“Chuyện Xưa Tai Nghe Giờ Đây Mắt Thấy”

Anh em hãy cho họ ăn...

Hương vị, con người và lối sống của người dân Dakar đã dần trở nên quen thuộc với tôi. Sau 6 tháng cách ly toàn quốc vì covid-19, chuyến thăm 2 cộng đoàn fmm ở miền quê mang lại cho tôi thêm những khám phá, và những cảm nhận thực tế về những điều tôi đã từng đọc, từng học hay từng được nghe các vị tiền bối chia sẻ về kinh nghiệm sống tại các miền truyền giáo.

Cộng đoàn tại Ngohe và Mbar cách thủ đô Dakar chừng 4 – 5 giờ chạy xe. Ngồi trên xe, ngắm những cánh đồng khô cháy bất tận, và những người dân thật khác xa với quê hương xứ sở VN, tôi tự nhủ: “ Ồ, quả thật kỳ diệu! mình là một người mãi tận Á Châu xa xôi mà lại có thể hiện diện nơi đây, đặc biệt hơn nữa là đi đến đâu cũng có những chị em thuộc nhiều quốc tịch khác nhau tiếp đón, chị em gặp gỡ nhau tay bắt mặt mừng, rồi cả đến những người dân chưa bao giờ nghe nói tới mà nay gặp tưởng chừng như rất quen thuộc, rất thân thương. Trong lòng tôi rộn vang khúc hát “đi đến nơi xa xôi, giã từ đất nước thân yêu, đến với những người nghèo khó, âm thầm rắc gieo Tin Mừng…” Ah chính là thế đó!

Thế giới chính là nhà”, là quê hương, là xứ sở. Chẳng thế mà có rất nhiều soeurs đến đây truyền giáo trước cả thời “khai thiên lập địa” và ước mong được ở lại nơi đây vĩnh viễn. Tôi nói quá lên thế bởi ví như soeur Suzane, một thừa sai người pháp, trước khi qua Sénégal lập Tỉnh Dòng thì soeur đã qua truyền giáo tại Mauritanie hay Burkina Faso, đến nay soeur đã 94 tuổi mà vẫn vô cùng minh mẫn, vui vẻ, và rất hạnh phúc, khiến cho tất cả những ai đã từng gặp soeur cũng bị thu hút bởi năng lực nội tâm sâu xa toát lên từ một đời sống thừa sai viên mãn. Hay soeur Bice, một thừa sai người Ý, dù bị té phải chống gậy bước đi khập khiễng và nay đã ngoài 80 tuổi vẫn làm hiệu trưởng của một trường Tiểu Học… Tôi miên man suy nghĩ: bởi đâu các soeurs có một sức mạnh truyền giáo kỳ diệu đến thế…? Thoạt nghĩ, tôi đến từ một đất nước đang phát triển, và vào thời điểm này đã là thế kỷ XXI mà cuộc sống nơi đây còn rất hoang sơ, vậy mà cách đây 60, 70 năm, các soeurs là những thừa sai thuộc các nước tân tiến, hoặc có những soeurs là con nhà quý tộc mà có thể bỏ tất cả mọi sự, mạo hiểm đến một nơi xứ xở khô cằn, sống khắc khổ, chấp nhận muôn vàn những thách đố để dựng xây đức tin, phát triển con người với biết bao thành quả thấy được như ngày hôm nay … Càng nghĩ tôi càng thấy thán phục các vị tiền bối và thấy mình còn rất xa « các cụ » nên thầm ước mong và cầu xin cho mình có được một chút «lửa » ấy.

Đang miên man với những suy tư, xe đưa chúng tôi tới một cộng đoàn tại Ngohe, nhìn khuân viên cộng đoàn rất nhiều đất trống, tôi hỏi các chị là sao mình không trồng cây ăn trái, vừa đỡ công chăm, không tốn nước bao nhiêu mà lại có trái ăn. Các chị bảo : nếu trồng cây ăn trái thì người ta sẽ trèo tường vào hái, như vậy rất nguy hiểm và mình thì không thể quan lý nổi…Ngay cả những cây hoa mà những đứa trẻ nhìn thấy còn hỏi « sœur ơi, cái này có ăn được không ?». Tôi thoáng thấy hình như an ninh không được bảo đảm vì cộng đoàn có 5 chị em,  tường xây kín chung quanh và phải đi qua ba cánh cửa sắt mới tới sân, vậy mà vẫn phải thuê bảo vệ coi. Phải chăng cái đói, cái nghèo đã làm cho người ta bất chấp tất cả…?

 

Người ta vẫn nói Châu Phi là nơi khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới. Quả thật khi thấy những cánh đồng khô cháy, những ngôi nhà trơ trọi, những đứa trẻ gầy tong teo, những con ngựa nhặt nhạnh giấy rác hay bất cứ thứ gì trên đường ăn chỉ trừ nilong… tôi rất thấm thía điều này. Người dân ở những vùng quê này chỉ trông chờ mấy tháng mưa để sinh sống. Những tháng còn lại thì coi như là bất lực. Ngay cả nước sinh hoạt họ cũng phải đánh xe ngựa đi mấy chục km để lấy, chưa kể họ phải bỏ bao nhiêu công sức mới có thể trồng trọt hay xây dựng một cái gì đó. Nhưng chỉ một cơn giông bão, lốc xoáy thì coi như không còn gì, mà đã mưa thì rất hay kèm theo gió lốc và sấm sét. Bụi bậm thì dường như quanh năm, bởi những cơn gió từ sa mạc mang theo cát len lỏi đến khắp nơi. Họ phải tốn rất nhiều thời gian lau chùi, có những ngày bụi nhiều thì thật rất nản. Chưa lau xong hết hành lang, quay lại thì bụi đã phủ đầy lớp mới…Thời gian đầu tôi cũng rất « khó thở » với các « mùi vị », hay ngạc nhiên với cách thức sinh hoạt, ăn mặc, hoặc một vài tệ nạn ở đây... Nhưng càng sống, tôi càng thấy thương và nếu đặt mình trong những hoàn cảnh đó thì tôi thấy cảm phục nghị lực của họ biết bao. Có những lần tôi hỏi Chúa : Họ cũng là con cái của Ngài mà sao họ lại phải sống trong môi trường khắc khổ đến thế. Chúa có thấy, Chúa có nghe lời cầu của họ không?

Bấy giờ, Lời này vang lên trong tôi : « Chính anh em hãy cho họ ăn!» (Mt14,16b). Nhưng chúng con lấy gì để cho họ ăn, cách đồng truyền giáo quá mênh mông, mà chúng con lại rất nhỏ bé và yếu đuối. “Hãy đem lại đây cho Thầy” (Mt14,18). Vâng, đem lại cho Chúa tất cả những gì chúng con có, những ước nguyện, cả những yếu đuối, những bất lực của chúng con và để cho Chúa thực thi công trình của Ngài. Vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc1,37). Quả thật, nơi nào có sự hiện diện của Chúa, nơi ấy có tình yêu, có sức sống, và nơi nào có sự hiện diện của Chúa thì ngay cả sa mạc cũng sẽ nở hoa. Phép lạ này đã, đang và vẫn tiếp tục xảy với sự dấn thân không mệt mỏi của các thừa sai.

Maria Terexa Dung,fmm