Bài Giảng Lễ An táng Cô Út - Sr. Maria Clara Lệ Hoa, fmm

Suốt 64 năm hành trình dương thế cùng với 42 năm dâng mình cho Chúa trong hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Sơ đã trao trọn cuộc đời trong tay Thiên Chúa, để cho Chúa dẫn dắt, để cho Chúa giữ gìn, để cho Chúa tùy nghi sử dụng như một lợi khí phục vụ Dân Chúa trong cương vị của một nữ tu nhỏ bé. Sơ Clara đã chu toàn đời mình không bằng xa hoa danh lợi, mà bằng sống trong niềm hạnh phúc thuộc về Chúa.

BÀI GIẢNG LỄ AN TÁNG CÔ ÚT - SR. CLARA LỆ HOA

Khi tiễn bạn trong một buổi chiều buồn, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Người nằm xuống sau một lần đã đến đây đã vui chơi trong cuộc đời này! Đã bay cao trong vòm trời này ! Rồi nằm xuống”...

Dù ở đâu đi nữa, thì khi đứng trước cái chết người ta cũng  muốn nói nhẹ đi, muốn thi vị hóa nó; cho nên chỗ thì dùng cụm từ: Nhàn du tiên cảnh; chỗ lại dùng: qua rồi, hay như nhạc sĩ Trịnh thì dùng từ nằm xuống. Khi dùng nhiều cách khác nhau để diễn tả về cái chết, trong tâm tưởng người ta không muốn nhìn vào cái hố sâu đen ngòm của sự chết, cái đau khổ tận cùng của nhân loại. Mà quả thật cái chết là một sự đau khổ mất mát cho chính người chết mà cũng là cho những người còn lại. Nhưng dù có tránh né thế nào đi nữa, thì ai cũng phải chết và sẽ chết nhưng không biết lúc nào.

Hôm nay chúng ta tiễn biệt người thân chúng ta là Sơ Clara về làm tro bụi. Cái chết làm cho chúng ta kinh hãi, cái chết làm cho chúng ta bất mãn! Và đâu đó có tiếng ai oán Thiên Chúa: Tại sao Chúa để cho cái chết hiện diện? Tại sao Ngài để cho người thân thương của tôi chết. Nhưng đối với chúng ta những người có đức tin – chúng ta nhìn vào mầu nhiệm sự chết không như là dấu chấm hết của cuộc đời; trong niềm tin vào Đức Kitô tử nạn phục sinh, chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm sự chết trong niềm tin chắc rằng hoàn tất hành trình dương thế là tiến vào một hành trình mới, một sự sống mới, một niềm hạnh phúc mới mà chúng ta đáng mong chờ.

Thiên Chúa yêu chúng ta, và muốn chúng ta tận hưởng tình yêu ấy. Ngài có gì Ngài ban cho chúng ta cái đó và nhất là Ngài đã ban cho chúng ta chính Con Một yêu dấu của Ngài. Ngôi Hai Con Thiên Chúa ấy cũng đã đau khổ và sợ hãi cái chết trong vườn Gietsemani đến đổ mồ hôi máu. Để rồi ngài đi vào trong cửa tử thần, và đã chiến thắng sự chết bằng phục sinh vinh quang – Mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu chính là niềm cậy trông và là niềm hạnh phúc đích thực của chúng ta. Qua cái chết và sự phục sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa, tất cả những ai tin và sống theo lời của Ngài thì rồi cũng sẽ chiến thắng cái chết để vui hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc dành cho người tin vào Chúa chính là hạnh phúc Nước Trời.

Từ Trong Cựu Ước, quan niệm hạnh phúc gắn liền với việc tuân giữ lề luật. Truyền thống Đệ nhị luật nêu lên rằng ai muốn được hưởng phúc lành thì phải giữ luật giao ước, nghĩa là tuân theo mệnh lệnh Chúa. Để rồi nơi các ngôn sứ, kẻ có phúc là người đặt niềm tin vào Chúa, có Chúa làm chốn dung thân. Và trong nền văn chương khôn ngoan, các thánh ký đã thi vị hóa niềm hạnh phúc của con người bằng những vần thơ hết sức ngọt ngào. PHÚC thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân; PHÚC thay, người ở trong thánh điện; PHÚC thay dân nào biết ca ngợi tung hô CHÚA. Và thật là hạnh phúc thay ai kính sợ Chúa, hằng ăn ở theo Thánh chỉ Người.

Người thân, người chị em của chúng ta đây như thế thì đã là có phúc, bởi suốt cuộc đời sơ đã tận hiến cho Chúa, đã ở trong thánh điện, đã bước đi trong đường lối và hằng thi hành ý Chúa. Cho đến hôm nay, sơ trút nhẹ gánh trần gian để về nhà Cha, hưởng phúc viên mãn, phúc tròn đầy theo như ý muốn của Cha nhân từ.

Tin Mừng vừa trình bày với chúng ta bài giảng của Chúa Giêsu về những mối phúc - còn gọi là bản Hiến chương Nước Trời. Tại sao lại gọi là hiến chương Nước Trời – Vì Tất cả những ai nghe bản Hiến chương này và cố gắng thực hành nó trong cuộc sống hiện tại thì sẽ được bước vào Nước Trời.

Chúa Giêsu bắt đầu bằng từ “PHÚC” – (beatus hay  makarioi (μακάριοι) (nghĩa là phước, may, lành)). Đây là lời loan báo căn cội, về một niềm hạnh phúc, may mắn vững bền. Hạnh phúc không phải là một chương trình sống để con người chỉ nỗ lực và từ bỏ, nhưng trên hết là niềm vui khám phá ra rằng, mình là con cái được yêu thương của Thiên Chúa. Các Mối Phúc được hướng đến những người nghèo, những người khốn khổ, những người khao khát công lý. Trong khi Thế giới nói rằng: để có được hạnh phúc, thì phải giàu có, quyền lực, luôn trẻ và mạnh mẽ, tận hưởng danh tiếng và thành công… Chúa Giêsu đảo ngược những tiêu chuẩn này, và loan báo rằng sự sống tròn đầy chỉ thật sự đạt được khi sống theo Lời Chúa dạy.

Sơ Clara chắc hẳn trong cuộc đời dương thế của mình cũng đã biết, đã thấm nhuần, và đã thực hành tám mối phúc Chúa dạy, đã hoàn tất cuộc đời mình theo như bản hiến chương Nước trời. Nghĩa là trở nên những người nghèo khó trong tâm hồn, dọn trống chính mình để có chỗ cho Thiên Chúa. 64 năm hành trình dương thế cùng với 42 năm dâng mình cho Chúa trong hội dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Sơ đã trao trọn cuộc đời trong tay Thiên Chúa, để cho Chúa dẫn dắt, để cho Chúa giữ gìn, để cho Chúa tùy nghi sử dụng như một lợi khí phục vụ Dân Chúa trong cương vị của một nữ tu nhỏ bé. Sơ Clara đã chu toàn đời mình không bằng xa hoa danh lợi, mà bằng sống trong niềm hạnh phúc thuộc về Chúa. Sơ đã không tìm cái lợi, cái phúc của trần gian; mà tìm cái lợi, cái phúc ở Nước Trời ngang qua đời sống tin tưởng tín thác của mình – để dám hiến thân phục vụ Chúa nơi những anh chị em đồng bào ở M’ Lon, Suối Thông… và những năm tháng cuối đời, Sơ hiện diện ở đây, nơi cộng đoàn Quy Hòa đơn sơ này như một chứng nhân của Tin Mừng.

Có thể nói, cuộc đời Sơ đã noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, trở nên tấm bánh bẻ ra trao ban cho muôn người được vui hưởng. Bản chất của bánh là phải chịu nghiền nát, phải chịu tan rã để nên dưỡng chất cho thân thể. Phúc của tấm bánh là được trao ban - Chúa Giêsu, tấm bánh hằng sống đã chịu nghiền nát, chịu bầm dập để cho nhân loại được sống dồi dào. Người hạnh phúc vì nhân loại được đón lấy chính mình Người, và nhờ Mình Người mà được phúc hằng sống. Sơ Clara cũng cách nào đó trở nên tấm bánh hy sinh trong thầm lặng, tấm bánh yêu thương, tấm bánh quên mình phụng sự. Đây đích thực là phúc.

Trước mắt người đời, sự ra đi của sơ (cô) là một sự tiếc nuối, một sự dang dở, một điều đáng buồn. Dĩ nhiên, với ánh nhìn trần thế, chúng ta thấy trống trải, thấy tiếc xót – Nhưng trong cái nhìn đức tin - Chúng ta tin rằng khi người thân của chúng ta nằm xuống với tất cả những cố gắng hy sinh đó cùng với tình yêu tín trung trong cuộc đời, sẽ được Chúa thương cho người thân của chúng ta có một chỗ trong cung lòng của Thiên Chúa.

Trong thân phận làm người không thể nào tránh khỏi những sai lầm, những thiếu sót để rồi giờ đây chúng ta dâng Thánh Lễ đặc biệt này xin Chúa thương xót tha thứ cho người thân chúng ta và nhận hy lễ cuộc đời của Sơ Clara như một lễ dâng sống động, và sớm cho linh hồn sơ được hợp đoàn cùng các thánh nhân. Để cùng với cả triều thần thiên quốc, Sơ Clara có thể cất cao giọng reo mừng: “Khúc ai ca Chúa biến thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng”. Đó mới là Phúc thật, Phúc vĩnh cửu, Phúc mà cả đời Sơ đã dành để ngưỡng vọng. Amen.

Cháu ruột - Lm Nhật Vy - GP. Xuân Lộc.