tử thời xưa.

Như Đức Thánh Cha đã nói loan báo Tin Mừng là niềm vui, và trách nhiệm của chúng ta nhất là các tu sĩ của dòng truyền giáo. Hôm nay cũng như hôm xưa, chúng ta không thể tách khỏi trần gian, trần gian càng băng hoại, đời càng xáo trộn thì người loan báo Tin Mừng càng phải dấn thân. Ngài ước mong không muốn một Giáo hội, một dòng tu vì sợ phải lem luốc bụi đời mà biến Hội dòng thành bảo tàng viện. Nhưng nếu bị lem luốc mà nhiều người nhận ra tình thương Chúa thì sự lem luốc đó là đáng giá.

Mừng ngân khánh của 3 chị, ngọc khánh của 2 chị. Chúa mời gọi các chị tìm đến những miền truyền giáo mới, những con người phong mới. Để rồi có những người như Hàn Mạc Tử tìm ra được Chúa nơi những miền truyền giáo khó khăn. Phải chi nơi nào ít có người muốn dấn thân thì các chị FMM sẽ dấn thân lên đường. Để đem lại tình yêu, niềm vui, và ánh sáng Tin Mừng cho những đang ai gặp khó khăn…

+ Phaolô Nguyễn Thái Hợp.