BÀI GIẢNG TRONG LỄ AN TÁNG SR. ANNA KÍNH

... Nhật ký của Sơ thật cảm động: “Phận người từ hư vô, tiếng gọi huyền nhiệm yêu thương của Thiên Chúa đến với con, Ngài đã gọi con vào đời, cho con được làm người, được làm con Chúa... Ngài còn mời gọi con vào đời dâng hiến…”. Không những Sơ tin, mà tôi có cảm tưởng còn là tin với lòng xác tín, tri ân, và hạnh phúc.

GIẢNG LỄ AN TÁNG SƠ ANNA KÍNH

Cộng đoàn Thánh Tâm Nguyễn Văn Đậu Saigon 30/03/2019

I. DẪN

  • Cộng đoàn chúng ta hôm nay quây quần quanh bàn tiệc Thánh và bên thi hài SƠ ANNA NGUYỄN THỊ KÍNH, người chị em rất thân thương của chúng ta trong Dòng Nữ Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Bầu khí thật linh thiêng cảm động. Và Chúa cho tôi một chút cảm nhận về sự linh thiêng cảm động này của cộng đoàn.
  • 41 năm về trước, cũng khoảng tháng 3 này, Sơ Anna và tôi là bạn xung kích trong cùng một đại đội Đà Lạt ở Santa Maria dưới chân đèo Bảo Lộc. Hôm nay Sơ đã ra đi và tôi giảng trong Thánh lễ tiễn biệt này. Lẽ ra có những vị khác, nhưng vì có những lý do các ngài không đến được, nên tôi có được cơ hội hiệp thông này, với một người bạn xung kích và cũng là một người con của Giáo phận Đà Lạt.
  • Trong bầu khí này, lời Chúa đã vang lên soi sáng tâm trí chúng ta về sự ra đi của Sơ Anna. Lời Chúa là lời nào? Thưa là lời của Đức Chúa trong tư thế đứng ở bài đọc một, tôi mường tượng vậy; là lời của thánh Phaolô trong bài đọc 2 ở tư thế đi, và là lời của Đức Giêsu trong bài Phúc Âm mà tôi thiết nghĩ là trong tư thế quỳ, bởi Đức Giêsu đang hướng lên Chúa Cha trong lời cầu nguyện hết sức tha thiết: “Lạy Cha, con cầu xin cho những kẻ nhờ lời các Tông đồ mà tin vào Con”. “Những kẻ tin vào Con”, đây là mấu chốt làm sáng tỏ tất cả. Sơ Anna Kính là người nhờ lời rao giảng của Hội Thánh đã tin vào Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Nhật ký của Sơ thật cảm động: “Phận người từ hư vô, tiếng gọi huyền nhiệm yêu thương của Thiên Chúa đến với con, Ngài đã gọi con vào đời, cho con được làm người, được làm con Chúa... Ngài còn mời gọi con vào đời dâng hiến…”. Không những tin, mà tôi có cảm tưởng còn là tin với lòng xác tín, tri ân, và hạnh phúc.

II. CÁC BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

  1. Vậy bài đọc I nói gì về số phận người đặt niềm tin cậy vào Đức Chúa? Người tin cậy vào Chúa “dù có chết sớm, cũng vẫn được an nghỉ” (câu 7). Người ấy “được cất đi” (câu 10), được Chúa “đưa vội ra khỏi chốn gian tà” (câu 11). Người đời thấy mà không hiểu, không nhận ra rằng “Chúa ban ân sủng và tình thương cho người Chúa chọn, và Ngài viếng thăm các thánh của Ngài” (câu 15). Quá đẹp và đầy an ủi. Đức Chúa của Cựu ước tỏ ra là một Đức Chúa yêu thương bảo bọc tận tình kẻ tin vào Ngài. Ngay cả khi họ chết, không phải là mất mát, nhưng là Chúa viếng thăm, ban ân sủng và tình thương. Có Chúa nào, đạo nào soi thấu được sự chết bằng ánh sáng rực rỡ như vậy không?
  2. Còn bài Phúc Âm? Trước hết cần xác định bối cảnh của bài Phúc Âm Gioan 17: đây là lời cầu nguyện của Đức Giêsu Thượng Tế trong giờ cao điểm Vượt qua của Ngài. Ngay trước ngưỡng cửa của cuộc Khổ Nạn vinh quang, Ngài cầu nguyện vô cùng tha thiết: “Lạy Cha, vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con” (câu 19). “Chúng” đây là ai? Thưa “chúng” ở đây có bao hàm Sơ Anna Kính trong đó. Sao vậy? “Con không chỉ cầu xin cho các Tông đồ, mà cho cả những người vì lời các Tông đồ mà tin vào con. Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu thì chúng cũng ở đấy với Con, để chúng được chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con ngay từ trước tạo thiên lập địa”. Nơi được chiêm ngưỡng vinh quang đã có từ trước tạo thiên lập địa là đâu? Chúng ta có kinh nghiệm không? Mà có nghĩ đến được không? Chỉ biết: hạnh phúc lắm, Thiên Đàng đấy. Hẹn ngày gặp nhau trên đó rồi sẽ biết!!
  3. Như vậy, hai bài đọc, hai khẳng định, hai mặc khải, nhưng chung quy chỉ một nội dung Tin Mừng, đó là lòng yêu thương trung tín của Đức Chúa; không là một Đức Chúa xa lạ, nhưng chính là Đức Chúa Cha chúng ta, “Cha Đức Giêsu cũng là Cha chúng ta” (Ga 20,17), một Cha toàn năng đến độ vòng tay của Ngài ôm trọn cả đời này lẫn đời sau, và tình thương của Ngài mãnh liệt đến nỗi ngay cả tội lỗi sự chết cũng không thể cản bước yêu thương của Ngài; bằng chứng = Thánh giá Đức Giêsu trước mặt chúng ta. Thánh giá Đức Giêsu là bằng chứng chắc nịch về một tình yêu mạnh hơn sự chết, và mở lối Phục sinh.
  4. Sáng sớm ngày Phục sinh thế nào nhỉ? Maria Madagla phát giác ngôi mộ trống. Vội chạy về báo tin cho các môn đệ xong, bà trở ra, cứ đứng bên mộ mà khóc. Chúa Giêsu Phục sinh đứng ngay đàng sau hỏi bà: “Tại sao bà khóc?”. Bà đang bù lu bù loa không nhận ra Chúa, tưởng ông làm vườn nên hỏi xem ông để xác Thầy ở đâu. Bấy giờ, Đấng Phục sinh gọi đích danh “Maria”, bà mới nhận ra và đáp: “Rabbouni”, nghĩa là “thưa Thầy”, một tiếng gọi rất thân thương.
  5. Thầy đã Phục sinh! Chúa Giêsu đã toàn thắng cái chết. Ngài đã phục sinh và ở bên cạnh Maria Magdala, có điều trong một dạng thái khác, nên bà không nhận ra. Và một khi nhận ra, thì bà đã thay đổi thái độ, và thay đổi cả cuộc sống nữa: không còn ngồi bên nấm mộ mà than khóc, nhưng đứng dậy, ra đi, trở thành người loan báo Tin Mừng Phục sinh.

III. NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI SƠ ANNA

  • Ta có thể nói về Sơ Anna Kính như vậy không? Tại sao không? Sơ vẫn còn đấy, chỉ có điều trong dạng thái khác, bởi vì Sơ “về Nhà Cha”. Người công giáo Việt Nam có cách diễn tả cái chết rất tuyệt vời: “Về Nhà Cha”. Và lạ lùng thay: văn hóa Việt Nam lại cũng có khái niệm “sinh ký, tử quy” (sống là gửi, thác mới là về). Có điều về đâu, thì Tin Mừng chỉ rõ “về Nhà Cha”. Bởi vậy, tâm tình là bình an, phó thác. Phải chăng đây không là cảm nghiệm của tất cả… trong dịp này của Sơ Anna sao? Bình an và phó thác.
  • Trước sự ra đi của một người chị em mà ai cũng chân nhận là hiền hòa, vui tươi, đơn sơ, phó thác, và cuộc đời là những dấn thân hy sinh cho tha nhân, không nề quản bất cứ bài sai sứ vụ nào từ bề trên và cho lợi ích của tha nhân, như sứ vụ nơi anh chị em dân tộc Gia Lai nếu Chúa muốn…Một con người như vậy ai chẳng thương chẳng tiếc? Nhất là thân nhân, làm sao không buồn? Thế nhưng, Thiệp hiệp thông của Nhà Dòng đã viết thế nào: “Kính xin… hiệp thông với chúng con dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho nữ tu Anna sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Thay mặt Tỉnh Dòng, Nữ tu Anna Nguyễn Thị Tạo FMM, Giám Tỉnh”. “Ai tín”, mà lại xin hiệp thông với chúng con dâng lời cảm tạ! Quả là đã được niềm tin vào Chúa Phục sinh sinh động.
  • Từ Nhật Ký của Sơ Anna, có thể tóm tắt cuộc đời của Sơ với 61 năm trong ơn gọi làm con Chúa và 37 năm trong ơn gọi Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ trong câu Kinh Thánh mà Sơ tâm đắc và trong tâm tình đáp trả của Sơ không? “Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn thuở”; và phần con là “Ecce, Fiat” theo gương Mẹ Maria của con (hai chữ nổi bật bên hông chiếc quan tài).

IV. KẾT

  • Giờ đây, để kết, chắc hẳn Sơ Anna ao ước được nói lên lời tri ân và tạ lỗi đối với tất cả: với Mẹ Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã cưu mang ấp ủ bằng tất cả tình thương, với những bậc Cha, bậc Mẹ, bậc anh, bậc chị, đã góp phần rất nhiều trong hành trình ơn gọi của Sơ, với Gia đình linh tông huyết tộc đã quảng đại cống hiến và không ngừng đồng hành cho đến trọn cuối đường.
  • Chúng ta tiếp tục cầu nguyện cho Sơ Anna, và giờ đây trên dĩa thánh và trong chén thánh được dâng lên để trở thành thịt máu Chúa Giêsu, chúng ta cũng phó dâng Sơ Anna cho Chúa.
  • Lạy Chúa, xin cho linh hồn Sơ Anna được nghỉ yên muôn đời”. Amen.

GM Đa-Minh Nguyễn văn Mạnh.