“CÂY CÓ CỘI …”
Mừng 80 năm Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện trên Đất Việt. Tám mươi năm hồng ân, tạ ơn Thiên Chúa, tri ân giòng đời… và cũng là tám mươi năm của một chặng đường đầy hy vọng trong thử thách gian lao.
“Từng ngày sống, từng hơi thở, từng nhịp đập” của mỗi con tim Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Việt Nam đã, đang và sẽ… cùng nhau đan kết, dệt nên một bản trường ca bất tận trong tình thương vô biên của Thiên Chúa trong giòng lịch sử của Hội Thánh và quê hương Nước Việt.
“Cây có cội, nước có nguồn…”. Vâng, là con người ai cũng “có Tổ có Tiên…”, có một cội nguồn, có một quá khứ đắp xây cho hiện tại và tương lai … Hôm nay, nhìn về quá khứ, 80 năm qua của Tỉnh Dòng, chúng con xin chân thành “cảm mến, tri ân sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa, đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Tỉnh Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ và đặt để Tỉnh Dòng hiện diện trên đất nước Việt Nam” (HĐGMVN Thư Chung 1980, số 17) ; đồng thời chúng em không thể không biểu tỏ tâm tình tri ân đến từng chị đã vun xới, chăm bón cho cây non Tỉnh Dòng ngày càng phát triển, lớn mạnh. Biết bao công khó các chị đã trải nghiệm, nhất là trong giai đoạn khởi đầu của Hội Dòng tại Việt Nam. Sức sống trưởng thành của Tỉnh Dòng hôm nay là thành quả của 80 năm qua Đoàn sủng của Hội Dòng đã được các chị vun trồng.
Là nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, mỗi chúng ta được sai đến trong lòng Hội Thánh và dân tộc Việt Nam, “chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước... Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ...” (Đd, số 9).
Vì, trước khi là một nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, chị và tôi, chúng ta đã là người công giáo Việt Nam; trước khi là một công dân Nước Trời, chúng ta đã là người Việt Nam.
Là con dân Đất Việt, chúng ta được mời gọi sống với quê hương, cùng đồng hành với dân tộc, cùng chia sẻ một vận mệnh chung với đồng bào anh chị em... (Đd).
Nhưng,
Để có thể sống với, sống cùng và sống sẻ chia…?
Tôi đã biết gì về cội nguồn dân tộc và đất nước của tôi? Lịch sử quê hương tôi đã trải qua những vinh nhục, thăng trầm, thử thách nào? Tổ tiên tôi đã sống cuộc đời họ ra sao?
Quê hương Việt Nam, Hội Thánh Việt Nam và Hội Dòng tại Việt Nam đã được hình thành như thế nào để có thể vươn lên và đứng vững đến hôm nay?
Tôi đã biết gì về những tấm gương anh dũng, can trường hy sinh bản thân của các bậc tiền nhân để bảo vệ và xây dựng Quê hương Đất Việt cũng như Hội Thánh và Hội Dòng thân thương! Biết bao giọt mồ hôi, xương máu của họ đã đổ ra, thấm đẫm trên mảnh đất nhỏ bé này, để giữ gìn gia sản của Tổ Tiên bao đời! Nói làm sao hết ý, viết làm sao hết tình để diễn đạt trọn vẹn tấm chân tình vì quê hương, vì dân tộc, vì đạo Chúa, vì tinh thần Dòng của con cháu Lạc Hồng đã trải qua hơn Bốn ngàn năm Văn hiến.…
Bởi vì dân gian vẫn thường nói “Vô tri bất mộ - Không biết thì không yêu mến”. Vậy để cùng sống, cùng đồng hành, cùng chia sẻ một vận mệnh với Đất Nước, với Dân tộc, với Hội Thánh và Hội Dòng tại Việt Nam, chúng ta cần phải “biết”.
“Biết” để chúng ta sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và ghi ơn các vị tiền nhân. Biết để chúng ta yêu mến, trân trọng, giữ gìn và tiếp nối gia sản quý báu của Mẹ Việt Nam, Mẹ Hội Thánh và của Hội Dòng.
“Biết” để chúng ta luôn ý thức về một nguồn cội “tôi là người Việt Nam, là người công giáo Việt Nam, là nữ tu Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam” để chúng ta sống trung thành hơn với ơn gọi và lời mời gọi...
“Biết” để chúng ta không dễ dàng nhẹ dạ tha hóa trong một xã hội đang phát triển nhanh chóng và không ngừng…
Làm sao chúng ta có thể là người sống vô ơn khi tổ tiên chúng ta đã vì mảnh đất thân thương này mà khẳng khái: “Thà làm quỷ Nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc” (Trần Bình Trọng). Một tâm tình đầy kiên quyết vì đất nước, dân tộc của một Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Nếu Bệ Hạ (Vua Trần Nhân Tông) muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi trước đã rồi hãy hàng”. Một vị vua (Trần Thánh Tông) nhân từ nhưng cũng rất anh minh, nhờ đó Việt Nam mới có một “Hội Nghị Diên Hồng, 1284” nên hòa hay nên chiến và toàn dân đã một lòng “Quyết chiến”.[1] Từ đó Dân tộc Đại Việt đã chiến thắng ngoại xâm và thề quyết: “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông…” (Lê Thánh Tông, 1442 – 1497).
Làm sao chúng ta có thể sống như không thể có niềm tin trước những hy sinh thà mất mạng sống chứ không từ bỏ đức tin của hàng trăm ngàn nhân chứng anh hùng tử đạo Việt Nam “Hỡi anh chị em, đối với Chúa Giêsu rất yêu dấu, chúng ta hãy lấy tình yêu mà đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết và đau khổ vì chúng ta, chúng ta hãy lấy sự sống mà đáp lại sự sống” (Chân phước Anrê Phú Yên).
Làm thế nào mà chúng ta có thể quên những hy sinh gian khó của các bậc lão thành đã dày công xây dựng Tỉnh Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam trong giai đoạn khó khăn thử thách để khai sinh Hội Dòng trên đất Việt?
Từ những tư tưởng trên, cuốn Lịch sử Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Việt Nam Tập I (dùng trong nội bộ) được phác họa và nội dung hình thành dựa trên Ba phần chính này:
Lược sử Nguồn Cội Đất Nước, Con Người, Văn hóa Việt Nam
Lược sử Hội Thánh Việt Nam
Dòng Phan Sinh Đức Mẹ tại Việt Nam
Ba trong Một và Một trong Ba: Là tín hữu chúng ta tuyên tín sống Ba nhân đức Tin, Cậy, Mến vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi; trong lòng Hội Thánh có Ba Mầu nhiệm chính trong đạo v.v…; là tu sĩ, chúng ta khấn giữ Ba Lời Khuyên Phúc Âm; là nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, chúng ta cam kết thực thi Đoàn sủng của Dòng trong Ba chiều kích: Hy Lễ, Thờ phượng và Thừa sai theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh, Đức Maria và Thánh Phanxicô (HP. PSTSĐM. 87); là con dân Nước Việt, Cha Ông ta đã dạy: “Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” (Tục ngữ VN).
Song để đạt được tâm nguyện này, tôi thật sự chỉ xin làm công việc của một “con ong cần mẫn, thu gom từng phấn hoa để góp phần nhỏ bé làm nên chút mật” cho chị em để từ đó chị em nghiên cứu thêm... Vì kho tàng kiến thức nhân loại ngày nay rất phong phú và đa dạng.
Thứ đến, khi nói đến vấn đề lịch sử, trải nghiệm cho chúng ta thấy lịch sử là trình bày những gì thuộc quá khứ; mà quá khứ luôn được các chuyên gia “đào xới” mỗi ngày, năm này qua năm nọ, đời này qua đời kia, đặc biệt trong vấn đề tìm về nguồn cội của một đất nước, một dân tộc... vì thế có thể những khám phá của ngày hôm nay khác với những điều ta đã được dạy và được học hôm qua hay ngày mai... bởi vì không có gì bất biến trong cuộc sống này ngoài Thiên Chúa.
Sau cùng, tự đáy lòng, và có lẽ cũng là của từng chị em… trong Tỉnh Dòng xin được gởi đến chị Madeleine Nguyễn thị Triệu (M. Clara), chị giám tỉnh đầu tiên của Tỉnh Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Việt Nam lời cám ơn chân thành. Cám ơn Chị đã làm một nỗ lực hết sức lớn lao cho Hội Dòng và Tỉnh Dòng Việt Nam qua những chứng từ mà chị đã trân trọng lưu giữ, chắt chiu tìm kiếm để viết lên cuốn I Lịch sử Tỉnh Dòng này. Ngày hôm nay, nhiều chứng từ phong phú và sống động của các chị mà chị em đọc được giúp chúng em như sống lại cùng thời với các chị thuở hàn vi năm xưa; giúp chúng em biết được, cảm nhận được những hy sinh lớn lao mà từng chị đã chung tay xây đắp để hình thành Tỉnh Dòng hôm nay. Những nữ tu can trường, khiêm tốn nhưng là những vị “khai quốc công thần” đã từng hy sinh từ bỏ tất cả để khai sinh Hội Dòng trên đất Việt. Các chị đã sống và đã, hoặc còn đang hoàn thành danh xưng là “Con Rồng Cháu Tiên” và là “con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam”.
Những chứng tích của 80 năm qua đã làm nên những trang sử tuyệt đẹp cho Hội Dòng và Tỉnh Dòng tại Việt Nam. Các chị đã thi hành sứ mạng này cách bình an, hạnh phúc và tràn đầy hy vọng dù bên cạnh đó không thiếu những thách đố của hy sinh, từ bỏ…80 năm, thời gian không ngắn nhưng cũng không thừa so với đời người như Thánh vịnh 89,10 nói: “Mạnh giỏi chăng là được 80…”.
Vui mừng và hy vọng 80 năm bước tới, các nữ tu Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ tại Việt Nam sẽ dâng nhiều chứng từ và kỳ tích để vinh quang Nước Chúa hiển trị trong lịch sử Hội Dòng, Tỉnh Dòng ngày mai.
Mừng 80 Năm Dòng PSTSĐM tại Việt Nam
(1932-2012)
Maria Đặng Hoàng, fmm.