KINH NGHIỆM TRUYỀN GIÁO TẠI TỈNH DÒNG NHẬT BẢN

Lúc tôi tròn 15 tuổi thì đất nước thống nhất nhưng sau biến cố 1975, đã khiến cho rất nhiều người thất vọng và muốn bỏ nước ra đi. Nhưng tôi thì không bao giờ có ỹ nghĩ ấy. Tôi mang trong lòng một quyết tâm và thề rằng dù có bất kỳ cơ hội nào cũng không bao giờ rời bỏ quê hương xứ sở. Khi bắt đầu tìm hiểu dòng Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ vào năm 1982, tôi biết đây là một Hội Dòng truyền giáo phổ quát, mà nếu đã là một thành viên thì sẽ được sai đi đến bất cứ nơi nào dù đó một đất nước thật xa lạ. Tôi biết rõ đường hướng của Hội Dòng là như thế nhưng tôi nghĩ rằng sống trong một hoàn cảnh như đất nước Việt Nam như thế này thì không bao giờ có chuyện gửi chị em ra nước ngoài ! Nghĩ vậy nên tôi vững dạ an tâm bước vào Dòng và hi vọng lời hứa của tôi sẽ được đảm bảo chắc chắn.

 

 

 

 Năm 2003, chị Giám tỉnh báo cho tôi biết Bề trên Tổng Quyền sẽ sai một chị đi truyền giáo tại Nhật bản và muốn tôi đi cùng. Tôi giật mình và cảm thấy khó chịu trong người. Ngay sau đó tôi gặp Giám tỉnh để trình bày các lý do tôi không thể đi Nhật được. Sauk hi nghe xong, chị bảo tôi đi cầu nguyện và ba ngày sau sẽ gặp lại để bàn tiếp. Ngày hôm sau, trong Thánh Lễ Chúa Nhật, bài phúc âm nói đến việc Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Sao lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên vậy ! Đoạn Kinh Thánh đã làm tôi chạnh lòng và giúp tôi tiếp tục suy nghĩ, cầu nguyện và cảm thấy Chúa kêu mời tôi cởi bỏ cái ý nghĩ ngày xưa ấy và cho phép tôi xóa đi lời thề năm xưa. Tôi nhận được sự bình an và trở lại thưa với chị giám tỉnh là tôi sẵn sàng ra đi. Sau đó tôi được đi học tiếng Nhật ít tháng, rồi được gửi sang Mã Lai học tiếng Anh, đồng thời làm quen với việc sống tính quốc tế của Hội Dòng.

 

Một năm ở Mãlai thật tuyệt vời ! Tôi quen biết nhiều người và học hỏi nơi họ rất nhiều điều hữu ích cho đời sống nhân bản cũng như thêm kinh nghiệm cho sứ vụ truyền giáo. Ngoài việc học tiếng Anh, vào những ngày Chúa Nhật hay lễ nghỉ, tôi được các soeurs và một số nhóm giáo dân giới thiệu làm quen với các nhóm công nhân người Việt đang sống gần chỗ tôi ở. Khi có thời gian, tôi đến thăm, an ủi, động viên, nâng đỡ, giải thích những điều họ không hiểu về Giáo lý. Tôi cùng cầu nguyện chung với họ, đưa họ tới nhà thờ…và giúp những gì có thể cũng như làm trung gian giữa người Việt và Mãlai ; vì hầu hết các công nhân này chưa rành tiếng. Tôi nhận thấy người Mãlai gốc Ấn, Trung Hoa, Indonexia hay người bản xứ rất tử tế và dễ làm quen. Tôi được họ dẫn đi xem nhiều lễ hội của người Mãlai cũng như Lễ của người Hinđu rất thú vị.

 

Một năm sau tôi đến Nước Nhật, tôi không biết gì ngoại trừ chữ cái tiếng Nhật và vài câu chào hỏi, cám ơn bằng tiếng Nhật. Đến Nhật, việc đầu tiên là đi học tiếng. Những tháng đầu đến lớp, thầy cô nói gì tôi chẳng hiểu, có chút vốn tiếng Anh nếu dùng dể hỏi họ thì cũng không trả lời. Lớp của tôi có 15 người đến từ Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ, Hungary, Brazin, Hàn Quốc, Mã Lai, Phi châu, Miến điện, Trung quốc. Trong khóa đầu, tôi được xếp hạng chót vì học chậm nhất lớp, nhưng cũng được chú ý vì là người lớn tuổi nhất. Trong lớp, có những người gặp hoàn cảnh khó khăn bế tắc, họ chán nản, thất vọng trong cuộc sống. Vì biết tôi là một tu sĩ, họ thường đến chia sẻ, hỏi ý kiến, cần lời khuyên, còn ai Công giáo thì họ xin tôi cầu nguyện. Nhờ đó, tôi có dịp nói với họ về Chúa lúc thuận tiện.

 

Trong môi trường này, tôi cảm thấy sứ mạng truyền giáo của mình không bị mai một, ngay cả khi tôi chẳng làm được gì to tát. Có hôm đi từ nhà ga đến trường, chỉ một nụ cười tôi cũng đã làm quen với một người đi cùng chiều, từ nụ cười đó, chúng tôi trở nên thân thiện và tôi đã nghe tiếng được những lời tâm sự. Rồi chuyển những ưu tư của họ thành lời cầu nguyện dâng lên Chúa. Một lần khác cũng tương tự như thế, tôi đã làm quen và nghe tâm sự của một phụ nữ Phi châu. Chị đến từ Mozambic, để lại người mẹ già đang lâm trọng bệnh, người chồng và 3 đứa con. Chị sang Nhật làm Osin kiếm tiền gửi về nuôi 5 miệng ăn. Chị nhớ mẹ, nhớ chồng, nhớ con nhiều lắm và rất nhiều lần muốn bỏ việc về lại quê nhà nhưng về là cả nhà chết đói, nên đành cam phận, biết sao được ! Tôi nghe mà lòng quặn đau. Sau khi chia tay chị tôi đã cầu nguyện và cầu nguyện thật nhiều cho gia đình Chị. Tôi cũng đã chia sẻ điều này với chị em trong cộng đoàn để chị em cùng hiệp nguyện.

Sau hai năm được học Tiếng Nhật, tôi có thể nói và đọc tàm tạm vì tiếng Nhật thật là khó đối với tôi. Rồi tôi được sai đến một cộng đoàn, nơi đó chị em phục vụ cho những bệnh nhân tâm thần. Ngôi nhà chăm sóc những người bệnh, số bệnh nhân trên dưới 10 người mà đa số là bệnh nhân người Việt. Ở đó tôi tham gia công việc nấu ăn, dọn dẹp phòng ốc, thỉnh thoảng đi cùng với nhân viên xã hội đưa họ tới bệnh viện để giúp họ có phần nào an tâm hơn và thông dịch những phần tôi có thể làm được. Ngoài việc này, gần chỗ tôi ở cũng có hơn 200 người Việt sinh sống ; Vì vậy mỗi thứ 7 và Chúa Nhật có những chương trình của họ tổ chức ở nhà thờ hay ở một địa điểm nào đó nơi họ tụ tập là tôi cũng được mời tham gia. Sau khi quen đường đi nước bước tôi bắt đầu mở thêm những chương trinh : lúc thì giúp trẻ học tiếng Việt, dạy giáo lý cho những ai muốn theo đạo (Nói vậy cho oai thôi chứ trong suốt gấn 6 năm tôi chỉ giúp được 3 người lãnh bí tích Rửa tội và 3 cặp hôn phối), sau Thánh lễ đầu tháng có nữa giờ cầu nguyện, chia sẻ, tham vấn, góp ý cho phụ huynh trong việc giáo dục con cái, thăm viếng bệnh nhân tuy không nhiều nhưng cũng rất vui vì có được chút gì góp sức với mọi người mở mang Nước Chúa bằng những cách thức có thể. Số người Nhật theo đạo công giáo rất ít chỉ độ 0,03%, nhà thờ thưa thớt, hiếm hoi nên phải lái xe ít nhất 30 phút để tới một nhà thờ là thường tình. Chỗ tôi ở kiếm mỏi mắt mới ra một người có đạo công giáo mà muốn đến một nhà có đạo phải đi ít nhất nữa giờ xe mới có. Đối với nhiều người Nhật tôi có dịp tiếp xúc, hầu như họ được theo đạo khi đã lớn khôn và cách sống đạo thật sâu nhưng âm thầm, kín đáo có lẽ vì bản chất người Nhật không mấy ồn ào và trong gia đình họ không phải tất cả cùng theo một niềm tin nên họ cũng phải e dè chăng ? Nhiều lúc đi bộ một mình trên đường phố từ ga về nhà, hay trên xe điện cũng như lái xe đi đây đó, tôi miên man tưởng nghĩ những cách thức làm sao để giúp họ biết về Chúa hơn, nhưng khi gặp nhiều người Nhật, thấy họ có nhiều đức tính Nhân bản rất cao, phù hợp với lối sống Tin Mừng tôi cũng được an ủi và vui trong lòng, vì tuy họ chưa biết Chúa bằng ngôn ngữ hay các nghi lễ, giáo lý cách trực tiếp nhưng họ thật đã sống như những người con cái Chúa từ lâu, chỉ tiếc giá mà họ cùng tôn giáo như mình để thêm được biết bao người ca tụng Chúa thì tuyệt vời biết bao. Mỗi khi có dịp tôi cũng nói với họ : Chúng ta là con cùng một Cha trên trời nhỉ !  nhưng mỗi người thể hiện niềm tin bằng những lối sống khác nhau và hy vọng một ngày nào đó sẽ được tái ngộ trên quê trời. Khi nghe thế cũng chẳng thấy ai phản đối. Tôi nghĩ Chúa thông suốt mọi sự, Ngài sẽ có cách để ban ơn cứu độ cho mọi người theo lòng nhân hậu của Người cũng như lòng thành của mỗi người. Quen dần lối sống, cách nghĩ cũng như cách làm việc của người Nhật tôi học hỏi nơi dân tộc này nhiều kinh nghiệm sống thật thú vị làm giàu cho bản thân cũng như cho sứ mạng truyền giáo của tôi mà tôi chưa có dịp để chia sẻ hết trên trang giấy này.

 

Chuyện truyền giáo của tôi thật chẳng có gì đáng nói nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ một kinh nghiệm, mà khi nhìn lại cả một hành trình dài Chúa dẫn tôi đi cho dù có lúc tôi muốn chống lại ý Ngài và tôi đã nhận ra rằng :

-          Bất cứ công việc gì ta làm cũng có thể góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh dù nhỏ bé, âm thầm tới đâu đi nữa.

-          Chúa biết tôi hơn tôi biết tôi nhiều. Chúa chọn cho tôi công việc phù hợp với tôi hơn tôi tưởng. Dù làm bất cứ sự gì hay dùng bất cứ thứ gì trong tầm tay ta cũng có thể làm cho người ta nhận ra Chúa.

-          Vâng phục là giải pháp tốt nhất hơn mọi suy nghĩ, tính toán và lựa chọn của riêng tôi. Những gì mình nghĩ trước mắt chưa chắc đúng trong giờ hiện tại, nên hãy để Thần Khí thúc đẩy từ đó đưa ta đi vào trong Thánh Ý Chúa. Và còn rất nhiều cái đôi khi ta nghe và biết vâng ý Chúa qua những dấu chỉ : Lời Chúa, Bề Trên, biến cố,...

-          Và cứ thế một cái làm tôi thấy rõ nhất là sau những năm đi truyền giáo ở Nhật tôi biết thêm nhiều điều mới lạ, có nhiều kinh nghiệm, có thêm bạn bè và biết tiếng Nhật nữa chứ. Tuy không giỏi nhưng cũng tạm đủ để nói chuyện với người Nhật.

-          Nhớ mãi một câu nói của một ai đó: “điều con mong, con xin, dường như Chúa chẳng cho ; nhưng những thứ con nhận được thì lớn gấp ngàn lần điều con thầm xin và nhận được những điều lòng con chưa từng mơ đến !”

 

Viết đến đâu tôi hằng tạ ơn Chúa đến đó vì Chúa thật tốt lành, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ước mong ai có dịp thử NGHE tiếng Chúa rồi cứ LIỀU thi hành sẽ thấy rõ hơn.

 

    Teresa Cao thi Hoa fmm.