MỪNG 80 NĂM CHỊ EM DÒNG PHAN SINH THỪA SAI ĐỨC MẸ PHỤC VỤ TẠI QUI HÒA

Tất cả các hoạt động của chị em ở Qui Hòa là nhằm phục vụ anh chị em bệnh nhân phong và con em họ, không phân biệt lương giáo. Chị em có thể làm tốt được công tác phục vụ này là nhờ sự quan tâm giúp đỡ quảng đại của rất nhiều ân nhân xa gần và nhất là của Hội Dòng hỗ trợ góp phần vào. Sự tận tâm phục vụ bệnh nhân của chị em đã không ngừng khơi dậy lòng hảo tâm của biết bao người vì yêu thương mà muốn chia sẻ những gì mình có cho người khác, nhất là cho những người bệnh phong kém may mắn, để giúp họ sống vui và sống hạnh phúc hơn vì biết rằng mình đang được yêu thương.

 

MỪNG 80 NĂM CHỊ EM DÒNG PHAN SINH THỪA SAI ĐỨC MẸ
PHỤC VỤ TẠI QUI HÒA

Qui Hòa là một làng nhỏ xinh xắn nằm ở phía nam Thành phố Qui Nhơn, cách trung tâm thành phố chừng 7 cây số, ở giữa là một dải cánh đồng với vùng bình nguyên rộng là khu bệnh viện, tu viện và dân cư, ba phía bắc - tây - nam có núi đồi bao bọc, phía đông là bờ biển nhìn ra vịnh Lang Mai... Với bờ cát dài trải rộng, bãi biển Qui Hòa có hình vòng cung làm nên phong cảnh tuyệt vời: biển thắm - trời xanh - cát vàng trông thật đẹp... Thế nhưng để đến được Qui Hòa nếu đi từ Quốc lộ 1 đường mới, không qua ngõ đèo Cù Mông, thì từ đầu đỉnh đèo trước khi vào Qui Nhơn, rẽ phải xuống thẳng thung lũng Qui Hòa, hoặc từ Qui Nhơn đi lên qua một con đèo nhỏ ngoằn ngoèo và hiểm trở dài chừng 3 cây số, ngang qua Ghềnh Ráng là nơi có mộ phần của Thi sĩ nổi tiếng Hàn Mặc Tử, người mà tên tuổi vẫn luôn gắn liền với địa danh Qui Hòa là nơi anh đã sống và sáng tác nên những vần thơ bi tráng trác tuyệt... Phải, vì nơi đây chính là một trại phong lớn nhất nhì Đông Nam Á thời trước 1975, và Hàn Mặc Tử là một bệnh nhân phong đã được các "Thiên Thần Áo Trắng" ở đây chăm sóc cho đến cuối đời...

Đi ngược dòng lịch sử, vào năm 1929 Bác sĩ LEMOINE là Giám Đốc Bệnh Viện Qui Nhơn đã cùng với Cha Paul MAHEU, một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) gây dựng nên trại phong tại Qui Hoà. Điều 2 vị mong ước là giúp cho các bệnh nhân phong được sống hạnh phúc - tự do, và tạo cho các anh chị em này một nơi ở dễ chịu, một cuộc sống thoải mái. Ai trong chúng ta cũng biết rằng bệnh phong vào thời ấy là bị xem là một chứng bệnh nan y gây nhiều sợ hãi cho mọi người, nhưng các bệnh nhân phong hẳn cũng có quyền có được một nơi ở xứng đáng, và việc thành lập trại phong là cách chăm sóc, nâng đỡ, chữa trị tốt nhất cho các bệnh nhân đáng thương này... Cuối năm 1929 ở đây đã có 52 bệnh nhân và từ 1930 bệnh nhân từ các tỉnh kéo đến ngày càng đông. Nhu cầu ngày càng nhiều, Cha MAHEU đã nhờ Đức Cha Tardieu, Giám mục Qui Nhơn lúc bấy giờ xin các Nữ Tu đến giúp. Mẹ St Michel, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ chấp thuận và hứa sẽ gửi 6 nữ tu sang phục vụ tại Qui Hoà. Sau đó Cha Paul Maheu kiệt sức vì phục vụ anh chị em phong đã phải về Pháp chữa bệnh, và qua đời tại Pháp vào ngày 27.2.1931.

Vào tháng 10 năm 1932, 5 chị em Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tiên khởi đã đến Việt Nam phục vụ bệnh nhân phong. Từ những cơ sở rất sơ sài ban đầu, chị em xây dựng nên nơi chốn cần thiết để phục vụ người bệnh. Vì là nơi thuộc vùng bờ biển Miền Trung nên Qui Hòa cũng không thoát khỏi những đợt bão lụt hàng năm. Đặc biệt năm 1933, một trận bão kinh hoàng làm sập đổ nhà cửa, chị em phải bắt đầu lại tất cả...  Lần này chị em phải tìm xin kinh phí để xây dựng lại các khu làng và bệnh viện cho anh chị em bệnh nhân phong với nhà cửa quy mô và kiên cố hơn, móng nền cao hơn, để có thể đứng vững trước các trận mưa bão lớn thường xảy ra. Nhờ các ân nhân xa gần, cơ sở được gầy dựng dần dần, từ nhà ở ban đầu, đến phòng cho người bệnh nặng, rồi các khoa phòng của bệnh viện được hình thành...

Mẹ Charles Antoine người Pháp là một kiến trúc sư trước khi vào tu dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, khi được giao điều hành trại phong này, Mẹ cùng với chị em đã có sáng kiến tổ chức đời sống cho các bệnh nhân phong. Mỗi khi đi đâu thấy kiểu nhà nào hay, Mẹ lại quan sát để khi về thiết kế xây dựng những kiểu nhà khác nhau cho các gia đình bệnh nhân phong. Mỗi ngôi nhà một vẻ, và cũng nhờ các Mẹ mà các loại công việc khác nhau phù hợp với khả năng của bệnh nhân phong đã hình thành. Trại lúc này đã tổ chức thành một ngôi làng, có đường phố, nhà cửa sạch sẽ - mỗi nhà có vườn trồng hoa, có chợ, trường học cấp một, có các xưởng ngành nghề thợ mộc, thợ rèn, thợ hàn xì, thợ hồ, đúc gạch bông, mài granitô... Các ngành thủ công nghệ như dệt vải, dệt chiếu, đan, may, thêu, vẽ... giúp người bệnh phát huy năng khiếu của mình. Ngoài ra còn có các xưởng làm nước mắm, dầu dừa, xà phòng... có sân banh, hội trường văn nghệ, ca vũ nhạc kịch... tạo khung cảnh vui tươi giúp cho người bệnh quên đi nỗi đau khổ và cuộc sống của họ phần nào tự lực thu nhập, có công ăn việc làm và đồng ra đồng vào, tránh mọi mặc cảm với xã hội...

Số bệnh nhân tại đây mỗi ngày mỗi tăng, từ Nam ra, từ Bắc vào, cho đến năm 1974, sĩ số bệnh nhân phong trong trại đã lên đến 5422 bệnh nhân. Các nữ tu nhiều quốc tịch khác cùng với các nữ tu Pháp, Việt nối tiếp nhau đến Qui Hòa phục vụ. Nhờ ơn Chúa, ước mơ ban đầu đã dần dần trở thành hiện thực: những con người bị đặt ra ngoài lề xã hội, những con người vì bị thành kiến, phải chịu giam nhốt cách ly thì nay vẫn luôn giữ được nhân phẩm, những con người thất vọng trở thành tin tưởng, u buồn trở thành vui tươi, những con người được yêu thương trở thành biết yêu thương người đồng cảnh ngộ, những người tưởng rằng đã tàn phế không ngờ vẫn còn hữu ích…. Nhật ký của Sr. Magarita (mất và an táng tại Qui Hòa năm 2001) có ghi lại thời điểm bệnh viện có đến hơn 1000 bệnh nhân mà con số chị em phục vụ cả thảy chỉ có 10 người. Có hôm các Mẹ vắng nhà gần hết để đi xin cho bệnh nhân, chỉ còn 2 Sơ ở nhà, một người lo trực để giải quyết mọi chuyện ở bệnh viện, một người bao thầu mọi chuyện ở nhà, cũng sợ lắm nhưng rồi mọi chuyện đều hoàn tất tốt đẹp. Các anh chị em bệnh nhân phong được chỉ vẽ huấn luyện để có thể giúp nhau trong nhiều công việc mà các nữ tu không thể lo xuể, và tình người được thể hiện trong niềm vui an bình, nhiều người đã được ơn trở về với Chúa.

Năm 1940, chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ phục vụ tại Qui Hòa đã chứng kiến cái chết lành thánh của nhà thơ trẻ François Nguyễn Trọng Trí - Hàn Mặc Tử. Thi sĩ Hàn Mặc Tử là bệnh nhân thứ 5247 đã đến với Qui Hòa. Lúc từ trần, trong túi áo của thi sĩ còn để lại hai bài văn xuôi, nói lên ơn lành quý trọng đồng thời để ca ngợi các nữ tu, bài tiếng Việt nhan đề Linh Hồn Thanh Khiết, bài tiếng Pháp nhan đề La Pureté De L’Âme, thi sĩ đã nói: “Chính ở nơi đây, tại Qui Hòa, tôi đã nhận được ơn lành quý trọng nhất đời tôi”.

Thi sĩ Trương Phong Linh đến thăm Qui Hòa năm 1981 cũng có để lại mấy vần thơ như sau:

Chính nơi đây có tình người cao đẹp,

Những mẹ hiền xoa dịu vết thương đau,

Ngày đêm mưa nắng dãi dầu

Bàn tay áo trắng cứu bao mạng người.

Ôi đẹp quá, Qui Hòa, ôi đẹp quá!

Đẹp tình người, đẹp trọn những ước mơ,

Yêu thương, hò hẹn, đợi chờ,

Vì tình nhân lọai, hy sinh cuộc đời...

Các văn sĩ, thi nhân, nhạc sĩ khác, cũng như nhiều nhà báo, nhà làm phim đã bao lần nói về Qui Hòa, và và chắc hẳn họ không quên đề cập đến các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ phục vụ tại Qui Hòa, chẳng hạn như:

·       Ông Trần Đình Thái, trong sách ‘Ai có về Qui Nhơn’, sau khi đã nói nhiều về nếp sống của bệnh nhân phong ở Qui Hòa, có viết: “Thế mới biết lòng quả cảm và đức hy sinh của các soeurs ở đây đến độ nào" (Trần Đình Thái, Ai có về Qui Nhơn, Ấn Quán Hạnh Phúc - GòVấp-1973, tr.76).

·       Tác giả Chung Nhi trong Báo Gia đình và xã hội số 19, ngày 05/03/2002 có bài "Người bác sĩ với 40 năm sống cùng bệnh nhân phong" có viết: " Ông đã được gặp những nữ tu thuộc dòng Franciscaine ở trại phong Qui Hòa. Ông đã thấy ở họ sự nhẫn nại dịu dàng đến tuyệt vời trong chăm sóc bệnh nhân..., ông nói "Tôi được nghe các bệnh nhân kể về xơ Charles Antoine, Giám đốc cũ của Viện, đêm đêm ngồi trực bên giường bệnh nhân, sẵn sàng tận tay dọn cả nhà vệ sinh nếu gặp thấy bẩn".

·       Ông Trọng Giang với bài bút ký ‘Hoa Dạ Hương ở biển Qui Nhơn’, đăng trong tập san Văn Nghệ...

·       Ông Mạnh Việt trong bài phóng sự ‘Nơi tình người bao la'.

·       Ông Bùi Lợi với bài phóng sự ‘Ấn tượng Qui Hòa'.

·       Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn nguyên Giám đốc BV Phong Qui Hòa tâm sự: "khi đến Qui Hòa, tôi học tập được nơi các soeurs rất nhiều, họ là những tấm gương phản chiếu lòng nhân ái vô biên" (báo SGGP, số 123 ra ngày thứ bảy 22.5.1993). Trong quyển sách của bác sĩ tựa đề: "Bệnh phong, phương pháp và cách điều trị" xuất bản năm 2001, bác sĩ có viết trong lời nói đầu: "Chính những hành vi cao đẹp của các nữ tu Phan Sinh đã giúp tôi tìm được chân lý của tình yêu thương...".

·       Nhiều bài viết khác trong Báo Công Giáo và Dân Tộc cũng như các báo khác.

·       Hình ảnh người nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ cũng được đưa lên phim ảnh, trong phim ‘Chuyện tử tế', phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Trần Văn Thủy, một phim đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, đã dẫn kỷ lục trong những năm 1988-1991.

·       Bộ phim "Bến sông Trăng" quay tại Qui Hòa cũng đề cao hình ảnh của người nữ tu với lòng nhân ái bao la...

Năm 2012 này, tròn 80 năm chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đến Qui Hòa, cũng là năm Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đánh dấu 80 năm hiện diện trên quê hương Việt Nam. Đây là dịp để chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ cùng nhìn lại quãng đường dài hơn ba phần tư thế kỷ đã qua. Với bàn tay Chúa Quan Phòng yêu thương dìu dắt, Hội Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã từng bước đi vào lòng Giáo Hội Việt Nam, cùng đồng hành với đồng bào và dân tộc Việt Nam qua những bước thăng trầm của lịch sử quê hương đất nước. Nhìn lại thời gian qua để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì tất cả là hồng ân Chúa ban, và nhìn lại để thấy rõ hơn những gì mình đã sống và thực hiện. Nhìn lại cũng là vì chị em muốn tiếp tục con đường phía trước để dấn thân phục vụ trong hăng say và yêu mến, phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân theo ơn gọi và đoàn sủng của Hội Dòng.

 Hiện nay, cộng đoàn Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Qui Hòa vẫn tiếp tục sứ mạng ban đầu là chăm sóc, giúp đỡ anh chị em bệnh nhân về mặt tinh thần lẫn thể xác, tuy ngày nay hình thức phục vụ có đa dạng và khác hơn với ngày trước, so với lúc mà bệnh phong còn là chứng bệnh nan y và gây nhiều sợ hãi. Hơn nữa vai trò của chị em cũng có thay đổi từ năm 1976, khi mà Khu Điều Trị Phong Qui Hòa được chuyển giao cho nhà nước quản lý và điều hành. Công việc hiện tại của chị em là đóng góp tích cực phần mình để giúp phát triển đời sống và nhất là chăm lo tinh thần cho anh chị em bệnh nhân và con em họ. Một số chị em tiếp tục phục vụ anh chị em bệnh nhân Phong trong bệnh viện, chị em lo phụng vụ trong nhà thờ -  Phụ trách các ca đoàn - Dạy các lớp giáo lý - Trao Mình Thánh Chúa, thăm viếng và dạy giáo lý thêm cho những bệnh nhân già yếu trong trại không thể đến tham dự thánh lễ tại nhà thờ.

Trong các hoạt động xã hội, chị em tập trung vào việc nâng cao đời sống của các bệnh nhân, trợ giúp thêm phần lương thực cho những bệnh nhân già yếu, tàn phế không lao động được, giúp thêm phần ăn cho một số bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên thăm viếng, an ủi các bệnh nhân trong bệnh viện và khu an dưỡng. Ngoài ra, chị em còn giúp đỡ nhiều cho các con em bệnh nhân: tạo quĩ tín dụng, giúp vốn để họ làm ăn sinh sống, trợ giúp làm nhà cho những em mới lập gia đình, giúp phương tiện xe đưa đón con em bệnh nhân ra thành phố học cấp II và III, trợ giúp học bổng cho những em học nghề hoặc tiếp tục học lên đại học... Một số chị em trong cộng đoàn đã đến tuổi cao niên phải từ giã bệnh viện để tham gia các công việc phục vụ khác như làm vườn, chăn nuôi, làm nước mắm cho cơ quan và bệnh nhân, hoặc đã trở về hưu dưỡng tại tu viện Phanxicô với ước nguyện được an nghỉ tại nghĩa trang Qui Hòa.

Tất cả các hoạt động của chị em ở Qui Hòa là nhằm phục vụ anh chị em bệnh nhân phong và con em họ, không phân biệt lương giáo. Chị em có thể làm tốt được công tác phục vụ này là nhờ sự quan tâm giúp đỡ quảng đại của rất nhiều ân nhân xa gần và nhất là của Hội Dòng hỗ trợ góp phần vào. Sự tận tâm phục vụ bệnh nhân của chị em đã không ngừng khơi dậy lòng hảo tâm của biết bao người vì yêu thương mà muốn chia sẻ những gì mình có cho người khác, nhất là cho những người bệnh phong kém may mắn, để giúp họ sống vui và sống hạnh phúc hơn vì biết rằng mình đang được yêu thương. Trong dịp kỷ niệm 80 năm hồng ân này, Tỉnh Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Việt Nam sẽ tổ chức thánh lễ tạ ơn long trọng tại Qui Hòa (ngày 8/12/2012) để cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho Tỉnh Dòng cũng như cho mọi ân nhân xa gần.

Qua bài chia sẻ đơn sơ này, chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ mong ước mời gọi mọi người dâng lời tạ ơn Chúa với Hội Dòng, vì công trình Chúa đã thực hiện qua các chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Việt Nam trong suốt 80 năm qua, đặc biệt trong công việc phục vụ tại trại phong Qui Hòa. Chị em FMM cũng xin chân thành cám ơn quí ân nhân xa gần đã quảng đại giúp đỡ cho các bệnh nhân phong tại Qui Hòa bằng nhiều cách, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nguyện xin Chúa ân ban tràn đầy hồng phúc, và giúp mỗi người chúng ta trở thành khí cụ bình an, đem niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người sống quanh ta...

                                             Chị em fmm  Tỉnh Dòng Việt Nam.