LỄ GIỖ CHA PAUL ANDRÉ MAHEU
SÁNG LẬP BỆNH VIỆN PHONG QUI HÒA
27/2/1931 – 27/2/2019
“Công Cha như Núi Thái Sơn…”
Từ sáng sớm ngày 27 tháng 2 năm 2019, chúng tôi, mỗi người xúng xính trong những đồng phục đẹp nhất có thể; ơi ới gọi nhau giục nhau đến nhà thờ vì hôm nay là ngày đặc biệt của Trại Phong Qui Hòa, của những người con mang trong người căn bệnh mà người đời vẫn thường gọi “những người cùi”. Song đối với Cha Maheu, chúng tôi là những người con cưng yêu quý của ngài. Chúng tôi tin và vui mừng nói lên điều đó trong ngày Giỗ tưởng nhớ Cha dù thân xác Cha đã rời bỏ chúng tôi cách đây 88 năm rồi.
Trải qua thời gian với bao thay đổi theo thời cuộc, hôm nay chúng tôi mới có được ngày giỗ Cha trong tâm tình “Ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây”; “Uống Nước Nhớ Nguồn”. Thánh lễ Giỗ được cử hành long trọng với sự hiện diện đồng tế của Quý Cha và Đức Cha Matthêu, Giám mục Giáo phận chủ tế.
Cha Paul André Maheu (1869 - 1931)
Thừa sai thuộc giáo phận Tông Tòa Đông Đàng Trong
Trước khi Thánh lễ bắt đầu, cả cộng đoàn hướng về di ảnh của Cha Maheu trong phần niệm hương của các đại diện bệnh nhân và con cháu bệnh nhân, sau ba hồi chiêng trống thật linh thiêng là bài Văn Tế Cha Paul Maheu của Linh mục Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại Diện Giáo phận Qui Nhơn được vang lên trong cung giọng thật truyền cảm của anh đại diện giáo xứ Qui Hòa, cuối cùng là phần lược qua tiểu sử của Cha Maheu kết thúc phần tưởng niệm.
BÀI VĂN TẾ CHA PAUL MAHEU (1869 – 1931)
(Dịp Lễ Giỗ 88 năm : 27/ 2/ 1931 – 27/ 2/ 2019)
Cho dẫu biết: “Ai tin Đức Kitô, dù có chết vẫn được vào cõi sống”
Nhưng phận người : “Thân cát bụi, cỏ dại hoa đồng mềm yếu, mỏnh manh”.
Nên hôm nay , nhân ngày giỗ 88 năm của cha Paul Maheu,
Đòn chúng con, lớp hậu thế, cùng hòa chung ý hợp tâm đầu,
Nguyện xin Chúa, giàu xót thương, niệm tình giải thoát.
Nhớ thưở xưa,
Cha Maheu vốn người dân nước Pháp, sinh ngày 24 tháng 1 năm 1869.
Lớn lên vào đời nơi hoa lệ Paris,
Là giáo dân của cộng đoàn Thánh Gioan Tẩy Giả,
Là học sinh ngoan, cha cần mẫn chăm chuyên,
Sinh hoạt ca đoàn, cha tinh thông đàn hát.
Ngay từ thuở thiếu thời, cha đã chẳng từ nan bao việc làm nặng nhọc,
Còn trẻ dạ non lòng, nhưng luật Chúa cha luôn nghiêm cẩn thực thi.
Nhờ công hướng đạo của những mục tử địa phương,
Nơi Tiểu chủng viện Thánh Nicolas, cha thành tâm hướng đến con đường tận hiến.
Ơn Chúa giúp tronglời kinh mỗi ngày,
Qua bàn tay Giám mục, năm 1895, cha long trọng lãnh hồng ân Linh mục Thánh chức.
Từ dạo ấy, tiếng gọi Tông đồ thao thức trái tim đầy nhiệt huyết nhắm cõi Phương Đông,
Nên vào ngày 31 tháng 7 năm 1895,
Cha giã từ chốn hoa lệ Paris, chọn giáo phận Đông Đàng Trong làm quê hương đất sống.
Rồi những tháng ngày dài,
Hết Phan Rang đến Kontum, cha miện mài mỏi bàn chân mục tử,
Sức lực hao mòn,
Cha được về an dưỡng khi nơi đồng bằng, lúc sang tận Hồng Kông.
Nhưng chương trình Chúa thật diệu kỳ: cũng chính nơi đây,
Thời gian dưỡng bệnh: cha có cơ hội học thêm nghề “in ấn”.
Chính tay Cha đã trùng tu và thiết dựng,
Biến nhà in Làng Sông trở thành khí cụ tuyệt vời trong công cuộc truyền giáo.
Và cùng với cơ sở văn hóa nầy, cha đã thiết lập viện tế bần, trạm xá,
để phục vụ những người nghèo bệnh tật,khổ đau.
Sau những ngày vất vả truân chuyên, cha đã nhiều phen kiệt sức nghỉ ngơi,
Có lúc phải vâng theo luật đời, cha sẵn sàng lên đường tòng chinh nhập ngũ.
Để rồi đến năm 1929,
Cùng bác sĩ Le Moine, cha chèo ghe cập thung lũng Qui Hòa, để bắt đầu một chương trình mới.
Với trái tim nhân ái, cha quy tụ về các bệnh nhân phong, để từ đây chung tay xây dựng lại cuộc đời…!
Nơi đây đất lành, cha cống hiến hết mình cho biết bao phận người khốn khổ chơi vơi,
Với mái ấm tình thương, nhiều mảnh đời héo úa đượcvtận tình chăm sóc cho qua cầu sinh diệt !
Nhưng kiếp sống con người, như sách Giảng Viên, “có một thời để sinh và một thời để chết.”
Cuộc lữ hành dưới thế, như chuyến tàu đời, đã đến lúc đành bỏ lại những sân ga.
Sau những tháng năm miệt mài ra công rao giảng ở những miền đất lạ, quê xa,
Cha trở lại quê nhà vơi những bước chân tông đồ đã kiệt cùng thương tích.
Trong nắng bình minh của ngày định mệnh cách đây 88 năm (27/3/1931),
Với những lời hàn huyên sau hết, giữa những vòng tay yêu thương,
Dưới ánh nhìn của Chúa, cha lịm dần theo “giấc ngủ ngàn thu”.
Đã tới lúc về cội, như chiếc lá vàng rơi
Là hạt lúa mì, thân cha đã đi vào lòng đất.
Giữa những anh em đồng hội đồng thuyền nơi nghĩa trang Montparnasse,
“Gánh nặng đã qua, nhọc nhằn đã hết”, giờ cha đang ngủ giấc bình yên !
Hôm nay nhân ngày vọng tưởng,
Cộng đoàn hiệp dâng thánh lễ nguyện cầu,
Cùng với nén hương thơm, đây thế hệ cháu con cung kính cúi đầu.
Xin cha đón nhận lòng thành của chúng con, và niệm tình thụ bái !
Người soạn: Sơn Ca Linh
Tiếp đến là phần đọc lại tiểu sử của Cha Maheu:
TIỂU SỬ LINH MỤC PAUL ANDRÉ MAHEU (1869 – 1931)
Paul Maheu sinh ngày 24 tháng 01 năm 1869, tại giáo xứ thánh Gioan Tẩy giả, giáo phận Paris. Cha của Maheu là một nhạc sĩ, ông đem hết khả năng của mình để phục vụ giáo xứ, nhưng nghề nhạc không đủ để bảo đảm cuộc sống gia đình.
Sau khi xong Tiểu học, Paul Maheu làm việc cho một nhà giao dịch. Trong suốt bốn năm, Maheu phải vất vả với những cuộc vận chuyển hàng hóa nặng nề trên đường phố Paris. Maheu dành những ngày Chúa nhật để theo các sinh hoạt giáo xứ và hoạt động từ thiện.
Một cha phó của giáo xứ thấy chàng trai trẻ này có khuôn mặt biểu cảm, dáng dấp thon thả, chất giọng ấm áp,rung động và xuất sắc trong ca đoàn. Cha đã hướng dẫn chàng trai này đến chức linh mục, dạy cho chàng những bài học đầu tiên về tiếng Latin. Vào tháng 10 năm 1884, chàng được nhận vào lớp sáu tại Tiểu chủng viện thánh Nicolas. Vào tháng 10 năm 1889, Maheu đã được chuyển đến Chủng viện Triết học tại Issy, nơi đây Maheu đã nhận được chức cắt tóc vào ngày 30 tháng 5 năm 1890.
Vào ngày 29 tháng 7 năm 1890, thầy Maheu nhập Chủng viện Thừa sai. Sau khi phục vụ quân đội tại Beauvais, Rue du Bac. Thầy chịu chức cắt tóc vào ngày 23 tháng 12 năm 1893; phụ phó tế ngày 28 tháng 10 năm 1894; phó tế vào ngày 09 tháng 3 năm 1895; thụ phong linh mục vào ngày 30 tháng 6 năm 1895. Ngay tối ngày thụ phong,cha nhận sứ mạng truyền giáo tại giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn). Cha rời Paris ngày 31 tháng 7 năm 1895, đến cảng Marseille vào ngày 4 tháng 8, sau đó lên đường thi hành sứ mạng của mình.
Cha học tiếng Việt tại cảng Qui Nhơn, sau đó được bổ nhiệm làm cha phó của cha Villaume ở Phan Rang. Cha được ủy thác coi sóc một giáo họ ở cuối thung lũng trong vùng, gồm những người Việt và đồng bào dân tộc mới theo đạo. Sau một thời gian làm việc, cha đuối sức, cha phải đi nghỉ dưỡng ở Hồng Kông trong một năm.
Khi trở về, cha được gửi đến miền truyền giáo Kon Tum, nhưng bốn tháng sau, bệnh sốt rét rừng buộc cha phải về đồng bằng và đi Hồng Kông. Trong khi an dưỡng ở Hồng Kông, cha được học nghề in ở nhà in Nazareth. Cha trở thành một thợ in, biết cách đóng sách, cách tổ chức in ấn, …
Vào tháng 7 năm 1904, cha trở lại miền truyền giáo của mình, cha được giao phụ trách việc in ấn của miền truyền giáo. Sau khi nhà in Làng Sông được tu sửa, trang bị máy móc hiện đại, tháng 9 cùng năm, nhà in bắt đầu hoạt động… cha qui tụ một nhóm cộng tác viên nhiệt tình. Danh mục sách của nhà in Làng Sông hằng năm cho thấy sách được xuất bản rất phong phú, gồm nhiều thể loại: sách dạy đánh vần, từ điển, sách giáo khoa, sách Latin cho các chủng viện, báo chí, tuồng…Tạp chí Lời Thăm xuất bản mỗi tháng hai số.
Ngoài công việc in ấn của mình, cha Maheu chuẩn bị lập một nhà tế bần cho người già neo đơn, đói khổ. Cha chuẩn bị một trạm xá, dựng những túp lều tranh để đón nhận những bệnh nhân trong vùng. Đó là công việc trước mùa mưa; khi mùa mưa đến, một trận lũ xối xả đã cuốn đi tất cả mọi thứ trừ những con người khốn khổ. Giấc mơ đẹp đẽ này không còn gì cả!
Tháng 5 năm 1913, cha kiệt sức vì công việc quá bề bộn, cha Maheu phải trở về Pháp. Sau đó, cha phục vụ tại tiểu chủng viện Conflans. Được lệnh tổng động viên, cha nhập ngũ và làm việc tại Bordeaux. Cha được giao nhiệm vụ giám sát thư tín vùng Viễn Đông.Cùng với một đồng nghiệp của cha ở Qui Nhơn, cha đã thành lập một hội quán Pháp-Việt.
Năm 1919, cha trở lại miền truyền giáo, tiếp quản công việc in ấn của mình và thành lập một hội quán Pháp-Việt tại trung tâm đô thị Qui Nhơn. Hội quán được khánh thành một cách long trọng, nhưng kết quả mang lại rất khiêm tốn. Sau đó, cha từ bỏ công việc in ấn rất thành công của cha để cùng với bác sĩ Le Moine, Giám đốc bệnh viện Qui Nhơn, lo cho các bệnh nhân phong.
Hai người cùng nhau thành lập trại phong Qui Hòa trong một thung lũng nhỏ hẻo lánh, cách Qui Nhơn khoảng 07 km. Bác sĩ Le Moine mô tả lúc cha Maheu đến Qui Hòa: "Một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi thấy trên một chiếc ghe nhỏ một chiếc giường gỗ, một vài chiếc ghế, một cái bàn, một máy hát, nhiều sách, một con người khổ hạnh với đôi mắt sáng: đó là Cha Maheu, người sẽ cống hiến cuộc đời của mình cho những người phong cùi .. " Năm 1930, trại phong này đã có 140 bệnh nhân.
Sau một năm hoạt động nhiệt tình, luôn hiện diện trên các địa điểm xây dựng và các lo toan khác đã làm cha Maheu kiệt sức, cha phải trở về Pháp. Cha đến Marseille vào tháng 10 năm 1930 và nhập viện tại bệnh viện Thánh Giuse. Sau vài ngày, dưới sự chăm sóc của bác sĩ, cha được chuyển đến Toulon cùng với người chị đến từ Paris và ở đó khoảng gần hai tháng. Sau đó, cha được chuyển đến Paris; Sau một hai tuần ở bệnh viện Pasteur, cha được chuyển đến gia đình của chị, nơi đây cha được nhiều người thăm viếng.
Vào thứ Năm, ngày 26 tháng 2 năm 1931, mặc dù yếu mệt, cha đã trò chuyệnthân mật với Bác sĩ của mình được nửa giờ. Sau đó cha đã gặp được người bạn của mình, ông le Chanoine Dupin. Vào lúc bảy giờ sáng thứ Sáu, ngày 27 tháng 2, cháu gái của cha nói với cha được vài lời. Cha đang ngủ, mở mắt và nhìn cô. Một phần tư giờ sau, chị của cha đến để chuẩn bị cho cha lãnh của ăn đàng; Cô thấy cha đã tắt thở.
Cha được an táng tại nghĩa trang Montparnasse, trong hầm mộ của các thừa sai hải ngoại.
--------------------------------------------------------------------------------
Références biographiques:
AME 1895 p. 388. 1914 p. 3 (art.). 1915-16 p. 78. 1917-18 p. 280. 1921 p. 128. 1925 p. 69. 188 (art.). 1931 p. 92. 94. 113. 228. CR 1895 p. 331. 1897 p. 170. 1898 p. 169. 1899 p. 195. 1900 p. 163. 1906 p. 170. 1916 p. 123. 1919 p. 81. 1922 p. 109. 1925 p. 103. 1928 p. 112. 1929 p. 149. 1930 p. 175. 1931 p. 169. 272. 276. 344. BME 1922 p. 69. 1924 p. 54. 256. 400. 1926 p. 775. 1927 p. 762. 1928 p. 55. 180. 439. 695. 1929 p. 246. 376. 565. photo p. 464. 1930 p. 279. 665. 827. 1931 p. 161. 298. 388. 1933 p. 867. 1940 p. 565. E. Garnier p. 264. RHM 35P478. 36P340. 341. EC1 N° 208. 216. 217.
Phần tưởng niệm Cha Maheu kết thúc. Thánh lễ Giỗ bắt đầu với sự chủ tế của Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn.
Sau Thánh lễ, Ông Trùm Họ Qui Hòa, đại diện toàn thể Ông Bà và con cháu bệnh nhân phong dâng lời tri ân Cha Maheu và cám ơn Đức Cha cùng tất cả cộng đoàn.
LỜI CÁM ƠN NHÂN NGÀY GIỖ
CỦA LINH MỤC PAUL ANDRÉ MAHEU 27-2-1931 - 2019
Trọng kính Đức Cha Matthêu, Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn,
Kính thưa Cha Tổng Đại Diện, Cha Sở Giáo xứ Qui Hòa, Quý Cha đồng tế.
Kính thưa Sơ Giám tỉnh Dòng Phan SinhThừa Sai Đức Mẹ,
Sơ Phụ trách cộng đoàn Phanxicô Qui Hòa, Quý Tu sĩ nam nữ, Quý khách, Quý ân thân nhân và toàn thể anh chị em đã về dự thánh lễ kỷ niệm 88 năm ngày qua đời của Linh mục Paul Maheu, Vị sáng lập Làng Phong Qui Hòa nầy.
Kính thưa Đức Cha và quý Vị, người mắc bệnh phong lúc bấy giờ, cách đây 90 năm vẫn còn là những con người bị xã hội bỏ rơi, bị cách ly ra khỏi mọi sinh hoạt của gia đình cũng như làng xóm; có người trốn lánh nơi nương rẫy hoặc trên những cánh đồng vắng vẻ, thật là đau khổ cho những ai mắc phải chứng bệnh nan y nầy. Ấy thế mà lại có một trái tim yêu thương cao độ, dám từ bỏ bản thân, hy sinh mọi sự từ bên trời Âu đến đây để thành lập Bệnh viện Phong Qui Hòa, để sống với, sống cùng và để hàn gắn chữa lành những đau thương thể xác – tinh thần cho những người mắc bệnh phong chúng tôi. Biết bao gian nan, thử thách thuở ban đầu để khai sinh Làng Phong đã làm cho sức khỏe của Cha càng thêm hao mòn. Cha phải rời con cái đau khổ của Cha để đi chữa bệnh với hy vọng sẽ trở về tiếp tục sứ vụ nơi đây; nhưng con đường của Thiên Chúa đã cắt đứt sợi chỉ của người thợ dệt. Ngày 27 tháng 2 năm 1931, Thiên Chúa đã đưa ngài về nhà Cha trên trời. Hôm nay Làng Phong Qui Hòa chúng con xin tri ân Cha với tấm lòng của những người con thảo hiếu: Uống Nước Nhớ Nguồn; Ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây. Xin Cha tiếp tục cầu bầu cho chúng con trước tòa Chúa. Ước mong Làng Phong Qui Hòa mãi là chốn nương náu cho những con người bất hạnh được sống bình an – hạnh phúc suốt đời như ý nguyện của Cha.
Kính thưa Đức Cha và quý Vị, để có được Làng Phong Qui Hòa như hôm nay, ngoài công sức ban đầu của Cha Maheu còn có biết bao công sức của quý nữ tu Dòng Mến Thánh Giá đến giúp Cha Paul Maheu từ 1929 đến 1932; và từ tháng 10 năm 1932 đến nay, các nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân từ tinh thần đến vật chất. Trải qua 90 năm thành lập Làng Phong, 87 năm các nữ tu Phan Sinh nối tiếp, kế thừa và cùng với Quý Ân nhân xa gần đã vun vén cho Qui Hòa mới có được như ngày hôm nay. Trong đó, một số nữ tu đã gởi thân xác nơi vùng đất Qui Hòa, các sơ luôn hiện diện và đồng hành với chúng con đến hơi thở cuối cùng. Cám ơn Chúa là nguồn tình yêu đã biến đau thương thành tình yêu viên mãn.
Hôm nay,ngày tri ân Vị Cha chung của Làng Phong Qui Hòa, chúng con vui mừng với sự hiện diện của Đức Cha, Cha Tổng đại diện, Cha sở và Quý Cha đồng tế, Sơ Giám tỉnh và Quý sơ cộng đoàn Phan Sinh Qui Hòa, Quý Tu sĩ Nam Nữ, quý Khách, Quý ân thân nhân đã bớt chút thời gian quý báu về chủ tế và tham dự thánh lễ 88 năm ngày Giỗ của người Cha rất đáng kính của chúng con. Xin Chúa trả công bội cho Quý Đức Cha, Quý Vị và Quý ân nhân xa gần. Chúng con xin cúi đầu cảm tạ.
Phêrô Nguyễn Cửu
Trùm Họ Qui Hòa
Đức Cha đáp từ với lời nhắn nhủ: “…Từ đây mỗi năm hãy tổ chức lễ giỗ tưởng nhớ và biết ơn cha Maheu”
Sau Lễ là Lạc, được Hội Đồng Bệnh Nhân sắp xếp, tổ chức tại Hội Trường bệnh nhân. Hiện diện trong tiệc giỗ có Đức Cha Matthêu, Quý Cha, Các chị Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương, chị Giám tỉnh và các Chị em Phan Sinh Qui Hòa. Cơ quan có sự tham dự của Bác sĩ Giám đốc Tuấn Anh và Cô Mận, Phó Giám đốc bệnh viện. Bên chính quyền có Anh Lành đại diện Khu Vực và đông đủ bà con bệnh nhân. Mọi người cảm nhận như một gia đình và đều hân hoan vui vẻ, hẹn năm tới tiêp tục…
Bia mộ Cha Maheu và các nữ tu Phan Sinh được bệnh nhân phong Qui Hòa làm lại, khởi công ngày 24/2/2019 – hoàn thành ngày 4/3/2019
Dưới đây là một số hình ảnh và video trong ngày giỗ cha Maheu, xin mọi người cùng thưởng thức: