Chia Sẻ Nhỏ Từ Burkina – Faso

Thời gian tuy không dài nhưng cũng không thiếu những cung bậc cảm xúc vui, buồn, những trải nghiệm thú vị, đầy yêu thương với anh chị em nơi đây cũng như thách đố cho một sự khởi đầu mới.

Burkina-Faso chào đón em với cái nắng-nóng-gió-bụi đặc trưng của mùa khô nơi mảnh đất thuộc Tây Châu Phi này. Đây là một trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới với dân số khá khiêm tốn hơn 21 triệu người, trong đó nhiều người trẻ di cư tới những quốc gia lân cận để tìm kiếm một cơ hội làm việc tốt hơn.

Hơn một nửa dân số là anh em Hồi Giáo với các đền thờ rải rác khắp quốc gia, khoảng 30% dân số là người Kitô Giáo và phần còn lại là anh chị em thuộc các tôn giáo bản địa khác. Tuy có sự khác biệt về tôn giáo nhưng phần chung người dân sống ôn hòa và cùng với chính phủ, họ tôn trọng việc thực hiện tự do tín ngưỡng của nhau.

Ngôn ngữ hành chính được sử dụng ở Burkina Faso là tiếng Pháp, bên cạnh đó vì sự đa dạng, phong phú về bộ tộc đi kèm với các ngôn ngữ riêng đặc trưng của các bộ tộc đó nên mỗi vùng miền đều sử dụng tiếng bản địa và duy trì những phong tục, văn hóa khác nhau. Đời sống vật chất của anh chị em nơi đây tuy còn khá nghèo nàn nhưng đời sống tinh thần của họ lại rất đậm đà và ấm nóng như nhiệt độ cao điểm vào mùa khô ở Burkina Faso.

Có thể nói được như những quốc gia Phi Châu khác, người Burkina Faso cũng rất thích lễ hội và nhảy múa. Anh chị em nơi đây có thể ca hát, nhảy múa bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu với các loại nhạc cụ truyền thống đa dạng, phong phú mà đặc trưng là trống. Đó cũng là một nét riêng không thể thiếu trong các thánh lễ cũng như trong tất cả các nghi lễ khác mang đậm chất Burkinabe. Những thánh lễ đặc biệt như Lễ Giáng Sinh, Phục Sinh hay mừng Ngân khánh, Kim Khánh và các đại lễ khác được diễn ra phần lớn kết hợp với âm nhạc trong tất cả các nghi thức và kéo dài khoảng từ 3 đến 5 giờ đồng hồ.

(Một thánh lễ ngoài trời)

Thêm vào đó, đời sống giàu tình cảm của người Burkina Faso còn được thể hiện rõ nơi tình gắn kết với nhau giữa các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng. Hầu như mỗi đại gia đình đều có một mảnh đất chung. Họ xây nhà và sống với nhau trong khuôn viên đó. Tình thân này còn được thể hiện trong “văn hóa ma chay”, đây là một nét độc đáo thể hiện rõ mối gắn kết  giữa họ. Khi một người thân trong gia đình qua đời, đó là một sự kiện lớn của gia đình và cộng đồng nơi người đã khuất sinh sống. Họ sẽ đặt thân thể người đã khuất ở một nơi cao và trang trọng trong thời gian dài để cử hành những nghi thức cho người đã mất như ca hát, nhảy múa, tấu hài la hét giữa đám đông để “mua vui” với ngụ ý làm giảm nỗi đau buồn cho người thân của người đã mất. Và “canh thức”(diễn tả đúng nghĩa đen của từ này đó là sự hiện diện của mỗi người với người đã mất ít nhất suốt một ngày hoặc một đêm). Người chết sẽ được sẽ được mai táng ngay trung tâm mảnh đất chung của đại gia đình và mộ phần sẽ được xây cất tươm tất.

(Người chết được đặt trong chòi cao ở ngoài đồng để mọi người đến viếng)

Bên cạnh đó, hàng năm ở một số bộ tộc có lễ hội “Mặt nạ” kéo dài trong một tuần lễ, người dân sẽ hóa trang trong những bộ trang phục của động vật như chim để ca hát, nhảy múa. Họ thực hiện một số nghi thức trong nghi thức an táng nhằm tưởng nhớ những người đã mất trong một năm qua. Ngoài ra, họ còn có nhiều lễ hội khác tùy theo mùa màng hay thời tiết chẳng hạn như hội “thu hoạch mùa”, “đêm hội đuổi mặt trời” khi sự kiện nguyệt thực xảy ra...

(Lễ hội mặt nạ)

Về chị em FMM: Tỉnh Dòng được gọi là Tỉnh Dòng Burkina Faso-Niger-Togo bao gồm 3 quốc gia như trên. Chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện nơi đây từ năm 1934. Hiện nay, có tất cả 88 chị em đang hiện diện trong tất cả 12 cộng đoàn trong đó ở Burkina Faso có 9 cộng đoàn, 2 cộng đoàn ở Togo và 1 cộng đoàn ở Niger. Hiện 1 cộng đoàn ở Niger gần biên giới đang tạm thời bị đóng cửa vì lý do an toàn của chị em trước sự tấn công của khủng bố. Chị em FMM ở đây cũng khá đa dạng về quốc tịch thuộc các nước như Burkina Faso, Togo, Niger, Congo, Angola, Senegal, Madagasca, Balan, Tây Ban Nha, Pháp, Ấn Độ, Việt Nam...Chị em tham gia vào nhiều việc mục vụ khác nhau như y tế (phòng khám, phát thuốc, làm việc ở bệnh biện), xã hội, dạy nghề, tiếp đón, giáo dục. Trường học của chị em có các bậc từ mầm non đến cấp hai, ba; thăm viếng, giúp phòng thánh, dạy giáo lý, trồng trọt, chăn nuôi... Em hiện tại đang ở một cộng đoàn thuộc miền nam Burkina Faso, cộng đoàn của em có tất cả 11 chị em, lớn có, nhỏ có trong đó so về tuổi tác thì em là út. Các chị em thuộc 3 quốc tịch: Burkina Faso, Tây Ban Nha và Việt Nam.

(Các chị em trong cộng đoàn)

Với bản thân em, em tạ ơn Chúa vì ơn gọi FMM và đặc biệt ơn gọi truyền giáo phổ quát đã đưa em tới mảnh đất tuy khá xa về khoảng cách địa lý nhưng tình người gần thật gần. Và nhất là tinh thần FMM không lẫn đi đâu được của chị em mình. Hành trình trên quê hương mới của em hơn một năm qua là thời gian cho sự khám phá và thích nghi dần với những mới lạ về ngôn ngữ, văn hóa, con người, khí hậu, ẩm thực...

Thời gian tuy không dài nhưng cũng không thiếu những cung bậc cảm xúc vui, buồn, những trải nghiệm thú vị, đầy yêu thương với anh chị em nơi đây cũng như thách đố cho một sự khởi đầu mới. Tất cả những điều này thêm một lần nữa giúp cho em nhìn lại và khám phá chính bản thân mình nhiều hơn để từ đó cũng cởi mở hơn với chính mình và với anh chị em. Em cảm nhận sâu sắc rằng với ơn Chúa giúp, sự chuyển cầu của Mẹ Sáng Lập cũng như sự âm thầm hi sinh cầu nguyện của các chị em nơi hậu phương, em luôn được mạnh khỏe, bình an, tự tin và mạnh mẽ để có thể vượt qua những thách đố. Và biến nó thành phương tiện hữu hiệu gia tăng cho đời sống tinh thần của mình để tiếp tục hăng say tiến bước trên quê hương mới này.

Em Mai Thảo, fmm