BAN-MÊ DU KÝ... GẶP GỠ THĂM VIẾNG ! (Phần II)
8. Thăm Nhà thờ Chánh Tòa BMT và Giáo xứ Chi Lăng
Buổi sáng ngày tiếp theo, anh chị em có thánh lễ sáng cùng với các Sơ dòng Nữ Vương Hòa Bình. Sau điểm tâm, cả đoàn lại lên xe và có Sơ Ý Định của dòng Nữ Vương Hòa Bình hướng dẫn đi thăm Nhà thờ Chánh Tòa BMT. Tại đây đang diễn ra lễ cưới. Các mô hình hang đá cũng đang được dựng lên chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh. Vào nhà sách, cha Trưởng Ban muốn tìm tượng Đức Mẹ trong trang phục dân tộc như ở dòng Nữ Vương Hòa Bình nhưng không có. Sau khi chụp hình chung đoàn lại lên đường đến thăm giáo xứ của cha Cường.
Tại giáo xứ Chi Lăng, không khí Noel tưng bừng rộn rã vì từ ngoài cổng vào nhà xứ hai bên có rất nhiều hang đá Noel đang được thực hiện. Phố hang đá hứa hẹn sẽ thu hút nhiều người đến tham quan. Cha Cường tiếp đón mọi người rất niềm nở. Đi thăm một vòng khuôn viên nhà thờ, có tượng đài Lòng Chúa Thương xót thật đẹp, rồi đến tượng đài Đức Mẹ. Phía cánh phải nhà thờ là cả một dãy tượng thánh…
Cả nhóm cũng ghé vào thăm cha sở và nghe ngài chia sẻ nhiều dự định cho tương lai. Sau khi chào cha sở và chụp hình lưu niệm chung, nhóm lại ra xe tiếp tục hành trình, không quên xin cha Cường mấy chậu cảnh đem về làm kỷ niệm. Cha Cường cũng bịn rịn chào cả đoàn vì hôm ấy ngài bận không thể tiếp tục đồng hành với mọi người…
9. Thăm Khu Điều trị Phong EA-NA
Rời nhà thờ Chi Lăng, anh chị em chúng tôi đến thăm Khu Điều Trị Phong Ea-na, thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Daklak. Người phụ trách chính cuả nơi này là Sr Tâm và có thêm vài Sr khác nhưng đã đi tĩnh tâm nên chúng tôi không gặp. Vào thăm nhà dòng mới được biết trước đây có một trường Mẫu giáo do các Sr phụ trách nhưng nay không được phép dạy nữa. Trong khu vườn của nhà dòng có nhiều cảnh trí đẹp và những vật nuôi khác nhau, có 2 chú khỉ nhảy nhót liên hồi. Bên trong là khu vườn nhỏ có tựng Chúa Giê-su và các trẻ em của 5 châu lục với màu da khác nhau…
Sơ Tâm và Sơ Định dẫn mọi người đến thăm khu vực trại, có các gia đình người bị bệnh phong ở trong các ngôi nhà làm theo kiểu nhà sàn của người dân tộc. Các sơ ở đây lo chăm sóc thuốc men, nuôi ăn và vệ sinh cho những bệnh nhân già yếu tại nhà của họ. Có những khu vườn trồng rau xanh tốt để phục vụ cho nhà bếp. Có một căn-tin là nơi hàng ngày các sơ phục vụ bữa ăn cho những người bệnh, và một nhà hướng nghiệp có lớp dạy may cho các con em bệnh nhân học nghề để có thu nhập. Các em may áo gió rất đẹp…
Trước khi ra về, toàn Ban ghé đến thăm ngôi nhà thờ Tin Lành ở phía đối diện với nhà dòng của các Sơ. Vị Mục Sư đi vắng chỉ có cô con gái ở nhà nên chúng tôi vào thăm ngôi nhà thờ nhỏ đơn sơ. Hàng tuần giáo dân từ 3 buôn làng khác nhau đến cử hành ngày Sa-bát. Được biết những gia đình người dân tộc ở đây đều theo đạo Tin Lành và các Sơ chỉ được hiện diện để chăm sóc cho họ chứ không được truyền đạo. Các sơ kể rằng có những thanh niên từ ngày nhận Báp-têm đến nay đã bỏ hẳn rượu và sống tốt hơn… Cám ơn Chúa !
10. Dã ngoại thác Dray Nur và trở về Sài Gòn
Điểm đến tiếp theo của đoàn là thác Dray Nur với truyền thuyết đầy huyền thoại về vẻ đẹp thơ mộng và bí ẩn của một ngọn thác rất hùng vĩ trong vùng Tây Nguyên. Nằm cách thành phố Buôn Mê Thuột khoảng gần 30km theo hướng về Sài Gòn, giữa địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, thác Dray Nur có chiều dài đến 250m. Từ độ cao hơn 12m, dòng thác nghiêng mình đổ xuống lòng sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ diệu. Dray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống 3 thác: Gia Long - Dray Nur - Dray Sáp của sông Serepôk, tỉnh Đắk Nông. Thác Dray Nur chỉ cách thác Dray Sáp một đoạn cầu treo bắc qua dòng sông Serepôk, cả hai cùng là những thác nước đẹp và hùng vĩ. Thác Dray Nur ít được biết đến vì tưởng là thác Dray Sáp nhưng thực ra khi đến đây dòng sông Serepốk chia ra làm 2 nhánh đổ xuống hai dòng thác và nhập lại ở phía dưới cách đó không xa.
Tại đây anh chị em trong đoàn có thời gian tham quan chụp ảnh và cùng dùng bữa ngoài trời giữa thiên nhiên tươi đẹp. Sau đó cùng leo cầu treo qua phía bên kia rừng để được đãi ly cà phê thơm ngon. Dưới chân cầu có những hòn đá chồng chất lên nhau rất đẹp gợi nhớ bài hát “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” (Trịnh Công Sơn).
Buổi chiều anh chị em trở về lại nhà dòng dùng bữa tối rất sớm để trở về lại Sài Gòn kết thúc cuộc xuất du. Một thành viên trong đoàn đã ghi lại tâm tình cầu nguyện cảm tạ Chúa, xin ghi lại để kết thúc cho loạt bài Ban Mê Du Ký này:
“Cuộc xuất du mừng sinh nhật thứ VI của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn sắp kết thúc. Giờ đây, trên hành trình trở về Tp.HCM, con chỉ biết dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa cho từng phút giây chúng con đã trải nghiệm trong suốt hai ngày qua. Cảm tạ Chúa vì đã giúp chúng con tạm gác những công việc, bao bộn bề của cuộc sống, để dành thời gian cùng nhau trải nghiệm chuyến xuất hành hướng thượng và hướng tha, trên vùng cao nguyên Buôn Mê Thuột. Cảm tạ Chúa về những cuộc gặp gỡ: gặp gỡ giữa các thành viên trong Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn - gặp thường xuyên hay lâu ngày tái ngộ -; cuộc gặp gỡ giữa những người con của Hội Thánh tại thành phố và miền thượng du; gặp gỡ với tăng sĩ chùa Sắc tứ Khải Đoan; hội ngộ với quý đạo hữu Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài; cuộc giao lưu với anh em đồng bào dân tộc Êđê, M'nông… cuộc gặp gỡ những con người khỏe mạnh và cả những con người đau yếu, các trẻ thiểu năng. Có những cuộc gặp gỡ được hẹn trước và những cuộc gặp gỡ bất ngờ…
Cảm tạ Chúa về những cảm nghiệm tình yêu, tình thân, tình thương, tình huynh đệ mà mọi người dành cho nhau. Với những chữ "tình" này mà khoảng cách về thời gian và không gian trở nên như không không, khoảng cách giữa các thứ bậc trong Giáo hội được thu hẹp lại, khoảng cách giữa những người khác niềm tin hay khác sắc tộc được du hòa… Cảm tạ Chúa về những kiến thức và kinh nghiệm chúng con học hỏi được qua các cuộc gặp gỡ và những chữ "tình", để chúng con có thể mở rộng tầm nhìn, để chúng con mở rộng tâm lòng cùng những thao thức của Giáo Hội trong sứ mạng Loan báo Tin Mừng, để chúng con can đảm hơn vững bước hơn trên con đường còn chưa có nhiều người đồng hành này”… (A.T)
Cuối cùng, xin được cám ơn Cha Trưởng Ban và tất cả anh chị em trong Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn, cũng như những ai đã đón tiếp, giúp đỡ chúng con trong chuyến xuất du – hành hương tại vùng Ban Mê Thuột lần này. Nguyện chúc tất cả sống Mùa Vọng thánh thiện để chuẩn bị đón mừng Lễ Giáng sinh sắp tới.
Sr. Ngọc Lan, fmm.