LƯỢC SỬ CUỘC ĐỜI CHỊ MATTA CAO THỊ THIÊN (Sr. Maria Giuse)

Cuộc đời truyền giáo của chị Giuse phần lớn gắn bó với miền truyền giáo M’Lon- Thạnh Mỹ; tuy vậy, dù sống bất cứ nơi đâu, đời sống của chị luôn âm thầm, tỉnh lặng … song không thiếu tình yêu thương, lời cầu nguyện, sự hy sinh quên mình. Chị miệt mài thực thi cách tín trung Đoàn sủng của Dòng trong ơn gọi Hy Lễ, Thờ Phượng và Thừa Sai...

 

LƯỢC SỬ CUỘC ĐỜI CHỊ MATTA CAO THỊ THIÊN

(Sr. Maria Giuse)

 

Sinh ngày:                   10. 11. 1915   

Tiền Tập viện:             15. 08. 1939 - Vinh

Tập viện:                     11. 02. 1942 - Vinh

Khấn tạm:                   11. 02. 1944 – Vinh

Khấn trọn Oblate:       11. 02. 1955 – Huế

Khấn trọn FMM:         15. 08. 1959 – Đalạt

Ngân khánh:                            1967 – M’Lon

Kim khánh:                             1992 – M’Lon

Ngọc khánh:                            2002 – Gia Định

Tạ ơn 70 năm Tu Dòng : 7.5. 2011 - Quy Hòa

Chị Matta Cao Thị Thiên còn gọi là Maria Giuse. Sinh ngày 10 tháng 11 năm 1915 tại Hướng Phương, Quảng Bình. Ông cố Phêrô Cao Văn Vân là thân phụ mất năm 1958 v à thân mẫu là bà cố Matta Nguyễn thị Thịnh qua đời năm 1925. Ông cố là một người cha hiền lành, đạo đức; từ khi bà cố mất đi, ông cố đã sống một mình nuôi con cho đến khi Chúa gọi về. chị có một người em trai đi tu, thầy bị đau và chết ở chủng viện Huế .

Vào thời của chị, theo phong kiến con gái không được phép đến trường; nên chị chỉ được học ở nhà và học giáo lý tại giáo xứ, đức tin của chị lớn mạnh nhờ gương sáng của ông bà cố và nhất là sự giáo dục và hướng dẫn của bà cố trong thời thơ ấu của chị.

Ngày vào Dòng, tuy rất buồn vì nhớ gia đình, nhưng ơn Chúa đã an ủi và ban niềm vui cho chị khi chị nghĩ, chị sẽ được ở suốt đời trong nhà Dòng. Sau thời gian tập sự, chị được nhận vào Tiền Tập viện ngày 15 tháng 8 năm 1939 tại cộng đoàn Elisabeth de Hongrie – Vinh. Vì hoàn cảnh chiến tranh, việc thông tin liên lạc khó khăn nên ba năm sau chị mới được vào Tập viện ngày 11 tháng 2 năm 1942. Thời gian nhà Tập chị gặp nhiều thử thách vì tính nhút nhát, cha giải tội khuyên chị phải vâng lời và từ bỏ mình. Chị đã vâng lời ngài và từ đó luôn sống quên mình và sẵn sàng làm theo đức vâng lời. Có lần chị đã chia sẻ:  “Khi bị “mẹ Già” (Chị Phó Bề Trên và đặc trách giáo tập) phạt đi ngủ sớm vì tính hay cười, tôi đã vâng lời đi ngủ ba ngày liên tiếp”. Và một lần khác: “Nhà Dòng ở Vinh có một cái giếng nước màu vàng, các chị nói “ ai tắm mà đau là dấu không có ơn gọi”, tôi sợ và đã không dám tắm. Mẹ già bảo: “Vì vâng lời chị hãy tắm thì sẽ không đau”. Tôi đã vâng lời và quả thật tôi đã không bị đau”. Tính chị vừa nhát vừa sợ ma. Thời đó, Vinh gặp nạn đói cộng đoàn đã đưa về nhà nuôi các cháu mồ côi rất đông, đôi lúc các cháu yếu quá nên bị chết. Bề trên nhờ chị đi cùng một người đàn ông đưa các bé đi chôn. Chị đã trả lời: con sợ ma lắm. Bề trên bảo: Đừng sợ! ma đâu mà sợ? Thế là chị vâng lời đi chôn các bé và chị kể lại: “Từ đó tôi thêm can đảm hết sợ ma”.

Sau hai năm nhà tập, chị đã dâng lời khấn lần đầu ngày 11 tháng 2 năm 1944 và  được sai về Xã Đoài với các bé mồ côi làm bếp, làm vườn.

Năm 1954, biến cố chia đôi Đất nước, cùng đi với Dòng lánh cư vào Huế và chị đã dâng lời khấn trọn đời ngày 11 tháng 2 năm 1955. Sau đó, chị cùng với một số chị em đến Singapore. Tại đây, hằng ngày cùng với chị M. Wanderich, quốc tịch Đức, hai chị em cùng đi khất thực. Năm 1958, chị trở về lại Việt Nam và sống tại cộng đoàn Đức Mẹ Vô Nhiễm Đà lạt. Ngày 15 tháng 8 năm 1959 chị dâng lời khấn trọn đời Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Đà lạt; sau đó, chị được sai đến cộng đoàn Thánh Gia – M’lon chăm sóc vườn rau, trồng cà v.v....cộng tác với cộng đoàn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng cho anh chị em dân tộc tại đây. Năm 1962 chị chuyển về cộng đoàn Đà Lạt. Hai năm sau (1964) chị lại trở về M’Lon, mãi đến năm 2005 vì tuổi già sức yếu chị phải về hưu dưỡng tại cộng đoàn Thánh Tâm Gia Định. Và ngày 16 tháng 11 năm 2010, chị được chuyển về cộng đoàn Thánh Phanxicô Quy Hòa.

Cuộc đời truyền giáo của chị phần lớn gắn bó với miền truyền giáo M’Lon- Thạnh Mỹ; tuy vậy, dù sống bất cứ nơi đâu, đời sống của chị luôn âm thầm, tỉnh lặng … song không thiếu tình yêu thương, lời cầu nguyện, sự hy sinh quên mình. Chị miệt mài thực thi cách tín trung Đoàn sủng của Dòng trong ơn gọi Hy Lễ, Thờ Phượng và Thừa Sai. Ngày ngày, trong cuộc sống và qua cuộc sống, đời sống chiêm niệm trong hoạt động của Dòng được chị thực hiện cách sâu sắc. Chị có thói quen vừa làm việc vừa hát những bài thánh ca về tình thương Chúa và Mẹ Maria mà chị ưa thích. Với chị, được làm việc là một hạnh phúc nên chị đã cố gắng làm với tất cả lòng tận tụy và vui vẻ, theo gương Thánh Giuse năm xưa.

Hành trình hiến dâng của chị Matta Thiên trong ơn gọi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã được ấn dấu qua những lần Tạ ơn Chúa:

Năm 1967, chị mừng Ngân Khánh Tu Dòng tại M’Lon, Thạnh Mỹ.      

Năm 1992, lễ tạ ơn Kim Khánh cũng được tổ chức tại M’Lon, Thạnh Mỹ.

Năm 2002, mừng Ngọc Khánh, ấn dấu đặc biệt của chị đã được Tỉnh Dòng tổ chức mừng tại cộng đoàn Thánh Tâm, Gia Định.

Ngày 28 tháng 5 năm 2012, chị em trong Tỉnh Dòng chúc mừng và tạ ơn Chúa với chị trong dịp mừng 70 năm Tu Dòng tại cộng đoàn Thánh Phanxicô Quy Hoà.

Đến hôm nay, lời tạ ơn Chúa cuối cùng mà chị được hạnh phúc cùng với cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa sau 97 năm làm người và là con Chúa và 70 năm là nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ trên dương thế này. Tạ ơn Chúa đã ban cho chị hoàn thành ước nguyện, suốt đời được sống và chết trong Dòng.  Thiên Chúa nhân từ đã đến gọi chị ra đi về với Ngài lúc 8 g 15 ngày 13 tháng 8 năm 2012, tại cộng đoàn thánh Phanxicô Quy Hoà.

RIP