CHIA SẺ KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO TẠI SAPA (Phần 2)

Xin các chị tiếp tục theo dõi tin từ Sapa...

UA TSAUG YEXU -  UA TSAUG SAPA

(Cảm ơn Jesus – Cảm ơn Sapa)

Chị em quý mến,

Hôm nay tung tăng ra phố, chúng em có dịp chào thăm các chị và xin gửi đến các chị bản tin của giáo điểm Sapa – tập 2.

Lúa chín đầy đồng, đang rất cần những tay thợ gặt lành nghề. Ngày đầu tiên tới Sapa, được biết giáo xứ có 3 cha, 1 sr Dòng Phaolo, 4 sr Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa và 1 thầy giúp xứ. Lực lượng khá hùng hậu nên chúng em sợ bị “thất nghiệp” nhưng ngay ngày hôm sau khi nghe giới thiệu về 15 giáo điểm với địa bản rộng khắp này thì đúng quả là “bao nhiêu cũng không vừa”.

Cách đây 1 năm, các cha ở đây phải lo cho cả anh chị em người H’Mông ở vùng Điện Biên cách tới 600 km. Mỗi lần đến dâng lễ phải đi trước cả ngày và có những ngày gặp trời mưa đường lầy lội, hoặc đá đất xe không thể đi được phải xuống đẩy, hoặc may mắn gặp được xe có cần cẩu thuê kéo xe mình ra khỏi 20 km đường lầy. Vậy mà các cha vẫn không quản mưa gió đến với họ.

Thật may mắn, nay Điện Biên đã có linh mục nên Sapa chỉ còn lại giáo điểm xa nhất là Bản Tòong cách 40km, nhưng chạy xe honđa vững phải mất khoảng 4 tiếng mới tới nơi, có những chỗ vẫn phải đi bộ. Các cha nỗ lực chạy ngược xuôi mua đất, (đất ở đây đắt như vàng ấy vì thuộc đất du lịch) nhưng cũng đã xây cho 7 giáo điểm có nhà nguyện. Chúng em được biết nhiều nơi ở Giáo Phận Hưng Hóa cách riêng tại vùng Điện Biện còn rất nhiều bản hoang sơ, nghèo khổ và thiếu bóng chủ chăn. Chúng em có gặp và chào đức cha phụ tá Hữu Long trong chuyến thăm mục vụ của ngài với Đức TGM Leopoldo ở Sapa, ngài rất vui vẻ nói với chúng em “Dòng các chị nên ra đây, đến những nơi như thế này”. 

Quả vậy, giáo phận Hưng Hóa nhu cầu truyền giáo cho anh chị em người H’Mông lên tới gần 2 ngàn mà dòng tu thì quá ít ỏi, ngoài Dòng Mến Thánh Giá của giáo phận thì có một vài dòng nam như dòng Don Bosco, Vinh Sơn, Đồng Công, Phaolo... hiện diện không chính thức. Đồng bào sống ở đây chủ yếu là người H’Mông, bao gồm 3 tộc: H’Mông đen, H’Mông trắng và H’Mông Hoa, ngoài ra còn có người Dấy, người Tầy, người Dao, và người Thái... Hôm Chúa Nhật 3 mùa vọng vừa qua, cha xứ Phìng Hồ tới bản chúng em dâng lễ, cha nói người H'Mông chỗ cha khác với H’Mông ở đây, chị em nhà ta mau mắn hỏi lại “ô vậy ah cha, thế mông cha mông gì???” !!!. Một lần khác, em Dung đi quá ngõ về nhà. Sr Lệ mới nói “ôi, Sr Dung giống con dê quá, đi không biết đường về”, một em đi cùng đáp lại: “không phải đâu sr, con dê thì vẫn biết đường về nhà mà”. Thế thì sr ..... hihi.

Người H'Mông nói tiếng Việt trọ trẹ, giọng của họ rất nhẹ nhàng, nghe thích đến nỗi nên chúng em không có cơ hội để nổi nóng. Phần lớn người H'Mông sống rất thật thà, mộc mạc, nhưng một số người Dấy thì đã bị ảnh hưởng người Tàu và người Kinh, họ cũng rất “ma-le”. Họ mua trái cây Trung Quốc mang về bỏ vào cùi và mang ra chợ bán như là trái cây của bản vậy. Họ còn làm mật ong giả bằng cách xay chuối trộn với đường rồi lấy con ong bôi trên miệng chai. Lần kia hai bố con đang làm mật ong giả, “thằng bố” la “thằng con”: “Mày ngu quá! Ngu gần bằng cái thằng người Kinh rồi đấy!”. “Thằng con” thắc mắc thì “thằng bố” nói “mày không biết làm cũng giống như thằng người Kinh mật ong giả mà cũng không biết nên nó mới mua đó ”.

Chúng em đi thăm được gần hết các gia đình trong 4 bản mà cha xứ giao, mỗi gia đình chỉ có ngôi nhà tự làm bằng gỗ, mấy bao lúa để dành, mấy bắp ngô treo trên sàn, nếu may mắn bán được đất thì mua được hai chiếc xe honđa, ngoài ra không có một vật dụng gì có giá trị. Có lẽ do thời tiết lạnh giá, nên họ sống “đẳng cấp nhà khép kín” một góc dành cho bếp củi (không có củi thì khó có thể qua khỏi mùa đông), một góc là chỗ giặt rửa, rồi vài cái giường làm bằng tre. Cũng như các dân tộc thiểu số khác, ngoài củi người H'Mông không có tư duy tích trữ, họ sống hoàn toàn dựa vào thiên nhiên, vui vẻ với những thứ đang có. Nước lấy từ núi nên dù không có tiền bạc, cứ dẫn nước về dùng, nước chảy ra chan chứa, không phải trả đồng nào. Chúng em tiếc nước quá nên cứ đi bịt vòi lại nhưng không suể vì nhà nào cũng quen để nước chảy như thế rồi.

Riêng củi là “gia sản” không thể thiếu nên họ phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi để đi lấy và tích trữ để sưởi quanh năm. Nhưng bây giờ nhà nước quản lý rừng, chỉ khi nào nhà nước cho đi lấy mới được đi. Và những ngày như thế thì họ phải nghỉ học, nghỉ làm để đi lấy củi. Trở lại bản tin thời tiết: Tạ ơn Chúa anh mặt trời ló rạng cho chúng em cả tuần lễ, sau đó thì mưa và sương mù trở lại. Trời lạnh giá, thế mà cha sở nói thế này vẫn chưa phải là lạnh lắm. Năm ngoái có tới 2 tháng liền sương mù, sau đó tuyết rơi.

Sống ở đây, chúng em có cảm giác như trời và đất rất gần nhau giống như thửa hồng hoang vậy. Có những lần đang đi trên đường, bỗng có đám mây sà xuống mù mịt không biết đường biết lối để đi thế nên ngay cả người dân bản đi đâm xe vào bụng con trâu, con bò cũng là chuyện bình thường. Cha ở bản chúng em nói: các srs “nổ” một tí thì cứ kể là cho rước lễ cũng phải sờ xem miệng đâu chứ không thì đút Chúa vào lỗ mũi vì sương mù mịt ở khắp nơi, cả ngày lẫn đêm. Cả bầu trời là cái tủ lạnh mênh mông. Sapa giá lạnh, Sapa đồi núi, Sapa bếp lửa hồng, Sapa rất thú vị! Welcome các chị!

Em xin dừng bút đây vì phải đi Lào Cai mua đồ cho các em hoạt cảnh. Cha bản em nói: “các srs chưa biết Lào Cai, chưa đi qua Trung Quốc thế thì lạc hậu quá, ah mà con cũng chưa đi TQ đâu.” Hihi, kinh chúc các chị một mùa Giáng Sinh nồng ấm tình Chúa, chứa chan tình chị em!

Chúng em

Lệ, Dung,fmm