Chia sẻ về cuộc sống tại Tỉnh Dòng Ba Lan

Tỉnh Dòng Ba Lan gồm 8 đất nước: Ba Lan, Đức, Hungary, Bosnia-Herzegovenia, Áo, Nga, Slovenia, Ukraina. Tỉnh Dòng đông nhưng đi truyền giáo khoảng hơn nửa Tỉnh Dòng nên chỉ còn lại khoảng 200 chị em. Nhiều chị đi truyền giáo tại Châu Phi, về chữa bệnh là muốn đi ngay. Có Soeur đã già, ở Châu Phi lâu nên nhìn Soeur như người Châu Phi, nhưng về thăm gia đình rồi lại muốn đi ngay. Cả Tỉnh Dòng chỉ có 3 Tiền Tập sinh, 3 Tập sinh (2 em năm 1, 1 em năm 2) và 21 Khấn tạm...

 

Chia sẻ về cuộc sống tại Tỉnh Dòng Ba Lan

Kính chào chị GT và tất cả chị em trong Tỉnh Dòng!

Chuyến bay của em Hồng Thắm từ Ba Lan về Việt Nam có nhiều trục trặc vì đang mùa tuyết, khi đáp xuống máy bay phải dọn tuyết nên chờ đến 1h30 phút. Chị em mua máy bay giá rẻ nên em được đi vòng quanh thế giới. Thêm vào đó vì em Hồng Thắm mới đổi visa còn chưa có dấu nên bị hải quan nghi ngờ giữ lại kiểm tra khá lâu, sau đó phải chạy để kịp chuyến tiếp tại Hòa Lan. Vừa kịp giờ, hú hồn! Sau đó máy bay ghé về Thái Lan, vì hồi hộp nên không ngủ được. Tại Hòa Lan gặp được 2 em Việt Nam lập gia đình bên đó, nhờ đó các em đi cùng và giúp chỉ dẫn. Chuyến cuối đổi qua máy bay Việt Nam được nhân viên ra đón… Các chị Ba Lan viết tên em không có dấu nên họ cứ phải chờ, làm cả máy bay về trễ mất 15’. Về tới Việt Nam em tìm không thấy hành lý đâu hết, đi hỏi họ nói hành lý theo chuyến bay khác nên lại phải chờ thêm 2 tiếng… Về tới nhà trái giờ nên khó ngủ (cách nhau 6 tiếng), chắc phải về mấy hôm mới quen. Lần đầu em đi một mình nên đi đâu cũng phải kéo mọi thứ theo.

Em đã học xong tiếng Ba Lan từ tháng 9 nên về nhà Tỉnh Dòng đi giúp các nhóm Việt Nam, dạy tiếng Ba Lan cho người Việt Nam. Hầu hết các em ở miền Bắc (xứ Bảo Nham – Vinh), qua đó đi làm việc để gởi về giúp gia đình. Nhiều người đi chui phải trả tiền rất nhiều, nhiều người gặp khó khăn về giấy tờ. Có 2 cha Việt Nam ở đó giúp họ: cha Thêm (SVD) và cha Khánh. Các cha giúp họ nhiều, không kể lương giáo, nên họ rất vui mừng. Cho đến nay em vẫn chưa tìm được công việc chính thức để hội nhập vào môi trường bên đó, và vẫn đang thời gian tìm kiếm.

 

Chị Tuyết Trâm ở cộng đoàn TTV, là cộng đoàn quốc tế, có thánh lễ tiếng anh ngày Chúa Nhật cho sinh viên. Các em TTS thỉnh thoảng cũng đi tham dự. Em sống ở nhà Tỉnh Dòng, cộng đoàn có tất cả 16 chị em. Các chị em lo các dịch vụ chung nhiều, có một chị chuyên lo tiếp đón chị em đi đến tại phi trường. Tỉnh Dòng Ba Lan gồm 8 đất nước: Ba Lan, Đức, Hungary, Bosnia-Herzegovenia, Áo, Nga, Slovenia, Ukraina.

Có nhiều khó khăn trong việc thông tin liên lạc vì các tài liệu Trung ương phải dịch qua các thứ tiếng. Em thường được đọc trước tiên do chị em Việt Nam gởi sang. Dân Việt Nam được gọi là “Cộng”, bán hàng có uy tín. Mỗi năm có 4 dịp lễ lớn, các cha Việt Nam tổ chức cho người Việt Nam đi lễ trong nhà thờ Ba Lan nhưng sẽ phải trả tiền cho nhà thờ. Một số người làm đầu bếp trong các quán bar (kiểu nhà hàng nhỏ). Nhưng công việc cũng không ổn định, ai làm chủ thì thu nhập tốt hơn.

Cha thuê nhà gần khu vực người Việt Nam ở, ngay thủ đô Varsava, nhưng giá tiền đắt. Sau đó thuê phòng trong trung tâm ở cách xa hơn thì được phòng lớn hơn, cha đến dâng thánh lễ chiều thứ bảy cho họ. Em đi đến đó giúp cũng không xa lắm. Những người mới qua phải đi làm thuê cho người khác, nhiều khi không được nghỉ ngày Chúa nhật, ngày họ nghỉ lại không có việc gì nên sinh ra tệ nạn. Những người không có giấy tờ không dám đi đâu vì nếu bị bắt phải ở tù hoặc bị trả về Việt Nam…

Nhìn chung vùng Âu Châu người Việt Nam dễ làm ăn. Em có qua Đức tĩnh tâm với cha Điểm (hay về dạy Liên Dòng), nay cha đang qua chỗ chị Lư Nhung ở Ethiophia để mừng lễ Ngân Khánh Linh mục với một cha bạn cùng lớp bên đó. Người Balan thích ăn phở và các món Việt Nam, họ gọi món chả ram là “Sài-gòn K”. Em có đi làm việc chung với Văn phòng truyền giáo tại Balan, giúp dịch truyện tranh qua tiếng BaLan. Nhờ tập báo này nhiều người biết về Việt Nam. Dịp lễ Giáng Sinh các em thiếu nhi tổ chức đi hát và đóng kịch để quyên tiền giúp cho thiếu nhi Việt Nam. Các em mặc áo dài Việt Nam đủ màu.

Thứ sáu trước em bay xuống vùng biển phía bắc gặp nhóm các em ở đó để tổng kết về hoạt động đóng góp giúp Việt Nam. Các em rất mừng khi thấy em đến giới thiệu về Việt Nam, có em đến ôm hôn chào, xin chữ ký… Họ đưa lên báo nhiều, em ngại nên từ chối không muốn đến dự buổi họp báo tại Tòa Giám Mục, nhưng họ không tìm được ai khác nên cứ xin em đi. Vì thế em phải soạn bài và đến chia sẻ về hoàn cảnh của người di dân Việt Nam để xin họ giúp. Có khi họ mời em đến trường mẫu giáo nói chuyện, các em 4 tuổi đón tiếp, làm nón lá Việt Nam bằng giấy đội. Em giới thiệu về quê hương và các truyền thống gia đình Việt Nam. Các em nhỏ ngạc nhiên khi biết gia đình Việt Nam cả nhà đọc kinh và ngồi ăn cơm chung. Các em thắc mắc đủ điều… Bên đó họ có những khoá huấn luyện về mission cho giáo dân, họ đi đến các nước khác truyền giáo. Vì thế các em nhỏ được tiếp xúc với môi trường truyền giáo rất sớm.

Ơn gọi tại BaLan ít, người trẻ không có thời gian tìm hiểu lâu dài mà chỉ ít hôm là vào TTV ngay. Vừa rồi vào 6 nhưng giờ về còn 3 em. Tỉnh Dòng Ba Lan đông nhưng đi truyền giáo khoảng hơn nửa Tỉnh Dòng nên chỉ còn lại khoảng 200 chị em. Nhiều chị đi truyền giáo tại Châu Phi, về chữa bệnh là muốn đi ngay. Có Soeur đã già, ở Châu Phi lâu nên nhìn Soeur như người Châu Phi, nhưng về thăm gia đình rồi lại muốn đi ngay. Cả Tỉnh Dòng có 3 Tiền Tập sinh, 3 Tập sinh, 2 em năm 1, 1 em năm 2 và 21 Khấn tạm.

Công Giáo 96% nhưng ít người đến nhà thờ, nhiều người trẻ khó chấp nhận vì đến nhà thờ cái gì cũng phải trả tiền. Lễ thường các cha cũng đi xin giỏ chứ không để giáo dân đi. Năm rồi Tổng thống mới muốn thảo luận để Giáo Hội trả lương cho nhân viên nhà thờ thay vì xin giỏ, nhưng nhiều người không chịu đóng thuế vì họ bảo họ không đi nhà thờ. Vấn đề “Tái truyền giáo” được đặt ra trong Giáo Hội… Nhóm Việt Nam cũng phải góp tiền để trả tiền cho nhà thờ, còn dư cho Soeur tiền đi xe. Chỗ nào ít người góp không đủ thì phải đóng thêm.

Em Hồng Thắm giúp họ học tiếng BaLan nhưng họ muốn học buổi tối vì ngày họ bận việc buôn bán. Vì thế Thắm đi phương tiện công cộng đến trung tâm, khi về họ chở ra trạm xe. Vấn đề là thời tiết lạnh (hôm qua âm 6 độ). Trâm hay đi giúp nhóm sinh viên, vào thăm bệnh nhân trong bệnh viện (họ đòi bằng cấp mới cho vào nhưng không có chuyên môn không xin được). Cả Tỉnh Dòng có 1 nhà trẻ 4 lớp, 96 học sinh. Họ rất nguyên tắc, không dạy lớp trên 25 cháu. Cô giáo nhiều, họ chỉ cho phụ mặc áo quần cho bé… Trường thuê 2 cô chính 2 cô phụ còn lại là các Soeur lo. Các bé rất tự do, ồn ào mà không ai được la, phải tôn trọng để cho các em tự lập.

Ba Lan có mức sống cao, tương đương như Malaysia. Người ta tôn trọng con người, dân Việt Nam dù đến làm thử việc 1 ngày cũng được trả lương chứ không bị xử tệ như bên Nga. Trong năm có nhiều ngày nghỉ lễ, người ta không làm việc mà đi mua sắm vui vẻ. Biểu tượng của đất nước là con chim Phượng hoàng đội triều thiên. Người BaLan có tính cách riêng của họ, đặc sản của họ làm món Sô-cô-la sữa nhưng Việt Nam không thích. Sáng họ thường ăn bánh mì, trưa chiều ăn món như cơm nấu với táo ngọt, như món tráng miệng của mình. Người Việt Nam cho gạo Thái Lan nên ngày Hồng Thắm nấu ăn thì nồi cơm hết sạch! Trưa là bữa chính, chiều có món súp nóng. Khi họ nấu món mặn thì ăn cũng ngon nhưng họ hay nấu thức ăn rồi bỏ bơ sữa vào…

Tối Vọng Giáng sinh cộng đoàn tổ chức rất lớn, như giao thừa của mình. Chị em tập trung trong nhà đầy đủ, làm bánh trái ăn uống vui vẻ. Tuần Thánh tổ chức như trong Phụng vụ. Với người BaLan gia đình là quan trọng nên ngày lễ không thích tập trung chơi với nhau nhưng ai về nhà nấy họp mặt với nhau. Ngày thường chỉ có mấy ông bà già đi lễ, có khi chỉ có 5, 6 người.

Chữ của họ khó thuộc khó đọc nên học vất vả. Điều khó nhất để hộp nhập là ngôn ngữ vì họ dùng toàn tiếng BaLan, không ai dịch cho hét nên cứ “đực mặt ra”! Hiệp thông trong lòng thôi… Cái khó khác là hộp nhập với nền văn hóa của các chị có những chi tiết nho nhỏ rất kỹ. Khi mới qua em đội voan rồi khi không đội là có vấn đề. Một chị Phi qua đó không đội voan, chị em hay nói càm ràm. Cả khi BTTQ qua không đội voan họ cũng nói. Chị em thường loanh quanh trong nhà nhiều. Vắng nhà là các chị thắc mắc, em về nhà Tỉnh Dòng phải nói rõ những ngày nào đi ra để các chị không thắc mắc. Trước em ở cộng đoàn có nhà trẻ, giờ chung nhiều. Một tuần chơi chung 2 lần, nay chỉ có nhà Tỉnh Dòng là đổi mới chơi 1 lần 1 tuần! Các chị thích nhưng mình buồn vì thấy tẻ nhạt, không hiểu gì… Em chỉ góp sô-cô-la để dành làm quà cho thiếu nhi. Họ không thường xuyên lượng giá dự phóng của cộng đoàn trong tu nghị. Ăn chay mỗi thứ sáu, còn Mùa chay có thể nhịn nhiều hơn, trưa ăn chay chỉ có mỗi món súp. Tại BaLan có những ngày cầu nguyện cho ơn gọi, chị em ăn chay và luân phiên TPTT suốt ngày đêm.

Chị Tuyết Trâm cũng gởi thư từ Ba Lan về thăm tất cả chị em…

Em Hồng Thắm, fmm.