BÀI GIẢNG LỄ VỌNG HAI THÁNH TÔNG ĐỒ PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ – THÁNH LỄ ĐƯA CHÂN CHỊ ÊLISABETH THANH THỦY
Lúc 17g30' ngày 28/6/2018 cha Giuse Nguyễn Đình Chiến, OP đã chủ tế Thánh lễ đưa chân cho chị Êlisabeth Thanh Thủy trong Thánh lễ vọng kính hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Dưới đây là bài chia sẻ Tin Mừng của cha Giuse.
“Anh em hãy trở nên nhân chứng của Thầy từ Giêrusalem đến Samaria, từ Samaria đến Giuđêa và khắp cùng trái đất…” (Lc 24, Cv 1,8)
Hôm nay chúng ta mừng lễ vọng hai thánh Phêrô và Phaolô, chúng ta cũng nhìn lại hành trình đức tin, hành trình truyền giáo của Giáo Hội, nơi mà các ngài là 2 cột trụ tiên phong trong việc rao giảng Tin Mừng. Tin Mừng khởi đi từ Giêrusalem là trung tâm tôn giáo của người Do Thái, và mọi dân tộc đều hướng về đây để tôn vinh Thiên Chúa.
Trong bài đọc một hôm nay chúng ta thấy tường thuật lại gương mặt của thánh Phêrô và bên cạnh đó một cách đặc tả chúng ta thấy còn có thánh Gioan tông đồ, một vị là trưởng và một vị là trẻ nhất, một già một trẻ cùng đi với nhau để tôn vinh Thiên Chúa. Khi gặp một người tàn tật ở đền thờ và nhờ nhân danh Đức Giêsu Kitô, thánh Phêrô đã chữa lành anh què này một cách nhãn tiền.
Dân chúng rất ngạc nhiên khi thấy rằng chỉ nhân danh Đức Giêsu Kitô là anh què được chữa lành và đi được. Họ tung hô Thiên Chúa và cảm thấy lạ lùng vì phép lạ mà thánh Phêrô đã tỏ hiện. Như vậy, nhờ quyền năng của Thiên Chúa chúng ta được cứu chữa và được ơn cứu độ nhân danh Đức Giêsu Kitô. Cũng nhờ nhân danh Đức Giêsu Kitô này mà thánh Phêrô có một bài giảng dài cho dân chúng và qua bài giảng này - bài rao giảng Tin Mừng đầu tiên đã có 3.000 người tin vào Chúa Giêsu Kitô và xin được lãnh phép rửa.
Mặc dù không nói đến Galilê nhưng ta cũng biết là giữa Giêrusalem và Samaria có Galilê. Sở dĩ nói đến Galilê là vì trong bài Tin Mừng hôm nay bên bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu đã hiện ra lần cuối sau khi sống lại và đã trao sứ vụ chăn dắt đoàn chiên cho thánh Phêrô. Ngày hôm nay bên bờ biển Tibêria, có một ngôi nhà thờ nhỏ, ở đó có đặt một tảng đá ở dưới chân bàn thờ và ghi: nơi đây Chúa Giêsu đã ngồi ăn tiệc trên bờ biển hồ với các tông đồ sau khi người sống lại để nhắc lại trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe.
Trước khi trao sứ vụ trọng đại cho thánh Phêrô, Chúa Giêsu hỏi về điều ‘yêu mến’. Chúng ta thấy ở đây có gì đó rất lạ, Chúa Giêsu chỉ lặp đi lặp lại một điều là ‘yêu mến’ thôi. Mà tại sao lại hỏi đến 3 lần. Thật ra ở đây có một chiều kích sâu hơn. Trong tông thư Thiên Chúa là Tình Yêu, có ít là 3 cấp độ tình yêu: thứ nhất là tình yêu giữa Thiên Chúa yêu con người gọi là Agapê, thứ 2 là tình yêu giữa người nam và người nữ, nghĩa là trong đời vợ chồng, cấp độ thứ 3 là tình yêu của những người bạn thương nhau.
Chúa Giêsu lần đầu hỏi thánh Phêrô: anh có yêu Thầy như là Chúa yêu anh không? Chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa yêu chúng ta vượt quá sức của con người, ngay cả thánh Phêrô cũng cảm thấy mình bé nhỏ và ngài trả lời là: không, con chỉ yêu Ngài với tình yêu của những người bạn thôi, con không yêu Thầy với tình yêu của Thiên Chúa được. Rồi Chúa Giêsu lại hỏi: con có yêu Thầy như là Chúa yêu con không. Thánh Phêrô trả lời: không, con đã nói với Thầy là con chỉ yêu Thầy, mến Thầy như là tình yêu của những người bạn thôi, còn yêu như Chúa yêu thì con không thể.
Như vậy, chúng ta thấy cả 2 lần Chúa Giêsu hỏi như vậy là vì muốn thánh Phêrô phải yêu như Chúa yêu. Chắc chắn chúng ta biết là ngài không thể làm nổi, và sau này chúng ta thấy ngài sẽ sợ hãi cái chết như thế nào. Chúa Giêsu hỏi lần thứ 3: Vậy con có yêu Thầy như những người bạn không, thì thánh Phêrô trả lời: Vâng, Thầy biết con yêu Thầy như những người bạn thương nhau, chia sẻ tình thương chân thành với nhau và Chúa Giêsu đã trao phó sứ vụ cho thánh Phêrô. Chúng ta thấy tình yêu như Chúa yêu thì khó lắm.
Chúng ta trở lại với thánh Phaolô, lúc đó Roma được hiểu là nơi tận cùng của trái đất rồi, còn ngày nay chúng ta thấy thế giới thật bao la và rộng lớn. Thánh Phaolô đã đặt chân đến đó và được phúc tử đạo. Ngày nay có đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, ở đó có ngôi mộ của ngài. Bên cạnh đó, chúng ta thấy có một di tích nữa là nhà thờ Quo Vadis, nhắc nhớ chuyện thánh Phêrô bỏ trốn thành Roma đang khi cộng đoàn Kitô hữu ở Roma bị bách hại thời hoàng đế Nêrô. Thánh Phêrô vì sợ chết nên bỏ trốn đoàn chiên của mình. Chúng ta thấy rằng yêu như Chúa yêu thì chắc hẳn ngài không thể làm được.
Người ta kể lại, khi ngài đang đi thì thấy Chúa Giêsu đang vác cây thập giá đi vào Roma, ngài đến hỏi: thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy? Chúa Giêsu trả lời là Thầy phải đi vào thành Roma để chết thêm một lần nữa. Lúc đó thánh Phêrô mới nghĩ ra là mình đã bỏ đoàn chiên của Thầy nên Thầy phải trở lại Roma để chết, nghĩa là Ngài muốn Phêrô phải trở lại với đoàn chiên của mình giữa trăm ngàn khó khăn thử thách. Cuối cùng thánh Phêrô đã chịu tử đạo tại thành Vatican, cũng chịu đóng đinh trên thập giá. Nhưng vì thấy mình bất xứng với Thầy nên đã xin chịu đóng đinh ngược.
Đi từ Giêrusalem chúng ta tới Galilê, Giêrusalem là trung tâm thờ phượng Thiên Chúa và Galilê là nơi Chúa trao sứ vụ cho thánh Phêrô, Roma là tận cùng trái đất, nơi đó có sự hiện diện của 2 ngôi mộ thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.
Trong bối cảnh chị Êlisabeth được trở về với Chúa, tôi muốn nhắc lại cuộc hành hương của các Đức Giám Mục VN vừa qua, Đức TGM Phaolô của chúng ta đã về với Chúa, điều này sẽ được nhắc lại trong Thánh lễ ngày mai lời của thánh Phaolô: “Thầy đã giữ vững đức tin, đã đi đến cùng đường và chuẩn bị được lãnh nhận triều thiên vinh quang của Thiên Chúa dành cho ngài…” và chúng ta cũng muốn dành lời cầu nguyện đẹp đẽ này cho chị Elisabeth: “Trong bàn tay của Thiên Chúa, chị đã đi đến cùng đường cho sứ vụ của mình, đã giữ vững đức tin và giờ đây triều thiên công chính như thánh Phêrô và Phaolô nói giờ đây được chuẩn bị cho chị”.
Chúng ta xin phó thác tất cả trong bàn tay của Thiên Chúa và cho mỗi người chúng ta nhìn lại hành trình đức tin của Giáo Hội, của 2 thánh Phêrô và Phaolô tông đồ cũng mời gọi chúng ta cùng bước đi trong ánh sáng đức tin. Mỗi ngày chúng ta cử hành mầu nhiệm Thánh Thể, trên bàn thánh chúng ta được kín múc tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta để khi Chúa mời gọi chúng ta yêu như Chúa yêu thì cũng như thánh Phêrô chúng ta không thể làm như Chúa đòi hỏi nhưng chỉ cậy dựa vào ơn Chúa chúng ta mới có thể làm được.
Khi tham dự Thánh lễ, có thể được ví như là chúng ta đang ở Giêrusalem để ca tụng Chúa. Rồi khi trở về lại với gia đình, trong môi trường xã hội được ví như là Galilê, nơi chúng ta cần phải nói Lời Chúa cho anh chị em qua đời sống của chúng ta và Roma là nơi chúng ta hoàn tất sứ vụ. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta nhờ lời chuyển cầu của 2 thánh Phêrô và Phaolô tông đồ…
FMM/VN