Bài Giảng Lễ An táng Sr.Maria Trần thị Chính, fmm: Sứ Mạng Cho Hội Thánh

Giáo xứ chúng con đau đớn chia buồn cùng Hội Dòng trước đại tang hôm qua và hôm nay. Xin Chúa Giêsu phục sinh an ủi, thêm sức mạnh và ban bình an cho quí Soeurs...

Sứ Mạng Cho Hội Thánh 
Máccô 16,9-20

Như chúng ta đã thấy đoạn kết thúc Tin Mừng này không có trong các bản chép tay cổ nhất. Đây là  bản tóm tắt được thêm vào sau này, nhằm thay cho phần kết thúc mà Marcô không còn sống để viết hoặc vì đã bị thất lạc ít lâu sau đó. Mặc dầu đoạn cuối nầy không do tay thánh Marcô viết ta, Hội Thánh vẫn công nhận đó là những lời được linh hứng.

Trước hết đoạn Phúc Âm nầy nhấn mạnh rằng các chứng nhân phục sinh tiên khởi là các Tông đồ, không phải là những người xuất thần, cũng không phải là những kẻ ngây ngô. Họ có một lương tri chắc chắn, sức khoẻ tinh thần họ vững chắc, họ không quá tự phụ về sức riêng mình. Khi Chúa Giêsu tỏ mình ra trước mắt họ, phản ứng đầu tiên của họ là đề phòng ảo ảnh. Chính vì Chúa Giêsu nói chuyện với họ, ăn uống trước mặt họ, mà sau cùng họ mới chịu nhìn nhận một sự thật hiển nhiên: Chúa Giêsu đang sống. Chúa Giêsu trách họ cứng đầu chẳng chịu tin. Cuối cùng họ đạt tới một niềm tin vững chắc, nhiệt thành, trọn vẹn vào sự sống lại của Thầy họ, cho đến nỗi họ hiến mình chịu chết vì lòng tin ấy. Giáo Hội chúng ta ngày nay đã khai sinh do lòng tin ấy, và có Chúa Thánh Thần hiện diện ở ngọn nguồn.

Điều quan trọng cần ghi nhận là rõ ràng người viết đoạn kết thúc này tin rằng Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội Thánh một số nhiệm vụ.

1/ Hội Thánh có nhiệm vụ rao giảng. “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn loài”. Đó là bổn phận của Hội Thánh. Chúa Giêsu trao phó cho Mười Một Tông đồ một sứ mệnh, rao giảng Phúc Âm cho toàn thể tạo vật. Phúc Âm, Tin Mừng, trước hết là sự sống lại của Chúa Giêsu và tất cả ý nghĩa của biến cố ấy. Và Chúa đã giao phó cho các Tông đồ, sứ mệnh chính thức và trách nhiệm loan báo những gì mà sau nầy được gọi là Kinh Tin Kính. Như thế cũng có nghĩa là nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu là phải thuật chuyện Phúc Âm của Chúa Giêsu cho những người chưa hề được nghe nói đến. Nhiệm vụ của Kitô hữu là phải làm người công bố về Chúa Kitô cho mọi người đều biết. Tất cả các Kitô hữu có sứ mạng loan báo rằng Đức Kitô đang sống. Tuy vậy, chính nhóm Mười Một, tức các Tông đồ và các đấng kế vị đã được Chúa Giêsu giao phó cho sứ mạng và trách nhiệm loan truyền Phúc Âm đến tận cùng thế giới. “Trước mặt Chúa, các ngài hãy xét coi: nghe các ngài hơn nghe Chúa, có phải lẽ không, vì chúng tôi không thể nào không nói lên những điều mắt thấy tai nghe” (Bài đọc I: Cv.4, 19-20).

2/ Hội Thánh có nhiệm vụ chữa bệnh. Đây là một công việc chúng ta vẫn được thấy đi thấy lại nhiều lần. Kitô giáo quan tâm đến cả thân xác lẫn linh hồn con người. Chúa Giêsu muốn đem cả sự lành mạnh  cho thân xác lẫn linh hồn con người. “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có cái nầy tôi cho anh là: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nagiarét, anh hãy đứng dậy mà đi!”. (Cv 3, 6). Chúng ta cầu xin cho sứ mạng của Hội Thánh trong công cuộc bác ái chăm sóc bệnh nhân nơi các bệnh viện được công nhận, cho Giáo Hội có những phương tiện cần thiết để thi hành sứ vụ trong xã hội dân sự. Đây không phải là một ân ban với những điều kiện, nhưng như một pháp nhân, Giáo Hội có quyền thừa uỷ của  chính Chúa Giêsu. “Nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người nầy sẽ được mạnh khoẻ” (Cv 3. 18). Đây là mô thức của bí tích Xứ Dầu Bệnh nhân.

3/ Hội Thánh có nguồn của quyền năng. Chúng ta không hiểu mọi sự theo nghĩa đen. Chúng ta không tin đúng nghĩa đen, Kitô hữu cầm được rắn độc trong tay và uống nhằm thuốc độc mà không bị tổn hại gì. Nhưng ẩn đàng sau phần ngôn ngữ gợi hình ở đây là niềm tin rằng Kitô hữu vốn đã được đổ đầy quyền năng để đối phó với đời sống, một khả năng thích ứng với đời sống mà những người khác không có và không thể nào có được. Quyền năng của Hội thánh là quyền năng thuộc linh-quyền năng của Thiên Chúa.

4/ Hội Thánh không hề bị bỏ mặc một mình để thực hiện công tác ấy. Chúa Kitô luôn luôn hành động với Hội Thánh, trong Hội Thánh, và qua Hội Thánh. Chúa vẫn ở trong Hội Thánh, và Ngài vẫn là Chúa quyền năng.

Như vậy, sách Phúc Âm Marcô kết thúc với thông điệp là: Kitô hữu sống trong sự hiện diện và quyền năng của Đấng đã bị đóng đinh vào thập giá và đã sống lại.

Chúng ta cầu xin cho Sr. Maria sớm được Đấng phục sinh đón nhận và dẫn đưa vào “Trời mới đất mới. (Bài đọc II, Kh. 21. 1-5a.6b-7). Giấc mơ về một trời mới đất mới vốn là giấc mơ ăn sâu trong tư tưởng Do thái. Thiên Chúa từng phán với Isaia: “Ta sẽ dựng trời mới đất mới, những việc trước sẽ chẳng còn nữa, chẳng còn nhắc đến nữa” (65,17). Isaia đề cập đến trời mới đất mới do chính Chúa tạo ra, trong đó đời sống sẽ là một hành động thờ phượng Chúa liên tục (66,22). Nơi đó, sự đau buồn sẽ bị quên đi, tội lỗi sẽ bị đánh bại, bóng tối sẽ chấm dứt, tính cách tạm thời của thời gian sẽ bị biến thành cõi đời đời vĩnh viễn. “Ngài sẽ lau sạch nước mắt họ, sự chết sẽ không còn nữa, cũng không còn than khóc, không còn kêu la, không còn đau khổ, bởi vì các việc cũ đã qua đi”. Và nơi đó: “biển cũng không còn nữa”. Trong giấc mơ của người Do Thái, sự kết thúc của biển là sự chấm dứt của một lực lượng chống lại Thiên Chúa và loài người.

Hôm nay là ngày cuối cùng trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh. Chúng ta đang sống trong 50 Ngày hoan lạc Vượt Qua. Tự bản chất thánh lễ hôm nay không phải là lễ tang, mà là cuộc cử hành họp mừng chiến thắng trên sự chết –là cuộc họp mừng Đức Kitô Tử nạn - Phục sinh. Chúng ta họp nhau đây để cầu cho bà Maria được tham dự vào sự phục sinh của Đức Kitô, tham dự vào sự sống vĩnh cửu Chúa Kitô đã thông ban cho con người, cho cả vũ trụ. Kitô hữu, trước hết là một người rất thực tế và tin có cái chết thật.

Con người là một thụ tạo phải chết. Sr. Maria cũng đã chết. Sr. đã đi trọn hành trình gần 1 thế kỷ sống ơn gọi làm Kitô hữu và 73 năm ơn gọi thánh hiến trong hội Dòng Phan Sinh. Cùng với Sr. và thay Sr, chúng ta muốn cất cao lời tạ ơn: “Tình yêu Chúa cao vời khôn ví…con lấy gì đền đáp cho cân”. Vâng! Kitô hữu, là một người rất thực tế: tin có cái chết thật. Nhưng người Kitô hữu còn tin vào tình yêu của Thiên Chúa mãnh liệt hơn nữa- tin rằng tình yêu đó còn hiện thực hơn cả sự chết. Và chính tình yêu đó đã biến đổi cái chết và làm cho sống. Quả thật cái chết là điều đáng sợ hãi, là sự bỏ rơi cuối cùng, là sự mất mát tuyệt đối chính bản thân mình - nhưng dưới ánh sáng đức tin vào Chúa Kitô phục sinh - đã trở thành một lý do cho chúng ta hy vọng. Chính nhờ cái chết của Ngài, Đức Kitô đã ban cho chúng ta sự sống. Đức Kitô thương yêu chúng ta đến cùng và đã chứng tỏ tình yêu trọn vẹn đó bằng sự huỷ diệt mình đi. Ngay trong cái chết của Ngài, ngay trong lúc Ngài bị bỏ rơi, bị phản bội, chịu khổ hình, chịu chết, chính là lúc Ngài chiến thắng sự chết và lãnh nhận sự sống Thiên Chúa, sự sống lại. Phục sinh không phải  là chối bỏ sự chết mà là vượt qua sự chết. Chúa Kitô đã vượt qua cái chết và đã ban sự sống vĩnh cửu cho chúng ta.

Kết: Chúa Kitô phục sinh đang hiện diện giữa chúng ta trong hình bánh hình rượu. Ngài ban mình máu Ngài cho chúng ta. Ngài chia sẻ sự phục sinh của Ngài cho chúng ta. Ngài tiếp tục sai chúng ta đi rảo giảng Tin Mừng cho những ai đang buồn rầu, thất vọng và khổ đau. Ngài cần đôi tay chúng ta để săn sóc băng bó những vết thương. Ngài cần môi miệng chúng ta để an ủi những tâm hồn  thương đau. Ngài cần chúng ta nói những lời xây dựng và chân thành cho những mối tương quan đang sụp đổ vì những dối gian.

Giáo xứ chúng con đau đớn chia buồn cùng Hội Dòng trước đại tang hôm qua và hôm nay. Xin Chúa Giêsu phục sinh an ủi, thêm sức mạnh và ban bình an cho quí Soeurs... 

Linh Mục Phaolô Trương Đình Tu 
Quản Xứ Qui Hòa - GP Qui Nhơn.