BAN-MÊ DU KÝ
Ngày 04-05/12/2015 vừa qua, Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Sài-Gòn có cuộc xuất du – hành hương tại vùng Buôn Ma Thuột, nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ VI của Ban. Dù tên chính thức của thành phố hiện nay là Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắc Lắc, nhưng địa danh “Ban Mê Thuột” và tiếng tăm của hương vị “cà phê Ban Mê” vẫn thân quen với nhiều người, nên tôi muốn đặt tựa đề là Ban-Mê du ký, để kể lại chuyến đi lần này… Hơn nữa, tên của Giáo phận cũng vẫn là GP Ban Mê Thuột mà !
1. Lên đường và đến Dòng Nữ Vương Hòa Bình
Đoàn xuất du gồm 13 thành viên của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Sài-Gòn, xuất phát từ đêm 03/12 từ Trung Tâm Mục Vụ trực chỉ hướng Bình Phước. Trên xe một lần nữa toàn Ban hát Chúc mừng Lễ Bổn Mạng Phanxicô Xaviê của Cha Trưởng Ban. Bác Tài “An Tâm” chạy rất êm nên không ai bị say xe cả. Và đúng 5g sáng ngày 04/12 đoàn đã có mặt tại Trung Tâm thành phố Buôn Ma Thuột.
Xe phải chờ do một vài trục trặc về thông tin, nhưng cuối cùng Đoàn đã đến nhà chính của Dòng Nữ Vương Hòa Bình để dùng điểm tâm và tá túc tại đây. Sau bữa ăn ngon miệng, đoàn được hướng dẫn đi thăm Nhà Truyền thống của Dòng, nơi có những hình ảnh biểu tượng văn hóa đặc trưng của người dân tộc vùng này và các nét lịch sử thành lập dòng… Anh chị em trong Ban cũng tranh thủ chụp ảnh trước tượng Đức Mẹ trong trang phục dân tộc rất đặc biệt tại đây…
2. Thăm Chùa Sắc Tứ Khải Đoan
Nơi thăm viếng giao lưu đầu tiên của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn TGP Sài-Gòn với các tôn giáo bạn tại Buôn Ma Thuột là Chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Ban đến thăm ngôi chùa này vào buổi sáng thứ sáu, có cha Cường phó xứ Chi Lăng dẫn đi. Cha đã đến thăm chùa và hẹn trước cho chuyến thăm viếng này.
Đây là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đaklak, được xây dựng vào năm 1951. Chùa rất lớn, làm bằng gỗ quý chạm trổ công phu, tọa lạc trên khu đất rộng gần 8 mẫu, do Đoan Huy Hoàng Thái Hậu Hoàng Thị Cúc hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo trung phần. Lối kiến trúc của chùa phỏng theo kiểu dáng cung đình Huế kết hợp vói phong cách nhà sàn của dân tộc Tây nguyên, pha thêm chút kiến trúc hiện đại. Mái chùa cong, dáng dấp một cái nhà rông, nhưng rất uyển chuyển mềm mại với những đôi giao long quyện mây lướt gió, thật độc đáo mà hài hòa, cổ kính mà cũng thật gần gũi đậm đà.
Chùa được gọi là Sắc Tứ vì vào năm 1953, nhân ngày lễ an vị lạc thành nhà hậu tổ, chùa được sắc phong là “SẮC TỨ KHẢI ĐOAN” – đời vua Bảo Đại. Khải Đoan là 2 chữ đầu của vua Khải Định và Đoan Huy Hoàng Thái Hậu, mang ý nghĩa ghi nhận công đức người sáng lập ngôi chùa này. Khải Đoan là ngôi chùa được vua ban hiệu cuối cùng của các triều vua tại Việt Nam. Hiện nay Chùa Khải Đoan có vị trụ trì đời thứ 7 là Thượng Tọa Thích Châu Quang, trưởng tử của Hòa Thượng Thích Đức Thiệu. Thầy Châu Quang và Thầy Hải Nguyện của chùa Khải Đoan tiếp đón phái đoàn rất thân tình, ngồi nói chuyện chia sẻ nhiều điều. Tiếp đến cả ban được dẫn đi thăm Chùa và chụp hình chung phía trước gian chính nơi có ghi ba chữ “KHẢI ĐOAN TỰ” bằng chữ Hán “啟 端 守”. Thầy Châu Quang cũng giải thích cho đoàn ý nghĩa của nhiều câu đối ghi bằng Hán tự khác.
Sau đó anh chị em trong đoàn ghé vào Thư quán Khải Đoan để thỉnh ít hàng lưu niệm… Thầy Hải Nguyện dí dỏm nói với những người phụ trách thư quán là phải bớt giá cho các anh chị em từ Sài Gòn lên, còn cha Cường là dân Ban Mê thì cứ… "chém" ! Ai cũng thấy thật vui…
3.Thăm Thánh Thất Trung Hòa
Điểm dừng chân tiếp theo của Ban MV/ĐTLT TGP Sài-Gòn là Thánh Thất Trung Hòa của quý Đạo Huynh – Đạo Tỷ Cao Đài. Thánh Thất Trung Hòa là một Họ Đạo thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài được khởi công xây dựng từ cuối năm 2008 và đã Khánh thành ngày 04/01/2015 vừa qua (dịp này có cha Tổng Đại diện GP Ban Mê Thuột và cha Trưởng Ban MV/ĐTLT về dự).
Nhìn lại lịch sử, từ những năm 1950 một số tín hữu Cao Đài ở các Họ đạo tại miền trung thuộc Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài lên vùng đất Quảng Nhiêu (tức Quảng Phú ngày nay) để lập nghiệp. Với nhu cầu sinh hoạt tâm linh, lễ bái và giữ Đạo, Bổn đạo nơi đây đã xin Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thành lập Thiên Bàn Quảng Nhiêu. Sau đó, lần hồi xây dựng phát triển thành Họ đạo Trung Hòa ĐakLak. Số lượng bổn đạo tại Họ đạo Cao Đài Trung Hòa đến nay là hơn 1200 đạo hữu với 8 Xã đạo trực thuộc.
Sau phần giới thiệu và những trao đổi chia sẻ về tình hình sinh hoạt, nhưng khó khăn thách đố của Họ đạo, cha Trưởng Ban tặng quà cho Đại diện Thánh Thất Trung Hòa, gồm các tập sách Liên tôn và Video cuộc Hội Ngộ Liên Tôn vào tháng 10 vừa qua. Đại diện quý chức sắc cũng trao tặng quà cho cha Trưởng Ban và các thành viên. Sau đó mọi người cùng vào trong Thánh Thất cầu nguyện. Phần dâng hương vừa kết thúc, cha Trưởng Ban đã cất lời Kinh Lạy Cha và tất cả anh chị em trong Ban MV/ĐTLT cùng đọc lên trong tâm tình thật cảm động. Những người con của cùng một Cha trên trời gặp gỡ và cầu nguyện cho nhau…
Những lời chào tạm biệt đầy chân tình, phái đoàn Ban MV/ĐTLT ra về mà các Đạo Huynh – Đạo Tỷ còn vẫy tay nhìn theo. Trên chặng đường tiếp theo, niềm vui rộn rã vì lúc này anh chị em trong Ban MV/ĐTLT cứ nhắc đến Đạo Huynh linh mục và các Đạo Tỷ sơ trong đoàn với niềm trìu mến. Không ngờ cuộc đối thoại với các tôn giáo bạn lại làm gia tăng tình thân hữu và óc dí dỏm sáng tạo giữa các thành viên trong Ban…
4. Hành Hương Đức Mẹ Giang Sơn
Chuyến hành hương Đức Mẹ Giang Sơn giữa trưa nắng là một điểm rất đặc biệt trong cuộc xuất du lần này. Tượng đài Đức Mẹ Giang Sơn nằm trên đồi Giang Sơn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30 km về phía đông nam theo đường đi Đà Lạt. Đây là trung tâm hành hương Thánh Mẫu của GP Ban Mê Thuột. Đường từ quốc lộ lên đến tượng đài dốc đứng quanh co, rộng chỉ hơn 3m, dài khoảng 1,5 km.
Lịch sử kể rằng vào năm 1960, Tổng thống Ngô Đình Diệm chỉ thị cho tỉnh Daklak tìm địa điểm để đặt một tượng Đức Mẹ. Tòa hành chánh và các linh mục Ban Mê Thuột đã chọn núi Giang Sơn, vốn là một địa điểm núi sông hữu tình. Từ mặt sông Krông Ana đến tượng đài khoảng 100 mét cao. Tượng đứng trên bệ nhìn về hướng thành phố Buôn Ma Thuột. Tượng đài Đức Mẹ Giang Sơn được linh mục Giuse Nguyễn Hữu Nghị khởi công năm 1961. Sau hai năm xây dựng, linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn chủ sự làm phép và long trọng tổ chức lễ khánh thành vào tháng 8 năm 1963, có rất đông giáo dân về tham dự. Tượng Đức Mẹ cao 6,32 mét, do điêu khắc gia Đinh Văn Lượng ở giáo xứ Phát Diệm, thuộc TGP Sài Gòn đảm trách, nét mặt Đức Mẹ hiền từ nhân hậu, trên đầu Đức Mẹ mang triều thiên 12 ngôi sao. Tượng đài xây dựng trên đồi đá xếp tự nhiên ở độ cao 823m so với mặt biển.
Năm 2000, cha Phêrô Bùi Văn Thục cho trùng tu, tôn tạo lại bệ tượng Đức Mẹ bằng đá hoa cương, mở rộng mặt bằng, gia cố bờ tường chung quanh lễ đài, xây dựng bốn gian nhà và hai phòng cơm dành cho khách hành hương, sau đó còn xây dựng thêm nhà Bát Phúc. Công trình trùng tu hoàn thành vào ngày 31 tháng 12 năm 2002. Dọc bên đường có sẵn ghế đá để khách hành hương nghỉ chân.
Sau khi thăm viếng một vòng, cha Bảo Lộc (Trưởng Ban MV/ĐTLT) và cha Cường phó xứ Chi Lăng cùng dâng thánh lễ. Ngoài anh chị em trong đoàn còn có nhiều khách hành hương cùng tham dự. Trong số đó có 1 anh là bệnh nhân được gia đình đưa đi hành hương cầu nguyện với Đức Mẹ. Trong phần chúc bình an, hai cha đã đặt tay lên đầu cầu nguyện cho anh. Dâng lời nguyện giáo dân bộc phát, anh nói lên những tâm tình thống hối của mình rất cảm động làm những người trong gia đình anh đều bật khóc…
Cuối thánh lễ, đoàn ghi hình lưu niệm chung. Sau đó lại hạ sơn để trở về Dòng Nữ Vương Hòa Bình. Bữa cơm trưa lúc 1g30’ chiều thật ngon miệng vì ai cũng đói, có lẽ cho ăn đá hầm vẫn cảm thấy ngon! Mọi người tranh thủ nghỉ trưa một chút để tiếp tục chương trình ban chiều…
5. Thăm nhà khuyết tật Bình Minh
Buổi chiều anh chị em đến thăm các em thiểu năng và khuyết tật vì bị hội chứng Down ngay gần Nhà dòng Nữ Vương Hòa Bình. Nghe các Sơ kể lại rằng ngôi nhà là của hai ông bà thuộc giáo xứ Thánh Tâm Buôn Ma Thuột, trước có một bé gái tên là Ánh Minh bị chậm phát triển về trí tuệ. Gia đình khá giả và các con lớn đi nước ngoài nên ông bà có điều kiện về tài chánh, nhưng bé Ánh Minh chỉ phát triển về thể lý còn việc học hành lại không được như ước nguyện…
Khi lớn lên em bị bệnh và trước khi mất Ánh Minh đã tha thiết nài nỉ cha mẹ: “Các anh chị đều được bố mẹ chia gia tài, còn phần con, xin bố mẹ hãy xây cho con một ngôi trường để những bạn như con được đến đó đi học”. Sau khi chôn cất Ánh Minh, ông bà đã thực hiện ước muốn của con gái mình bằng cách đến gặp Soeur Tổng phụ trách Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình xin dâng khu đất ở cuối đường Xô Viết Nghệ Tĩnh TP Buôn Ma Thuột, và xin nhà dòng giúp ông bà thực hiện ý nguyện của em Ánh Minh.
Nhà dòng đã nhận khu đất và xây dựng ngôi nhà tình thương mang tên là Gia Đình Bình Minh vào năm 2003 để giúp các trẻ em khuyết tật Hội chứng Down, đồng thời dòng đã gửi một số nữ tu đi học theo chuyên ngành để phục vụ cho công việc này. Khi gặp những khó khăn về phía chính quyền các Sơ trình bày rõ là các Sơ chỉ đến làm việc và phục vụ theo ước muốn của gia đình thôi… Sau đó ông bà đã xin được các giấy phép hoạt động chính thức cho Gia Đình Bình Minh để giúp các cháu bé bị bệnh Down và chậm phát triển trí tuệ.
Các em rất vui khi có đoàn đến thăm, các em nam rất hiếu động, thích được chụp hình, hay bi bô nói những chuyện không đầu không đuôi và kéo tay các cha – các sơ đi khoe những trò vui của các em như nhảy hip-hop, kéo tay nhau, cõng nhau... Cũng có một vài em vừa khuyết tật vừa tự kỷ, ai hỏi tới cũng im lặng tránh né. Công việc phục vụ của các sơ và các cô tại đây thật ý nghĩa khi giúp cho các em cảm nhận được tình yêu thương chăm sóc và được phát triển theo mức độ của mình.
6. Thăm Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột
Rời ngôi nhà khuyết tật, đoàn trực chỉ Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột và đến chào thăm Đức Cha Vinh Sơn. Đức Cha mời mọi người vào phòng khách và chiêu đãi món yaourt đặc biệt rất ngon miệng. Ngài rất thân với cha Trưởng Ban nên hai vị ngồi đàm đạo thật tâm đắc. Ngài cũng biết tin và hỏi thăm về chị Phương Lý fmm trong thời gian chị về thăm Việt Nam…
Anh chị em trong Ban đã có dịp đi thăm nhà nguyện của Tòa Giám Mục. Đây là một phần trong cả công trình được xây dựng từ năm 1953 do nữ tu kiến trúc sư Boni Pacxo người Áo dòng Benedictine thiết kế, phối hợp kiểu nhà dài của người Ê-đê cùng với kiểu nhà rông của người Gia-rai. Tòa giám mục Ban Mê Thuột có lẽ là một trong số ít những công trình mang dáng dấp kiến trúc độc đáo của các dân tộc Tây nguyên tồn tại cho đến ngày nay.
Anh chị em cũng đến viếng mộ của hai Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực và Giuse Nguyễn Tích Đức ngay trong khuôn viên Tòa giám mục. Trước khi chia tay Đức Cha Vinh Sơn đã tặng quà mừng sinh nhật Ban và chụp hình chung kỷ niệm…
7. Thưởng thức Văn hóa Cồng Chiêng và Rượu Cần
Anh chị em trong Ban được dẫn đến ngôi nhà của Ma-Pi thuộc buôn Ako Dhong ở Chư Yang Sing. Đây là ngôi nhà sàn theo kiểu người Ê-đê, có hai chiếc thang để leo lên. Một thang dành cho nam giới có chạm khắc mặt trăng và đôi bầu vú mẹ, còn thang kia dành cho nữ giới có hình con rùa và ngôi sao. Anh Ma-Pi đã giới thiệu về lịch sử của buôn làng ở đây, về các loại nhạc cụ, về nhà sàn của tộc Ê-đê và M’Nông…
Buôn làng nơi đây có được là do các Mẹ Benedictine từ thời chiến tranh, xin đất mở đồn điền cà-phê và nhờ anh em dân tộc vào chăm sóc. Từ đó mở rộng ra đến năm 1962 thành buôn làng gồm 12 hộ theo kiểu hợp tác xã, các mẹ cho nhận theo sản phẩm nên mỗi năm tiền tích lũy của mỗi hộ gia đình được gởi ngân hàng rất nhiều, nhưng sau giải phóng không còn nữa. Buôn có tên Ako Dhong nghĩa là làng đầu nguồn, do các mẹ đặt tên để ước muốn buôn là nơi gốc đem Tin mừng đến cho các làng khác như nước đầu nguồn chảy đến các dòng sông. Các mẹ dạy giáo lý rất kỹ, có người học 5 năm mới được rửa tội, hầu hết các hộ sau năm 1975 mới được rửa tội.
Anh chị em người dân tộc Ê-đê có những loại nhạc cụ đặc biệt của mình và từng loại được giới thiệu cho đoàn thưởng thức. Trước hết là Chiêng tiếp đón, rồi đến Chiêng chào mừng mọi người đã an tọa trên sàn nhà, sau đó mới đến múa hát... Đến phần mời rượu cần theo văn hóa Ê-đê phụ nữ được ưu tiên mời trước, sau đó mới đến các cha và quý vị nam giới… Người quan trọng hơn ngồi ghế phía trong, chủ nhà ngồi phía ngoài. Một nghệ nhân thổi loại tù-và đặc biệt, âm sắc có chút u hoài nghe buồn buồn nhưng rất hay. Có những bài hát tiếng dân tộc được dịch ra cho mọi người hiểu ý nghĩa…
Đức Cha Vinh Sơn cũng đến hiện diện chung vui với đoàn. Các anh em dân tộc Ê-đê thật dễ thương, khi Đức Cha mới nhắc đến bài hát Đôi Chân Trần sáng tác của Y Phôn K'sor, các em đã sẵn sàng hát ngay cho mọi người nghe. Bài hát thật hay và giọng hát cũng trầm ấm mạnh mẽ đến... hút hồn!
Sau khi nghe các điệu nhạc và thưởng thức rượu cần, anh chị em dọn bữa tối đơn sơ ngay trên nền nhà sàn và dùng bữa với nhau. Lúc này ai cũng ăn ngon vì đã hơn 8g tối! Các anh trong ban vẫn tiếp tục “đối thoại văn hóa” và mời rượu cần với những người bạn dân tộc, câu chuyện cứ râm ran mãi… Khi về lại nhà dòng nghỉ đêm thì trời đã về khuya, và ai cũng muốn lăn ngay ra ngủ sau một ngày khá mệt nhọc. Tạ ơn Chúa !
(Còn tiếp phần II)
Sr. Maria Ngọc Lan, fmm.