CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ PHÙ HỘ LA QUA. ĐIỆN BÀN, QUẢNG NAM ( 1937-1945)

“La Qua đã đi vào lịch sử!” Linh mục Trần Phổ “ than thở” như vậy. Nhưng thưa cha, biết đâu một ngày trong tương lai, các nữ tu thân yêu “ các thiên thần của Chúa, các thiên thần hòa bình và vui tươi” sẽ viết tiếp lịch sử hội dòng FMM trên vùng đất nầy!

 

NỮ TU PHAN SINH THỪA SAI ĐỨC MẸ

CỘNG ĐOÀN ĐỨC MẸ PHÙ HỘ LA QUA.

ĐIỆN BÀN, QUẢNG NAM.

 ( 1937-1945)

Vào thập niên 1930, các chị Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ (Franciscaines Missionnaires de Marie, TMM)  đã bắt đầu hoạt động  giúp Trại Phong Qui Hòa. Công việc của các chị vẫn tiếp tục cho đến hôm nay. Sự việc bắt đầu với Đức Cha Grageon Mẫn , cha Paul Maheu, cùng bác sĩ Le Moine chọn địa điểm Xóm Cát bên kia ngọn đồi nhỏ Ghềnh Ráng, Qui Nhơn làm nơi sinh sống lâu dài cho những con người khổ đau bị xã hội hất hủi. Công việc chuyên môn sau đó được sự hỗ trợ của các nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ gốc Pháp. Năm 1932, các chị chính thức bắt tay vào việc.

Bệnh nhân nổi tiếng nhất Qui Hòa như chúng ta biết là thi sĩ Hàn Mặc Tử , người đã kín đáo ca tụng các chị, các mẹ là “ Anges du Seigneur, anges de paix et de gaité” (các sứ thần của Chúa, sứ thần bình an và vui tươi) trong bài thơ viết bằng Pháp ngữ, bỏ trong túi áo trước khi qua đời. Sự tận tụy phục vụ của các mẹ các chị đã khiến Đức Giám mục kế nhiệm J. Tardieu tin tưởng và yêu cầu các chị ra miền cực Bắc địa phận Qui Nhơn tức tỉnh Quảng Nam để thiết lập một trạm phát thuốc và sau đó thành lập một trường nữ trung học đầu tiên tại Điện Bàn, Quảng Nam.

Qua thương lượng giữa Đức cha J. Tardieu Phú, Giám mục Địa phận Qui Nhơn và  hương chức làng La Qua, tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tất cả thuận ký biên bản  “Contrat de cession des terrrains de La Qua” (Hợp đồng chuyển nhượng đất La Qua) với mục đích xây dựng cơ sở từ thiện và giáo dục. Việc nầy chắc có sự hổ trợ tinh thần của Tổng Đốc Ngô Đình Khôi. Giấy ký ngày 9 tháng 8 năm 1935 tại La Qua. Chuyển đến phủ Điện Bàn và dược Tri phủ ký ngày 11 tháng 10 năm 1935. Kế tiếp chuyển về Huế  để xem xét và được phê duyệt ngày 20 tháng 4 năm 1936. Theo đó hương chức và chủ đất thuận nhượng 6 mẫu đất ruộng cho Giáo hội và nhận số tiền 1500 đồng Đông Dương chia ra 520 cho công quỹ  và 980 đồng cho các chủ đất. Sau cuộc đình chiến năm 1954, Giáo hội xác nhận lại chủ quyền.  Ngày 4 tháng 9 năm 1963,  trưởng ty điền địa Quảng Nam Lê Chí Thành công nhận lại diện tích lúc nầy còn một hecta, 73a, 80m. Từ 1975, thấy địa phương dùng làm sân bóng đá, rồi nhà cửa, xí nghiệp mọc lên… không rõ thế nào! Giáo hội địa phương lưu ý và hy vọng các quan chức huyện Điện Bàn sẽ quản lý tốt khu đất trên đừng để rơi vào tay tư nhân, tránh rắc rối sau nầy.

MỘT ĐỒNG VÀNG ” GÁNH DƯA”

MỘT TRĂM ĐỒNG VÀNG ” ĐỘC LƯ” .NGUỒN INTERNET.

Tôi không rõ giá thị trường thời ấy thế nào, nghe nói chỉ cần 5 đồng bạc (gánh dưa) là có thể lập gánh hàng xén. Một ngôi nhà rường chạm trổ tinh vi, gỗ quý giá 2, 3 trăm đồng. Một nghìn năm trăm bạc Đông Dương không phải là ít.

Khi tìm hiển về  cơ sở nầy, chúng tôi được nhiều người vùng Duy Xuyên, Điện Bàn  nhắc lại,  họ còn sống sót là nhờ mấy “bà xơ” ở La Qua cho thuốc men. Sau nầy, đọc cuốn Lược khảo lịch sử Tỉnh Dòng Anh em hèn mọn Việt Nam do linh mục  Antôn – Maria Trần Đức Phổ Ofm biên soạn căn cứ vào sử liệu còn lưu trữ  ở Pháp, tôi tìm được những thông tin sau:

 “La Qua thuộc tỉnh Quảng nam, các Đà Nẵng 20 km, cách Hội An 6 km. Hội An là một thị trấn lịch sử. Nơi đây 300 năm trước, các thừa sai tiên khởi đã đặt chân lên và lập ra Địa phận Đàng Trong. Trong khuôn viên nhà thờ hiện nay còn có mộ phần Giám mục Valere Rist, thừa sai Phan Sinh người Đức, qua đời ngày 13-9-1737.( ?)

La Qua. Lúc các nữ tu thừa sai Đức Mẹ đến, là một làng trăm phần trăm lương dân. Cộng đoàn được thành lập đầu tháng 11- 1937. Hai chị Gisèle và St Quentin từ Qui Hoà ra cuối tháng 10- 1937. Vì đây là một cơ sở từ thiện, nên đất được Tổng đốc Quảng Nam. Lúc ấy là Ngô đình Khôi, cấp. (? )Một nếp nhà sẽ là tu viện, cũng được xây cất trước lúc các chị đến.

Các chị đặt tên cho cộng đoàn thứ ba ở Việt Nam nầy là Cộng đoàn Đức Mẹ Phù hộ, vì La Qua ở gần họ đạo Phước Kiều, thuộc hạt Trà Kiệu. Trà Kiệu là một họ đạo cổ kính được lập từ thời các thừa sai tiên khởi,. Ở Trà Kiệu có đền Đức Mẹ Phù hộ Kẻ có đạo. Tương truyền Đức Mẹ đã hiện ra. Bảo vệ giáo dân, tai qua nạn khỏi, thời chiến tranh. Giáo dân xây đền trên đồi cao để kính nhớ. Đền rất thiêng.

Hoạt động truyền giáo của các chị ở dây. Dự định, về xã hội sẽ mở trạm phát thuốc miễn phí cho dân nghèo. Về giáo dục sẽ mở trường trung học cho nữ sinh Quảng Nam, khỏi ra Huế xa xôi.

NHÀ NGUYỆN LA QUA.

NHÀ DÒNG LA QUA.

Sau khi đã ổn định nơi ăn chốn ở, các chị bắt đầu học tiếng Việt với em Maria Anne, con quan phủ và em Maria Catherine, em một y tá ở Vĩnh Điện. Hai em biết ít nhiều tiếng Pháp. Hai em tới giúp các chị từ những ngày đầu mới đến. Em Maria Catherine sau vào dòng. Đó là chị Maria Catherine Trần thị Thêm. Các chị cũng bắt đầu tiếp xúc với dân làng. Các chị nhận định, người dân ở đây hiếu khách, lịch sự, chân thành. Mỗi lần vào làng, mỗi lần trẻ em xúm xít, cười nói thân mật, dẫn đường. Các bà mẹ bồng con, đứng ở cổng, chờ đợi nơi các chị một nụ cười. Thỉnh thoảng có người đem quà tới biếu.

Công tác xã hội khởi đầu bằng một trạm phát thuốc. Trạm tuy nhỏ, nhưng lễ khánh thành lớn. Có đủ quan khách đạo đời, lớn nhỏ tới dự. Ngay hôm mở cửa, bệnh nhân đã kéo đến đông. Các chị giới hạn vào khoa nhi, chữa bệnh bà già, trẻ con. Còn bệnh nhân nam, do ông y tá, anh chị Maria Catherine chữa trị. Bệnh trẻ em đủ thứ, cảm sốt, ho hen, suy dinh dưỡng, nhất là mụt lở. Các chị đã mất nhiều thời giờ để băng bó, vì cha mẹ các em đắp chỗ mụt lở đủ thứ lá cây đâm dập hoặc dán đủ thứ thuốc cao đen ngòm. Trước lúc xức thuốc và băng bó, phải rửa thật sạch.

CÔNG VIỆC TẤT BẬT VÌ QUÁ NHIỀU BỆNH NHI!

BÉ GÁI NẦY NẾU CÒN SỐNG ĐÃ GẦN 80 TUỔI!

Thuốc do Mẹ Majella từ Paris gửi sang. Ông Bác sĩ Pháp, giám đốc nhà thương Hội An, mỗi tháng đến giúp khám bệnh một lần. Gặp trường hợp nặng, ông cho chở về nhà thương điều trị. Thuốc từ Pháp gửi sang, ông lựa ra từng thứ và hướng dẫn sử dụng.

Người dân ở các xóm xa cũng bồng con đến. Có những bà mẹ chèo thuyền suốt đêm, để kịp xin thuốc buổi sáng. Do đó, trạm có một hình thức phát thuốc thứ hai: các chị thay phiên nhau, hai chị phát thuốc ở trạm xá, hai chị mang thuốc đến tận các xóm nhỏ, rải rác giữa cánh đồng mênh mông. Địa điểm phát thuốc là sân rộng của một nhà khá giả hay sân đình làng. Để di chuyển, các chị có một xe ngựa.

Trạm phát thuốc miễn phí. Vì thế bệnh nhân biết ơn, thường đem gà vịt, trái  cây đến biếu. Các chị rất được người dân thương mến.

Cũng có lần các chị đi xa, đến Chảm Phô, (Thắc mắc của Linh mục Antôn Trường Thăng : Chàm Phố? Cẩm Phô? Tại sao là một hòn đảo? ) một hòn đảo ở phía ngoài Hội  An. Vì đầu thế kỷ XVII, Nhật Bản bách  hại đạo, một số giáo dân lưu vong, sang sinh sống ở đây. Đức cha De La Motte Lambert, đại diện tông tòa tiên khởi địa phận Đàng Trong, lúc mới ở Tây phương sang, đã đến Chảm Phô năm 1682 và đã hội các thừa sai ở đảo này, dân trên đảo toàn tòng. Đến đời Minh Mạng, Tự đức bắt đạo, dân ở đây điêu vong. Từ đó chỉ có người bên lương đến ở.trước lúc các chị đến La Qua vài năm các thừa sai đã đến nghĩ lại việc lập lại họ đạo lịch sử này.đã có một số lương dân trở lại. Một lễ rửa tội long trọng được tổ chức. Các chị đến tham dự và đã không quên mang thuốc theo giúp bệnh nhân. Các chị hứa sẽ không bỏ quên người dân sống trên đảo.

Ngày 27-9-1938, ở La Qua xảy ra nạn lụt lớn, chưa từng có từ trước. Trời mưa tầm tã suốt đêm ngày. Con đê dọc theo bờ sông và dọc theo đường xe lửa bị vỡ ở Kỳ Lam. Nước tràn xuống làng rất nhanh. Dân làng gỡ mái tranh và gác ván lên đầu cột nhà để ở. Ở cộng đoàn, ba chị đi Qui Hòa tĩnh tâm vắng nhà. Đêm đến, quan phủ cho một chiếc thuyền và cô Maria-Anne đến đưa hai chị ở nhà lên trên thuyền. Từ nữa đêm về sáng, nước rút dần. Trong tu viện nước ngập cao 1m50.

Hậu quả tai hại của nạn lụt làm chao đảo dự án xây trường học. Các chị muốn tìm chỗ  đất cao trên đường đi Hội An. Đức Giám mục Tardieu, cha sở Phước Kiều và ông Tổng đốc Quảng nam không muốn theo dự án và đề nghị xây nhà sàn. Vấn đề đang được trao đổi, bỗng bên Tây phương xảy ra Đệ Nhị Thế chiến. Việc xây trường không được nói đến nữa. Và từ năm 1940 đến nắm 1946 chị em mất hết thư từ liên lạc với Tỉnh Dòng”.

(Lược khảo lịch sử Tỉnh Dòng Anh em hèn mọn Việt Nam, Antôn – Maria Trần Đức Phổ Ofm, trang 101-104)

Đoạn văn trên giúp chúng ta hình dung công việc bác ái từ thiện của các nữ tu Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ Pháp, Việt tại đất Quảng. Đoạn kế tiếp kể lại nổi truân chuyên của các nữ tu, các chị lên núi Bà Nà lo cho các sản phụ và con em Pháp kiều, sau đó Nhật đảo chánh Pháp, Việt Minh cướp chính quyền, các  chị tuy bị tập trung về Huế nhưng vẫn tiếp tục công việc phục vụ tại bệnh viện, nơi tập trung đủ loại thương binh Việt , Pháp, Nhật, Trung quốc ( sang giải giới Nhật)…không phân biệt màu da, tiếng nói, chính kiến… Đúng là các bông hồng giữa cơn bão lửa để rồi cuối cùng các chị lại tập trung về Đà Nẵng và tháng 6- 1947 đáp tàu Le Pasteur về Pháp.

Gần đây, tôi liên lạc được với các chị hiện làm việc tại Sài Gòn và nhận được những hình ảnh cụ thể về cộng đoàn nầy.

“La Qua đã đi vào lịch sử!”

Linh mục Trần Phổ “ than thở” như vậy.

Nhưng thưa cha, biết đâu một ngày trong tương lai, các nữ tu thân yêu “ các thiên thần của Chúa, các thiên thần hòa bình và vui tươi” sẽ viết tiếp lịch sử hội dòng trên vùng đất nầy!

HỘI AN, ngày 6 tháng 8 năm 2011.
Lm Antôn Nguyễn Trường Thăng.