Bài Giảng Lễ An Táng Soeur Madeleine Công

“Chị biểu lộ lòng yêu mến Mẹ Maria qua đời sống thanh thoát, triệt để hiến dâng, sẵn sàng xin vâng và xin dâng cho kế hoạch của Thiên Chúa trong sự quảng đại, kiên nhẫn mở lòng cho tác động của Thần Khí nơi chính mình và nơi chị em. Chị lặng lẽ trong nguyện cầu bằng lời kinh Mân Côi và ngân vang bài ca: “Sống gần Mẹ, lòng con hoan lạc biết bao Mẹ ơi…”

BÀI GIẢNG LỄ AN TÁNG Sr. MAI CÔNG
17/02/2020

Hôm nay chúng ta dâng Thánh lễ an táng và từ biệt một người chị em: Sr. Madaleine Công, cựu giám tỉnh Dòng PTTSĐM. Chia ly gây ra biết bao thương nhớ, đau thương, nhất là đối với một chị em đã dấn thân hết mình phục vụ Tỉnh dòng, huấn luyện các chị em trẻ, một chị em hiền lành, khiêm tốn, luôn giữ được bình an và niềm vui cho tới lúc nhắm mắt lìa đời.

Chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì cuộc đời gương mẫu của chị giữa chúng ta. Chị ra đi nhưng chắc chắn cuộc đời của chị có điều gì nói với chúng ta là những người đang tiếp tục sống trên trần gian này. Bài tiểu sử chúng ta đọc lúc khai mạc buổi lễ này, làm tôi chú ý đến bí quyết đem lại hạnh phúc, niềm vui và sự bình an của chị.

1. Trong nhật ký chị ghi lại câu tâm niệm: “Dưới vòm trời này tất cả đều thay đổi và mọi sự đều qua đi”.

Trong bài đọc thứ nhất, chúng ta đã nghe đọc: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời : một thời để chào đời, một thời để lìa thế ; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ; một thời để giết chết, một thời để chữa lành ; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ; một thời để than van, một thời để múa nhảy”.

Ta có thể nói thêm về cuộc đời của chị Madeleine: một thời để làm giám tỉnh, một thời để khiêm tốn ở giữa chị em; một thời để sống với chúng ta, một thời để từ biệt chúng ta…

Dưới vòm trời này tất cả đều thay đổi.

Dưới vòm trời này mọi sự đều qua đi.

Tôi thấy vang vọng câu nói của Ông Cô-he-lét khi mở đầu sách Giảng viên: "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”.

Đây không phải là một cái nhìn bi quan của cuộc đời, nhưng là một cái nhìn về chân tính cuộc đời, cái nhìn của một người khôn ngoan đích thực, cái nhìn của một con người biết sống làm sao để có những của chân thực.

Thánh Gioan đã viết trong thư thứ nhất: “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi.” (1Ga 2,15-17)

Chính thánh Phanxicô đã nhờ cơn bệnh thập tử nhất sinh mà đã có sự biến đổi trong tâm hồn. Ngài đã lấy làm lạ khi thấy rằng vẻ đẹp của các cánh đồng, dáng tươi vui của các vườn nho và tất cả mọi thứ đẹp mắt khác đã không còn làm cho ngài thích thú nữa. Ngài chợt nhận thấy rằng những ai gắn bó với những cái đẹp ấy thật là hết sức điên dại. Ngài đã nhận ra được sự phù vân của trần gian để rồi có thể vất bỏ mọi sự để chiếm được Nước Trời. (x. 1Cel 2)

Khám phá được con đường nghèo khó rất thánh ấy, thánh Phanxicô đã nhắn nhủ trong thư gởi các tín hữu: “Anh chị em tưởng cứ giữ mãi được các của phù vân đời này, nhưng anh chị em bị lừa gạt rồi, vì ngày giờ anh chị em không nghĩ tới, không hay và không biết sẽ đến.” (TTh II,14)

Dưới vòm trời này tất cả đều thay đổi và mọi sự đều qua đi”. Vì mọi sự đều qua đi nên chị đi tìm kiếm sự hiệp thông vĩnh cửu. Chúng ta hiểu được tại sao những lời của Mẹ Marie de la Passion đã có tầm quan trọng trong cuộc đời của chị: “Hãy biến đổi đời sống thành một cuộc hiệp thông vĩnh cửu”. “Vào cuối đời, chỉ còn lại sự kết hợp thâm sâu với Chúa mà không biến cố hay tạo vật nào có thể đụng chạm đến. Sự kết hiệp vĩnh cửu này vượt trên mọi niềm vui”.

Giờ đây chị có thể nghe Chúa nói với chị: “"Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! "

2. Khi còn đương nhiệm Giám Tỉnh, chị luôn nhắc nhở chị em: “làm thế nào để chúng ta có thể trở thành dấu chỉ của Tin Mừng nếu không tự ý thức và sửa sai những khiếm khuyết căn bản nhất trong đời sống nhân bản qua việc ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, ứng xử... và chúng ta phải thực hành tu đức, đào sâu đoàn sủng Hội Dòng”.

Điều chị nói với chúng ta thật rõ ràng: để có thể trở thành dấu chỉ của Tin mừng, để có thể chu toàn sứ vụ, chúng ta phải hoán cải bản thân. Làm sao chúng ta có thể hoán cải bản thân nếu chúng ta không để Thiên Chúa đụng chạm vào cuộc đời chúng ta, nếu Thiên Chúa không có một chỗ đứng trong cuộc đời chúng ta, nếu tâm hồn chúng ta không biến thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa.

Hoán cải không phải là công việc hay nỗ lực của bản thân, nhưng đó là công việc của Thiên Chúa. “Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công”. (Tv 127,1)

Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai đã khuyên nhủ: “Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người. Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” (Ep 6,10.13-17)

Thánh Phanxicô cũng đã khuyên nhủ anh em trong chương 22 Bản Luật không sắc dụ: “Nhưng trong tình yêu thánh thiện là Thiên Chúa, tôi xin tất cả anh em, các anh Phục vụ cũng như mọi anh em khác, hãy loại bỏ mọi ngăn trở và gạt qua một bên mọi lo toan và bận rộn, và theo cách tốt nhất mà anh em có thể hãy phụng sự, yêu mến, thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa với lòng thanh trí sạch, đó là điều Chúa tìm kiếm hơn cả. Chúng ta hãy luôn lấy lòng mình làm nơi Chúa cư ngụ  và ở lại : Người là Thiên Chúa toàn năng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Lksc 22,25-27)

Hội đồng Dòng mở rộng của chúng tôi vào năm 2018 đã xác định căn tính của anh em: một huynh đệ đoàn chiêm niệm thực thi sứ vụ. Trước kia chúng tôi chỉ nhấn mạnh 2 chiều kích: huynh đệ đoàn và thực thi sứ vụ. Nay chúng tôi khám phá ra chiều kích thứ ba: chiêm niệm. Điều này nói rằng đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn được nhìn nhận là một ưu tiên cùng với đời sống cộng đoàn. Nói như thế là để nhấn mạnh vai trò trung tâm của Thiên Chúa trong đời sống huynh đệ của chúng tôi.

Câu kết thúc trong bản tiểu sử của chị thật cảm động: “Chị biểu lộ lòng yêu mến Mẹ Maria qua đời sống thanh thoát, triệt để hiến dâng, sẵn sàng xin vâng và xin dâng cho kế hoạch của Thiên Chúa trong sự quảng đại, kiên nhẫn mở lòng cho tác động của Thần Khí nơi chính mình và nơi chị em. Chị lặng lẽ trong nguyện cầu bằng lời kinh Mân Côi và ngân vang bài ca: “Sống gần Mẹ, lòng con hoan lạc biết bao Mẹ ơi…”. Một lòng son sắt gắn bó với Thiên Chúa Tình yêu, một lòng noi gương Đức Mẹ - con đường trong con đường, chị đã thi hành điều Chúa muốn qua việc phục vụ Tỉnh Dòng và để lại nhiều gương sáng về đời sống nhân bản và tu đức cho đến giây phút cuối cùng. Chị đã hoàn tất cuộc đời dâng hiến trong tin yêu và phó thác.”

Giờ đây, hạnh phúc bên cạnh Đức Mẹ và Chúa Giêsu, xin chị cầu cho chúng tôi để chúng tôi cũng khám phá ra được sự khôn ngoan đã hướng dẫn cuộc đời của chị.

+ Gioan Thiên Chúa Nguyễn Phước, ofm.