Sứ vụ : Giáo dục - Mục vụ cho người Chăm và giáo xứ Phan Rang
HÔM QUA (1969 – 1975)
Tháp Chàm - Cụm tháp Poklong Garai.
Theo lời yêu cầu của Đức Giám mục Giáo phận Nha Trang, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận và cha Moussay, Hội Thừa Sai Paris, chị Marie Thérèse de Maleissye và chị M. Adéodat đã đến thăm Phan Rang và chuẩn bị thành lập một cộng đoàn mới, phục vụ anh chị em người Chăm, họ thuộc dân tộc thiểu số, có nguồn gốc từ nước Champa vào thế kỷ thứ V đến thế kỷ XII, nước Champa trải dài dọc bờ biển về phía Đông nước Việt Nam, từ đèo Mây đến tận miền Nam bản đảo. Dần dần, họ bị người Việt từ miền Bắc đến chiếm lấn, họ phải trốn lên núi, nơi đây họ chết dần vì khí hậu và bệnh tật. "Người Chăm họp thành những nhóm nhỏ cô lập tại các miền Phan Rang, Tây Ninh, Châu Đốc và một vài tỉnh ở Cao Miên (Campuchia)"[1]
Tin Mừng đến với Dân Tộc Champa
Phái đoàn IOC-Champa với Linh Mục G. Moussay tại Paris
Giáo Hội rất quan tâm loan báo Tin Mừng cho người chăm, nhưng chưa tiếp cận được với họ. Cha Moussay (MEP) tìm cơ hội để tiếp xúc với giới trí thức tại Phan Rang, cha sinh hoạt với khoảng 10 giáo viên, họ là những người không công giáo, nhưng cùng nhau soạn ra quyển Từ Điển Chăm - Việt – Pháp. Cha Moussay cũng chia sẻ công việc nghiên cứu văn hóa Champa : "Bước đầu Trung Tâm đã cố gắng học tiếng Chăm, một quyển Tự điển Chăm- Việt- Pháp được soạn thảo trong hai năm do nhóm sưu tầm của Trung Tâm, sách đã được hoàn thành vào tháng 7/1971. Trong nỗ lực và cố gắng của nhóm, hy vọng theo thời gian, tất cả những tác phẩm Văn Hóa Chăm sẽ được dịch và xuất bản thành sách. Chắc chắn kho tàng văn hóa này đã được anh chị em người Chăm gìn giữ bảo vệ để lưu truyền nét đẹp hào hùng trong quá khứ của họ"[2]
Ngoài ra, cha cũng rất lưu tâm đến những thanh niên có điều kiện học hành, làm sao để giúp cho họ tìm được một người bạn đời xứng đôi vừa lứa. Vì thế cha Moussay đã xin chị Bề trên Giám tỉnh lập một cộng đoàn tại Phan Rang, sứ vụ của chị em là qui tụ các thiếu nữ Chăm đã học xong trung học và chuẩn bị cho họ những kiến thức cơ bản để biết cách chăm lo, quán xuyến… gia đình tương lai. Người Chăm sống theo chế độ "Mẫu Hệ", do đó vai trò của người phụ nữ rất quan trọng trong gia đình.
Năm 1957, Giáo phận Nha Trang vừa được tách ra từ Giáo phận Quy Nhơn, Đức cha Marcel Piquet, Đại Diện Tông Toà tiên khởi đã cho cha Moussay một thuở đất khá rộng để xây Trung Tâm Văn Hoá Chăm. Anh chị em người Chăm rất mong ước được các nữ tu đến phục vụ, những họ xin ít nhất có một nữ tu người Pháp, vì đối với họ, người Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc, nên họ không muốn tất cả các nữ tu là người Việt. Sau khi thăm dò ý kiến các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá và các chị Dòng Chúa Quan Phòng, chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ có thời gian tìm hiểu và học hỏi văn hoá - phong tục của người Chăm, đặc biệt là vai trò của người phụ nữ. Các chị làm một bản Hợp đồng với Toà Giám mục về sự hiện diện của FMM tại Phan Rang như là một Huynh Đệ Đoàn, chưa chính thức là một Tu Viện. Đơn xin thành lập cộng đoàn đã đệ trình lên Hội Đồng Trung Ương ngày 19/5/1969 và đã được chấp thuận ngày 30/5/1969.
Ngày 10/10/1969, chị Paulette Marin, Anna Nguyễn Thị Thất và Maria Nguyễn Thị Phương đến thành lập nhà mới và cộng tác với cha Moussay, Giám đốc Trung Tâm. Các chị bắt đầu dạy Pháp văn và dạy cắt may tại Trường Trung Học Chăm, nhờ đó, chị em có cơ hội liên lạc với các thiếu nữ người Chăm đang học tại các trường ở Phan Rang.
Để có thể tiếp xúc với anh chị em Chăm trong làng, việc trước tiên, lợi dụng những dịp lễ, chị em vào các làng để thăm họ hoặc qua những lần họ đến gặp gỡ chị em. Dịp lễ thanh tẩy một giếng nước và một ngôi nhà mới xây theo đạo Bàlamôn. hoặc tham dự Đại Lễ Hội Hồi Giáo – Chăm, trước tháng ăn chay (Ramadan). Ba ngày trước lễ, tại Đền Thờ Hồi Giáo, cử hành nghi lễ tưởng niệm người quá cố. Họ tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu.
« Trong ba làng chị em đã thăm, vẫn còn vấn đề tranh chấp ly giáo giữa một số gia đình Hồi giáo Mới với người Chăm theo Hồi giáo từ nhiều thế kỷ nay. Linh mục Moussay biết rõ người Chăm hơn là chính người Chăm, ngài cố gắng thoa dịu những tranh chấp cho hết mọi người, không phân biệt tước hiệu đạo nào, trong lúc chờ đợi sự hiệp nhất thành một… " Cha Moussay tiếp tục xây nhiều ngôi nhà nhỏ, trong đó có một nhà, khá đơn giản, dành cho các Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, nhà nguyện ở giữa nhà, nhà tạm được trang trí rất mỹ thuật… Cha nói : Tôi chưa bao giờ dám mơ, nơi một miền truyền giáo mới được thành lập sẽ có nhiều mẫu gương tốt đẹp cách nhanh chóng và rất phù hợp như thế này ".[3]
Chị em chăm sóc khoảng 30 thiếu nữ Chăm nội trú của Trung Tâm Chăm và dạy gia chánh cho tất cả các thiếu nữ. Cha xứ cùng với một nhóm trí thức, tìm cách phiên dịch các tài liệu cổ và dạy tiếng Chăm.
Một phần nhà là tu viện, phần còn lại dành cho các khóa học…
Năm 1970, chị Elthis Linagam, người Ái-Nhĩ-Lan (khấn tạm) đến chia sẻ đời sống với Huynh Đoàn Phan Rang ; nhưng sau vài tháng, chị phải trở về Châu Âu để chuẩn bị tuyên khấn vĩnh viễn. Năm 1972, chị Paulette Marin, sau hai năm phục vụ, chị bị kiệt sức vì khí hậu nóng bức, chị phải đi nghỉ tại Đà Lạt ; chị Madelene Đỗ thị Công đến tiếp tục công việc với chị em còn lại. Lúc này, chị em đang chờ chị May Linda Enriquez, người Phi, vừa mới khấn trọn tại Tỉnh Dòng Phi, và chị Lucienne Phương sắp xong thời gian tập viện sẽ đến Phan Rang. Nhưng điều không may đã xảy ra, ngày 6/8/1972, chị May Linda Enriquez bị chết vì một tai nạn tại đèo Bảo Lộc. Sau đó chị Anna Phan thị Vinh thay thế, công việc ở Trung Tâm ngày càng phát triển mạnh mẽ "sự cởi mở với tính cách hoàn toàn mới mẻ đã thu hút một dân tộc, và đã tạo được sự liên kết với nhau rất nhanh" cho đến năm 1975 .
TỪ NĂM 1975 ĐẾN NAY
Sau biến cố 1975 là một bước ngoặc lớn làm thay đổi những dự tính và đường hướng của cộng đoàn, mời gọi chị em dấn thân vào lãnh vực khác. Tháng 4/1976, chị em phải rời trung tâm văn hóa Chăm vào trừơng huấn nghiệp của nhà xứ để tá túc và sống nhờ lúa gạo giáo xứ. Chị em tham gia việc dạy giáo lý, tr ồng rau, làm ruộng cùng với dân để sinh sống lúc đó chị Maria Trí là phụ trách cộng đoàn. Cha JB Trần Minh Cương là cha chính xứ, cha phó Thomas Nguyễn Thịnh, tạo mọi điều kiện để tiếp đón cộng đoàn hiện diện tại giáo xứ trong giai đoạn rất khó khăn. Chính Ngài sau này đã thương lượng với giáo xứ để chị em mua và có quyền sở hữu số đất hiện nay để có thể xây trường học và nhà cộng đoàn, với điều kiện là chị em phải giúp mục vụ cho giáo xứ.
Việc chăm sóc các anh chị em Chăm với những sinh hoạt của Cha Moussey sau ngày giải phóng không còn được tự do như trước nữa, các em học sinh phải tản mát về làng. Nhưng những năm sau nay, chị Anna Nghi là người chính thức được Tỉnh Dòng sai đến để giúp Anh Chị em Chăm. Đó là hai lý do chị em hiện diện nơi đây. Nhu cầu giáo dục cũng là điểm chị em nhấn mạnh và đưa vào dự phóng là lý do thứ 3 khiến chị em thấy cần hiện diện nơi miền truyền giáo nay, cũng là phương tiện để chị em sinh sống và giúp đỡ những em học sinh nghèo.
SỨ VỤ :
Nhu cầu giáo dục khẩn thiết cho các trẻ em Chăm và Kinh, chị em đã có nhiều nỗ lực để giúp phát triển, thời chị Kim Vân phụ trách, năm 1997, ngôi trường đơn sơ đầu tiên được xây dựng với vài lớp học, đến năm 2009, một lần nữa, thời chị Therese Nguyễn thị Thơ phụ trách, một ngôi nhà khang trang với 10 lớp học được xây dựng, viện đá đầu tiên được đặt vào ngày 19 tháng 3, năm 2009. Với sự giúp đỡ của rất nhiều quý Ân nhân và thân nhân trong và ngoài nước. Sau 9 tháng xây dựng , ngôi trường khang trang được khánh thành ngày 12- tháng 9 năm 2009 và khai giảng niên học đầu tiên 2009-2010. Sỉ số học sinh ngày càng tăng, vì vậy phải sửa thêm 2 phòng cũ để đón tiếp thêm 100 cháu nữa. Như vậy ,hiện tại trường gồm 12 phòng học, trên lầu dành cho các môn về năng khiếu ( đàn, thể dục nhịp điệu …) Chị em đã xin các hội từ thiện như Hội Enfant du Mekong và L’Avenir des Enfants “, qũy Marie de la passion trợ giúp các em Chăm và kinh nghèo, số em được trợ giúp chính thức và không chính thức khoảng gần 200 em. Nhờ vậy các em có điều kiện đến trường, chị em quan tâm đến những em mồ côi cha hoặc mẹ, có em đã học đến Đại Học và có điều kiện để giúp gia đình, nhưng đa số dân vẫn rất nghèo, nên các em phải bỏ học, phần vì nghèo, phần vì mất căn bản.
Năm 2000-2007 chị em cộng tác với cha JB Trần Minh Cương lập nhà nội trú cho các em Chăm mồ côi. Nhăm đến việc giáo dục đức tin và nhân bản cho các em.
Sau đó 1 giáo dân, chị Bông là người Chăm trực tiếp cộng tác với cha lo cho các em. Vài năm sau, các chị Tu Hôi Thừa Sai Chúa Yêsu do cha JB Trần Minh Cương sáng lập, thay thế chị em chăm sóc các em. Chị em cộng tác với các cha xứ liên hệ với các làng để thăm viếng hoặc giúp đỡ, tham dự các lễ hội của anh chị em Chăm, thăm viếng gia đình dịp tết của các nhóm Bani hoặc Bà la Môn. Tham dự các lễ an táng, Chi em cũng xin ân nhân giúp họ phát triển, đào ao để có nước vào ruộng, mua máy moteur và làm giếng cho các làng nghèo nhất. Chị em ước mong có nhân sự để khích lệ các Anh Chị em chăm đã được rửa tội, nhưng vì nhiều hoàn cảnh không còn giữ đạo.
Chị em cũng tích cực tham gia việc làm đẹp Nhà Chúa, trao MÌnh Thánh Chúa cho bệnh nhân, thăm viếng người già, giúp dạy giáo lý, dạy nhạc và giúp nhiều nhóm khác nhau: Hội Con Đức mẹ, Huynh trưởng Thiếu Nhi, các ca đoàn Thiếu Nhi và thanh niên, …
Các nhiệm kỳ các chị Phụ trách :
1- 1969- 1972 : Soeur Marie Paul de la Croix .
2- 1972-1975 : Chị Madelein Nguyễn Thị Công thay thế .
3- 1973- 1979 : Chị Rosa Đặng Thị Vinh
4- 1980 – 1987 : Chị Maria Nguyễn Thị Trí
5- 1987-1992 : Chị Anna Lê Thị Thái Bình
6- 1993-1995 : Chị Therese Trần Thị Bạch Yến
7- 1996 : Chị Anna Đặng Thị Vinh
8- 1997- 1999 ; Chị Anna Lê Thị Thái Bình .
9- 1999- 2002 : Chị Therese Lê Thị Kim Vân
10- 2002-2008 : Chị Anna Phan Thị Nghi .
11- 2008- 2010 : Chị Therese Nguyễn Thị Thơ
12- 2011 : Chị Maria Nguyễn Thị Loan
Dưới đây là một số hình ảnh của chị em.
[1] Lê Thành Khôi, Le Viet Nam, Histoire et Civiliisation, tr. 52
[2] LM Gérard MOUSSAY, MEP, Bài giảng ngày 04 tháng 04 năm 1971
[3] M. Thérèse de Maleissye, Báo Nội Bộ - Nhật ký về một Chuyến đi tháng 09.1970.