Chuyến Đi Nghĩa Tình

Cảm thấy mình may mắn với cuộc sống đủ đầy mà lắm khi còn than vãn hay than thân trách phận vu vơ. Cần phải sống tích cực hơn và chung tay cùng nhiều tấm lòng của những người quảng đại để biết cho đi, đi đến với mọi người chung quanh đang rất cần đến chúng ta, gánh nhau trong đời.
Vượt quãng đường gần 1200 km từ tp HCM để ra miền Trung, tỉnh Quảng Bình. Một chặng đường dài, tôi được đồng hành cùng các sr dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ FMM đi đến tận nơi để thăm viếng, trao gửi chút tấm lòng của các srs và ông bà anh chị em ân nhân từ mọi miền phương xa hằng luôn dõi theo đồng bào mình đã khổ sở chống chọi, đối phó với 2, 3 cơn bão lũ liên tiếp ập đến.
Đi để được nghe người dân kể lại cuộc sống của họ trước và sau lũ.
Đi để nhìn thấy vùng đất vốn nổi tiếng với những hang động từng được thế giới biết đến và được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới như động Phong Nha, hang Sơn Đoòng ...
Nơi mà khách du lịch thường hay ao ước " phải đến chiêm ngưỡng một lần trong đời ".
Động Phong Nha, động Thiên Đường của vùng đất này với tôi cũng không lạ gì. Vì là tôi từng có dịp đến tham quan vài ba lần. Tôi chỉ biết rằng mình thích thú với vẻ đẹp của những hang động kỳ bí lung linh, huyền ảo những hình thù ngộ nghĩnh của đá khối thạch nhũ tuyệt tác của thiên nhiên. Trong tâm tưởng vẫn mong có dịp sẽ trở lại hay sẽ ghé đến nơi mới là hang Sơn Đoòng.
Ấy vậy mà lần này tôi không đến để du lịch nhưng tôi đến để chia sẻ tình người, để thăm hỏi đồng bào tôi sau cơn lũ càn quét. Tôi mới nghiệm ra một sự thực là :
Có những sự việc người ngoài ao ước trông mong nhưng ai nào có hay ai nào biết đến người trong cuộc đang phải sống gian nan vất vả. Thậm chí nơi mà người ngoài cho là đẹp đẽ, ít nhất phải đến một lần trong đời, thì người trong cuộc chỉ thấy nó bình thường. Bởi lẽ từ tấm bé họ đã khổ cực hằng năm với nó, sống trong vùng lũ.
Có những điều ta từng nghe nói nhưng không hiểu thấu, từng nhìn thấy nhưng không biết hết được.
Đó là, chính cái nơi nhiều người tứ xứ ao ước đến chơi thì nơi đây hầu như gia đình nào cũng có người phải bỏ xứ ra đi kiếm kế mưu sinh.
Vì vùng đất này, thời tiết khắc nghiệt, trong năm mùa hè khô hạn với những dãy núi đá vôi toả lan sức nóng như thiêu đốt, cùng gió Lào khô hanh, hạn hán thì nguồn nước vô cùng khan hiếm là quý báu dường bao.
Trong khi mùa mưa, nước lũ tràn xuống thì chính những dãy núi bao bọc chung quanh tạo cho nơi đây như một vùng lòng chảo hứng chịu những cơn lũ quét, những trận lũ càn.
Mùa đông thì lại rét mướt, hanh hao.
Ở Sài Gòn, chỉ cần một cơn mưa lớn hay nước thuỷ triều dâng cao làm ta lội bì bõm đôi bàn chân là đã kêu rên ra rã rồi. Còn thỉnh thoảng bị ngập lội đến đầu gối là một sự kinh khủng khiếp lắm thay.
Vậy mà người dân những vùng đất chúng tôi đến là Quảng Trạch, Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, hằng năm sống chung với lũ.
Năm nào may mắn, ngập lụt là bình thường, không hao tốn tiền của bao nhiêu. Năm nào không may, nước lên cao thì phải tránh lũ, hao tổn ít nhiều.
Nhà nào cũng có vài tầng gác để leo lên tránh lũ. Gọi là gác cho sang chứ thật ra chỉ là những thanh tre, những khúc gỗ, vài ba tấm ván được đóng tạm bợ sơ sài dùng chứa đồ mùa khô và chạy lũ mùa mưa.
Năm nào đại nạn, lũ càn quét dữ quá, không kịp chạy lũ, một hai tầng gác không đủ sức trốn thì phải dở nóc nhà mà leo lên ngồi chờ người đến ứng cứu. Mà khi lũ quét kinh hoàng thì đồng nghĩa mưa tó gió lớn, nước xoáy, nước chảy xiết ... việc ứng cứu sẽ vô cùng nguy hiểm.
Miền Tây mỗi năm sau lũ, tôm cá được mùa, đất đai màu mỡ bên lỡ bên bồi nhưng nơi đây không được như thế. Đất chủ yếu chỉ trồng lạc và ngô. Một năm nói là 2 vụ nhưng thực chất chỉ có một vụ vì khô hạn và lũ lụt đã chiếm mất một phần.
Đến hôm nay, sau cơn mưa trời lại sáng và đang sáng dần lên. Nhịp sống của người dân và vạn vật xung quanh đang dần hồi sinh. Cứ như thế, năm này qua năm kia, từ người già đến trẻ em đều chung sống với lũ như một điều không thể thiếu trong cuộc đời họ. Một cuộc đời quá đỗi lầm than, gian nan, vất vả. Phải chăng vì vậy mà người miền Trung luôn mạnh mẽ, kiên cường, chịu thương, chịu khó, sống tiết kiệm giản dị, đùm bọc yêu thương nhau.
Chuyến đi này đoàn chúng tôi, mục đích chính của nhà dòng các srs là muốn đến tận nơi để viếng thăm người dân, trao tấm chân tình yêu thương ấm áp, để lắng nghe, để thấu hiểu và cảm thông. Chứ không phải chỉ để chia sẻ chút ít vật chất. Vì xét cho cùng, cả đời sống chung với lũ, mọi người đã từng mất mát quá nhiều thứ, thậm chí còn mất cả tính mạng người thân, nên chi ngoài nhận trợ giúp vật chất ra thì đồng bào cũng rất cần sự quan tâm, thương mến, đồng cảm qua sự hiện diện thăm hỏi, động viên, tay bắt mặt mừng.
Các srs chú ý đến vấn đề khắc phục hậu lũ nên các srs lưu tâm việc khám phát thuốc đau bệnh thường thức cho mỗi gia đình, việc vệ sinh phòng dịch sau lũ bằng hàng trăm ngàn lít dung dịch vệ sinh khử khuẩn. Xe tải chở ra trước những thùng dung dịch đậm đặc, rồi ra ngoài đó chính tay các srs pha chế và phân phát cho người dân cũng như hướng dẫn cách sử dụng. Những cái áo ấm cho con trẻ, những chiếc khăn quàng cổ cho mọi người chuẩn bị vào mùa đông tới đây. Những hạt gạo nghĩa tình. Những phong bì giúp cho người dân góp thêm vào việc mua nguyên liệu cho vụ nuôi trồng sắp tới. Những quyển vở, bút viết cho các em học sinh học hành hướng tới tương lai.
Ngoài ra còn có sr chuyên lo vấn đề tâm lý đã có những cuộc trò chuyện tâm tình cùng các phụ nữ có chồng đi lao động phương xa, một mình ở nhà gánh vác việc nhà việc nông và nuôi dạy con. Từ việc xa vợ con, xa chồng con mà cũng có bao vấn nạn hệ luỵ xảy ra. Một thực trạng đáng thương trong hoàn cảnh này. Và học sinh thì không thích đến trường, chỉ mong tới tuổi để đi tìm việc làm, bất luận công việc tốt xấu ra sao không biết. Trước mắt chỉ biết ra đi.....
Sau chuyến đi, chúng tôi mang những ưu tư, trăn trở cùng người dân .... Mong cho có được nhiều hơn những ngôi nhà tránh lũ cho dân. Mong cho mỗi gia đình có được ngôi nhà khang trang hơn để có thể tự mình chống chọi với lũ lụt hàng năm. Mong cho có con đường không còn lầy lội, không còn nguy hiểm cho người dân qua lại. Mong cho con trẻ hiếu học, mong cho phụ huynh nhận thức điều này mà nhắc nhở động viên con em mình chịu học đến nơi đến chốn thì mới mong có cơ hội đổi đời trên chính mảnh đất quê hương mình.
Và riêng tôi, hiểu hơn về người miền Trung. Chỉ một sự yêu thương, đồng cảm và ngưỡng mộ họ thôi
❤️
Cảm thấy mình may mắn với cuộc sống đủ đầy mà lắm khi còn than vãn hay than thân trách phận vu vơ. Cần phải sống tích cực hơn và chung tay cùng nhiều tấm lòng của những người quảng đại để biết cho đi, đi đến với mọi người chung quanh đang rất cần đến chúng ta, gánh nhau trong đời.
Chúng con tạ ơn Chúa, tạ ơn Mẹ đã cho chúng con có cơ hội, có tấm lòng để đến được những nơi cần đến và chuyến đi về bình an.
Chúng con cũng cầu xin Chúa giúp chúng con biết nhận ra Chúa hiện diện nơi những anh chị em khó khăn, vất vả, lầm than chung quanh chúng con bằng những việc làm bác ái cụ thể và thiết thực. Và nhất là xin Chúa cứu giúp cho người dân nơi đây được bình an và hạnh phúc hơn.
 
Chuyến đi 15/11 -22/11/2020.
Thiệu Loan